Cô gái mặt đểu trên chuyến xe cuối

Thứ năm - 19/08/2010 12:23 2.725 0

Minh họa: Hồng Thiện Cường

Minh họa: Hồng Thiện Cường
1. Cô gái ngồi trên chiếc ghế đơn cạnh cửa xe từ lúc xe xuất bến. Một cô gái mặt đểu... Tôi nghĩ thế!

2. Chuyến xe buýt cuối cùng rời khỏi bến một cách uể oải. Dàn máy móc bên dưới nghe có vẻ bệnh tật. Bến xe nằm ở ngoại ô, tối mù. Vài ba cái xe đẩy bán đồ ăn, nước uống linh tinh đang đợi những chuyến xe cuối chạy một quãng xa là họ cũng đẩy xe đi. Họ đi một vòng ngoại ô, bán tháo những thứ còn sót lại sau một ngày ngồi dài ở bến xe buýt. Gã bán bánh mì thịt nướng ngồi ngáp dài. Những xâu thịt đang cháy dở. Gã rủa, quái, sao bữa nay chuyến cuối lại chạy sớm năm phút mười hai giây, gã nhìn chiếc đồng hồ điện tử cũ mèm đeo ở tay trái, chặc lưỡi, vỗ tay vào đùi, biết thế đừng có nướng thêm thịt, ế nhệ rồi. Cũng phải, năm phút mười hai giây cũng đủ để gã bán được năm ổ bánh mì cho những người đi xe buýt đói meo. Gã cũng quầy quả đẩy xe bánh mì ra khỏi bến như những xe hàng khác, miệng gã vẫn cảm thán liên tục.

Tôi hay mua của gã một ổ bánh mì thịt nướng vì ở bến xe, đồ ăn của gã bán ngon nhất. Gã pha nước mắm bằng cái thứ gì mà ngon lắm. Lát ớt của gã xắt kiểu gì mà nhìn thèm con mắt. Những bữa không đi bến này là tôi thèm bánh mì của gã đến nao người. Gã đâm ra quen mặt. Thỉnh thoảng, gã thêm cho tôi cả xâu thịt, gã bảo, tướng tôi quý, vừa đi là khách tới nườm nượm, thịt không kịp chín. Thành ra, những lúc tôi ở bến sớm, tôi luôn tranh thủ là người mở hàng cho xe bánh mì của gã.

Tôi là một gã soát vé trên những chuyến xe buýt đường dài. Có bữa tôi đến bến này, có bữa tôi đến một bến xe khác.

o0o

Tôi hớp ngụm trà đá trong cái ly nhựa mua vội ở bến xe. Tôi nghe mùi trà ôi thiu nhưng cũng cố lùa vào cổ họng vì đang rất khát. Càng về đêm, xe buýt càng chạy nhanh làm tôi chẳng lấy đâu thì giờ mà kiếm một thức uống ra hồn. Tôi lục lại xấp vé trong hộc sắt đặt ở góc xe buýt, kiểm kê lại lần cuối cùng. Thủ tục xuất bến chỉ ngần ấy chuyện. Tôi nằm dựa trên ghế, mặc cho bác tài xế vừa lái xe vừa kể chuyện. Chương trình VOV giao thông trên FM 91 MHz đang có thông báo kẹt xe, ùn ứ cục bộ ở ngã năm Chuồng chó. Cái ngã năm chẳng can hệ với lộ trình của tuyến xe. Tôi còn nghe, chưa có một người cảnh sát giao thông nào ở đấy để phân luồng giao thông. Cuối cùng, chẳng cần tính toán một ngã đi khác hay chui trong một con hẻm chật ních nào đấy để trốn khỏi đoạn kẹt xe đến điên người, tôi tiếp tục nằm phờ, chẳng buồn nhấc chân dậy đi xé vé cho khách. Trên xe, cả một quãng dài chỉ có một cô gái ngồi phía sau. Trái với những chuyến xe cuối về ngoại ô, lúc nào cũng chật ních người, gắng gượng đi chuyến xe cuối cùng để về, những chuyến xe cuối từ ngoại ô lên bến xe trung tâm thường vắng  khách.

Cô gái ngồi không nhúc nhích gì. Mặt ngước ra phía con đường, chẳng biết có ngủ gật trên xe không. Tôi cũng chẳng buồn đến bán vé. Tôi nhún vai, thôi kệ, nó có xuống bất tử thì mất một vé cũng chẳng hề gì, bức quá, bù vài nghìn cũng không là bao. Tôi nằm thiếp đi trên ghế. Kênh VOV đang phát một bài hát não nề của chương trình quà tặng âm nhạc. Một bài hát tôi đã nghe rất nhiều lần mà không nhớ nổi cái tên. Những ngày bắt đầu đi chuyến xe dài, tôi mất ngủ trầm trọng. Đoạn chuyến cuối tôi thường chểnh mảng như vậy. Xấp tiền lẻ lỉnh khỉnh trồi ra khỏi túi áo màu xanh cứ tưởng như rơi xuống nền xe.

Cô gái vẫn ngồi im, mặt vẫn ngước nhìn bên ngoài cửa sổ…

Chuyến xe buýt cuối, độc mỗi hành khách, dù nhiều trạm xe buýt đã đi qua…

3. Mưa. Tôi ớn tới tận cổ những cơn mưa đêm như thế này. Người cứ ủ dột theo. Mồ hôi bết đầy cổ áo, thốc lên thứ mùi gớm ghiếc. Tôi muốn về căn phòng trọ nhỏ bé, thả bộ đồ hôi hám vào thau, tắm một trận đã đời và đi ngủ. Nhưng còn cả gần chục trạm xe buýt, thủ tục nhập bến, đếm tiền, kiểm kê vé linh tinh và một đoạn đường gần năm sáu cây số chạy xe. Thật lặng lẽ và nhàm chán!

Cô gái vẫn ngồi đó. Lần này đã có dấu hiệu nhúc nhích. Cơn mưa đêm rầm rì ngoài kính xe làm tôi tỉnh táo hẳn lên. Cũng chẳng một hành khách nào bước lên xe buýt. Tôi đứng lên, uống ngụm trà đá nhạt phèo còn lại ở đáy ly. Vặn người. Khớp hông kêu lên côm cốp như thể mớ xương ở đó đang chuẩn bị vụn ra từng đoạn nhỏ.

 

- Cô gái, mua vé! - Tôi bước đến chỗ cô đang ngồi vạ vật. Tôi lặp lại lần thứ ba, khẩu độ tăng dần. Tôi luôn khó chịu đối với những hành khách coi những người soát vé như tôi chẳng ra gì.

Cô gái đưa ánh mắt khó chịu về phía tôi. Mắt cô ta vẽ chì đậm kinh hồn. Cái gò má cao trời thần. Môi cô ta không có dấu hiệu mấp máy để chực nói ra một điều gì. Nhìn cô ta lì không chịu được. 

- Chị ba mua vé đi chứ? - Tôi giở cái giọng của mình ra. Đập đập xấp vé vào lòng bàn tay, tạo ra thứ âm thanh hống hách. Định chực đuổi cổ cô ta xuống xe, thì cô ta nhếch người lên, lôi tiền trong túi quần jeans chật cứng. Một cái quần jeans ngắn cũn. Những tờ tiền bị vò nát bét, may là chưa có dấu hiệu rách rưới. Tôi thấy có nhiều vé xe bus đang bị nát vụn, có lẽ cô ta đã ngồi trên xe bus cả ngày trời.

- Cô đi tới đâu? - Tôi bắt đầu nhẹ giọng mặc dù chẳng ưa cái thái độ của ta chút nào.

- Bến cuối! - Giọng cô đanh đá, gọn lẻm. Cô ta chìa ba ngàn trước mặt tôi.

- Một ngàn nữa - Tôi rụt vé lại, đưa cái nhìn khó chịu về cô ta - Tới bến cuối, vé bốn ngàn.

- Gì? - Ép khách hả ông nội! Chẳng có tuyến xe buýt dịch hạch nào trong cái thành phố này mà bán vé kiểu ấy.

- Có! Ít nhất là cái tuyến xe mà cô đang ngồi đây - Tôi lại buông giọng - , Cho xin thêm một ngàn đi, còn không thì độ hai trạm nữa cô phải xuống, chỗ ấy là nơi giá chót của vé ba ngàn. Đừng giở giọng trả giá trên xe buýt, chán lắm…

Tôi ngán ngẩm khi nói những lời nặng nề với khách. Cô gái vẫn cứ trợn mắt lên nhìn tôi. Cô ta tiếp tục bới móc trong  túi quần chật chội. Gương mặt cô ta bắt đầu mang dấu hiệu lo lắng. Trông cũng thật tội nghiệp.

- Hết tiền rồi phải không? - Tôi nhẹ giọng, chìa chiếc vé bết đầy mồ hôi tay cho cô ta - Thôi, chuyến cuối, khuyến mãi luôn.

Tôi thấy đôi mắt cô ta mờ xuống. Thật ra, cô gái có một đôi mắt buồn. Tôi rất thích những cô gái có đôi mắt buồn. Đôi mắt buồn trên gương mặt đểu.

o0o

Mưa vẫn rả rích rơi. Những mặt người phờ phạc, chen chúc ở những trạm xe buýt. Chuyến xe cuối đã chạy vào nội thành nên thỉnh thoảng cũng có vài ba người lên xe để đi một đoạn ngắn về nhà. Đa phần họ đều mang ủng hay đội nón bảo hộ các thứ. Họ thường đứng vì đoạn đường rất ngắn. Tôi kêu họ ngồi cho khỏe, họ bảo: "Ngồi xuống đang mệt phờ là ngủ ngay, lỡ trạm, giờ này đi bộ có mà chết dở!". Họ luôn chuẩn bị những đồng tiền lẻ để mua vé. Điều này làm tôi thích nhất. Họ líu ríu những câu chuyện về một ngày vất vả. Đôi khi cũng làm tôi chạnh lòng.

Cô gái mặt đểu khục khặc ho, kiểu gần như nôn mửa. Tôi ớn nhất là cảnh nôn mửa trên xe, vừa bẩn vừa phiền phức. Vài ba lần, tôi phải lau dọn chỗ nôn của những hành khách vô ý. Đôi lần, tôi cũng muốn nôn theo. Lần này, trong cơn váng vất của cả ngày dài trên những tuyến xe buýt, tôi thấy lùng nhùng ở cuống họng. Tôi vội đứng lên, đánh ực nước bọt trong cổ, đến sát chỗ chiếc ghế đơn, nơi cô gái đang ngồi:

- Cô muốn nôn à?

- Không, cảm ơn, tôi đang bị ho thế thôi - Cuối cùng, cô ta cũng nói được một câu tử tế.

- Nếu muốn nôn thì có bịch ni-lông treo trên xe -  Tôi chỉ vào những cái bịch ni-lông đen đang treo lủng lẳng ở thùng máy lạnh của xe. Tôi biết, chẳng một ai tự nhận mình đang chuẩn bị nôn. Cô gái nhìn theo tay tôi, đôi mắt đẫm buồn của cô làm tôi chết được.

Những người khách mang ủng đã xuống xe. Cánh cửa xe đóng mở ken két trong đêm, dưới ánh đèn tù mù. Xe lao nhanh về bến, chỉ còn tài xế, tôi và cô gái mặt đểu...

Mưa vẫn không ngừng rơi.

4. Xe đổ bến. Tôi vội đứng lên vặn vẹo người một tí, thở nhẹ. Thu dọn đồ đạc, chạy vội về ban quản lý để bàn giao. Tôi ký cái roẹt vào biên bản giao nhận, uống ké cốc nước của bà chị quản lý, lao vội vào khu giữ xe, nổ máy chạy về nhà.

Tôi bật đèn xe. Ánh đèn rọi thẳng vào nhà chờ xe buýt ở bến. Cô gái mặt đểu vẫn ngồi ở đó. Đôi chân cô khẽ run lên vì chiếc quần jeans ngắn cỡn không đủ ấm. Tiết trời sau cơn mưa trở nên lạnh lẽo. Cô chẳng buồn nhìn lên, mặc cho chiếc xe máy đang tạt ánh sáng khó chịu vào mặt. Cảnh tượng làm tôi nghĩ đến những người vô gia cư ở thành phố này. Tiếng thắng xe làm cô gái giật mình, ngước mặt nhưng chẳng buồn biểu lộ một cảm xúc gì:

- Cô không về nhà sao? Giờ này ngồi đây không ớn à?

Cô vẫn im lặng. Trong ánh đèn tù mù, mắt cô gái vẫn buồn đến não lòng. Tôi nhìn quanh quất xem có dấu hiệu của một kẻ đưa đón nào không. Tôi cũng chẳng buồn hỏi thêm, rồ ga chạy đi. Nhẹ lòng.

- Anh xe buýt! - Cô gái hét lên khi tôi chạy được một quãng ngắn độ vài vòng xe.

Tôi đạp thắng. Bánh xe có dấu hiệu trượt đi. Tôi ngoắt cổ lại:

- Sao? Tôi giúp gì được cho cô?

- Tôi theo anh về được không?

- Sao? - Tôi trố mắt nhìn.

- Tôi không còn chỗ nào cả… - Đoạn nói xong, cô cúi mặt xuống.

- Làm sao tôi tin một người như cô được. Cô đi đâu, tôi chở cô đi một đoạn, giờ này chắc cũng hết xe buýt rồi.

Câu chưa dứt, cô gái đã khóc. Tiếng khóc rấm rứt xé toẹt sự im lìm của bến xe. Tôi bắt đầu cảm thấy phiền. Bóp còi liên tục, bảo cô hãy nín đi.

Tôi chở cô gái mặt đểu trên chiếc máy cũ mèm…

- Có phải cô khóc để làm động lòng tôi không?  -  Tôi hỏi như thể vì mình đã nhẹ dạ.

- Không. Khóc vì chẳng ai tin tôi.

5. Căn nhà trọ bừa bộn làm tôi ngần ngại khi cô gái bước vào. Tôi rụt rè ấn công tắc đèn. Quần áo, vài ba tờ báo, đĩa phim, đầu lọc thuốc lá các thứ vương vãi khắp phòng. Tôi vơ vội vàng vào một góc, ngài ngại nhìn cô gái:

- Phòng ốc của đàn ông thế, mong cô thông cảm!

Chưa dứt câu, cô gái đã gục mặt trên chiếc ghế cũ mà người chủ trọ để lại. Bộ dạng xốc xếch của cô hư hỏng chết được. Tôi lay nhẹ cô dậy nhưng chẳng ăn thua gì. Tôi cởi đôi giày cao gót trên hai bàn chân nhỏ bé của cô, đắp cho cô ta một cái mền. Cái mền đã bốc mùi dữ rồi nhưng chẳng còn cái nào hay ho hơn. Lúc cô ngủ, không khóc, nhìn mặt cô, cảm giác làm người khác phải dự liệu. Tôi bắt đầu ơn ớn khi rước cô về phòng.

Tôi vào nhà tắm. Sau một ngày dài lừ đừ, bụi bặm trên xe buýt, tôi thích được xối mình trong nhà tắm, kỳ cọ, lau sạch cơ thể bằng khăn bông, uống một chút gì đó mát mát, xem phim rồi hẹn giờ đồng hồ cho ngày làm hôm sau. Buổi tối của tôi tuy nhạt nhưng xem ra cũng khá thú vị. Thỉnh thoảng, tôi cũng xem phim cấp ba từ những cái đĩa vớ được của những người bán dạo trên xe buýt trong bộ dạng thoải mái. Những lúc ấy, tôi muốn một cô gái ở bên cạnh, chỉ để làm tình. Cô gái mặt đểu đang ở bên cạnh tôi, cách tôi vài ba bước chân ngắn trong căn phòng chật chội, nhưng chẳng một ý nghĩ dục vọng nào hiện ra trong đầu tôi. Tôi chùi qua loa sàn nhà vì cả tuần chưa đụng đến nó. Phòng vắng người nhưng bụi vẫn bám đều đều. Đoạn xả nước cây chổi lau nhà, tôi tắt đèn, bật đèn ngủ tù mù. Cái đèn ngủ trước đây chẳng bao giờ được bật. Tôi thích ngủ trong phòng tối hơn. Tôi mặc vội chiếc áo thun có dấu hiệu rách ở cổ, những chiếc áo mà tôi chưa bao giờ mặc khi ngủ vì nó khá nực nội. Nhưng tôi không muốn khi thức giấc, cô gái thấy tôi trong bộ dạng khó coi. Tôi trở người ba lần và ngủ một giấc dài tới sáng, khi chuông báo thức điện thoại reo một bản nhạc không lời Sonata in F Major. Tôi thích bản này, khi nghe tiếng chuông điện thoại của một hành khách trên xe buýt, tôi đã xin người khách ấy bắn bluetooth sang điện thoại của tôi. Tôi dùng nó làm nhạc chuông, nhạc chờ lẫn chuông báo thức mỗi sáng thức dậy. Một bản nhạc hơi cổ và nhẹ nhàng...

Bản Sonata in F Major đi được nửa bài thì tôi tỉnh giấc, như một thói quen mặc định. Tôi lật đật trở dậy, súc miệng, tắm táp chút đỉnh, thay đồng phục. Đoạn chuẩn bị thay quần dài, tôi nhớ ra đang có một cô gái trong phòng. Tôi quay cổ thì cô gái đã đi mất rồi. Tôi lắc đầu ngao ngán, chặc lưỡi đôi chút rồi tiếp tục thoải mái thay đồ. Tôi lọ mọ đến nơi để chiếc quần jeans hôm qua mặc đi làm. Thật điên, cái ví tiền của tôi đã biến mất, chỉ còn lại chứng minh nhân dân, bằng lái xe, bảo hiểm nhân viên và một vài giấy tờ hành chính. Tiền thì mất sạch. Những gì tôi dự liệu hoàn toàn diễn ra trước mắt. Một cô gái mặt đểu…

Tôi bắt đầu chửi thề. Cái thứ đàn bà mặt đểu. Cái thứ đàn bà rách nát…

Một ngày nhàm chán trên xe buýt lại bắt đầu. Tôi mãi chỉ là một kẻ soát vé ngu ngơ, sợ những cô gái mặt đểu…

Tác giả: Trần Minh Hợp

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Cùng một tác giả

Xem tiếp 


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây