Miền hư ảo

Chủ nhật - 01/08/2010 17:29 3.068 0

Miền hư ảo

1. Căn nhà cổ đến nỗi không còn có thể cổ được nữa. Giang thích nó vì cái vẻ cổ kính ấy. Nơi đây sẽ là nguồn cảm hứng bất tận cho những người lãng mạn, gan dạ, và dĩ nhiên cả những kẻ nhút nhát nữa. Căn nhà u ám và lạnh lẽo vào mùa đông. Mùa hè thì đỡ hơn một chút.

Và bây giờ là mùa đông.

Nhà nằm trên một bãi đất hoang, đơn độc. Xung quanh cây lá um tùm. Lẫn trong đó là những ngôi mộ lâu ngày không ai quét dọn, xám xịt hệt những bức tường nhà. Giang có thể tưởng tượng nếu có một ngày, chúng nép vào sát tường, thì hẳn không ai nhận ra trước đó chúng là hai vật thể khác hẳn nhau.

Nhà gồm tám căn phòng, lớn nhỏ đủ cỡ, phòng nào cũng tối tăm và đầy mạng nhện, cứ như nhện ở khắp thế giới quy tụ về chăng tơ, xây tổ. Ngày bọn Giang đến quét dọn, chúng chạy nháo nhào một lúc rồi mất dạng. Giang không biết vì lẽ gì chúng có thể chạy nhanh đến như thế và chúng có thể đi đâu trong khoảng thời gian ngắn vậy. Giang cũng đã bỏ công tìm chúng, nhưng tất cả cứ như chui xuống đất, không còn dấu tích. Giang cảm thấy tiếc. Biết đâu, chúng lại là những nhân vật đặc biệt trong tác phẩm của mình.

Trong phòng là những bức tường vôi loang lổ, cửa sổ với những chấn song cong lên một cách kì lạ. Đứng trong phòng, hơi lạnh từ dưới đất và những bức tường vôi tỏa ra làm người ta có thể tưởng tượng mình đang đứng trong lòng đất, hay một tòa lâu đài cổ đến triệu năm.

2. Nguồn cảm hứng bất tận luôn được phát sinh từ những nơi mới lạ. Nơi đây đúng là mới lạ đối với bọn Giang. Không điện, không nước, ma quái theo đúng nghĩa của nó. Điều đó không có nghĩa là mỗi đêm, khi Giang kéo chăn lên tận cổ thì sẽ nghe tiếng bước chân xèm xẹp ngoài kia dù Giang biết chắc rằng mình là người ngủ sau cùng, hay giữa đêm thức dậy, chợt thấy ai đó nhìn mình với vẻ mặt đầy kinh dị, nhưng cũng không hẳn là dễ chịu hơn thế. Bởi vì mỗi ngày - ban ngày chứ không phải ban đêm Giang đều nghe một người địa phương kể chuyện căn nhà, những câu chuyện không đầu, không đuôi, không nhân vật nhưng dễ sợ theo đúng nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

Câu chuyện đầu tiên được kể trong lúc Giang đang lúi húi quét dọn căn phòng mình ở. Căn phòng nhỏ nhắn, xinh xắn và thoáng chút âm u. Ánh sáng của cái cửa sổ duy nhất mở được đột nhiên bị che kín bởi một ái đầu bù xù của một đứa con trai khoảng chín, mười tuổi gì đó. Giang chưa kịp nói gì thì nó đã nhe răng cười, trỏ về phía cửa phòng và đặt tai lên môi ra dấu im lặng. Ngạc nhiên và thích thú, Giang mỉm cười: “Có gì à?”. “Ma, chị không nghe thấy bước chân chúng sao”. “Không”. “Vậy thì thôi”. Giang chưa kịp hiểu thôi là thế nào thì thằng bé đã lĩnh mất. Giang mỉm cười vì cho đó là lời nghịch ngợm của trẻ con và thôi không nghĩ tới nữa.

Vậy mà chiều hôm đó, cậu bé đến, Giang dừng bút, mỉm cười: “Rất tiếc, mấy con ma của em không tới”. “Tối thì biết, ở đây ai cũng thấy chúng cả”. Cậu nói rồi nhìn Giang sợ sệt và chỉ lên ngọn cây xoài lù xù ngay góc rẽ: “Buổi tối chúng ở trên đó, giặt giũ và ca hát, áo chúng phơi bay chấp chới trong đêm”. Cậu bé rùng mình, Giang mỉm cười: “Còn gì nữa”. Cậu lại xì xầm những điều xưa như trái đất về mấy con ma. Giang đã kể lại cho nhóm bạn đi chung nghe. Tin và không là hai điều Giang cảm nhận được. Cô không thuộc điều nào cả, cô tin, và cả không nữa.

Nhất là chuyện cô gái con chủ nhà cách đây hai trăm năm đã chết trên mái lầu chếch ngoài căn nhà, nơi mà bọn Giang vẫn thường gọi là lầu vọng nguyệt. Và đêm đêm, cô hiện về ca hát vì lời ước hẹn với người yêu là hai trăm năm sau sẽ hội ngộ. Giang biết, trong câu chuyện, đa phần chi tiết được thêu dệt, nhưng cô vẫn xúc động mạnh mẽ bởi chi tiết duy nhất: một cô gái mười bảy tuổi, dám chết vì người mình yêu. Cô là con gái một hào chủ khét tiếng trong vùng, yêu một người hèn kém. Người cha không chấp nhận bèn bắt chàng trai và bảo cô lấy chồng. Để đổi tự do cho người yêu, cô chấp nhận và tự sát ngay trong đêm cưới mang theo lời ước nguyện sẽ hội ngộ vào hai trăm năm nữa. Câu chuyện xảy ra vào một đêm trăng.

Giang không biết vì sao có con số hai trăm năm. Có lẽ đó là một con số tròn trịa nên người đời chọn nó để thêu dệt. Giang được cảnh báo là đã tròn hai trăm năm, và cô chợt có một ao ước kì lạ là sẽ chứng kiến được cuộc hội ngộ kia.

3. Bức vẽ nhiều màu sắc. Giang tâm đắc nhất là nó. Không phải vì sự đặc biệt khác lạ mà do Giang vẽ nó trong một không gian khác lạ.  Ngay trong đêm khi nghe xong câu chuyện, lúc mọi người đã ngủ, không gian hoàn toàn im lặng và đầy ánh trăng, Giang cầm bút lên và say sưa vẽ bằng một nguồn cảm hứng bất tận. Bức vẽ hoàn thành khi gà gáy sáng và lúc Giang gác bút cũng là lúc mặt trời lên.

Đêm cuối trước khi kết thúc chuyến đi, Giang ngồi lặng nhìn trăng. Trăng lại tròn, ánh trăng lại xuyên qua cửa sổ, xao xác trên mấy tán cây. Bức vẽ vẫn còn nằm trên giá. Bạn bè Giang đánh giá cao nó, nhất là hình ảnh gương mặt con gái lấp lánh sau những vệt màu. Họ bảo trông nó thật tươi và sống động và hỏi vì sao Giang lại có ý tưởng ấy. Giang chớp mắt. Chính cô cũng không có câu trả lời.

4. Giang tốt nghiệp bằng chính bức tranh ấy, điểm cao nhất. Bức tranh được giữ lại trong phòng triển lãm của trường. Đó là điều Giang không ngờ tới. Trong trường mỹ thuật, Giang không giỏi hơn ai, tranh của cô cũng chưa bao giờ được đánh giá cao. Giang không lý giải nổi điều gì đã làm nên điều ấy. Giang nhìn lại bức tranh một lần nữa và nhớ lại những lời kể của cậu bé về thế giới hư ảo quanh căn nhà. Gương mặt người con gái trong trăng, con gái chủ nhà, cô gái chết đêm tân hôn. Bất giác, Giang rùng mình.

5. Giang không biết sau hai trăm năm dài đăng đẳng, chàng trai có còn nhớ lời ước hẹn, và nếu còn nhớ thì chàng có trở về được không, linh hồn anh còn đó hay đã tan biến, đã hòa vào một thế giới khác tốt đẹp hơn và đang hạnh phúc trong cuộc sống mới. Cô gái sẽ thế nào khi gặp lại người yêu. Giang có thể hình dung ra sự chờ đợi cũng như niềm vui của cô khi gặp lại chàng trai. Chính Giang cũng đang có cảm giác ấy. Giang đã từng yêu, từng háo hức chờ đợi phút gặp mặt dù những lúc cô xa người mình yêu không lâu là mấy. Chỉ một ngày xa nhau cũng đủ làm người ta nhớ. Huống chi đã hai trăm năm.

Nhưng nếu chàng trai không trở lại thì cô gái sẽ thế nào. Giang biết nỗi buồn khi bị thất hẹn nhưng cô không hình dung ra cô gái sẽ ra sao khi trở về đây và nhận ra mình chỉ có một mình. Người ta sẽ rất đau lòng nếu như sự chờ đợi của mình là vô vọng, huống gì hai trăm măm không phải là một con số nhỏ. Rồi cô sẽ nghĩ gì về tình yêu, về người yêu, về sự hy sinh của mình, về những gì mình đã bỏ công tạo dựng. Và cô sẽ làm gì khi chỉ còn một mình mình trong cuộc sống, khi cái thế giới hai trăm năm trước và người yêu đã không còn.

Đêm sắp tàn. Bình minh sắp lên. Giang giật mình bởi tiếng cười khúc khích của cái đầu bù xù dạo nọ. “Vậy là chị đã trở lại”. Giang mỉm cười: “Ừ!”. “Chị tin câu chuyện kia sao?”. Giang chớp mắt. Sao đây nhỉ, câu chuyện như một huyền thoại, Giang không tin lắm vào huyền thoại. Nhưng huyền thoại thì đẹp và cần thiết cho cuộc sống biết bao.

 Cô tin vào tình yêu và hạnh phúc cũng như tin vào kết cục tốt đẹp của câu chuyện kia. Lầu vọng nguyệt vẫn im ắng lạ lùng nhưng Giang vẫn tin rằng trên ấy đang đầy ắp tiếng cười. Giang quay lại: “Thế em có tin không?”. “Tin chứ, nhưng trời sáng mất rồi, cuộc hội ngộ có lẽ đã kết thúc”. Giang mỉm cười, có lẽ vậy, họ đã gặp lại nhau. Đó là một kết cục tốt đẹp mà Giang đã từng mong mỏi ngay sau khi nghe câu chuyện. Họ sẽ hạnh phúc trong thế giới của riêng họ. Giang nghĩ đến bức tranh với gương mặt con gái cười. Đó là niềm vui của chính Giang trong cái đêm nghe câu chuyện, khi nghĩ về cuộc hội ngộ hai trăm năm đang đã đến thật gần.

Tác giả: Minh Châu

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Cùng một tác giả

Xem tiếp 


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây