Trẻ: Bùng nổ hay non nớt?

Thứ hai - 02/08/2010 00:00 2.235 0

Trẻ: Bùng nổ hay non nớt?

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Cách đây 30 năm tôi không bao giờ nghĩ rằng đến ngày hôm nay tôi được trả lời câu hỏi của một tờ báo để được nhìn nhận về những người trẻ vì lúc đó tôi đang là người trẻ bị hay được nhìn nhận. Nhưng nếu hôm nay tôi có thể được nhìn nhận đánh giá về họ như người lớn tuổi hơn, như một người đã đi trước và tôi nghĩ là việc đó như lớp sóng cứ thay đổi, thay đổi và lớp sóng này kế lớp sóng khác, không ai có quyền chống lại những quy luật đó

- Có một bộ phận những cây viết (chúng ta tạm dùng từ này để phân biệt với những nhà văn đã là Hội viên Hội nhà văn Việt Nam) hiện nay đang làm cho đời sống văn học nóng lên, sôi động lên. Vậy theo anh phải nói thế nào về vị trí của họ trong đời sống văn học hiện nay, và thực sự có nên phân biệt giữa nhà văn trong Hội và ngoài Hội?

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Các hội chỉ là một nơi mang tính tổ chức, như một tổ chức của chính phủ hoặc phi chính phủ, ở  đó người ta sinh hoạt, giao lưu, trao đổi, và có thể cùng nhau thực hiện những hoat động phụ trợ sáng tác. Vậy thì đời sống của các hội viên trong hội với các hội viên ngoài hội không tạo nên sự khác biệt khi họ cùng ngồi trên trang giấy sáng tác vì sáng tác luôn của mỗi một cá nhân, tự thân của cá nhân đó, nỗi cô đơn của cá nhân đó, và trong một thế giới riêng biệt của mỗi cá nhân đó. Còn câu hỏi chị đang đặt ra về những nhà văn ngoài hội tức những nhà văn trẻ đang tạo nên sự  sôi động, tạo nên những vấn đề mà bạn đọc và những nhà nghiên cứu để ý theo dõi thì tôi coi đó là điều đương nhiên. Vì nó có những đặc điểm như sau, một là những người trẻ luôn luôn tạo ra một sự khác biệt nào đó, sự khác biệt này có thể mang đến một tương lai rất lớn cho nền văn học, và sự khác biệt này có thể không mang đến một điều gì cả. Không phải sự khác biệt nào của cái hôm nay so với ngày qua đều đúng hoặc ngược lại, hoặc sai, nó phải được đặt ra trong từng văn bản, từng vấn đề mà tác phẩm đặt ra ở phạm vi cấu trúc, ngôn ngữ tác phẩm, tư tưởng và cảm xúc của nó. Những người trẻ tạo ra được sự sôi động hiện nay vì họ luôn viết với cái gì đang diễn ra xung quanh họ, không theo một lối mòn cũ, không theo những cái gì là truyền thống, không theo những giá trị mà chúng ta đã mặc định. Chính những đặc điểm đó sẽ mang lại sự chú ý của công chúng. Một ca sĩ mới xuất hiện luôn tạo nên một đời sống khác cho âm nhạc, và một hoạ sĩ, một kiến trúc sư cũng vậy hay một tân thủ tướng sẽ có nên những chính sách mới còn chính sách đó mang lại được một sự phát triển cho đất nước đó không lại là chuyện khác.

Cũng thừa nhận một điều nữa là những nhà văn tuổi từ 50 trở lên đã ổn định về mặt sáng tác. Sự bùng nổ, sự bất ngờ của họ sẽ rất khó khăn. Họ đã bắt đầu xác lập được phong cách và khẳng định được vị trí hoặc cao hoặc thấp hoặc rộng hoặc hẹp của cá nhân họ. Cách đây rất nhiều năm tôi đã nói cái mới của văn chương, sự bùng nổ của văn chương rất khó đợi chờ những người ngoài 40 tuổi, chúng ta chỉ đợi chờ những người dưới 40 tuổi mà thôi, chính bởi đặc tính của những người trẻ và những đặc tính của những vấn đề mà người trẻ đang đề cập, hay những đặc điểm khác trong lối sống, trong ngôn ngữ, trong cách thể hiện, trong những đề tài của đời sống đương đại này nó làm cho văn học của những người trẻ trở nên sống động hơn. Nhưng không phải sự sống động đó có nghĩa là sự vượt trội so với cái cũ, cũng không có nghĩa những cái cũ rồi là vĩnh viễn thành đỉnh cao mà không có ai vượt qua. Đó là tất cả những đặc điểm, những yếu tố  tạo ra tại sao những nhà văn chưa vào hội lại luôn gây nên những sóng gió, những dư luận, những sự bùng nổ nào đó, những vấn đề nào đó để tranh luận trong đời sống văn học.

-PV: Vấn đề đặt ra là mọi người thường gắn với quan niệm trẻ có nghĩa là mới nhưng trẻ cũng có nghĩa là non nớt?

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Khái niệm này đôi khi cũng rất mơ hồ, không hẳn là quan niệm đúng. Những người trẻ luôn đi tìm cái mới nhưng chúng ta cũng phải xác lập trong văn học cái mới này không phải là anh ta mang ra một cái chưa có là mới, cái mới đó nằm ở những vùng khác. Có những tác phẩm đã viết cách đây mười, hai mươi năm, một nửa thế kỷ, thậm chí trên một thế kỷ vẫn là cái mới. Tôi cho những tác phẩm của Hàn Mặc Tử vẫn mới hay Nam Cao cũng vậy và gần đây hơn, tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp viết hai mươi, hai nhăm năm trước nhưng vẫn mang đầy tính nóng hổi của thời đại chúng ta đang sống, với những câu trả lời về số phận của con người, những ý nghĩa sống của đời sống này. Nó mới không phải vì anh ta dám đưa sexy một cách lộ liễu vào tác phẩm, không phải anh ta là một kẻ phản kháng, cái mới ở đây nằm trong tư tưởng, trong ngôn ngữ, trong cái nhìn phát hiện, khám phá đời sống. Còn sự non nớt thì đương nhiên. Trước đây người ta quan niệm thi ca phải dành cho những người rất trẻ vì lúc đó tâm hồn đang đầy nhung tuyết, đang đầy cảm hứng. Nhưng hiện thực cho thấy các nhà thơ danh tiếng trên thế giới đi được bền được lâu trong sự nghiệp sáng tạo của mình và càng mang đến những tác phẩm có giá trị (tất nhiên không phải là lúc họ quá già t), đó là sự tinh kết của trải nghiệm sống và trải nghiệm văn hoá. Anh ta phải sống một cách nỗ lực nhất, phải tích luỹ trong người tất cả những suy ngẫm như một nhà hiền triết và phải dấn thân như một chiến sĩ cho nền hoà bình hay tự do, hay cho dân chủ, hay anh ta phải chiến đấu vì cái đẹp không ngưng nghỉ thì nó sẽ mang lại cho tác phẩm độ dày, độ sâu. Nhưng những người trẻ lại thường xuyên cho thấy một năng lực dồi dào, một khát vọng mãnh liệt, ước mơ lớn và một bước đi đôi khi liều lĩnh dù ở đó còn những cái non nớt. Đó là đặc điểm của những người trẻ không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới, và lịch sử của văn học cũng như lịch sử của các ngành khác đều cho thấy điều đó. Người ta mỗi một ngày sống kĩ hơn, sống dấn thân hơn, sống có trách nhiệm hơn và nhiều mơ ước hơn, với những suy tưởng sâu hơn, rộng hơn thì sẽ tạo nên độ dày, độ sâu trong tác phẩm.

-Tôi được biết là hiện nay một số người vẫn thường gọi anh  và một số nhà văn khác thuộc thế hệ anh là những nhà văn trẻ. Anh có thể chia sẻ với bạn đọc lí do và tại sao cụm từ nhà văn trẻ lại gắn với một người không còn trẻ như anh lâu thế?

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Quan niệm này được để lại từ một lịch sử nào đó, và nó cũng hơi hài hước, tất nhiên không sao cả, không ảnh hưởng đến những sáng tác của thế hệ chúng tôi như Nguyễn Quang Lập, Y Ban, Trần Anh Thái, Trần Quang Đạo. Nó không ảnh hưởng đến sáng tạo, đến sự phát triển, cũng không tác động đến vị trí văn chương hay ảnh hưởng của anh ta với bạn đọc. Nhưng đứng về mặt tổ chức một đất nước thì nó đầy hài hước và thiển cận. Cái này do không ít những người già hay những người thuộc thế hệ trước đôi khi vì cái gì đó, vì sự không mở rộng trong cách nhìn của mình, không mở rộng trái tim mình, vòng tay mình hay không mở rộng quan niệm của mình cho một thế hệ sau đó, thế hệ mà đứng ở vị trí nào đó có thể trợ giúp cho thế hệ trước, hay thay thế cho thế hệ trước trong việc quản lí... Đó vừa là hạn chế vừa là thiển cận của những người đi trước khi nhìn những người trên 50 tuổi là những nhà văn trẻ. Điều này thì các nhà văn thua các nhà kinh tế học, các nhà chính trị. Chúng ta có những nhà kinh tế rất trẻ, nhà chính trị rất trẻ, và có những doanh nghiệp cực trẻ. Đặt vấn đề trẻ này trong đó có một cách nhìn nhận hài hước nhưng cũng có tính hẹp hòi trong quan điểm. Một người như chúng tôi viết thơ khoảng 30 năm nay, in gần 30 cuốn sách mà vẫn cho rằng những người đó đang thể nghiệm.

 Không, họ không phải thể nghiệm nữa, họ đã xác lập chính họ. Có thể phong cách của họ được chấp nhận ở phía này mà không được chấp nhận ở phía khác, nhưng ở đó họ đã định hình phong cách. Những người đang thể nghiệm tôi cho rằng chỉ ở độ tuổi 20 đến 30 còn khi đã ngoài 50 tuổi viết 30 cuốn sách trong một một ý thức, một quan niệm mỹ học và quan niệm nhân văn như vậy thì không còn là thể nghiệm nữa. Cho nên ở đây có sự mập mờ, có sự không rõ ràng rành mạch, có sự không trách nhiệm và mang tính cá nhân. Các nhà văn tưởng như là những người đi trước thời đại hoá ra trong quan niệm của không ít người lại cũ hơn tất cả những ngành nghề khác. Quan điểm này tôi cho là không đúng, và tôi phải nói rằng nếu khi tôi 60 tuổi hay 70 tuổi gọi tôi là nhà văn trẻ cũng không có ý nghĩa gì, không ảnh hưởng gì đến tất cả sự sáng tạo của tôi, sự đánh giá của bạn đọc đối với cá nhân tôi. Nhưng một cách nhìn nhận như thế sẽ trở thành vật cản với sự phát triển của xã hội.

-Nếu vẫn gọi những người như anh là nhà văn trẻ thì hình như khái niệm trẻ lại cũng đang có sự mập mờ. Làm thế nào để bạn đọc phân biệt được ý nghĩa của từ trẻ ở đây?

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Tôi cho rằng đôi khi được hỏi thì chúng tôi mới nghĩ đến những điều đó, và nói một vài điều về nó còn nó không phải là câu hỏi thường trực trong đời sống hàng ngày của những nhà văn như tôi dù đang được coi là còn trẻ, còn thể nghiệm, dù bị coi là non nớt chính trị, chưa đủ những yếu tố để gánh vác công việc này công việc nọ. Câu hỏi đó chỉ được đặt trong một bài phỏng vấn còn không bao giờ được đặt ra trước trang giấy. Nó không ảnh hưởng nhưng tôi nghĩ chúng ta nên phá vỡ nó đi, điều đó sẽ tạo nên sự cởi mở, và đầu óc mới mẻ của những người đang có tuổi, nó sẽ cho thấy những người đó thấu hiểu những chuyển động, những kế tiếp dòng chảy của đời sống mà tôi vẫn muốn gọi là sự chuyển động của văn hoá và văn minh. Có nghĩa anh ta hiểu đúng hơn quy trình và sự phát triển của xã hội còn nếu anh ta vẫn còn chìm trong quan điểm đó thì thật lỗi thời và vô tình cản trở sự phát triển sự sáng tạo của nhà văn và sự phát triển chung của phong trào hay nói rộng hơn cản trở sự phát triển của xã hội.

-Anh đã nói Hội là một tổ chức tự do, và những hoạt động của những người ngoài hội với trong Hội không có ý nghĩa nhiều trước tác phẩm. Vậy, chúng ta có cần khuyến khích họ vào Hội nhà văn không thưa anh?

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Tôi cho rằng Hội nhà văn là một hội tự nguyện, không ai bắt buộc người ta phải vào. Một con người thấy mình phù hợp về mặt tình cảm, mặt tổ chức, tư tưởng đều có thể vào hội. Các nhà văn vào Hội với nhiều lí do, có người vào Hội để được thừa nhận đó là nhà văn trên danh nghĩa chính thống. Nhưng điều đó hài hước vô cùng, không bao giờ có chuyện đó. Những nhà văn ngày xưa những nhà văn cận hiện đại họ không phải là Hội viên Hội nhà văn nhưng họ vẫn là nhà văn với đầy đủ ý nghĩa của nó. Điều đó không xác lập một cái gì cả, tôi không đồng ý với ý kiến rằng Hội nhà văn là một Hội cao quý và phải vào đó, và tôi cũng không đồng ý với ý kiến Hội nhà văn chả là cái gì cả, đừng vào đó làm gì. Hãy coi đó là chuyện bình thường và cảm thấy chúng ta cần vào đó hay cần ra khỏi đó, tôi coi đó là chuỵên tự nguyện, vì sự thất bại cuối cùng của một nhà văn chính là  tác phẩm. Ngoài ra anh ta chẳng có thất bại nào đáng phải đau khổ cả.

-Các nhà văn trẻ thường vẫn hay đăng đàn hay có những tuyên bố này kia, nhưng có một điều mà bạn đọc cảm nhận được là họ luôn chờ đợi một sự cảm thông, lắng nghe, thậm chí sự ưu ái từ những thế hệ đi trước, thế hệ cha chú. Anh suy nghĩ gì về điều này?

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Tôi cho rằng đối với mỗi một đứa con chúng ta luôn tạo cho chúng những cơ hội. Chúng ta không nên có quan niệm là phải ban phát mà hãy cho chúng cơ hội. Cơ hội về khả năng sáng tạo tự do, cơ hội về sự xác lập bản thân, cơ hội về sự lên tiếng, cơ hội để chứng minh năng lực của mình trong sáng tạo hay cả ngoài sáng tạo. Cũng có một số nhà văn trẻ cứ đòi hỏi, đòi hỏi, đòi hỏi rằng phải ưu ái, phải quan tâm đến chúng tôi, đó là những nhà văn yếu hèn, những nhà văn chưa đủ bản lĩnh. Vì sự thành thực càng lớn bao nhiêu thì con người ta càng được rèn luyện và có khả năng sáng tạo bấy nhiêu. Chúng ta không đợi chờ ở những điều bất hạnh, khổ sở, thiếu thốn, đói khát, dập bầm để trở thành nhà văn nhưng chúng ta sẵn sàng chấp nhận nó, nó đến như một sự hiển nhiên trong đời sống của hàng vạn con người khác. Rất bi hước khi các nhà văn già nghĩ phải ban phát điều gì đó cho những người trẻ và còn bi hài hơn là khi những người trẻ cứ đòi hỏi người lớn phải chăm chút đến mình. Tôi nghĩ khi 18 tuổi, người ta đã có quyền công dân và có quyền bước đi tìm sự nghiệp, chọn lựa một lối sống, một người bạn đời, chọn một công việc, chọn một con đường và chọn sự dâng hiến của anh ta cho cộng đồng hay ít nhất là gia đình của anh ta.

-Anh chờ đợi gì ở những người trẻ?

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Dù chúng ta không chờ đợi thì thời gian vẫn là người giúp những người trẻ bước về phía trước và thay thế chúng ta. Cách đây khi tôi 20 tuổi thì những người 30 tuổi đang đi trước tôi vừa như một tấm gương để tôi học hỏi vừa như một sự cản trở. Đến khi tôi 30 tuổi, những người 40 tuổi lại như thế và cứ thế Tôi nghĩ rằng dù muốn hay không muốn, đã thành quy luật mỗi người sẽ có trách nhiệm với bản thân và xã hội. Không ai có thể sống mãi, tất nhiên có những người sẽ cố níu giữ lấy vị trí của mình, níu giữ cái này cái nọ và trong đó sự níu giữ, sự cố thủ của họ đã làm cản trở xã hội nhưng không thể lâu. Có thể họ làm xã hội chậm đi một hai năm, nhưng họ không thể cản trở mãi được, thời gian sẽ phán xử và sẽ hủy diệt hoặc vứt anh ta đi, anh ta khó mà cưỡng lại được.

Cách đây 30 năm tôi không bao giờ nghĩ rằng đến ngày hôm nay tôi được trả lời câu hỏi của một tờ báo để được nhìn nhận về những người trẻ vì lúc đó tôi đang là người trẻ bị hay được nhìn nhận. Nhưng nếu hôm nay tôi có thể được nhìn nhận đánh giá về họ như người lớn tuổi hơn, như một người đã đi trước và tôi nghĩ là việc đó như lớp sóng cứ thay đổi, thay đổi và lớp sóng này kế lớp sóng khác, không ai có quyền chống lại những quy luật đó.

- Xin cảm ơn anh.

Thu Huyền thực hiện
Nguồn: Văn nghệ Trẻ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây