Viết trong đớn đau

Thứ bảy - 24/07/2010 22:57 2.237 0

Đỗ Thanh Lịch hằng đêm vẫn say sưa bên bàn phím cho khát vọng văn chương của mình

Đỗ Thanh Lịch hằng đêm vẫn say sưa bên bàn phím cho khát vọng văn chương của mình
Hành trình số phận của người cựu chiến binh Đỗ Thanh Lịch (bút danh Đỗ Nguyễn) – người vẫn âm thầm ôm khát vọng văn chương suốt mấy mươi năm cho đến khi gần đất xa trời mới thực hiện được tâm nguyện của mình.

Ông vừa mới cho ra đời cuốn truyện  Số và Phần (NXB Văn hóa Thông tin ấn hành) – như là một quyển nhật ký của một cuộc đời nổi trôi lưu lạc cùng những ký ức khốc liệt mà oai hùng về một thời lửa đạn.

Ngôi nhà nằm trong con hẻm đường Quang Trung, quận  Gò Vấp -TPHCM gần như khuya nào cũng sáng đèn, nơi ấy có một người cựu chiến binh từng đêm ngồi miệt mài gõ chữ trên bàn phím. Ông viết như không còn ngày mai nữa, viết để bù đắp cho một quãng đời dài phải nén giữ khát vọng vào sâu thẳm trái tim. “Còn hơi sức ngày nào tôi sẽ cố viết ngày đó, hơn ai hết, tôi biết mình có thể ra đi bất cứ lúc nào” – ông bảo vậy. 

Những gì được trải ra trong cuốn sách đầu tay Số và Phần của cựu chiến binh Đỗ Thanh Lịch là những hồi ức ông ôm giữ suốt gần nửa đời người, chỉ đến khi ở trên giường bệnh (13 năm chạy thận) ông mới thật sự có được thời gian để viết. Ở đó có cuộc hành quân trên đường Trường Sơn đầy chông gai, hiểm nguy giữa những ngày bom rơi ác liệt; có một hình ảnh tiểu đoàn 170 và những cuộc chiến oanh liệt bi hùng, hàng trăm chiến sĩ đã anh dũng ngã xuống vì Tổ quốc; có một thời khốn khó bi thương của đất nước thời kỳ đổi mới sau chiến tranh mà những người dân đi kinh tế mới phải cắn răng bền gan để tồn tại giữa đồng hoang cỏ cháy; có một hành trình đi tìm cội nguồn rưng rưng của người lính trẻ bị lạc mẹ khi chỉ mới lên 2 tuổi; và ở đó cũng có một tình yêu đẹp trung trinh nối dài từ những ngày lửa đạn qua bao nhiêu thăng trầm gian khó cho đến khi cả hai mái đầu đã ở tuổi già bóng xế...

Những trang viết của Đỗ Thanh Lịch cứ như một cuốn phim chiếu chậm, vẽ ra từng giai đoạn sống, cận cảnh từng chi tiết, từng số phận người để khắc lên bức chân dung thế hệ trong một thời đại sống.

Số và Phần ra đời khi tác giả của nó đang chạy thận trên giường bệnh. Dù chỉ in với số lượng 500 bản cho lần in đầu tiên nhưng với  Đỗ Thanh Lịch  là một niềm hạnh phúc.

“Tôi sẽ viết tiếp về những đồng đội tôi, những người đã mãi mãi nằm lại nơi chiến trường và những người còn ở lại. Chiến trường có biết bao những chiến công và những hy sinh thầm lặng mà lịch sử đã không thể nào khắc hết tên” – cựu chiến binh này thổ lộ.

Tác giả: Tiểu Quyên

Nguồn tin: Người Lao Động

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây