Nguyễn Đình Tú: 'Văn học lặn vào trong sự ồn ã'

Thứ tư - 21/07/2010 15:56 1.854 0

Nhà văn Nguyễn Đình Tú

Nhà văn Nguyễn Đình Tú
Sau nhiều năm, nhiều người cùng thời đã rời bỏ văn chương hoặc coi văn chương như món đồ trang sức, thì Nguyễn Đình Tú vẫn ngụp lặn vào chữ nghĩa, tìm kiếm những giá trị của ngôn từ, bỏ lại những toan tính về tiền bạc hay những lo toan về đời sống.

Bởi, ngoài tình yêu văn chương, anh còn có sự dũng cảm của một người dấn thân. Trong bài phỏng vấn này, lý trí của Nguyễn Đình Tú dường như mạnh hơn tâm tư của một nhà văn. Sự lạc quan hơi quá vào văn chương của anh, có thể làm nhiều người nghi hoặc. Bởi hình như anh đang giữ cho mình một thái độ quá an toàn trước những vấn đề gai góc mà người viết và văn chương đang phải đối diện: Văn học Việt đang mất dần độc giả! Có người nói, Nguyễn Đình Tú rất thích hợp với công việc của một người duy trì phong trào sáng tác, bởi anh có sức lan tỏa, gây cuốn hút những người trẻ tuổi vào con đường văn chương.

- Nhiệm kỳ qua, anh là thành viên tích cực của Ban công tác nhà văn trẻ, Hội nhà văn Việt Nam. Thực sự khách quan, anh đánh giá về văn học trẻ trong thời gian qua như thế nào?

- Trước hết, tôi xin được đưa ra và thống nhất với anh khái niệm văn học trẻ ở đây là “sáng tác nói chung của những người viết thuộc thế hệ 7x và 8x”.

Từ khu biệt này, nhìn vào văn học trẻ trong vòng dăm năm qua tôi nhận thấy đã và đang hình thành một đội ngũ nhà văn 7x sung sức và dồi dào sáng tạo. Họ đều đang ở độ tuổi trên ba mươi và những gì họ trình ra rất đáng được ghi nhận.

- Người ta nói, đó là một mặt nước phẳng lặng, lâu lâu có một con cá quẫy, nhưng quẫy một lần rồi chìm không quay lại. Anh nghĩ sao?

- Thế hệ viết 7x, 8x luôn bị “xoa đầu” theo kiểu “Văn trẻ bây giờ thế này, văn trẻ bây giờ thế kia”. Cho nên có cảm giác đội ngũ viết dưới bốn mươi còn non nớt lắm, yếu kém lắm, vớ vẩn lắm, kém xa lớp cha anh lắm. Tôi thì lại cho rằng văn học đang bị đối xử bạc bẽo, còn trước đây, văn học được xã hội ưu ái hơn nhiều.

Còn ai đó cho rằng văn học trẻ là “một mặt nước phẳng lặng, lâu lâu có một con cá quẫy rồi chìm” thì hoặc là quá thờ ơ với văn học trẻ, hoặc là quá kỳ vọng vào văn học trẻ để rồi thất vọng, hoặc là không chịu đồng hành cùng văn học trẻ nên mới nhận xét theo kiểu chẳng nhận xét gì cả như thế.

- Lại chuẩn bị cho Đại hội tiếp theo của Hội nhà văn Việt Nam. Nhiệm kỳ mới, đồng nghĩa với một niềm hy vọng cho mùa văn chương mới. Anh có nhìn thấy những tín hiệu nào lạc quan?

- Văn chương được mùa hay mất mùa không phụ thuộc vào các nhiệm kỳ của Hội nhà văn. Tôi không lạc quan theo kiểu hơn hớn tung hô rằng Việt Nam đang sở hữu một nền văn học đỉnh cao nhưng cũng chưa bao giờ bi quan về văn học nước nhà. Văn học đang đi theo con đường mà nó phải đi, còn đích đến của nó ở đâu thì mọi người hãy tự xác định cho nó là xa hay gần. Tín hiệu lạc quan, theo tôi nằm ở trong chính tình yêu của chúng ta với văn học chứ không phải ở hiện tượng văn đàn có sôi động vì những điều phi văn học hay không.

- Có người bi quan nói rằng, 5 năm qua không có tác phẩm nào đáng giá. Anh là người viết, nhưng đồng thời cũng là người tổ chức bản thảo và biên tập nhiều tác phẩm văn học. Anh thấy ý kiến này thế nào?

- Tôi không hiểu “đáng giá” ở đây được hiểu như thế nào? Bạn đọc thực sự cần gì ở một tác phẩm văn học? Họ muốn vui buồn với nhân vật, thấy mình cần phải sống tốt hơn trong cuộc đời này, đồng cảm với những trang viết của nhà văn, dăm mười năm nữa vẫn còn nhớ đến một tác phẩm nào đó ở thời kỳ này, như thế là văn chương đáng giá chứ gì? Vậy thì tôi tin rằng trong những năm quá có nhiều tác phẩm đáng giá. Tất nhiên bạn đọc còn có thể yêu cầu cao hơn, như tác phẩm đó phải đoạt những giải thưởng danh giá của quốc tế chẳng hạn, điều ấy lại sang chuyện khác, nhưng trước hết hãy thể hiện tình yêu văn học của mình đi đã, hãy cầm lấy sách mà đọc đi đã, thì mới thấy sự đáng giá của văn chương đang nằm ở chỗ nào.

- Thực tế cho thấy, văn học hiện nay đang mất dần độc giả và trở thành một ngành nghệ thuật hẹp, như mỹ thuật, nhiếp ảnh… thay vì một môn nghệ thuật có tính đại chúng như vài chục năm trước. Và nhiều người than buồn. Anh có thấy thực sự đáng buồn? Hay anh nghĩ đó là điều tất yếu của cuộc sống?

- Tôi không tin văn học có tính đại chúng mà nó chỉ được đại chúng hóa trong những điều kiện nhất định nào đó mà thôi.

- Có rất nhiều cây viết trẻ được chú ý. Nhưng rồi họ không phát triển lên cao được. Những cuốn sách ra đời như một sự nối dài chứ không phải sự phát triển. Anh có nghĩ rằng, chúng ta đang thực sự thiếu những tài năng lớn cho văn chương?

- Điều ấy là hiển nhiên. Cũng như chúng ta đang thiếu những tài năng cho bóng đá, cho điện ảnh, cho giáo dục, cho kinh tế và cho cả chính trị nữa!

- 5 năm qua, chúng ta thấy đời sống văn chương thi thoảng ồn lên một chút về một vụ việc nào đó, hoặc gây tranh luận, thậm chí cãi vã nặng nề về hệ thống giải thưởng, cách thức xét giải… chứ ít có sự xôn xao bàn tán về một hiện tượng văn học, một tác phẩm xuất sắc. Chúng ta không có tác phẩm hay hay đang thiếu những nhà phê bình giỏi?

- Ở cái thời mà khi một chiếc ô tô về làng là sự kiện động trời thì người ta có thể rỗi rãi bàn tán cả năm về một cuốn sách văn học nào đó. Nhưng trong thời buổi “Không có cái gì nổi tiếng quá 5 giây” như ngày hôm nay thì văn học lặn vào bên trong sự ồn ã. Ai yêu văn học thì hãy chịu khó tìm đọc, tôi tin là sẽ vẫn thấy tác phẩm hay.

- Đời sống văn chương đã không còn sôi động, nhà văn cũng bỏ đi làm nghề khác nhiều, tác phẩm cũng không tạo được thành dòng chảy như vài thập kỷ trước, đó chính là chân dung về đôi ngũ văn chương Việt Nam hiện tại. Anh có phản ứng gì trước ý kiến này?

- Không xuất hiện dưới dạng một dòng chủ lưu nhưng lại có nhiều dòng khác nhau để bạn đọc lựa chọn. Văn học đang phát triển theo quy luật nội tại của nó. Và tôi thấy chả có gì phải đáng buồn về điều này.

- Anh là một trong số ít những người vẫn còn giữ được ngọn lửa ấm trong lòng với văn chương, anh có thấy đơn độc không?

- Tôi đã chọn văn chương thì tôi phải chấp nhận những gì văn chương đem lại.

- Nếu anh được quyền thay đổi, anh sẽ thay đổi đời sống văn học theo hướng nào?

- Tôi không muốn dùng quyền lực để bắt văn học phải đi theo một hướng nhất định nào cả. Tôi chỉ có một điều ước, đó là: Bất kỳ ai đó trong đời, cũng nên có một vài lần cầm sách văn học lên và đọc!

Thiên Ýthực hiện
(Nguồn: An ninh Thế giới)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây