Thuỷ Anna: “Thoát y dưới trăng”

Thứ sáu - 23/07/2010 13:44 2.174 0

Thuỷ Anna: “Thoát y dưới trăng”

Sau tiểu thuyết "Lạc giới", Thuỷ Anna lại chuẩn bị ra mắt cuốn tiểu thuyết mới hoàn thành: "Thoát y dưới trăng". Để ủng hộ và động viên cho cây bút trẻ này, Báo CAND Cuối tuần đã có cuộc trò chuyện ngắn với tác giả.

Không còn xuất hiện với mái tóc xù bông, có chút xác xơ, thân hình quá mảnh mai, và một gương mặt có phần thiếu ngủ, Thuỷ Anna dạo này khác hẳn với ngoại hình đầy đặn, và gương mặt sáng bừng, long lanh hạnh phúc của "gái một con trông mòn con mắt". Dẫu cuộc sống còn những khó khăn, trong công việc cũng như gia đình, song dường như cô gái có một số phận khác thường này đã luôn chăm chỉ, bền bỉ để vượt lên tất cả, chắt chiu nuôi dưỡng những cảm xúc trong tâm hồn nhạy cảm của mình để trải mình trên những trang viết.

- Ngạc nhiên quá, trông Thuỷ Anna dạo này phát tướng và đầy đặn xinh đẹp ghê. Điều gì khiến em thay đổi rực rỡ lên thế?

- Cuộc sống của em ổn định hơn, con cái khỏe mạnh, gia đình đi vào nền nếp, chồng em công việc cũng ổn định hơn, em đã bắt đầu chạm được vào cảm giác mọi thứ đang đi vào con đường giống như mình mong muốn nên em vui và khoẻ lên nhiều.

- Thế còn những cảm giác khác về mặt tinh thần, điều đó đang hiện rõ trên gương mặt em?

- Em có một cảm giác đến thời điểm chín trong nghề viết của mình, mình có nhiều thời gian đọc trong những năm tháng trước và cảm thấy bây giờ rất dồi dào sức lực để viết. Em không chỉ viết tiểu thuyết mà còn đang viết kịch bản phim 30 tập về "Khát vọng của nàng dâu".

- Công việc ở Vinabook và cộng tác viên ruột cho các báo, vậy thời gian đâu để sáng tác nữa?

- Em thường viết sau khi cho con ngủ xong, từ khoảng 11h hoặc 11h rưỡi đến 3h, 3 rưỡi sáng. 6h sáng đã dậy sớm lo cho con rồi thuê xe ôm chuyên đưa cháu đi học. Khi con đến lớp rồi em tranh thủ ngủ khoảng 1 tiếng rưỡi đến 2 tiếng nữa, sau đó dậy và làm việc xuyên trưa, không ngủ trưa nữa. Việc viết báo thì cứ đến ngày nào có hạn nộp bài cho báo nào thì em lại chạy đi lo bài thôi. Nói chung sắp xếp khoa học thì em lo được mọi việc chu tất.

- Thế còn chồng con và tổ ấm yêu thương, em dành thời gian vào lúc nào?

- Với gia đình em thì cũng đơn giản hơn các gia đình khác vì chồng em lại đi làm chỉ huy công trường ở Hà Đông thì hai ba ngày mới về một lần. Mối quan tâm lớn nhất của em là con. Khoảng độ 4h chiều là bác xe ôm đón con về, hai mẹ con đi chợ, làm cơm và chơi đùa với nhau cho đến lúc con trai đi ngủ thì em ngồi vào bàn làm việc.

- Vì thế mà tiểu thuyết cứ ra đều đặn thách thức với sự nỗ lực của những người viết trẻ như mình?

- Vâng ạ. Sau Lạc giới, em chuẩn bị ra mắt cuốn tiểu thuyết Thoát y dưới trăng. Có lẽ tuần sau là có sách rồi.

- Có ý nghĩa gì sâu đậm và ám ảnh người đọc trong Thoát y dưới trăng?

- Đây là cuốn tiểu thuyết viết về những người trẻ. Ba nhân vật của em bao gồm Di, Mạnh và Mây. Ba nhân vật này có công việc và hoàn cảnh sống hoàn toàn khác nhau nhưng có điểm chung là họ đều bị gạt ra ngoài xã hội, ước mơ khao khát rất bình thường thôi là gia đình rất bình thường, không phải to tát nhưng họ vẫn không đạt được ước mơ nhỏ bé ấy.

- Vì sao lại phải viết về những người trẻ có số phận bạc không bình thường, mà không viết về những người trẻ giỏi giang, mạnh mẽ và có nhiều lý tưởng sống?

- Em còn trẻ và em đã từng gặp những con người đó ở ngoài đời thực. Có những người đã mang những ước mơ rất cao xa, viển vông; lại có những người chỉ với ước mơ rất nhỏ bé thôi, nhưng họ vẫn không thể đạt được. Em bị ám ảnh bởi những ước mơ như thế, để truyền tải được ám ảnh của mình lên trang viết thì nó cần động lòng trắc ẩn và cảm thông đối với những số phận như vậy?

- Một cuốn tiểu thuyết thành công không chỉ là trải lòng những ám ảnh của mình, cũng không phải là ghi lại những cảm giác mà cái quan trọng là ghi lại những thông điệp của cuốn tiểu thuyết mang đến cho độc giả, vậy thông điệp đó là gì ?

- Đó là khát khao mãnh liệt của con người để vượt qua được bế tắc, khổ đau của cuộc đời nhằm đạt được hạnh phúc. Thân phận con người trong "Thoát y dưới trăng" hơi bi đát một chút, hơi cay đắng một chút nhưng điều em muốn mang đến cho độc giả là có những thân phận cực kì bất hạnh và cay đắng trong cuộc đời vốn tươi đẹp này. Vì thế những người trẻ phải luôn biết trân trọng những thứ nghiêm ngắn mà mình đang có.

- Tại sao em chọn sự đau khổ, bi đát của cuộc đời để châm ngòi bút mà không phải là một cái gì đó tươi mới hơn, bừng sáng hơn, mạnh mẽ hơn, đầy sự làm chủ cá tính hơn của giới trẻ hiện đại?

- Giới trẻ cá tính và mạnh mẽ thì cũng có nhiều cây bút phản ánh rồi, nhưng những giới trẻ lam lũ, khốn cùng được phản ánh qua văn học rất ít, chưa sâu. Em muốn "Thoát y dưới trăng" nó mạnh mẽ hơn, nhân văn hơn với những thân phận người trẻ như vậy.

- Nếu tự tác giả đánh giá thì từ  “Lạc giới” đến “Thoát y dưới trăng” Thuỷ Anna đã có những bước chuyển như thế nào về mặt nghệ thuật sáng tạo?

- "Thoát y dưới trăng" viết bằng một giọng văn mềm mại, uyển chuyển hơn. Trong "Thoát y dưới trăng" mang dấu ấn cá nhân của tác giả nhiều hơn. Trong đó có bước chuyển về nghề nghiệp mang tính thân phận con người.  Lạc giới  là sự trải nghiệm đầu tiên, một cái mang tính thời sự nhiều hơn. Còn Thoát y dưới trăng là chuyển tải từ những vấn đề mang tính thời sự sang văn chương.

- Em có tự tin về sự nổi bật của Thoát y dưới trăng trên giá sách của cửa hàng sách cạnh những cuốn tiểu thuyết của những người viết trẻ khác không?

- Em nghĩ rằng "Thoát y dưới trăng" sẽ mang một bản sắc rất riêng. Nó sẽ là cuốn sách mà để cho độc giả đọc và nhớ đến nó.

- Và tự tin rằng, giới trẻ sẽ tìm đọc?

- Em tin là thế vì khi mà mình viết cái gì đó thì em dành rất nhiều thời gian để tìm hiểu về nó.

- Thế còn việc trở thành diễn viên trong bộ phim: Phiên toà trong mơ Tết vừa rồi?

- Vai diễn cô thư ký ở Phiên toà trong mơ chỉ là một sự tình cờ ngẫu nhiên thôi. Diễn viên là nghề rất nhọc nhằn, mà muốn thành công thì phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt theo đúng nghĩa đen của nó. Như em thì sống trọn với nghề viết đã là vất vả rồi, cho nên em xác định diễn viên chỉ là cưỡi ngựa xem hoa thôi, thích thì làm, không thích thì thôi.

- Thế còn kịch bản phim Khát vọng nàng dâu dài 30 tập. Xem ra sức làm việc của Thuỷ Anna rất đáng nể phục, mặc dù chất lượng của những tác phẩm nghệ thuật thì còn phải để công chúng và độc giả đánh giá đã.

- Đầu tiên em đặt tên kịch bản là: Đừng khóc nữa, nàng dâu. Kịch bản kể về một nàng dâu tỉnh lẻ lấy chồng thành phố. Sống trong gia đình chồng thì mẹ chồng không coi trọng và có sự đối xử bất công giữa các nàng dâu, một nàng dâu nghèo tỉnh lẻ và nàng dâu kia thành phố, nhiều tiền. Đối xử đó được thể hiện rõ qua ứng xử, hành động làm tổn thương đến nàng dâu rất lớn. Tưởng chừng tuyệt vọng nhưng nàng dâu đã đứng dậy được vươn lên trở thành nàng dâu tốt, một nhà thiết kế thời trang danh tiếng, được nhà chồng yêu quý và tôn trọng.

- Trong đó có thân phận của Thủy Anna bao nhiêu phần trăm?

- Thân phận của Thủy Anna chỉ là một thân phận rất nhỏ thôi, trong đó có thân phận của rất nhiều nàng dâu tỉnh lẻ mà Thủy Anna gặp.

- Em có ý kiến gì không nếu tôi nhận xét những tác phẩm của em, kể cả văn chương lẫn kịch bản, thì đều mang tính thời sự nhiều hơn là những tác phẩm bắt nguồn từ ý tưởng lớn, sự khởi thủy những trải nghiệm sâu sắc trong cuộc sống ?

- Nhiều người đã đặt câu hỏi như chị. Em nghĩ, có thể do công việc làm báo nhiều cũng cho em được vốn đời sống kha khá. Em rất thích câu nhận xét của nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên là những gì Thuỷ Anna viết đều đi sâu vào thân phận con người, và văn chương chính là con người.

Tác giả: Hồn Nhiên

Nguồn tin: CAND

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây