- Huỳnh Thúy Kiều: Nếu “Kiều Mây” có được sự quan tâm lớn từ bạn đọc thì chính điều đó lại trở thành thách thức với tôi khi thực hiện tập thơ “Giấu anh vào cỏ xanh”. Tôi muốn mang lại cho bạn đọc một giọng điệu khác trước một chút. Tập thơ này không phải là “Kiều Mây” kéo dài mà nó mang thông điệp riêng, lắng hơn, sâu hơn, chân thành hơn. Nhưng đó là ý muốn chủ quan của tôi, còn thật như thế nào phải chờ sự đánh giá từ bạn đọc.
- Phóng viên:Tôi tạm chia các bài thơ trong tập “Giấu anh vào cỏ xanh” vào 2 loại chủ đề: viết về quê hương và tình yêu. Tuy nhiên, theo đánh giá chủ quan của tôi, về mặt số lượng và chất lượng, rõ ràng thơ của Huỳnh Thúy Kiều viết về quê hương vẫn gây ấn tượng hơn cả. Thế thì tại sao chị lại lấy tên “Giấu anh vào cỏ xanh”? Phải chăng đó là “một chiêu tiếp thị” rằng: hãy khám phá Huỳnh Thúy Kiều viết về tình yêu?
- Huỳnh Thúy Kiều: Tôi phải nói trước, với thơ không thể có chiêu gì tiếp thị được, nếu không tự nó chân thành đến với mọi người. Người đọc bây giờ có trình độ cao, họ đọc chính bằng mắt và tâm hồn của họ, không có thể “đánh lừa” người đọc được. Giá trị thật của thơ mới là “chiêu tiếp thị” cao nhất. Vì vậy, bằng sự chân thành, thơ đến với bạn đọc bằng tất cả những thông điệp mà chính thơ muốn truyền tải.
Với tập thơ “Giấu anh vào cỏ xanh”, như bạn nói, vẫn hai chủ đề, quê hương và tình yêu. Nếu nói chỉ một chủ đề tình yêu cũng đúng. Tình yêu quê hương cũng chính là tình yêu con người và ngược lại.
- Phóng viên:“Trút vào đêm ngồn ngộn ánh khỏa thân/Uống sợi tơ sương loang mềm cõi nhớ/Cao nguyên vắt ngang cơn lũ quét/Vạch bầu vú trời/Mê đắm những ban mai...”. Có thể tìm thấy trong “Giấu anh vào cỏ xanh” những hình ảnh dữ dội như thế. Chị có ngại, nếu có độc giả nào đó cho rằng: Huỳnh Thúy Kiều đang đưa hình ảnh sex vào thơ?
- Huỳnh Thúy Kiều: Thơ vốn đa nghĩa, đa tình. Nhưng câu thơ viết thể hiện tình cảm của mình nằm ở ranh giới nhạy cảm. Chính sự nhạy cảm này làm cho bài thơ “thơ hơn”. Khi viết được bài thơ hay câu thơ tưởng như sex, đó là khi người viết đã viết được hai bài thơ một lúc, nó lồng vào nhau. Tôi tin bạn đọc thơ tôi sẽ đọc được tình yêu mà tôi muốn mang đến.
Vài nét về tác giả Huỳnh Thúy Kiều. Sinh năm 1978 tại huyện Trần Văn Thời. Giải nhì cuộc thi thơ online trên web thotre.com lần thứ nhất, năm 2007. Giải thưởng của UBTQ liên hiệp các HVHNT Việt Nam dành cho tác giả trẻ với tập thơ Kiều Mây năm 2009. Giải C cuộc thi thơ năm 2008-2009 của Tạp chí Văn nghệ Quân đội.
- Phóng viên:Điều gì khiến chị thấy chưa hài lòng ở tập thơ này?
- Huỳnh Thúy Kiều: Khi chưa in tôi cứ tưởng tập thơ mình đã trọn vẹn (vì thế mới in!), nhưng in rồi đôi khi lại thấy câu này, chữ này, bài kia chưa thật ưng ý lắm. Thơ thật khó hoàn thiện và có hoàn thiện đến đâu phải nhờ bạn đọc cảm nhận mới đúng. Người viết chỉ biết rằng mình viết với tất cả tấm lòng chân thật và sự tôn trọng bạn đọc. Chính nhận thấy điều chưa hoàn thiện đó, mình phải tiếp tục lắng nghe và vươn lên. Đối với tôi, bài thơ, tập thơ hoàn thiện vẫn luôn còn phía trước. Người ta bảo bài thơ hay là bài thơ chưa viết, quả rất có lý.
- Phóng viên:Tập thơ thứ 2 cho thấy sự vươn dài ra nhiều nẻo đường đất nước của Huỳnh Thúy Kiều. Trước đây thơ chị chỉ mới “đi loanh quanh” châu thổ, bây giờ chị đặt gót chân đến Hà Nội, Quảng Trị cũng như nhiều miền quê khác và đã có bước đầu thành công với giải thưởng của Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Những miền quê khác đã gợi lên điều gì trong chị?
- Huỳnh Thúy Kiều: Thơ cũng như đứa trẻ, khi mới tập đi, chỉ đi trong nhà hoặc ngoài sân nhà mình. Khi lớn hơn và trưởng thành hơn, trên những nẻo đường phía trước luôn luôn hấp dẫn, thách thức sự tò mò, khám phá. Khi viết về mảnh đất quê mình, tôi có cảm giác nhiều vùng quê khác của đất nước như đang vẫy gọi tôi. Tôi nghĩ, người làm thơ cũng cần hướng tới mọi nẻo đường của đất nước. Chính những bước chân ban đầu của đứa trẻ rất quan trọng, nó bảo đảm cho những bước chân đi xa hơn sau này.
Đương nhiên, tôi không sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, nhưng Hà Nội là thủ đô của tất cả mọi người Việt Nam, là trái tim của Tổ quốc mà. Những vùng đất khác cũng vậy, tôi chưa hề được đến nhưng đất nước mình đâu đâu cũng đẹp và giàu truyền thống. Viết về những vùng đất khác cũng là lúc mình càng yêu quê mình hơn, đất nước mình hơn. Người cầm bút cần mở rộng tầm nhìn, hướng trái tim mình với tất cả tình yêu nồng nhiệt để viết... Việc tôi được giải thưởng của Tạp chí Văn nghệ Quân đội chỉ là bước đầu, còn giải thưởng lớn nhất cho thơ, theo tôi đó là khi thơ có chỗ đứng trong lòng bạn đọc, được sự yêu mến, cảm thông, chia sẻ của bạn đọc... Tôi luôn tự nhắc mình như thế và sẽ không ngừng nỗ lực.
- Phóng viên: Bạn đọc và bạn thơ sẽ chờ đợi điều chị vừa nói “sẽ không ngừng nỗ lực” vì những tác phẩm hay nhất đang chờ ở phía trước.
Khánh Nam thực hiện
Nguồn: Báo Cà Mau
Ý kiến bạn đọc