1. Hoài niệm về quê hương và cội nguồn thể hiện ngay từ việc lựa chọn tên gọi của các tập thơ và tên các bài thơ. Đó là những hình tượng gắn liền với miền núi, với văn hóa và tâm thức người Tày như Suối làng, Bếp lửa nhà sàn, hoặc gửi một thông điệp, một nỗi niềm sâu thẳm của mình về nguồn cội: Mây vẫn bay về núi, Lời then ai buộc, Giấc mơ của núi, Đầu nguồn mây trắng.
Hoài niệm ấy hiện ra ngay từ tên của nhiều bài thơ. 40/112 tên bài trực tiếp hoặc gián tiếp gắn với quê hương miền núi. Bên cạnh những tên bài gọi thẳng sự việc, sự vật rất đặc trưng của miền núi, vùng cao như Mùa bông, Mùa măng, Bản vắng, Rừng hoang, Tung còn, Con gái bản tôi, Suối làng trong trẻo, Chim com cõi kêu đêm... là những tên bài thể hiện cảm xúc, tâm trạng khác nhau của tác giả đối với quê hương: Nhớ Khau Luông, Nhớ về Kim Quan, Mùa màng của mẹ, Cố hương, Nỗi nhớ nhà sàn, Có một thời, Nhớ Sơn Dương, Đêm nay gió Khau Mòn lại nổi, Viết trước lúc xa quê, Chợt nghĩ qua đèo… và rất nhiều những bài thơ khác. Những tên tập, tên bài như những cánh cửa mở vào cõi tâm hồn trĩu nặng tình yêu thương của nhà thơ đối với quê hương, nguồn cội của mình.
Đi sâu vào thơ Mai Liễu, càng nhận ra hoài niệm về quê hương và nguồn cội của ông được thể hiện sâu sắc, làm nên hồn thơ của ông không nhòa lẫn với ai.
2. Hoài niệm được thể hiện rõ trong không gian và thời gian nghệ thuật thơ. Đọc thơ Mai Liễu, ta dễ dàng nhận ra là ông thường đứng ở không gian cư trú hướng về không gian quê hương bản quán, đứng ở không gian, thời gian hiện tại hồi tưởng không gian, thời gian quá khứ.
Không gian cư trú – hiện tại của ông là không gian đô thị, nơi phồn hoa đô hội: Nhà nọ với nhà kia liền vách liền tường/ Nhiều khi nhà trong nhà ngoài nhà trên nhà dưới/ Chung một cửa/ Con người chưa hẳn đã gần nhau(Gần - xa); Sáng choang cao ốc đèn mầu/ Chữ Tây chữ Nhật ngõ hầu lạnh tim (Mưa trên phố); có khi trải dài theo bước chân người tha hương: Tôi đã đi qua bao đồi bao núi/ Đã vượt nhiều bể cả sông to/ Lúc ở lán lều/ khi chui địa đạo/ Đôi lần khách sạn cỡ sao (Hồn tôi)…với những vui buồn nhân tình thế thái. Để một ngày ông nhận ra: Thẳm xa bao cuộc hành trình/ Thẳm sâu giấc mộng hư vinh kiếp người (Người về phương ấy). Mai Liễu không viết nhiều về cái không gian cư trú của mình, ông không dành cho nó sự gắn bó, giống như nó đơn giản chỉ là sự tá túc của ông. Ta còn nhận ra ông xa lạ với nó. Sự xa lạ ấy từng đẩy nhà thơ đến mức cô độc giữa ba tầng nhà rờn rợn đêm thâu/ ...tường ma tít, cửa lim trơn mượt/ Ném cái nhìn vào cũng trượt cũng rơi (Tình thơ). Sự cô độc của một "người thiểu số" rời núi rừng về thành phố cư trú cùng cộng đồng đa số, lúc thì ngơ ngẩn nghĩ: Sao thành phố không xây nhà ba mươi, bốn mươi tầng/ Những căn hộ tầng bốn mươi có vẻ hợp với người thiểu số đến đây/ Ở như thế cũng chưa cao bằng ở núi, lúc lại ngậm ngùi Chẳng biết người miền núi về thành phố xếp ở bậc nào/ Cao - thấp, thấp - cao? (Đi đăng ký mua căn hộ chung cư ngẫu hứng mấy câu không vần). Sự cô độc đến buồn tủi này từng được một nhà thơ Tày xoa dịu đi bằng cách nghĩ mới, một thái độ nhập cuộc: Em ơi ta ở đâu / là bản ta ở đó (Dương Thuấn). Nhưng ở một nhà thơ Tày khác, nhà thơ Y Phương, nó âm ỉ rồi bùng lên thành một nỗi đau. Đó là nỗi đau đớn đến xót xa, giống như nỗi đau của một cái cây đã bứt khỏi cội rễ: Mở cửa ra/ Nhà chồng lên nhà/ Nhà cũng guồng chân chạy/Những dòng sông người sôi lên ầm ào / Cháy khét/ Inh tai nhức óc/....Đóng cửa vào / Tiếng máy lạnh thở dài/ Màn hình chớp như khóc/ Gối/ Chăn/ Ga/ Đệm/ Nói tiếng gì/ Không biết/ Cây trong bồn/Hoa trong bình / Tranh trên tường/ Cười nỗi gì/Không biết. (Cười nỗi gì - Y Phương)
Mang tâm trạng xa xót cùng nỗi niềm cô độc ấy, từ không gian cư trú, Mai Liễu gửi nỗi nhớ niềm thương và những khao khát được trở về không gian nguồn cội của ông. Này là Nhớ Sơn Dương, Bao giờ trở lại Pác San, Nếu mai em về Chiêm Hóa, Gửi Nà Hang…Từ không gian hiện tại, ông hoài niệm về không gian ký ức. Gắn liền với không gian ký ức là thời gian quá khứ. Thời gian, không gian xưa cũ hiện ra trong thơ Mai Liễu là nơi lưu giữ tuổi thơ, kỷ niệm, những vui buồn của một thời trẻ trai ở nơi quê hương đầy ắp các giá trị văn hoá – lịch sử độc đáo của cộng đồng Tày. Chúng hiện ra đẹp như một thế giới cổ tích qua những Mùa măng, Chín bậc cầu thang, Con gái bản tôi, Giấc mơ của núi, Tết quê nhà, Mùa bông, Gọi vía, Tung còn…, cùng những câu thơ mạnh mẽ, khỏe khoắn hay đằm thắm, thiết tha: Những đứa trẻ nhóm lửa thâu đêm/ Miệng hu hút "lằm pặt lằm pão"/ Quả thị rơi ùa đến tranh nhau/ Bố mẹ tìm con nửa đêm ơi ới đầu làng/ Chẳng đứa nào muốn về đi ngủ (Cổ tích); Mùa măng/ Những hũ rượu Tết ngồi nghiêng trong bồ thóc/ Cái gùi nằm góc hiên/ Mùa bản dưới mường trên/ Làm hội/ Mùa trai gái đi chật đường/ Mùa kết bạn tìm duyên/ Mùa tình ngả nghiêng trời đất...(Mùa măng); Những quả còn tua xanh tua đỏ/ Cuống quít tìm mùa xuân/ Những cánh chim đan bầu trời đầy gió/ Bay tìm nơi xây tổ/ Sinh sôi/ Những bước chân băm băm vượt đèo lại dùng dằng đêm hội/ Tìm lời dung dắt díu nhau về (Giấc mơ của núi)…
Một không gian miền núi xa lắc lơ, chỉ có núi to núi nhỏ ôm nhau đứng/ bản tựa vào sương, vào chân mây/ mùa nắng cháy nghẹn bắp ngô trên rẫy/ Cơn lũ ào lên đồng lúa cát vùi, nghèo khó nhưng đầy ắp nghĩa tình: Người bản lo đói tình hơn đói bụng/ Việc vui buồn chung sức chung tâm (Đêm nay gió Khau Mòn lại nổi). Một quãng đời trẻ trai được nuôi dưỡng bởi sức sống của một cộng đồng dân tộc có nền văn hoá lâu đời, đủ sức vun đắp tâm hồn và cảm hứng sáng tạo suốt một đời cầm bút của nhà thơ.
Có thể thấy trong tâm thức của một người tha hương, không gian cội nguồn, không gian, thời gian ký ức là nơi neo giữ hồn nhà thơ, khiến ông luôn tìm về cho dù ở bất cứ phương trời nào. Như ông từng thốt lên: Cũng may, nửa đời phiêu dạt/ Vui buồn còn bạn/ còn quê (Tết quê nhà)
3. Hoài niệm về quê hương nguồn cội trong thơ Mai Liễu thường hiện ra từ nhiều hình tượng giàu tính biểu cảm. Những hình ảnh quen thuộc trong đời sống xã hội – văn hóa của dân tộc Tày đã đi vào tâm thức nhà thơ, trở thành nỗi nhớ của ông khi xa quê, và dần dần đi vào thơ ông. Hiện lên trong thơ ông rất nhiều hình ảnh và từ trong vô thức của người viết, chúng lặp đi lặp lại, trở thành hình tượng nghệ thuật biểu trưng cho quê hương nguồn cội khi ông nhớ về.
Trước tiên là Suối. Tập thơ đầu tiên của Mai Liễu đã mang tên Suối làng. Những con suối trong trẻo trở đi trở lại trong thơ ông: Suối vắng, Suối Tiên, Nậm Thi, Suối làng trong trẻo... Hình ảnh suối trong thơ Mai Liễu thật đẹp, và dù ông viết rất nhiều nhưng chúng không hề lặp lại. Mỗi lần, chúng hiện ra một vẻ đẹp riêng, cho thấy cảm xúc về những dòng suối quê hương của nhà thơ luôn tươi mới, trong trẻo như chính đối tượng thẩm mỹ của mình: Cụp, xòa.../Suối vắng/Dòng suối - dòng trăng(Bản vắng); Chảy từ mạch đá/ Nước suối trong ngần../ Núi đầy cỏ hoa/ Suối qua ngọt lịm(Suối); Rừng chạy ra bờ suối/ Suối tìm về bản em/ Cây muốn chờm ra vực/ Nước tự xanh hết mình(Suối vắng).
Cao hơn việc miêu tả, là sự liên tưởng rồi chân thành bộc bạch của nhà thơ về những con suối quê hương: Nơi sâu lắng lời ru, nơi ào ào thác đổ/Nơi miên man suối hát khúc tâm tình (Quê hương); Suối làng tôi bắt nguồn từ nơi ấy/Là ngọn nguồn trong trẻo của đời tôi (Suối làng trong trẻo)
Suối là hình tượng đẹp đẽ và đặc trưng nhất của cội nguồn trong thơ Mai Liễu. Con suối gắn bó với người miền núi, bởi vậy nó xuất hiện nhiều trong thơ các dân tộc thiểu số nói chung, thơ Tày nói riêng, nhưng có lẽ Mai Liễu là nhà thơ Tày khai thác hình tượng này nhiều nhất.
Cùng với Suối là Sông. Một loạt bài viết về sông như Tản mạn sông Lô, Chậm nguồn sông Miện, Bến cũ, Còn đó dòng sông, Đối thoại với dòng sông, Có một dòng sông xanh, Gửi sông Gâm, Đêm sông Bằng, Và sông Hồng… Những sông Lô, sông Gâm, sông Đáy, sông Miện, và cả sông Cầu, sông Hồng, sông Bằng hợp thành một "lưu vực" của dòng sông tình yêu trong thơ Mai Liễu. Nếu như với hình tượng suối, cảm xúc và mạch tư duy của nhà thơ mang âm hưởng hiền hòa sâu lắng, thì những dòng sông đã đưa nhà thơ đi xa hơn, với cảm hứng mạnh, phóng khoáng. Sông không chỉ là sông, sông là quê hương, cội nguồn, là dòng chảy văn hóa - lịch sử ngàn đời của dân tộc: Con sông là hồn bản/Con sông là vía rừng(Gửi sông Gâm). Đi xa hơn suối, sông còn là khát vọng của những con người muốn chinh phục mọi thử thách, vươn tới hạnh phúc. Có lẽ vì vậy mà những con sông quê hương xuất hiện trong thơ Mai Liễu thường mang dáng vẻ mạnh mẽ, khỏe khoắn như những chàng trai núi vạm vỡ, đầy khát vọng: Trước mấy tầng đá dựng/ Thèm một lần xé thân/ Dẫu tan thành bọt trắng/Cũng thét cho vang trời! (Đối thoại với dòng sông); Lách qua núi dựng, qua đá dựng/Sông phi như ngựa hất tung bờm(Chậm nguồn sông Miện).
Cội nguồn của nhà thơ còn là Rừng Núi. Theo dòng thơ, ta gặp những đỉnh núi, những cánh rừng tràn ngập, làm nên những hoài niệm đẹp và buồn: Nhớ Khau Luông, Rừng hoang, Giấc mơ của núi, Núi Cô Tiên,Bao giờ trở lại Pác San… Núi rừng là nơi khởi sự cuộc đời nhà thơ “Trước nhà tôi/ Ngày ngày Mắt trời/ Mở/ Sau làn mi xanh: Rặng núi” (Mắt trời), và từ đó bước ra thế giới rộng lớn. Cho đến ngày “Ta về/ Núi vẫn chìa vai” (Qua cổng trời), vẫn nhận về chở che đầy bao dung của núi rừng. Như Mai Liễu từng tự bạch: “Một đời tôi vẫn người của núi” (Bên thác), núi rừng đổ bóng suốt cuộc đời ông, cũng như cộng đồng mà ông sinh ra.
Nguồn cội còn đậm nét trong hình tượng Nhà sàn, ngôi nhà của mẹ cha ba gian một chái, khói hun đen bóng cột kèo (Nỗi nhớ nhà sàn), với cái bếp vuông đêm ngày mong củi lửa/ Cái kiền tròn đợi nồi xuống nồi lên/ Vuông - tròn là sự ấm êm no đủ, nơi người nhà sàn giữ lửa bằng củi gộc/ giữ nhà bằng sự cần cù ngay thẳng tin yêu/ quanh bếp lửa vuông là nếp nhà ăn ở (Bếp lửa nhà sàn), nơi có cái chái nhà sàn gió thốc/ một đêm đông/ tôi khóc chào đời(Gọi vía), nơi mẹ cha cứ khô dần như củi/ đêm đêm nuôi lửa ngóng mặt con. Trên mỗi bước đường đời, ngôi nhà ấy là nỗi nhớ niềm thương, là nỗi day dứt của người đi. Đó là những ngọn nguồn làm nên nhà thơ, nâng bước hồn thơ.
Cùng với đó, quê hương nguồn cội còn là những hình ảnh bé nhỏ nhưng gần gũi, thân thuộc vô cùng, vì chúng gắn với những tập quán, văn hóa dân tộc. Đó là cái bắng sứt tai treo trên cây mạ mé rừng đựng cuống nhau của những đứa trẻ mới sinh, là cái vợt xúc cá mẹ dùng để gọi vía con,…Đó là những vật dụng vô tri nhưng mang hồn quê hương, chúng neo giữ nhà thơ vào với cộng đồng, để rồi dù đi đâu về đâu thì cội nguồn và bản sắc vẫn là “cõi đi về” của con người: Tôi đã đi qua bao đồi bao núi/Đã vượt nhiều bể cả sông to.../Mỗi khi nghĩ về rừng/Hồn tôi lại vi vu/ Gió thổi/ Reo như cái bắng sứt tai/ Trên cây mạ ở mé rừng ngày ấy (Hồn tôi)
Chiếc cọn nước thân quen ngàn đời với người miền núi được ông trìu mến gọi bằng một cái tên thật đẹp: những bánh xe mặt trời. Chúng hắt ra muôn tia sáng, chúng lăn trên gập ghềnh con suối/ Suối qua gập ghềnh đồi núi để rồi Bản làng từ đó sinh sôi (Những bánh xe mặt trời).
Nhưng có lẽ hình tượng Người Mẹ trong thơ Mai Liễu mới là hình ảnh đẹp đẽ nhất của quê hương. Mai Liễu viết nhiều về mẹ. Bên cạnh nhiều bài thơ có chạm tới hình tượng mẹ, có tới 7 bài thơ viết riêng về mẹ được ông sáng tác, và cả 7 bài ấy đều nhất quán một tâm trạng thương nhớ mẹ cùng những hồi ức về mẹ. Mẹ trong thơ Mai Liễu là một người mẹ Tày còm cõi, tần tảo làm lụng, yêu thương và thầm lặng chờ đợi, hy sinh cho con cái: Mẹ vừa gọi vừa khóc/ Khi đi tìm vía cho con…/ Mẹ còm cõi như quê nghèo ven núi/ Sớm tối ra vào góc bếp lui cui…(Gọi vía); Mẹ vẫn thắt vỏ dao ngang bụng lên nương/ Tay cầm chiếc cào uốn bằng con dao mòn vẹt / Lưng mẹ còng trên lưng đồi đổ nắng … Đất nước ngày chiến tranh các con mẹ ra đi mãi mãi không về/ Mẹ như cây ngô cuối mùa rũ xuống / Nỗi buồn dâng tăm tắp bắp ngô đầy ... (Mùa màng của mẹ ). Những câu thơ cảm động về mẹ được viết trong khắc khoải nỗi nhớ thương, có phần day dứt của một đứa con xa: Chiều nay tầm tạ mưa về núi/ Cơn trời nào biết mẹ già nua/ Gió lạnh đổ đầy vào hiên vắng/ Đêm gầy than củi ấm mẹ chăng? (Mưa chiều)…
Mẹ là hình ảnh quê hương, lam lũ nghèo khó mà bao dung, mà đầy ắp tình thương yêu trong nỗi nhớ của nhà thơ.
Các nhà thơ Tày đương đại đều viết nhiều về quê hương, về niềm tự hào của những người con được sinh ra từ một dân tộc có truyền thống lịch sử -văn hóa lâu đời. Nhưng Mai Liễu, với những hoài niệm sâu sắc của mình về quê hương nguồn cội, đã tạo ra sự khác biệt không thể phủ nhận. Sự khác biệt ấy bắt nguồn từ quan niệm giản dị của nhà thơ khi cầm bút: “Thơ tôi chủ yếu là niềm tự hào và những kỉ niệm về quê hương. Càng đi xa, đi lâu thì kỉ niệm càng sâu, càng bền. Mỗi con suối, dòng sông, ngọn núi, đồi cây, bếp lửa, mái nhà sàn, ngày hội, điệu hát, chim muông... đều có hồn, có tiếng nói riêng của chúng. Tôi cố gắng lắng nghe, ngẫm ngợi và ghi lại chúng. Thực ra, đó cũng là ân tình của người viết đối với miền quê và cuộc đời”. Sâu xa trong quan niệm nghệ thuật ấy, là tình yêu chân thành và sâu nặng đối với quê hương nguồn cội của mình, và một niềm tin rất giản dị, gửi trong những câu thơ mang đậm lối nghĩ của người Tày, rằng: con người cũng như cây kháo, cây mai trong rừng “đứng trong mưa trong bão/ nơi đỉnh núi bờ khe/ chắc bền nhờ cội rễ” (Chợt nghĩ qua đèo).
Tác giả: Nguyễn Thúy Quỳnh
Nguồn tin: lethieunhon.com
Ý kiến bạn đọc