Nhà thơ Lê Quang Trang: Thực tiễn năng động của thành phố vô cùng hấp dẫn

Thứ hai - 02/08/2010 11:49 2.407 0

Nhà thơ Lê Quang Trang

Nhà thơ Lê Quang Trang
Quê Bắc Ninh, Lê Quang Trang vốn xuất thân là nhà báo, làm thơ và viết lý luận phê bình ở Hội Văn nghệ giải phóng từ đầu thập kỷ 1970 tại chiến trường Nam Bộ. Sau này dù làm ở báo Văn Nghệ Giải Phóng, Văn Nghệ, Nhân Dân, Đại Đoàn Kết, ông vẫn chung thuỷ với hai thể loại này. Ông là chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình Hội Nhà văn Việt Nam các khoá 6 và 7 (2000-2010). Lê Quang Trang là tác giả các tập thơ Mai này khi con lớn, Tro tàn quá khứ, Trước cánh đồng vừa gặt, Ngây thơ trẻ nhỏ (thơ thiếu nhi), Gió vẫn thổi về từ biển và các tập sách phê bình lý luận Thai nghén tác phẩm, Dọc đường văn học… Cuối tháng 6.2010, tại Đại hội lần thứ 6 Hội Nhà văn TP.HCM nhiệm kỳ 2010-2015, ông đã được bầu làm chủ tịch hội. Dưới đây là cuộc trò chuyện với nhà thơ- nhà lý luận phê bình văn học Lê Quang Trang xoay quanh những vấn đề đổi mới hoạt động của Hội Nhà văn TP.HCM thời gian tới.

* Thưa ông, mặc dù mới từ Hà Nội trở lại TP.HCM sống và làm việc vài năm nay, nhưng ông đã được Đại hội lần thứ 6 Hội Nhà văn TP.HCM tín nhiệm bầu vào ban chấp hành với số phiếu cao nhất và trúng cử chức chủ tịch. Ông có cảm thấy bất ngờ?

- Thực tình tôi cũng bất ngờ vì không dám nghĩ như cương vị tôi đảm nhiệm hiện nay. Nhưng bây giờ thì trách nhiệm đã được giao, tôi tự thấy cần phải hết sức cố gắng làm việc, nắm vững tinh thần chỉ đạo của lãnh đạo thành phố, phát huy tối đa trí tuệ, sự năng động của các thành viên ban chấp hành và tiềm lực của hội viên thì chắc chắn sẽ đạt kết quả tốt.

* Khi chia vui cùng ông ngay sau khi đại hội kết thúc, nhà văn Nguyễn Quang Sáng, cựu chủ tịch hội, có nói rằng đây là điều mới lạ, vì từ trước tới nay chưa có nhà lý luận phê bình nào được bầu chọn vào chức chủ tịch của Hội Nhà văn TP.HCM hay Hội Nhà văn Việt Nam. Ông hiểu thế nào về sự “mới lạ” của nhà văn Nguyễn Quang Sáng?

- Đúng là chưa có nhà lý luận phê bình nào là chủ tịch hội nhà văn, nhưng tôi chỉ nghĩ khái niệm “mới lạ” mà nhà văn Nguyễn Quang Sáng đưa ra là chưa có tiền lệ. Chưa có tiền lệ thì dứt khoát là khó hơn có tiền lệ, vì có công của người đi trước mở đường, khai phá, khái quát thành lý luận, thành mô hình để người đi sau có thể học hỏi, vận dụng. Tuy nhiên, tôi không chỉ hoạt động lý luận phê bình, mà cũng là người sáng tác, và 5 tập thơ nói hộ tôi điều này.

* Ông từng đứng đầu một cơ quan báo chí trên cương vị tổng biên tập báo Đại Đoàn Kết, bây giờ lại làm “thuyền trưởng” một hội nghề nghiệp. Dù đã có kinh nghiệm lãnh đạo, nhưng hai nhiệm vụ hoàn toàn khác nhau, ông có nghĩ mình sẽ chịu không ít áp lực?

- Làm gì muốn đạt hiệu quả đều phải chịu áp lực. Áp lực có phần do khách quan, lại có phần do mình tạo ra. Lao động báo chí và văn chương đều mang tính sáng tạo cao, nhưng quan hệ trong mỗi tổ chức có yêu cầu quản lý “chặt” và “lỏng” khác nhau. Cần hiểu tính đặc thù của mỗi loại hình mà tìm cách ứng xử cho thích hợp. Tôi tin khi khơi gợi được nguồn mạch, tạo được sự đồng thuận thì công việc sẽ vận hành tốt, và áp lực sẽ giảm.

* Theo quy chế, đáng lý ra Đại hội lần thứ 6 Hội Nhà văn TP.HCM phải bầu chọn một ban chấp hành khoá mới gồm 11 người, với điều kiện người trúng cử phải quá bán số phiếu bầu. Nhưng cuối cùng đại hội chỉ bầu được 8 người, mà hầu hết là người mới, chỉ duy nhất một uỷ viên ban chấp hành khoá cũ được bầu lại. Như vậy, tính kế thừa hầu như không có, mà lại thiếu người. Điều đó liệu có gây khó khăn gì cho hoạt động của ban chấp hành mới? Và việc phân công nhiệm vụ, theo ông là có đúng người đúng việc?

- Việc đại hội bầu ban chấp hành không đủ số lượng như dự kiến, tôi cảm thấy trước là tiếc, sau là lo, vì người tài cũng nhiều mà sao khó chọn đủ thế, và kiêm nhiệm nhiều việc quá thì khó làm chu đáo. Nhưng khi được giao nhiệm vụ chủ trì, căn cứ trên số lượng và khả năng của mỗi người, cá nhân tôi và ban thường vụ đã cân nhắc, đưa ra ban chấp hành thảo luận dân chủ và thấy phân công như hiện nay là tốt hơn cả, có thể phát huy được sở trường của mỗi người. Tất nhiên khi cần vẫn phải phối hợp và hỗ trợ nhau để hoàn thành tốt nhiệm vụ đề ra.


Ban chấp hành Hội Nhà văn TP.HCM khoá 6, từ trái sang:
Phan Hoàng, Huỳnh Dũng Nhân, Trương Nam Hương, Phạm Sỹ Sáu,
Lê Quang Trang, Trần Văn Tuấn, Bích Ngân, Hoàng Đình Quang

* Xin ông có thể cho biết một số phương hướng mới trước mắt mà ông và ban chấp hành sẽ làm để đáp ứng sự mong đợi của hội viên.

- Phương hướng lớn thì vẫn là tinh thần của Báo cáo trình đại hội, nhưng công việc, giải pháp thì phải tìm cách thích hợp với tình hình mới của hội. Mục tiêu cơ bản nhất mà chúng tôi hướng tới là cái nền phong trào phải rộng chắc, và đỉnh là có tác phẩm hay, đáp ứng được nhu cầu và mong đợi của nhân dân. Như vậy chất lượng tác phẩm cũng tăng mà đội ngũ cũng thêm lớn mạnh.

* Bất cứ hoạt động của một hội nghề nghiệp nào, điều cơ bản nhất cũng là khả năng tập hợp đội ngũ và tạo không khí đổi mới, khuyến khích sáng tác mà trong đó có việc trao giải thưởng hàng năm. Thưa ông, ban chấp hành mới dự kiến có sự thay đổi nào trong công tác kết nạp hội viên và xét trao giải thưởng văn học ở TP.HCM?

- Trao giải thưởng hàng năm và kết nạp hội viên là hai công tác quan trọng của hội. Đó không chỉ là định hướng cho sáng tác những năm tiếp theo mà chính là phương thức khuyến khích sáng tạo, cổ vũ cho đổi mới và định hướng cho phát triển của văn học ở tương lai. Quy chế về giải thưởng năm nay ban chấp hành đã bàn và đang hoàn thiện, chắc chắn là có thêm những quy định mới so với các năm trước. Về công tác hội viên, ngoài những điều chung nhất nêu trong điều lệ, sẽ có những cách xử lý rộng mở hơn để thu hút thêm các hội viên mới, nhất là các cây bút trẻ có thành tựu và có tấm lòng với hội, gắn bó với phong trào, nhưng đồng thời lại có những điểm quy định chặt chẽ hơn để nâng cao ý thức đối với hội viên lơ là với hội.

* Những năm qua, đóng góp của lực lượng sáng tác trẻ ở TP.HCM là không thể phủ nhận, thể hiện qua nhiều tác phẩm có chất lượng được bạn đọc đón nhận. Ở góc độ của một nhà phê bình văn học, ông đánh giá thế nào?

- Tôi luôn luôn quan tâm tới sáng tác trẻ, vì đọc họ bao giờ cũng có cái mới, đôi khi lạ nữa. Ở TP.HCM lực lượng này khá đông, nếu tính những người ở độ tuổi trên dưới ba mươi mà có được dấu ấn trong bạn đọc thành phố, và bước đầu với cả nước, tôi thấy khá đông đảo, nhiều hơn bất cứ địa bàn nào khác, kể cả Hà Nội. Một vài cây bút viết chững chạc, tay nghề già dặn. Một số trăn trở kiếm tìm phương thức thể hiện mới một cách có ý thức, có lý luận. Trong phê bình, nghiên cứu lớp trẻ tiếp cận với nhiều tri thức mới, lý thuyết mới, nên cách viết, nhịp điệu viết rất thú vị. Tôi chỉ mong làm sao trong các sáng tác trẻ tính công dân giàu có hơn và sôi sục hơn.

* Khi trở lại sống ở vùng đất mà mình từng cầm súng và cầm bút góp phần vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, ông có những dự định gì cho trang viết của mình?

- “Những trái tim tươi trẻ mê say/ Thời đánh giặc hay là thời xây dựng/ Tôi biết đấy chính là niềm cảm hứng/ Cho thơ tôi không thể cạn bao giờ”. Đấy là một suy nghĩ của tôi trong bài thơ Những trái tim bè bạn tôi viết cách đây ít năm có thể giải đáp đôi điều cho câu hỏi này. Mà không phải chỉ có trẻ đâu. Bao thế hệ có bao điều cần nói lên cho cả nước biết, cả thế giới biết. Mà chưa nói hoặc không nói được bằng sáng tác thì bằng phê bình nghiên cứu, nói lên cái hay cái đẹp của những trang viết về miền đất này của thế hệ cha anh, của đồng nghiệp bạn bè và cả những tài năng trẻ hôm nay, phải bỏ bao tâm lực mới sáng tạo được.

* Nếu còn một điều muốn bày tỏ với các đồng nghiệp của TP.HCM, đặc biệt là các nhà văn trẻ, ông muốn nói gì?

- Thành phố mình là một địa bàn năng động. Tuổi trẻ nơi đây luôn luôn sôi động, thời chiến đấu giành độc lập trước đây hay xây dựng hôm nay đều như vậy. Đó là một thực tiễn vô cùng hấp dẫn. Nếu có được những cây bút trẻ, với sự hấp thu tri thức mới của nhân loại, qua cách nhìn và tâm hồn trẻ, mà thể hiện qua tác phẩm cái phẩm chất, bản lĩnh của con người vùng đất này, nhất là lớp người trẻ, thì tôi tin, đó không chỉ là khao khát và mong đợi của riêng tôi, mà là của bao con tim đang đập nhịp đêm ngày cùng thành phố.

* Xin cảm ơn ông. Chúc tân chủ tịch sẽ hoàn thành trọng trách mà hội viên đã kỳ vọng ở ông và ban chấp hành.

 Ngày 6.7.2010, tại Hội Nhà văn TP.HCM, Chủ tịch Lê Quang Trang lần đầu tiên đã chủ trì cuộc họp ban chấp hành khoá 6, thông qua điều lệ và phân công nhiệm vụ của ban chấp hành gồm 8 thành viên, cụ thể như sau:
- Nhà lý luận phê bình Lê Quang Trang: chủ tịch, phụ trách chung, chủ tài khoản.
- Nhà văn Trần Văn Tuấn: phó chủ tịch thường trực, phụ trách Văn phòng Hội và công tác tổ chức.
- Nhà thơ Phạm Sỹ Sáu: phó chủ tịch phụ trách khối sáng tác và phong trào, kiêm chủ tịch Hội đồng Thơ.
- Nhà văn Huỳnh Dũng Nhân: trưởng Ban Kiểm tra, kiêm trưởng Ban các Câu lạc bộ.
- Nhà văn Hoàng Đình Quang: chủ tịch Hội đồng Văn xuôi.
- Nhà văn Bích Ngân: trưởng Ban Nhà văn nữ, kiêm phó chủ tịch Hội đồng Văn xuôi.
- Nhà thơ Trương Nam Hương: trưởng Ban Văn học thiếu nhi, kiêm phó chủ tịch Hội đồng Thơ.
- Nhà thơ Phan Hoàng: trưởng Ban Nhà văn trẻ, kiêm phụ trách dự án tờ báo, trang web và hoạt động truyền thông của hội.

Tác giả: Tây Hòa

Nguồn tin: Đương Thời

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây