Trong số hơn 700 đầu sách sắp ra đời, xếp hàng chờ mùa giải thưởng vào tháng 9 tới thì Pastel Fauve chắc chắn phải được để ý. Bởi tác giả của nó là cây bút mới 15 tuổi - Carmen Bramly.
Pastel Fauve là tiểu thuyết đầu tay của Bramly, kể về một cô bé mất trinh tiết từ năm 14 tuổi và một tác giả trẻ bắt đầu sự nghiệp sáng tác cũng ở độ tuổi đó. Sách đề tặng nhạc sĩ, ca sĩ Pete Doherty. Giải thích về điều này, cây bút trẻ cho biết: "Mỗi khi viết, tôi thường nghe nhạc của anh ấy, nên tôi muốn anh ấy là một phần của cuốn sách".
Bramly là tên tuổi mới nhất xuất hiện trong hàng ngũ các tác giả trẻ trên văn đàn Pháp. Năm ngoái, ngôi sao trẻ của làng văn nước này là Sacha Sperling, 18 tuổi. Còn năm 2004, Ariane Fornia, gây ngạc nhiên cho dư luận với cuốn tiểu thuyết dày dặn Dieu est une femme khi cô mới 14 tuổi.
Chi phí in ấn ở Pháp khá rẻ. Điều đó đã tạo điều kiện cho những tác giả trẻ như Bramly thực hiện giấc mơ của mình. Cây bút 15 tuổi cho biết, cô bắt đầu viết truyện và sáng tác thơ từ khi còn rất nhỏ. Cô luyện cho mình thói quen thức dậy vào 6h mỗi sáng và viết trong khoảng 1 tiếng trước khi đến trường học. "Tôi viết vì cảm thấy buồn chán và cô đơn suốt thời gian rỗi của mình", Bramly nói. Tác giả trẻ cũng tiết lộ, cô đã khởi thảo cuốn tiểu thuyết thứ hai.
Ngoài tuổi tác, thì một yếu tố khác giúp các cây bút trẻ gây được chú ý là bạn được sinh ra bởi những ông bố bà mẹ nổi tiếng. Càng tốt hơn nếu họ cũng là nhà văn. Trường hợp của Bramly là như vậy. Cô là con gái của Serge Bramly - câu bút từng đoạt giải Interallié năm 2008. Chính ông đã giới thiệu tác phẩm của con mình đến với nhà xuất bản. Nhà văn 14 tuổi Ariane Fornia, tên thật là Alexandra Besson, là con gái của Bộ trưởng Nhập cư Pháp Eric Besson. Còn Sacha Sperling là con trai của hai đạo diễn nổi tiếng Alexandre Arcady và Diane Kurys.
Theo Le Figaro, hiện tượng các nhà văn sáng tác từ khi còn rất trẻ vốn không còn xa lạ gì trong đời sống văn học Pháp xưa nay. Arthur Rimbaud từng nổi tiểng trước tuổi 21. Còn Françoise Sagan, ngay từ lúc 18 tuổi đã được báo chí Pháp gọi là "quái vật nhỏ quyến rũ" khi xuất bản cuốn tiểu thuyết Buồn ơi, chào mi (Bonjour Tristesse).
Những nhà văn trẻ nổi tiếng
Daisy Ashford
Năm 1890, Daisy Ashford viết cuốn tiểu thuyết The Young Visiters khi mới lên 9. Cuốn sách được chào đón nồng nhiệt ở Anh năm 1919. Nhưng khi chưa hết tuổi teen, Ashford đã từ bỏ nghiệp viết lách. Sau đó, bà trở thành thư ký rồi làm chủ một khách sạn. Bà chỉ trở lại với văn chương bằng một cuốn hồi ký xuất bản trước khi qua đời vào năm 1972.
Françoise Sagan
Dù Sagan đã sáng tác tổng cộng 40 tiểu thuyết và vở kịch, bà vẫn nổi tiếng nhất với tác phẩm đầu tay, ra đời lúc bà mới 18 tuổi - Buồn ơi, chào mi. Cuốn sách được hoàn thành trong vỏn vẹn chỉ 7 tuần. Tác phẩm kể câu chuyện về một thiếu nữ chán nản, tìm cách nổi loạn trong bối cảnh nước Pháp sau chiến tranh. Buồn ơi, chào mi đã tiêu thụ được hơn 5 triệu bản và được dịch ra 22 thứ tiếng. Khi Sagan qua đời vào năm 2004, ở tuổi 69, Tổng thống Pháp đương nhiệm lúc bấy giờ là Jacques Chirac đã bày tỏ rằng, nước Pháp đã "mất đi một trong những nhà văn xuất sắc và nhạy cảm nhất".
Christopher Paolini
Những năm gần đây, các cửa hàng sách liên tục săn đuổi sáng tác của cậu bé đến từ Montana, Mỹ, tác giả của những tác phẩm về thế giới kỳ ảo siêu thực đặc biệt hấp dẫn lứa tuổi teen. Paolini, viết tác phẩm đầu tay - Eragon - năm 15 tuổi. Tổng cộng 3 cuốn đầu tiên trong bộ truyện này đến nay đã bán được hàng triệu bản.
Tác giả: Thanh Huyền
Ý kiến bạn đọc