Quan niệm về hiện thực của người viết

Thứ hai - 23/08/2010 17:27 2.320 0

Quan niệm về hiện thực của người viết

Từ lâu, ‘hiện thực’ đã là chủ đề bàn thảo trong nhiều cuộc sinh hoạt văn chương. ‘Hiện thực’ cũng trở thành cái đích đến của những người viết cho rằng mình là thư ký trung thành của thời đại, là cái đích ngắm trước mắt của những người hô hào nhìn thẳng.

Hiện thực chẳng những được coi là đối tượng của lí luận về nhận thức, là đề tài của “chủ nghĩa hiện thực ngây thơ”, chủ đề cơ bản của môn logic học về văn học, mà còn là một chiêu bài được các “trường phái đến sau sử dụng để đả kích trường phái đi trước” (Robbe-Grillet).

Đến nay, và cũng có thể mãi sau này, với tính cách là cái đối lập với ‘hư cấu’ văn học, ‘hiện thực’ vẫn cứ thách đố những kẻ có tham vọng xây dựng cho mình một quan điểm lý thuyết riêng về sự viết và sự đọc văn bản văn chương. Hiện thực luôn luôn công khai khiêu khích việc đặt ra các tiêu chuẩn đánh giá văn học của nhà phê bình, bao giờ nó cũng là “phép thử” sự định hướng phát triển văn học của người làm quản lí văn nghệ.

Các câu hỏi như hiện thực trong văn học được quan niệm và kiến tạo như thế nào, nền văn học của chúng ta được phản hiện thực nào, vùng mảng hiện thực nào trở thành cấm kỵ của nó?… những tưởng đã được giải đáp từ lâu, song thực ra chúng vẫn còn là một vấn đề lớn hoặc tồn tại như một trở ngại. Nó đang đòi hỏi mỗi chúng ta cần có cách nhìn nhận lại, tiếp tục lí giải thấu đáo hơn nữa.

Báo điện tử Tổ Quốc xin giới thiệu tới bạn đọc một số ý kiến bàn thảo quanh vấn đề về hiện thực trong văn học Việt Nam.

PV: Ông có cho rằng văn học phản ánh hiện thực không? Nếu có, thì theo ông cần hiểu hiện thực và sự phán ánh hiện thực đó trong văn học như thế nào cho đúng? Điều gì quyết định chất lượng và tầm vóc của một tác phẩm văn học?

Nhà thơ Trần Nhuận Minh: Văn học có chức năng phản ánh hiện thực, điều ấy có lẽ không có gì để bàn. Cái có điều để bàn là hiện thực gì, hiện thực đó được nhìn bằng con mắt mở hay bằng con mắt khép, thậm chí không nhìn bằng mắt. Rồi hiện thực đó được phản ánh qua thể loại nào, ví như hiện thực của thơ không giống với hiện thực của tiểu thuyết, không phải chỉ ở dung lượng mà ở bản chất của nó, dù cùng một tác giả và viết cùng một phương pháp sáng tác.

Theo tôi, trong sáng tác, không nên đặt vấn đề hiện thực đó đúng hay không đúng (đấy là vấn đề của các phạm vi ngoài nghệ thuật), mà là hiện thực đó có phù hợp với phương pháp sáng tác và được kết tinh hoặc tỏa sáng bằng một tài năng hay không? Tôi đã từng thấy có cái hiện thực từng được coi là rất đúng, bây giờ thấy rõ ràng là sai, có cái trước đây tôi đọc, thấy là rất quan trọng, mới có vài năm sau đã thấy chả còn quan trọng gì. Trong nghệ thuật chỉ có hay và không hay. Hình ảnh người đẹp khoả thân bay lên trời khi có một ánh mắt phàm tục nhìn vào trong tiểu thuyết Trăm năm cô đơn của G. Mắckét thì không thể nói điều “xảy ra” đó là đúng hay không đúng. Còn quyết định chất lượng của một tác phẩm là hàm lượng nghệ thuật có trong tác phẩm đó với các đặc thù về thao tác, vừa mới mẻ, đầy ấn tượng vừa hấp dẫn bạn đọc, và tầm vóc của một tác phẩm được quyết định bởi giá trị tư tưởng, trong đó có hàm lượng triết học về thế giới và nhân sinh của tác giả. Hoàn toàn không phải ở độ dài. Ví dụ như khi Hồ Chí Minh viết: “Núi cao gặp hổ mà vô sự/ Đường phẳng gặp người bị tống lao” là rất lớn chứ. Hoặc khi Trần Dần viết: “Tôi khóc những chân trời không có người bay/ Lại khóc những người bay không có chântrời!”, bài chỉ có 2 câu thơ nho nhỏ vậy thôi, mà ai dám bảo là nhỏ?

Lê Anh Hoài: Hồn cốt của văn chương là đời sống con người, nếu đồng ý với nhau như vậy thì có thể thấy rõ ràng văn học phản ánh hiện thực, từ hiện thực mà ra.

Nhưng như thế nào là hiện thực, đó là điều gây tranh cãi. Truyện của Bồ Tùng Linh và những truyện thần tiên ma quỷ khác có phải là văn chương? Truyện kiếm hiệp? Ăn uống, nói cười, đi lại dễ được coi là thực, nhưng một giấc mơ có nằm trong phạm trù hiện thực không? Vv và vv, các cuộc tranh luận đến từ xa xưa và nay vẫn chưa chấm dứt.

Về phía tôi, tôi cho rằng tất cả những gì mà giác quan con người có thể thu nhận được và những gì có thể xuất hiện trong tâm thức con người (bao gồm cả ý thức và vô thức) thì đều là đối tượng của văn chương và đều là hiện thực. Tuy nhiên, có những hiện thực xa vời và những hiện thực gần gũi. Có những hiện thực bề mặt và những hiện thực tầng sâu... nghĩa là có nhiều cách tiếp cận và viết về hiện thực. Tôi thì nghĩ nhà văn cần phải chạm được vào những hiện thực sâu sắc, bản chất nhất của đời sống cộng đồng mà anh/chị ta đang sống trong đó. Dùng thủ pháp gì, chọn hình thức văn bản ra sao là một chuyện khác và trong chuyện này không có quy chuẩn nào hết. Vì có thể truyện viết với một bối cảnh kỳ ảo lại gợi ra sự thật hơn cả truyện viết toàn những chuyện thật hàng ngày; truyện viết bằng thủ pháp giễu nhại (parody) có khi còn nghiêm túc hơn truyện viết bằng các định đề đạo đức...

Anh hỏi điều gì quyết định chất lượng và tầm vóc của một tác phẩm văn học, với câu hỏi này tôi xin phép không trả lời. Có lẽ câu trả lời dành cho các nhà nghiên cứu, hoặc giám khảo các cuộc thi văn chương (khá nhiều) hiện nay.

Lê Vĩnh Tài: Nếu thời đại anh đang sống là thời đại của những lời nói dối thì cái hiện thực anh đang phản ánh là cái hiện thực nào? Là những lời nói dối thành thần hay là những điều ngược lại lẻ loi không ai tin và chính anh lại đang bị xem là người nói dối? Chủ nghĩa hiện thực đã từng có những bậc thầy, điều này ai cũng biết, nhưng bây giờ khó là ở hai chữ “phản ánh” của anh. Hiểu chúng như thế nào? Chúng có thể là dòng sông tuôn trào thành thác khi đáy sông bị đứt gãy hay chỉ là vũng nước đầy rác bên đường sau mưa mà bây giờ đô thị nào cũng ngập? Thế giới các nhân vật thật thú vị vì chúng chính là gương mặt, tâm hồn, suy nghĩ của thời đại mà tác giả nào cũng muốn nắm bắt, vẽ ra. Những cố gắng ấy bao gồm đầy đủ cả phần tối và phần sáng, góc khuất và phần phơi mở, phần thiện và phần ác xuất hiện trong những lúc khác nhau của muôn mặt cuộc sống thực hàng ngày, quanh mỗi chúng ta. Tôi không thích chữ “phản ánh thế nào cho đúng” của anh. Thế nào là đúng? Để phản ánh được hiện thực, đôi khi người ta phải dùng đến những cách phản hiện thực, “nghiền ngẫm” chìm sâu với hiện thực, sao cho những phần khuất lấp, những phần tăm tối, đểu giả, những mạch ngầm mafia bật ra sau những thăng hoa sáng tạo, trở lại thành những thứ gồ ghề thô nhám tự nhiên nhất mà cuộc đời vẫn thế. Mãi mãi thế. Nhờ vậy mà tâm hồn của người đọc trở nên khỏe khoắn hơn, như người bệnh nan y sau khi được điều trị đúng thầy đúng thuốc. Vì thế cái hiện thực ấy nếu có cay đắng hay u ám cũng không sao, miễn là ngòi bút phải đủ yêu thương, nhiều khi đến ứa máu.

Chất lượng một tác phẩm thì theo tôi, dĩ nhiên tùy thuộc vào tài năng của người viết. Một nhà văn tài năng sẽ biết cách làm cho tác phẩm của mình có “chất lượng và tầm vóc”, theo như ý của anh. Hay anh nghĩ còn có thể có “điều gì khác quyết định chất lượng và tầm vóc của một tác phẩm văn học?”. Nếu thế thì ở đây có vai trò của phê bình văn học, khi các nhà lý luận cứ tiếp tục dẫn dắt thẩm mỹ của bạn đọc theo một quan niệm “định hướng” nào đó mà đến lượt những người viết phải “chạy theo”, tạo thành một vòng lẩn quẩn kể lể than trách mệt mỏi chán ngắt rã rời.

Nhà thơ Mai Văn Phấn: Hiện thực trong văn học không còn là hiện thực khách quan khi nó được mô tả thông qua con mắt nhà văn. Đó là kết quả quá trình nhà văn tích lũy, trải nghiệm vốn sống, là vốn kiến thức, nền tảng văn hoá của một cá nhân. Tác phẩm mà nhà văn đưa đến bạn đọc là siêu hiện thực của hiện thực. Ví như nhân vật Gregor Samsa (trong truyện ngắn Hóa thân của F.Kafka) một sớm thức dậy thấy mình biến thành con côn trùng, hay cái đuôi lợn của thằng bé cuối cùng trong dòng họ Buendya (trong tiểu thuyết Trăm năm cô đơn của G.G.Marquez) là cách phản ánh độc đáo hiện thực đời sống. Hiện thực trong thơ là luồng sáng phát ra từ bài thơ, để ta cảm nhận được bản chất và sự tế vi của đời sống thực. Bóng dáng thời đại ngả vào trang viết đến đâu quyết định tầm vóc tác phẩm của nhà văn đến đó, nhưng chất lượng một tác phẩm văn học còn tuỳ thuộc vào tài năng của mỗi người và nhiều yếu tố khác. Khái niệm văn học “phản” hiện thực là cách tưởng tượng độc đáo, cũng là một phản đề, “gợi ý” để bạn đọc hình dung, so sánh một hiện thực đời sống. Ở đây, bạn đọc chính là người đồng sáng tạo với nhà văn dựa trên văn bản tác phẩm. Thông qua khả năng cảm nhận riêng biệt, mỗi người sẽ hình dung hiện thực tác phẩm theo cách riêng mình. Giống như cùng một giai điệu trong bản nhạc, ai đó hình dung con tàu đang ra khơi, nhưng người khác cũng không sai khi nghe thấy những tiếng vó ngựa chạy trên thảo nguyên…

Ngô Kim Đỉnh: Văn học không phản ánh hiện thực thì phản ánh cái gì. Thực ra, bây giờ chúng ta có nên đặt vấn đề như vậy không? Văn chương - văn học là sản phẩm tinh thần (và là biểu hiện vật chất của tinh thần) của con người. Vì thế, dù mờ - ảo đến đâu, dù tưởng tượng đến đâu, dù viễn tưởng đến đâu... thì văn chương làm sao mà thoát ly hoàn toàn hiện thực đời sống được.

Tất nhiên, đối với “người cầm bút chuyên nghiệp” thì khái niệm phản ánh hiện thực phải được hiểu rộng và toàn nghĩa. Tôi vừa đọc trên báo Văn nghệ, Nhà nghiên cứu văn học Trịnh Bá Đĩnh có viết bài “Nghệ thuật và hiện thực trong văn học”. Xin tâm đắc cùng ông, ông đã nói đến tinh thần cơ bản của văn chương qua việc phản ánh hiện thực. Có thể hiểu phản ánh ở đây là “... một cách nhìn, một cách nghe, một cảm giác, cảm xúc yêu ghét, suy nghĩ... riêng, mới mẻ và mang tính tổng hợp...”. Đương nhiên tôi hiểu, hiện thực cuộc sống ở đây không phải là cuộc sống trong bảo tàng, trong nhà kính hay cuộc sống của những đồ chơi - búp bê; hoặc cũng không hẳn là một khoảnh khắc - một thời điểm không tiêu biểu gì: ấy là sự khô cứng trần trụi, tẻ nhạt, chắp vá... mà là cả một đời sống không ngừng vận động trong mối liên hệ - tồn tại tất nhiên. Đấy, vì thế tôi xin lại đồng ý với tác giả Trịnh Bá Đĩnh: “Văn học đó là một cách sống với hiện thực”.

Khi người viết tạm thống nhất được với nhau mấy điều như vừa nói trên, thì điều quyết định chất lượng và tầm vóc tác phẩm văn học còn/và sẽ phụ thuộc vào tài - đức của nhà văn. Nhà văn trước hết phải là nhà văn hoá - là người hiểu nhiều thứ và giỏi một thứ nào đấy... Đấy là sự nhà văn có học vấn cơ bản thế nào, tầm hiểu biết xã hội và nhìn nhận xã hội thế nào, trải nghiệm cuộc sống đến đâu?... Và quan trọng - nhà văn đang sở hữu tư cách và đạo đức của mình ra sao?... Có thể nói “hơi cổ điển” thế này: nhà văn phải có một nhân sinh quan, một thế giới quan sâu sát thời đại mình, phải sống “lặn lội” với đời sống xã hội rộng lớn thì hãy viết văn, hãy mong có tác phẩm chất lượng.


PV: Quan niệm của ông về hiện thực đất nước hôm nay? Cuộc sống hôm nay đặt ra những vấn đề gì cho người viết? Ông thường quan tâm đến mảng hiện thực nào, vì sao?

Nhà thơ Trần Nhuận Minh: Hiện thực của đất nước hôm nay là những biểu hiện của một xã hội đang vận hành trong cơ chế thị trường, từng bước hội nhập với thế giới, với tất cả mặt sáng và mặt tối của nó. Nói thật gọn, tôi hiểu là như vậy và tôi quan tâm đến mảng hiện thực này, vì nó đang tác động rất ráo riết đến đời sống của cả xã hội và của tất cả mọi người. Với sự cởi mở của công cuộc đổi mới, nhà văn được thấy và được viết về các mặt đối lập vốn có của hiện thực, và như thế, mọi rào cản đã cơ bản được tháo gỡ. Nước ngoài có một câu ngạn ngữ rất hay: “Một nửa cái bánh mì vẫn là cái bánh mì, nhưng một nửa sự thật vẫn không phải là sự thật.” Chúng ta chưa có một tài năng nào đủ sức khái quát nghệ thuật về độ lớn đó của đời sống hiện thực, kể cả khi được phép viết về 2 mặt của một tấm huân chương để có một tấm huân chương như nó vốn có. Vấn đề đặt ra cho nền văn chương của chúng ta hiện nay là như vậy. Cũng không phải vì không có hoặc ít có tiền đầu tư. Tôi cho rằng, nhiều tác phẩm viết theo kiểu làm hàng (đầu tư), chỉ là tác phẩm trung bình. Mà nền văn học thì không cần các tác phẩm trung bình.

Hiện thực trong sáng tác của cá nhân tôi phát triển theo một qui trình với 3 bước tôi đã đi. Thời bao cấp (1960 - 1986): hiện thực trong sáng tác của tôi là sự nghiệp của giai cấp công nhân và mối liên hệ xã hội của nó trong bảo vệ và xây dựng Tổ quốc (cả trong 4 tập thơ mà tập thơ, đáng chú ý nhất là Âm điệu một vùng đất và 2 tập truyện vừa: Trước mùa mưa bão , Hònđảo phía chân trời đều đã tái bản lần thứ 5); 15 năm cuối thế kỉ XX, tức là thời kì đổi mới đất nước (1986 - 2000): hiện thực trong sáng tác của tôi là số phận của Nhân dân Việt Nam trong những va đập của thế cuộc, cả ở trong nước và ở nước ngoài, với đủ mọi biểu hiện của đời sống mà tôi không hề né tránh, dù hiện thực đó nghiệt ngã và đau lòng đến đâu. Trong thơ của tôi có đủ các hạng người trong xã hội hiện nay, từ nhà lãnh đạo đầu tỉnh (như nhà khoán hộ Kim Ngọc…) đến một tên tướng cướp ở sân bay nước Nga, nếu có thiếu, có lẽ chỉ thiếu một loại người là người nhiễm HIV. Tập thơ duy nhất của tôi là: Nhà thơ và hoa cỏ hoàn thành trong 15 năm, với sự bổ sung dần từ các tập thơ đã xuất bản khác, đã tái bản đến lần thứ 17; Mười năm đầu thế kỉ XXI, hiện thực trong sáng tác của tôi là hiện thực của Con Người, với mọi nỗi niềm người, kể cả nỗi niềm trước cõi Vô Cùng của vũ trụ và tâm linh, được phản ảnh hoàn toàn khác nhau trong 3 tập thơ: Bản xônat hoang dã (đã tái bản lần thứ 8), 45 khúc đàn bầu của kẻ vô danh (đã tái bản lần thứ 2) và Miền dân gian mâytrắng, (đã tái bản lần thứ nhất). Như vậy, tôi đã đi dần từ sông ra biển, từ Công nhân đến với Nhân dân và từ Nhân dân đến với Con Người. Tôi đã tập hợp 4 tập thơ tiêu biểu nhất của tôi (như đã ghi ở trên), làm thành tập Bốn mùa, xuất bản năm 2008 và 2009. Tôi hi vọng, nếu ai đọc thơ tôi trong cả quá trình sẽ nhận ra bước đi đó, với cố gắng luôn luôn tự làm mới mình để không tập thơ nào cùng kiểu với một tập thơ nào, trong cách phản ánh hiện thực, cũng như trong các thao tác nghệ thuật.

Lê Anh Hoài: Việt Nam hiện nay có đời sống phong phú và đa tạp, có lẽ vào bậc nhất trên thế giới. Ở Việt Nam giờ đây, loại người nào cũng có, chuyện kỳ quặc khó tin nhất cũng đều có. Do các điều kiện địa văn hoá và lịch sử, ở Việt Nam bây giờ pha trộn đủ các loại ý thức và tồn tại xã hội.

Người viết không nên né tránh hiện thực cuộc sống hôm nay. Dĩ nhiên không nhà văn nào có thể bao trùm hết tất cả mọi thứ vào trong một tác phẩm. Nhưng đừng né tránh, từ ngay góc nhìn nhỏ - riêng của mình.

Tôi quan tâm đến mảng đời sống của văn nghệ sĩ, trí thức, vì tôi thấy thú vị, và dường như từ đó, có thể phóng chiếu ra nhiều hiện thực khác.

Lê Vĩnh Tài: Người viết nào cũng có những cách riêng để đưa hiện thực vào văn học. Thời buổi “hậu hiện đại” bây giờ, với đủ trò đủ chiêu đang diễn ra trong cuộc sống, hiện thực càng dễ nép mình vào những thời sự, giễu nhại chen chân bên cạnh những nuối tiếc hoài cổ lãng mạn đâu đâu. Dùng những biện pháp phản hiện thực nhất hóa ra lại nói được nhiều nhất về hiện thực, lẫn lộn mọi thứ theo kiểu cố ý, mà lại tránh được những ẩn dụ tăm tối bí hiểm mệt nhoài là cách mà tôi yêu thích. Nhưng còn làm được đến đâu lại là một chuyện khác. Người đọc bây giờ vừa thích vừa mệt với hàng núi thông tin, sao người viết không thể giải trí cho người đọc mình bằng cách giúp cho họ bớt (hay thêm) những băn khoăn, nghịch lý khi xử lý thông tin hiện thực, như thể có một mạch ngầm róc rách tưới mát từ cái núi thông tin cỏ lau khô hạn ấy?

Những khái niệm “hậu chiến”, “bao cấp” rồi thoát khỏi “bao cấp”, đến “đổi mới”… Đất nước đã cất cánh, nhiều thứ đã thoát ra khỏi đời sống của xã hội tiêu dùng nhưng vẫn còn phất phơ bay trong tâm tưởng biết bao nhiêu người. Đã đành phá hủy rồi mới xây dựng. Nhưng cứ phá hủy rồi xây dựng, cũng có lúc điều thiêng liêng thành những vô vị, trống rỗng. Ví dụ như mệt mỏi chán nản đang là một thứ hiện thực của nhiều nhà thơ trẻ, có người diễn đạt điều đó trong tác phẩm của mình, nhưng vẫn bị các đàn anh trách cứ là “không nói được vấn đề lớn của dân tộc”, thế thì làm thế nào? Sự chán nản là có thật. Một thế hệ lúng túng ngơ ngác thì văn chương của họ có được quyền lúng túng ngơ ngác không? Sao các cụ “Lũ chúng ta đầu thai nhầm thế kỷ” thì được, mà các cây bút trẻ không được? Mà thế nào là cây bút trẻ? Lại nói lại, thế nào là hiện thực? Sáng tạo lại cái hiện thực của chính mình nghĩ ngợi chiêm nghiệm hay lại là hiện thực ước lệ của ai đó đặt ra? Tỉnh thành nào cũng có các Hội VHNT, ở đó người ta đang “quản” cái gì? Cái nhìn của anh Tây ba lô đi du lịch ngơ ngác thấy gì cũng thích hay là cái nhìn của những người Việt xa quê về nhà thấy gì cũng buồn cũng nhớ cũng đau, cái nào là hiện thực? Người viết tự chọn tâm thế cho mình nhưng nhiều khi không phải thế, không được thế dù chả ai bắt thế, và như thế xuất hiện những thứ hiện thực đang mặc quần gin hàng nhái lõm bõm lội vũng nước ngập củi trôi lều bều trên đường phố của các đô thị loại I sau mưa… Người viết có thể dùng nhiều kỹ thuật nhằm giễu nhại những cay đắng này nhưng ý nghĩa hiện thực của tác phẩm thì cũng trượt xa những ao ước dự tính ban đầu. Nhưng cũng hay, nó tạo thành một thứ “trí trá” của chủ nghĩa hiện thực, một thứ hiện thực mà trước đây người ta chưa có dịp vẽ ra cho rõ ràng, mà mới chỉ mon men chạm vào, một kiểu “hiện thực phải đạo” (chữ của Hoàng Ngọc Hiến), làm bình phong cho chủ nghĩa thực dụng của người viết một thời.

Nhà thơ Mai Văn Phấn: Hiện thực đất nước hôm nay ví như con thuyền nhỏ trôi ra giữa biển, có nhiều vận hội được mở ra, nhưng cũng không ít hiểm nguy rình rập, biến ảo khôn lường... Nhà văn cũng dễ bị “choáng” nếu không xác định được mình đang ở đâu và “con thuyền” kia sẽ trôi đi đâu. Nhà văn, theo tôi, không nên sa đà vào những vấn đề vụn vặt, tầm thường, câu khách… mà cần lý giải tận gốc rễ những căn nguyên hiện tượng đời sống, hoạch định chiến lược “mô hình” xã hội theo quan điểm riêng, cách nhìn riêng của nhà văn. Muốn thế, nhà văn cần trang bị cho mình kiến thức phong phú và sự trải nghiệm chín chắn để có thể suy nghĩ, sáng tạo độc lập, trước hết tránh được thói “a-dua” hoặc chửi đổng vô tích sự… Tôi làm thơ không chăm chú vào “mảng” hiện thực cụ thể nào. Đôi khi trong thơ tôi chỉ hiện lên những hình ảnh đời thường bình dị, nhưng khi sáng tác, hơi thở tổng hoà của đời sống xã hội và cả những ký ức từ xa xăm đâu đó cũng phả vào trang viết.

Ngô Kim Đỉnh: Hiện thực đất nước hôm nay thật phong phú và đa dạng. Đất nước chúng ta đang chuyển mình sang phía cơ chế thị trường về kinh tế - xã hội. Sự dịch chuyển đó không đến mức biến động lớn nhưng cũng gây những xáo động đến toàn bộ đời sống xã hội - dân sinh.

Theo thiển ý của tôi, hiện thực đời sống hôm nay đặt ra cho người viết những vấn đề cốt thiết sau:

Một là, cách sống, cách nhìn nhận theo lý tưởng - theo niềm tin trong mỗi người ra sao? Hai là, tư tưởng - tình cảm - quan điểm sống của mỗi bộ phận dân cư đã khác? Ba là, sự cống hiến, sự “hy sinh” cho đời sống - sự nghiệp bây giờ thế nào? Bốn là, cuộc đấu tranh khốc liệt giữa đạo đức - tình cảm với các giá trị vật chất, giữa các giá trị đạo lý với giá trị giả - phi chuẩn mực đang diễn ra thế nào? Năm là, cuộc vật lộn giữa cái đúng với cái sai, giữa giàu với nghèo, giữa “các thế lực mới” với tầng lớp thường dân?- Tất nhiên, tôi luôn nghĩ ngợi cả 5 vấn đề cơ bản như vừa nói.

Vì sao ư, vì đời sống con người xã hội hôm nay đang “đấu trí” chủ yếu với 5 yếu tố đó. Nếu hoá giải được, nếu nhìn nhận đúng được, nếu “sống ổn” được qua “5 dòng sông” đó thì người ta mới sống làm công dân bình thường được. Thế đấy, các nhà văn đã và đang “sống thật” như thế nào?

* Trân trọng cảm ơn!

Trần Thiện Khanh (thực hiện)
Nguồn: Văn học quê nhà

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây