Những bất ngờ từ Thạch Lam

Thứ sáu - 22/10/2010 12:18 4.833 0

Chân dung nhà văn Thạch Lam qua nét vẽ của Đinh Hùng

Chân dung nhà văn Thạch Lam qua nét vẽ của Đinh Hùng
Trong các nhà văn là thành viên của nhóm Tự Lực văn đoàn, Thạch Lam từng được đánh giá là có nhãn quan "tiến bộ" hơn cả.

Đến nay, tác phẩm của ông vẫn  gần gũi với độc giả, không "lỗi thời", "khó đọc" như một đôi tác giả trong nhóm văn chương nói trên. Vậy mà, khi Thạch Lam còn sống, sách của ông thuộc loại bán chậm nhất so với các nhà văn thành viên của Tự Lực văn đoàn. Lý do chỉ vì: Ông không chạy theo các đề tài giật gân, câu khách...

Thời tiền chiến, chúng ta có nhiều nhà văn rất tài năng nhưng đoản mệnh. Trẻ nhất trong số này là Nguyễn Nhược Pháp, tác giả thi phẩm "Chùa Hương" nổi tiếng - ông mất khi mới 24 tuổi. "Muộn" hơn một chút là Vũ Trọng Phụng, một thiên tài văn học, mất khi mới 27 tuổi. Kế đó là Hàn Mặc Tử, 28 tuổi. Thạch Lam "muộn" hơn chút nữa, song cũng chỉ "trụ" được tới tuổi 32. Nếu còn sống, tới ngày 7 tháng 7 vừa qua, nhà văn tài danh của chúng ta bước vào lần sinh nhật thứ 100 (7/7/1907 - 7/7/2010).

Nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh Thạch Lam, xin cung cấp cho các bạn đọc trẻ, nhất là các bạn học sinh từng ôn luyện tác phẩm của Thạch Lam trong các kỳ thi một số tình tiết ít người biết đến liên quan đến cuộc đời ông.

Nhiều sách báo hiện tại vẫn ghi, Thạch Lam tên khai sinh là Nguyễn Tường Lân. Kỳ thực, khi mới chào đời, ông được các cụ thân sinh đặt tên là Nguyễn Tường Sáu, vì ông là con thứ sáu trong nhà. Khi bắt đầu đi học ở trường huyện Cẩm Giàng (Hải Dương), bố mẹ ông làm lại khai sinh cho con là Nguyễn Tường Vinh. Đến năm Thạch Lam 15 tuổi, thấy mình học chậm, cần tăng thêm tuổi để học "nhảy" 4 năm, ông làm lại khai sinh lần nữa, thành Nguyễn Tường Lân.

Về bút danh, ngoài bút danh Thạch Lam, ông còn có một số bút danh dành cho các thể loại khác. Như khi viết phóng sự, ông thường ký là Việt Sinh. Viết sách cho thiếu nhi, ông ký là Thiện Sỹ. Sinh thời, Thạch Lam từng tham gia vẽ tranh và ở mảng nghệ thuật này, ông ký tên thật Nguyễn Tường Lân.

Trong các nhà văn là thành viên của nhóm Tự Lực văn đoàn, Thạch Lam từng được đánh giá là có nhãn quan "tiến bộ" hơn cả. Đến nay, tác phẩm của ông vẫn  gần gũi với độc giả, không "lỗi thời", "khó đọc" như một đôi tác giả trong nhóm văn chương nói trên. Vậy mà, khi Thạch Lam còn sống, sách của ông thuộc loại bán chậm nhất so với các nhà văn thành viên của Tự Lực văn đoàn. Lý do chỉ vì: Ông không chạy theo các đề tài giật gân, câu khách...

So với các nhà văn trong Tự Lực văn đoàn, Thạch Lam có số đầu sách được xuất bản ít nhất. Tập "Hà Nội băm sáu phố phường" được ghi nhận là tác phẩm cuối cùng của ông. Thật ra, sau cuốn sách này, Thạch Lam dự tính viết cuốn "Thập niên đăng hỏa" (Mười năm đèn lửa) song cái chết đã ngăn trở ước vọng của ông. Mặc dù tới nay, không ai rõ cuốn sách mà Thạch Lam dự tính viết ấy có nội dung thế nào, song theo như một số bạn hữu của ông đoán định thì đó sẽ là cuốn sách viết về vấn đề nghiện thuốc phiện. Từng là nạn nhân của tệ hút xách, hẳn Thạch lam muốn thông qua cuốn sách cất lên tiếng nói cảnh báo cho các thế hệ sau?

Là em trai của những nhà văn có lối sống rất Tây phương (Nhất Linh, Hoàng Đạo), bản thân lại có vẻ "khó gần", nhiều người ngỡ Thạch Lam phải là người có cuộc sống sung túc, phong lưu. Kỳ thực, gia cảnh ông cũng thanh bần. Bà Nguyễn Thị Thế, chị gái Thạch Lam từng kể rằng, có lần bà đến nhà Thạch Lam chơi (một gian nhà gianh bên hồ Tây), thấy trời rét mà em mình chỉ đắp một cái chăn mỏng, phải mua chăn khác cho em. Cũng theo bà Thế: "Vì nghèo nên chú chỉ ước mơ mua một chiếc ghế bành ngồi mà cũng không mua được".

Thạch Lam vốn dĩ được xem là người có lối sống lặng lẽ, khép kín. Ông "khó tính" nhưng hầu như không bao giờ to tiếng, nạt nộ ai. Việc không ưng ý, ông chỉ thở dài. Trong hồi ký của mình, nhà văn Đỗ Đức Thu từng kể lại rằng: Khi được bác sĩ thông báo mình mắc bệnh lao (một căn bệnh được xem là nan y thời ấy), Thạch Lam chỉ thốt lên hai tiếng: "Không may!". Ông không hề phàn nàn thêm lời nào, cứ tiếp tục bền bỉ làm việc. Cho đến một ngày, ông thất thanh gọi: "Bách ơi! Bách!", bác sĩ Nguyễn Tường Bách, em ruột Thạch Lam từ ngoài sân chạy vội vào thì Thạch Lam đã... tắt thở.

Tác giả: Lê Hữu

Nguồn tin: VNCA

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây