Trong khoảng hai năm đầu tiên của thế kỷ XIX, với sự xuất hiện hai bài phú Nôm, Tụng Tây Hồ phú của Nguyễn Huy Lượng và Chiến tụng Tây Hồ phú của Phạm Thái, Hồ Tây và những khu vực phụ cận - một không gian văn hóa đặc trưng của Hà Nội - đã được vẽ lại bằng ngôn từ, và được vẽ lại theo những cái nhìn - phối cảnh rất đối nghịch.
Sở dĩ có thể nói đến chuyện “vẽ lại” ở đây, ấy bởi đặc điểm thể loại (thể phú) của hai tác phẩm mà ra. “Phú giả phô dã” - phú là để bày ra, phô ra, để tự sự, để miêu tả. Những tác phẩm phú (chữ Hán) nổi tiếng như Bạch Đằng giang phú của Trương Hán Siêu, Chí Linh sơn phú của Nguyễn Trãi hay Trảm xà kiếm phú của Sử Hy Nhan là những ví dụ sáng giá cho khả năng tự sự và miêu tả của thể phú. Hai bài phú Nôm đang được nói đến cũng vậy: trùng trùng điệp điệp những miêu tả cảnh quan khu vực Tây Hồ, lớp gần lớp xa, liên miên như không dứt.
Trong mắt Nguyễn Huy Lượng, Tây Hồ là cả một quần thể di tích đẹp, có sức nhắc gợi quá khứ, khiến cho lịch sử và huyền thoại luôn đồng hiện với con người ngày nay: “Tòa thạch tháp, nọ nơi tiên để báu/ Chốn thổ đôi, kia chỗ Khách chôn bùa/ Đền Mục Lang hương lửa chẳng rời, tay lưới phép còn ghi công bắt hổ/ Quán Trấn Vũ nắng mưa nào chuyển, lưỡi gươm thiêng còn để tích giam rùa/ Kề bến nọ, quán Thiên Niên lớp lớp/ Cách ngàn kia, ghềnh Vạn Bảo nhấp nhô”, thì trong mắt Phạm Thái, quần thể di tích của Tây Hồ đã trở nên hoang tàn, đã tắt ánh hào quang huyền thoại, đã mất thiêng: “Tòa thạch tháp đã tản bình xá lỵ/ Đống thổ đôi đà nát dấu chôn bùa/ Lưới Mục Lang âu nát mất cả giềng, gian chẳng bắt nữa hoài công bắt hổ/ Gươm Trấn Vũ chỉ còn trơ những sống, giặc không giam mà còn sức giam rùa/ Thiên Niên nếu được lâu, sao quán nát?/ Vạn Bảo nào có báu, để ghềnh nhô?”.
Trong mắt Nguyễn Huy Lượng, Tây Hồ là vùng đất lành, nơi có thể thắp lên những tình cảm tôn giáo cao khiết, lại vừa là nơi cư dân tụ hội đông vui, làm ăn buôn bán sầm uất, mọi người sống một đời sống an bình no ấm: “Tòa Kim Liên sóng nổi mùi hương, chùa Trấn Quốc tưởng in mùi Tịnh Phạn/ Hàng cổ thụ gió rung bóng lục, tràng Phụng Thiên nhân sẵn thú Nghi Vu/ Dấu Bố Cái rêu in nền phủ/ Cảnh Bà Đanh hoa khép cửa chùa/ Trông mơ màng dường Đỉnh Thứu nơi kia, vài tổ thước cuối làng kêu lích chích/ Nghe phảng phất ngỡ Động Đào mái nọ, mấy tiếng gà trong trại gáy o o/ Lò Thạch Khối khói tuôn nghi ngút/ Ghềnh nhật Chiêu sóng giật ì ồ/ Rập rềnh cuối bãi Đuôi Nheo, thuyền thương khách hãy chen buồm bươm bướm/ Thanh lảnh đầu hồ Cổ Ngựa, tháp cao tăng còn hé cửa tò vò”.
Trong mắt Phạm Thái, Tây Hồ là cả một nền cảnh cực kỳ lộn xộn chắp vá, đạo thì nực mùi trần mà trần thì lại đầy những tạp hình tạp âm tạp vị (không loại trừ vị của chất thải - niệu thỷ) khiến cho ai nấy đều ngao ngán: “Ngẫm tăng ni thơ thẩn khổ tu hành, anh áo vóc, chị mũ vàng, đỏng đảnh thế ở làm giông phạn vũ/ Xem đồng quán dở dang chiều lý thú, đứa quả đào, thằng khăn trắng, náo nức thay chạy đến quấy Nghi Vu/ Ông Đá dãi dầu hình tượng miếu/ Bà Đanh vắng ngắt tiếng chuông chùa/ Nhà tranh đua đều khấn Bụt cầu giời, đường Quan Thánh khéo lăng nhăng lít nhít/ Chợ xào xạc những buôn hùm bán quỷ, mái Trường Lương nghe lếu láo ỷ o/ Khói lò gạch thổi lưng trời ngùn ngụt/ Sông cánh hàn xô sườn đá ồ ồ/ Bãi Đuôi Nheo tanh ngắt giống tinh chiên, nước trong hờn vẻ nguyệt chẳng còn ưa, thuyền du tử lái quay ra cho chóng/ Hồ Cổ Ngựa thối hoăng mùi niệu thỷ, hoa thơm giận chiều xuân sao nỡ phụ, lều cư nhân gianh nát đã như vò”.
Trong mắt Nguyễn Huy Lượng, không phải tự nhiên mà cảnh Tây Hồ lại đẹp đẽ nhường ấy. Đã có lúc tất cả cảnh trí ở đây đều hoang lương quạnh quẽ. Đó là giai đoạn kéo dài sáu năm trời: từ năm Canh Tý (1780), năm Trịnh Khải âm mưu đảo chính, đến năm Bính Ngọ (1786), năm Tây Sơn kéo quân ra Bắc diệt Trịnh. Trật tự chỉ được vãn hồi kể từ khi Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế, tiến quân ra Bắc lần thứ hai, đánh tan đạo quân xâm lược của tổng đốc lưỡng Quảng Tôn Sĩ Nghị rồi chính thức đặt sức mạnh vương quyền của mình trên đất Bắc Hà. Nguyễn Huy Lượng không tiếc lời để tả những thay đổi tốt đẹp lớn lao mà sự có mặt của triều Tây Sơn đã mang tới cho cảnh Tây Hồ: “Tới Mậu Thân (1788) từ rỡ vẻ tường vân, sông núi khắp nhờ công đãng địch/ Qua Canh Tuất (1790) lại tưới cơn thời vũ, cỏ cây đều gội đức triêm nhu/ Vũng trì chiểu nước dần dần lặng/ Nơi đình đài hoa phới phới đua/ Chốn bảy cây còn mấy gốc lăng vân, chẳng tùng bách cũng khoe hình thương lão/ Nơi một bến đã đông đoàn hý thủy, tới uyên ương đều thỏa tính trầm phù/ Vẻ hoa thạch châu thêu gấm dệt/ Tiếng trùng cầm ngọc gõ vàng khua”. Ông cũng không quên ca ngợi, một cách trực tiếp, ơn đức của nhà Tây Sơn, và đặc biệt là ông nhấn mạnh vào phẩm chất khoan dung, sự độ lượng của tân triều trước những kẻ bắt chước Bá Di, Thúc Tề, Hứa Do, Sào Phủ bất hợp tác với chính quyền: “Bãi cỏ non, trâu thả ngựa buông, nội Chu đã lắm người ca ngợi/ Làn nước phẳng, kình trầm ngạc lặn, ao Hoàng nào mấy trẻ reo hò/ Mặt đất đùn này thóc này rau, dầu lòng Cô Trúc/ làn nước chảy nọ dòng nọ bến, mặc chí Sào Do”.
Trái lại, trong mắt Phạm Thái, sự có mặt của nhà Tây Sơn mang đến một kết quả khác hẳn. Và bức tranh ông phác ra đã vượt quá khung khổ của cảnh trí Tây Hồ: “Quỷ dạ xoa quấy Bụt xuống chi đây, người bách nghệ đến đâu đều khổ não/ Thần hạn bạt nát ai ra đấy tá, kẻ tam nông mong chẳng được tô nhu/ Cơn binh hỏa trải mấy tao dời đổi/ Buổi phong trần thêm mấy dịp tranh đua/ Lớp tang thương rơi rụng tựa hoa tàn, ngẫm thiên tạo cũng vui thay cảnh thú/ Cuộc Nam Bắc được chăng dường chớp giật, nghĩ thời cơ thêm ngán nỗi khuông phù”. Nếu Nguyễn Huy Lượng bảo rằng dưới triều Tây Sơn thiên hạ đã yên, thì Phạm Thái lại chỉ ra những con sóng ngầm đang chực trồi lên cuốn phăng tất cả cơ đồ mà Nguyễn Huệ một tay gây dựng: “Đông châu mấy kẻ múa gươm trung, buồm cần vương quất ngược ngọn nam phong, thù khấu tặc chí còn chưa thỏa/ Bắc khổn những người đem việc nghĩa, cờ chính khí phất tàn lò hạ hỏa, nợ quân vương lòng chẳng ứng phu”. Ông “giả giọng tiên tri” để bàn về vận mệnh của nhà Tây Sơn: “Thuở bán thiên dồn đến lại thêm phiền, Canh Thân ấy nghĩ còn bền tựa đá/ Quẻ lục hợp bói ra thì cũng phải, Nhâm Tuất kia âu hẳn nát ra tro”. (Canh Thân (1800) là năm quân nhà Nguyễn ở Gia Định phản công mãnh liệt, Nguyễn và Tây Sơn đánh nhau to ở miền Trung. Nhâm Tuất (1802) là năm quân Nguyễn đại thắng, thu toàn bộ non sông về một mối). Có thể nói, đây là hai cái nhìn, hai lập trường đối nhau chan chát. Và ở cuối bài Chiến tụng thì Phạm Thái đã không ngần ngại tuyên bố mục đích viết, đồng thời cũng là tuyên bố quan điểm chính trị của mình: “Giận vì thằng nỡ đặt Tụng Tây Hồ, bênh ngụy tặc bỏ quên thần đế thế/ Cho nên tớ phải họa thiên Chiến Tụng, nguyện ngô quân đem lại nếp hoàng đồ”.
Về tác giả Nguyễn Huy Lượng, trong Từ điển văn học, bộ mới, nhà nghiên cứu Nguyễn Lộc cho biết: “Nguyễn Huy Lượng thi đậu Hương cống, tức Cử nhân. Dưới thời Lê - Trịnh ông được bổ làm Phụng nghi, một chức quan nhỏ ở bộ Lễ. Sau khi vua Quang Trung ra Bắc đại phá quân Thanh, ông ra cộng tác với nhà Tây Sơn, giữ chức Hữu Thị lang bộ Hộ (nên mới gọi là Hữu hộ Lượng). 1802 triều Tây Sơn sụp đổ, triều Nguyễn lên thay, Nguyễn Huy Lượng bị bắt trong khi quân đội Tây Sơn rút khỏi Bắc thành chạy lên phía bắc. Nguyễn Huy Lượng buộc phải nhận chức tri phủ Xuân Trường của nhà Nguyễn...
Bài Tụng Tây Hồ phú viết vào mùa hè năm Tân Dậu (1801) trong dịp triều đình Nguyễn Quang Toản dời đô từ Phú Xuân ra Thăng Long và làm lễ tế trời đất ở Hồ Tây” (tr.1148- 1149). Về tác giả Phạm Thái, nhà nghiên cứu Nguyễn Huệ Chi cho biết: “Là con Trạch Trung hầu, một cựu thần của nhà Lê khởi binh chống Tây Sơn nhưng thất bại. Tiếp tục lý tưởng của cha, Phạm Thái bấy giờ mới 20 tuổi, đi giao du sơn thủy để kết giao với người cùng chí hướng. Gặp Nguyễn Đoàn, một nhân vật chống đối Tây Sơn, ông viết bài Quân yếu (Cốt yếu của việc binh) bàn luận thế đánh và giữ trong tình hình ấy”.
Một vài thông tin như vậy là đủ để cắt nghĩa tại sao con mắt nhìn về cảnh Hồ Tây của hai tác giả lại đối nghịch nhau đến thế. Họ “mượn” việc tả Hồ Tây như một cái cớ để bộc lộ quan điểm, mục đích chính trị của mình. “Gặp thời thế thế thời phải thế”, lịch sử - nhất là lịch sử của những giai đoạn xã hội đầy biến động phức tạp như cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX - có những bước đi ngoắt ngoéo và có những cách áp đặt riêng của nó trên từng cá nhân cụ thể, vì thế không nên đoan quyết một cách vội vã về sự đúng sai trong hành xử của tiền nhân, mà ở đây là Nguyễn Huy Lượng và Phạm Thái. Điều chúng ta có thể chắc chắn, ấy là cả hai bài phú đều xứng đáng được coi như những đỉnh cao của văn chương Nôm, những tuyệt phẩm về ngôn từ. Mặt khác, nếu như người viết không nhầm, đây là trận “thi chiến” đầu tiên trong lịch sử văn học Việt Nam: người sáng tác văn chương đã dùng chính tác phẩm văn chương (chứ không phải tác phẩm nghị luận) để đối mặt với nhau, tranh luận với nhau, bác bỏ nhau một cách quyết liệt. Phải chờ đến gần hết thế kỷ XIX, trong bối cảnh thực dân Pháp đã chiếm gọn Nam Kỳ lục tỉnh, “theo Tây” hay “chống Tây” là vấn đề được đặt ra một cách “sát ván” với giới sĩ phu, thì sự “thi chiến” như vậy mới được tiếp tục bằng mười bài thơ trần tình của Tôn Thọ Tường và mười bài họa lại của Phan Văn Trị. Nhưng khi ấy thì văn chương trung đại Việt Nam đã đi đến cuối con đường của một “giai đoạn lớn” trong lịch sử.
Tác giả: Hoài Nam
Ý kiến bạn đọc