Khi nguyên mẫu...sinh sự với nhà văn

Thứ năm - 08/07/2010 23:33 3.538 0

Nhà văn Nguyễn Công Hoan.

Nhà văn Nguyễn Công Hoan.
Thông thường, một nhân vật được nhà văn tạo dựng nên, tính cách càng độc đáo, điển hình thì tác giả càng dễ bị những người xưng là "nguyên mẫu"... sinh sự! Khi văn hào Trung Quốc Lỗ Tấn cho in "AQ chính truyện", ông chẳng đã phải nhiều phen khốn đốn bởi những người tự xưng mình là... nguyên mẫu? Đặc biệt, những kẻ có sẹo trên đầu giống AQ lại càng làm dữ. Họ gay gắt bài bác, kiện cáo Lỗ Tấn.

Thuộc diện hậu sinh so với  Lỗ Tấn, nhà văn Trung Quốc Cao Kiến Quần từng bị tòa án khu Diên An buộc phải bồi thường thiệt hại về tài sản và danh dự cho người được coi là "nguyên mẫu" (bấy giờ người này đang là Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Diên An) bởi tội danh "sử dụng tên thật, kể cả quá trình công tác, gia cảnh... của nguyên cáo", từ đó hư cấu thêm, "gây hậu quả xâm phạm danh dự".

Mặc dù Cao Kiến Quần kháng cáo, cho rằng nhân vật qua nhào nặn của tác giả thì không còn là "nguyên mẫu", song tòa án cấp trên vẫn xử y án. Điều "tai họa" của Cao Kiến Quần là cái tên mà ông tưởng là hư cấu vô tình lại chính là tên thật của "nguyên mẫu" lúc nhỏ.

Tuy nhiên, là một nhà văn, việc phải đối mặt với luật pháp như thế chưa đáng sợ bằng việc bị "xử" bằng... luật rừng. Nhiều bạn đọc Việt Nam từng biết đến tên tuổi nhà văn Nga Valentin Ôvétskin, tác giả cuốn "Chuyện thường ngày ở huyện". Trong truyện, tác giả có xây dựng nhân vật Borzốp, một loại người điển hình của thời kỳ "ý chí luận", luôn hành động theo nguyên tắc gò ép kế hoạch bằng bất cứ giá nào. Khi truyện in ra, những kẻ tự xem mình là "nguyên mẫu" đã trả thù tác giả một cách thật hèn hạ, khiến ông phải băng đầu nằm viện và vĩnh viễn chịu mất một con mắt.

Ở Việt Nam ta, chuyện "nguyên mẫu thật", "nguyên mẫu giả" cũng làm đau đầu khá nhiều nhà văn tài danh.

Nhà văn Nguyễn Công Hoan, trong truyện ngắn "Chiều khách" in báo Phong hóa quãng những năm ba mươi của thế kỷ trước có kể chuyện một cô gái đi hội chợ bị một chàng trai đuổi theo tán tỉnh. Tác giả cho cô gái là con một ông chủ hiệu thợ may Đại Ích ở phố Hàng Đường. Tên hiệu có thật và rắc rối bắt đầu ở đấy. Truyện in ra, nhà văn nhận được thư của chủ hiệu Đại Ích bắt phải cải chính, nếu không sẽ đưa ra tòa. Dò mãi, nhà văn mới hay rằng, chủ hiệu Đại Ích làm thế chẳng qua vì ế khách, muốn qua lời xin lỗi của nhà văn mà quảng cáo cho cửa hiệu của mình (chuyện tương tự một số ca sĩ, diễn viên, người mẫu thích gây xìcăngđan để "hun nóng" tên tuổi mình hiện nay). Nguyễn Công Hoan đâu có vừa. Ông gửi thư cho chủ hiệu Đại Ích, cung kính gọi ông ta bằng "cụ", xin "cụ" cung cấp mấy thông tin để "nhà văn tôi" dễ bề "cải chính". ấy là: "Cụ" có con gái không? Tiểu thư có đẹp không? Có chồng chưa? Có đi hội chợ và có bị ai "chim" không? Cuối cùng, xin "cụ" thử hỏi tiểu thư xem tên người "chim" tiểu thư là gì, có là tôi hay không?

Tất nhiên, với những câu hỏi "móc máy" như trên, chủ hiệu Đại Ích chỉ còn nước lặng im, không dám hồi âm. Vụ việc nhờ thế mới được dập tắt.

Trong văn học đương đại, nhà văn Ma Văn Kháng cũng là nhà văn từng có lúc phải chịu rầy rà về chuyện... nguyên mẫu. Trong bài "Dấn thân vào chốn hiểm nguy" in trên một tờ tạp chí, ông có kể câu chuyện: Sau khi ông cho đăng trên tạp chí Lá xanh một truyện ngắn lấy tên là "Cậu bé Bốn sún răng" thì ngay lập tức, những người tên là Tứ, là Pho (tiếng Anh four - đọc là "pho", nghĩa là bốn) đồng loạt viết thư yêu cầu tác giả phải "nhận tội" và xin lỗi về việc ám chỉ họ. Theo Ma Văn Kháng cho biết, việc ngỡ nhỏ song ông đã gặp phải khá nhiều chuyện... rầy rà!

Tác giả: Nguyễn Đăng Tuấn

Nguồn tin: VNCA

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây