Cho tới nay, con người không biết đã tốn kém bao nhiêu sức lực và trí tuệ để bàn về trường ca và văn học, nhưng dường như mọi cố gắng của những khám phá và hiểu biết cũng rất mông lung trừu tượng. Cuộc sống vẫn trôi đi, thơ ca và văn học nói chung, thể loại trường ca nói riêng khi thì như dòng sông cuộn sóng khi tĩnh lặng như nước hồ thu nhưng vẫn song hành tồn tại và sẽ mãi mãi là như vậy, bởi đơn giản đó chính là cuộc hành trình bất tận của tồn tại. Trường ca cũng thế, bắt đầu từ Homer đến Dante, Milton, từ Goethe đến Byron, Pushkin… Ở Việt Nam là từ những trường ca sử thi Đẻ đất đẻ nước, Đam San, Xing Nhã đến các ngâm khúc… rồi Thu Bồn, Hữu Thỉnh, Thanh Thảo, Nguyễn Khoa Điềm, Thi Hoàng, Nguyễn Đức Mậu, Trần Mạnh Hảo… và kéo dài sang thế kỷ 21. Con đường phát triển của trường ca sẽ còn là vô tận vô cùng, không có dấu hiệu ngưng nghỉ và mãi mãi không ngưng nghỉ, bởi khi con người còn tồn tại thì thơ ca - trường ca còn tồn tại. Chỉ có sự khác nhau trong cách thể hiện, bởi thời đại khác đi đương nhiên hình thức và nội dung cũng khác đi, nhưng bản chất thì bất di bất dịch: Đó là hướng tới đời sống tinh thần thuần túy của con người…
Chúng ta đã biết rằng, nếu như ở thời kỳ cổ đại, trường ca là sự kết hợp Hùng thi và huyền thoại, là tiếng hát về câu chuyện của những vị thần và của những người anh hùng và sự liên hệ qua lại của nó giữa cái thực và cái siêu nhiên kỳ ảo; thì đến Dante đã có một thay đổi lớn lao trong cách thể hiện. Ở trường ca cổ đại, nếu như các câu chuyện kể diễn biến một cách khách quan, tác giả hoàn toàn đứng ở bên ngoài câu chuyện kể cho chúng ta nghe về một câu chuyện khác, tác phẩm và tác giả là hai thế giới khác nhau, không vi phạm nhau, thì ở Trường ca Tôn giáo câu chuyện đã xuất hiện tác giả trong đó. Hình ảnh về những thiên thần, những vật thể, hòn đá, ngọn cây; những cảm xúc vui - buồn, sướng - khổ được nhà thơ ám chỉ, nhân cách hóa ở mức cao, đó không là gì khác mà chính là những đam mê, những cảm nhận của bản thân nhà thơ. Ở đây, những ám chỉ, nhân cách hóa, tưởng tượng đã được chuyển hóa qua cảm nhận của nhà thơ....
Đến chủ nghĩa lãng mạn, thời kỳ mà người ta gọi là thời đại hoàng kim của trường ca lại một lần nữa có một sự cách tân mạnh mẽ. Với chủ nghĩa lãng mạn, nhà thơ là thơ. Cái tôi cá nhân được đẩy lên cao hơn thực tại, nó ngợi ca và tôn vinh tự do, nhà thơ hướng tới mơ ước và khát vọng của con người. Nó đề cao những mơ mộng, tình cảm và tự do nhằm thoát khỏi mọi ràng buộc. Nó tự do ca ngợi vẻ đẹp của chính mình và cuộc sống. Nhà thơ và bài thơ là thế giới của chính họ, không chịu gò bó đóng khung trong những ràng buộc và khuôn khổ giáo điều…
Con đường phát triển của trường ca Việt Nam từ cổ đại cho đến hiện đại cũng mang những phẩm chất tương tự như con đường đi của trường ca thế giới, đương nhiên về mặt thời gian, sự xuất hiện của nó sớm và muộn có khác nhau… Trường ca hiện đại Việt Nam, theo Nguyễn Văn Dân được chia thành hai giai đoạn: Từ 1932 (với Tiếng địch sông Ô của Huy Thông) đến 1975 mang đậm tính sử thi-tự sự. Từ 1975 đến nay thiên về tính trữ tình, mang đậm dấu ấn cái tôi cá nhân. Cách phân chia này theo chúng tôi là hợp lý, và hiện nay trên thực tế, trường ca trữ tình và trường ca tự sự mức độ nhiều ít khác nhau nhưng vẫn song hành cùng tồn tại. Các trường ca trữ tình dựa vào các sự kiện lớn lao của cuộc sống hiện thực, nhà thơ gắn kết cá nhân mình với những biến cố lớn lao của dân tộc qua những diễn biến tâm lý, suy tưởng, những trăn trở riêng tư từ bên trong nhà thơ. Ngược lại, trường ca tự sự thường được các tác giả bám víu vào những câu chuyện, nhân vật, sự kiện… tả và kể về câu chuyện có đầu có đuôi, khá hoàn chỉnh và tương đối khách quan giữa nhân vật và những diễn biến hoành tráng, lớn lao của lịch sử… Cả hai loại trường ca này có một điểm chung dễ nhận thấy là vừa mang âm hưởng hùng thi vừa có tính sử thi và trữ tình lãng mạn lấy sự ngợi ca khẳng định làm chủ đạo. Và nó đã đạt được những giá trị nghệ thuật không thể phủ định, tồn tại trong đời sống văn học nhiều năm qua…
Trường ca hiện đại trong giai đoạn hiện nay, đặc biệt là những năm cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21 đang tiếp tục được khai thông và có những dấu hiệu về một sự vận động mới mẻ, một bước tiến mới trong cách thức thể hiện và nội dung phản ánh. Những đặc điểm nghệ thuật của trường ca hiện nay theo cảm nhận của riêng chúng tôi nổi bật nhất chính là trong trường ca mang đậm các phẩm chất nghệ thuật của một bài thơ ngắn; nhưng nó khác nhau ở chỗ trường ca hiện nay liên tục mở rộng về nhiều phía cả không gian và thời gian. Nó đào sâu và phát triển vào mọi ngõ ngách của đời sống con người. Nó đa dạng, phức tạp và liên tục biến đổi, nhưng vẫn giữ được mạch ngầm chủ đạo và nhất quán. Trường ca hiện nay hạn chế tối đa cách kể và tả câu chuyện hay sự kiện. Nó cố gắng tránh mọi sự giải thích, mọi sự tả và kể dài dòng. Nó cũng “không phải là sự dát mỏng nối dài những câu thơ từ một bài thơ - Trúc Thông”, hoặc cố ý kéo dài tình tiết, sự kiện trong câu chuyện… Người viết trường ca “thực sự chịu một áp lực lớn, nhiều khi quá sức của một hiện thực lớn, nhìn rộng sâu hơn còn là áp lực của lịch sử mà chính anh ta can dự, đối chất, tiếp nhận ở những bề sâu gay gắt - Trúc Thông”. Trường ca hiện nay cố gắng đi sâu vào đời sống bên trong của con người, tiến sâu vào sự tự nhận thức bản thân. Nó chối bỏ việc phản ánh giản đơn những kinh nghiệm bề mặt, về cái bên ngoài, những diễn biến khách quan. Trường ca hiện nay thể hiện rõ tinh thần tự phản biện, nó cố gắng nhận thức lại, tìm kiếm bản chất người, tìm kiếm cái bên trong của con người, nó là quá trình phát triển tự giác và tự thân của chính nhà thơ. Trường ca hiện nay không nhất thiết phải tuân thủ mọi trình tự diễn biến của không gian và thời gian. Nó nhiều khi là những câu, những đoạn tách rời, những khoảng trống và rất nhiều khúc lặng. Người ta có thể tiếp xúc với văn bản của trường ca ở từng khúc, từng đoạn tương đối độc lập. Một trường ca có thể kết cấu giống như một quần đảo những chương những đoạn. Nó không thuần nhất và đơn điệu một chiều mà là tiếng hát đa thanh, nhiều chiều với tất cả sự phức tạp, đa dạng của niềm vui - nỗi buồn, tốt và xấu, hạnh phúc và khổ đau… như chính cuộc sống của con người, nó là toàn bộ đời sống của con người với tư cách là một vũ trụ thu nhỏ. Một trường ca chính là bản thân tác giả với những khám phá ở tầng sâu nhân tính, tầng sâu dân tộc. Nó được cá nhân hóa triệt để với mong muốn vươn tới một sự hoàn thiện. Trường ca không tả và kể sự kiện, không xâu chuỗi theo trình tự thời gian, không gian. Trong cùng một chương đoạn, vấn đề mà nó đề cập có thể ở đây và cùng lúc xuất hiện một chân trời xa xăm cách biệt nhiều thế kỷ; có thể ở nơi này nhưng ngay sau đó cũng có mặt trên những chân trời khác của thế giới được thể hiện qua những biểu tượng, tưởng tượng và hồi tưởng của nhà thơ. Mặc dù vậy nó vẫn được liên kết bởi một mạch ngầm mạnh mẽ và cuốn hút. Sự liên kết này chính là sự liên kết bên trong, liên kết trong chiều sâu thẳm của con người nhà thơ. Và nó luôn được làm mới, liên tục biến đổi và sáng tạo, kế thừa và phát triển, ổn định và bất ngờ. Và chính ở đây, trong quá trình lao động, vừa phá hủy vừa xây dựng, tiếp nhận và tự do sáng tạo… không chịu đóng cứng khuôn mẫu và luôn mang tính gợi mở… là một phần của cuộc hành trình không mệt mỏi để đến với trạng thái Trên đường, khám phá bản chất bên trong của con người.
Một trong những yếu tố nữa đáng chú ý của trường ca hiện nay là nó luôn có thái độ chống lại sự áp đặt. Vì suy cho cùng mọi sự áp đặt đều là gượng ép, đều giả dối. Sản phẩm mà nó sinh ra sẽ méo mó và không hoàn thiện. Sự áp đặt không là gì khác hơn là “Những tảng đá già nua cũ kỹ chắn đường - thơ T.A.T” cho mọi khả năng đi sâu vào thế giới sâu kín nhất của con người…
Với cách hiểu và cảm nhận về trường ca như đã trình bày ở trên, chúng tôi cho rằng, trường ca sẽ mãi mãi song hành cùng cuộc sống của con người. Nó đã từng được sinh ra cùng với con người và chỉ mất đi khi con người kết thúc. Bởi lẽ, trên con đường hạnh phúc và đầy khổ đau của kiếp người, từ trong cõi mơ hồ sâu kín nhất luôn bật lên tiếng hát. Điều này không cần giải thích nó đến từ đâu và vì sao, bởi tự thân là thế. Và cũng chính những tiếng hát như là một đương nhiên này trở thành nơi tin cậy và bình yên nhất để con người nương tựa, đứng dậy bước đi…
Trên đường tìm kiếm chính mình, trường ca khao khát đi đến cùng tận niềm hạnh phúc và nỗi khổ đau. Đến lượt nó, khi đến được tận cùng niềm hạnh phúc, khổ đau thì tự nó có được tĩnh tâm, có được tự do thuần khiết: Nỗi đau thuần khiết, niềm hạnh phúc thuần khiết, nếu có được chính là sự cứu rỗi, trước hết cho bản thân nhà thơ và mặc nhiên nó tạo ra sự đồng cảm và chia sẻ …
Tác giả: Trần Anh Thái
Nguồn tin: QĐND
Ý kiến bạn đọc