Nhạc sĩ thiên tài Tchaicovsky: Những bí ẩn tình trường đằng sau một nghi án

Thứ sáu - 25/02/2011 18:44 5.933 0

Nhạc sĩ thiên tài Tchaicovsky: Những bí ẩn tình trường đằng sau một nghi án

Mặc dù đã 116 năm trôi qua kể từ khi nhà soạn nhạc đại tài người Nga Pyotr Ilyich Tchaikovsky từ giã cõi đời, song các nhà nghiên cứu tiểu sử của ông vẫn ngày đêm day đầu bứt tóc nhằm làm sáng tỏ những điều bí ẩn xoay quanh cái chết của nhạc sĩ. Thật khó có thể hình dung: Chỉ nội một việc thi hài Tchaikovsky được để ngỏ tới hai ngày cho người ta vào viếng ấy thôi, đã vô tình bỏ ngỏ cho hậu thế bao điều thắc mắc. Dường như đến nay, cái chết của Tchaikovsky vẫn được xem là một nghi án...

Theo thông tin chính thức thời ấy, Tchaikovsky mất là do bệnh tả. Trong khi dịch bệnh đang hoành hành, ông đã sơ ý uống phải cốc nước lã để rồi bị nhiễm khuẩn. Tuy nhiên, điều mà các nhà nghiên cứu muốn đặt dấu hỏi là: Tại sao, trước căn bệnh lây lan nguy hiểm (vốn được xem là một trong những bệnh khủng khiếp nhất thời đại) vậy, người ta dám để ngỏ thi hài của nhạc sĩ tới hai ngày mới khâm liệm (thay vì phải đặt trong quan tài kẽm như qui định thông thường dành cho những người chết vì căn bệnh này)? Và tại sao, trong một số tài liệu liên quan đến giây phút cuối cùng của cuộc đời ông, người ta lại phát hiện thấy có vết tẩy xóa hoặc cắt bỏ có chủ đích?

Điều này hẳn không thể không liên quan đến tin đồn khá phổ biến khi  Tchaikovsky còn sống, ấy là việc nhạc sĩ bị mắc bệnh… đồng tính luyến ái. Hơn thế, có nhà nghiên cứu còn quả quyết: Tchaikovsky đã từng "dan díu" với người cháu trai của một công tước và đó chính là lý do mà một phiên tòa thời đó (Tòa án Danh dự) đã buộc ông phải tự sát.

Sự thật thế nào, một đôi cuộc tình nhắc tới đây của Tchaikovsky hẳn sẽ giúp bạn đọc thêm một số cứ liệu giúp cho quá trình tự suy xét của mình.

Quả là, ở thời trai trẻ, Tchaikovsky đã từng yêu, từng ngỏ lời cầu hôn… nhưng trong những biểu hiện tình cảm với những người "khác giới" ấy, dư luận vẫn xem có gì đó bất thường. Đến khi Tchaikovsky lấy vợ cũng vậy. Không chỉ những ai quen biết ông, mà ngay cả những người ruột thịt gần gũi nhất cũng phải lấy làm ngạc nhiên, bởi trước đấy, nào đâu có dấu hiệu yêu đương giữa ông và cô vợ mới cưới tên gọi Antonina Milykova (vốn là một học trò của ông ở Nhạc viện)? Người ta cho rằng, hành động cưới xin vội vã ấy của Tchaikovsky chẳng qua là để trốn chạy mặc cảm tội lỗi về những quan hệ đồng tính mà trước đấy, nhạc sĩ đã gây nên.

Dẫu vậy, "giải quyết" như thế có khác gì thêm dầu vào lửa?

Chỉ chừng mươi ngày sau khi cưới, những căng thẳng trong gia đình Tchaikovsky đã lên đến cực điểm. Ông ở vào tình trạng "tinh thần đau đớn không thể tưởng tượng nổi" và đã "bắt đầu có những phút mất trí". Sự thất vọng khiến nhạc sĩ chỉ trông vào một lối thoát duy nhất là tìm đến cái chết.

Đến đây, hẳn có nhiều bạn đọc sẽ ngạc nhiên đặt câu hỏi: Chuyện gì đã xảy đến vậy với người nhạc sĩ tài ba? Tại sao tuần trăng mật chưa tàn mà vị hôn phu Tchaikovsky đã sa vào tuyệt vọng đến nhường kia? Ở tuổi 37 (Tchaikovsky sinh năm 1840, lấy vợ năm 1877), Tchaikovsky đã thể hiện là một nhạc sĩ đầy tài năng. Các bản tình ca thấm đẫm nỗi buồn của ông đã chiếm lĩnh tâm hồn nhiều bạn trẻ thời ấy. Tên tuổi Tchaikovsky vượt ra ngoài biên giới nước Nga, đến với các sân khấu và phòng trà ở nhiều nước… Trong khi vợ ông - một cô gái trẻ từng là nữ sinh Nhạc viện… Có lẽ nào cuộc hôn nhân giữa hai thành phần như vậy lại không thể nảy nở một chút gì gọi là hạnh phúc? Không những thế, nó lại chóng vánh trở nên ngột ngạt, khủng khiếp như dưới… địa ngục. Rõ ràng, có một điều gì đó bất thường, có thể gọi là "trục trặc" cũng được, ở một trong hai người.

Một trường hợp nữa mà người ta thường hay nhắc tới, khi nói về "chuyện tình" của Tchaikovsky. Ấy là mối quan hệ giữa ông với bà Nadezhda Von Meck: Họ đã có tới 13 năm trời thư từ cho nhau, với số lượng lên tới trên nghìn bức. Và ngay cả lần này cũng vậy, ở Tchaikovsky người ta vẫn thấy có gì đó rất bí ẩn, rất khó hiểu (trái với lôgíc thông thường).

Von Meck là một người đàn bà thuộc tầng lớp quý tộc, giàu có (phía nhà chồng bà là những người chủ sở hữu của những tuyến đường sắt lớn nhất nước Nga). Von Meck lớn hơn Tchaikovsky 9 tuổi. Bà góa chồng ở tuổi 40 và là một trong những thính giả rất mến mộ âm nhạc của Tchaikovsky.

Von Meck bắt đầu có những liên hệ với Tchaikovsky là khi bà được nghe một học trò của ông nói về những khó khăn của nhà nhạc sĩ. Vốn được xem là một Mạnh Thường Quân đối với giới nhạc sĩ ở Moskva, ngay lập tức Von Meck chuyển lời đề nghị của mình tới Tchaikovsky, nhờ ông giúp bà một đôi việc, như viết những khúc biến tấu cho piano chẳng hạn. Tất nhiên, đây chỉ là một cái cớ.

Khỏi phải nói những cảm kích của Tchaikovsky khi ấy. Ông biết, việc Von Meck nhờ không làm ông mất nhiều thời gian, trong khi nhu cầu về tiền đối với ông lại khá cần kíp. Hơn thế, chàng nhạc sĩ trẻ thực sự cảm thấy xúc động khi biết có một người đàn bà quý phái vừa hâm mộ vừa biết nâng niu trân trọng tài năng nghệ thuật của mình. Qua một người bạn, Tchaikovsky chuyển lời cảm tạ tới bà Von Meck.

Đó là bước khởi đầu tốt đẹp, mở ra một mối quan hệ lãng mạn, cảm động, kéo dài mười mấy năm trời giữa nhạc sĩ thiên tài và người đàn bà có tâm hồn cao thượng.

"Hãy lượng thứ về tất cả những tình cảm tôi dành cho anh: Mặc dù nó không giúp gì cho anh cả, nhưng anh đừng ân hận là anh đã đem đến cho một người tưởng đã hết hy vọng như tôi cái khả năng được cảm nhận một khoảnh khắc của cuộc đời trong những buổi trình diễn âm nhạc đẹp đẽ đến thế. Tình yêu của tôi đối với anh như thể món nợ truyền kiếp mà tôi không thể nào tránh được…"- Trong một lá thư, Von Meck đã thổ lộ với Tchaikovsky như vậy. Thật ra ở đây, người đàn bà góa chồng có phần hơi… nhún mình. Làm sao có thể nói tình cảm của bà đối với Tchaikovsky lại "không giúp gì" cho ông cả.

Hãy dẹp sang một bên những ý nghĩa về vật chất (như khi ở Moskva loan tin Tchaikovsky bị mắc chứng loạn thần kinh, Von Meck đã ngay lập tức trợ cấp cho con người đáng thương ấy một khoản tiền 6.000 rúp một năm, gấp đôi khoản tiền lương mà Tchaikovsky nhận ở Nhạc viện), nó có ý nghĩa động viên tinh thần lớn lao làm sao! Hãy nghe chính Tchaikovsky tâm sự: "Tôi đã ở bên bờ vực thẳm. Và tình bạn của bà đã đem hạnh phúc lại cho tôi". Năm 1877 là năm Tchaikovsky lập gia đình và phải gánh chịu nhiều "hậu quả đớn đau", thì cũng chính vào năm này, ông đã quả quyết khẳng định với Von Meck: "Từ nay, mỗi một nốt nhạc được sáng tác ra dưới ngòi bút của tôi là để dành cho bà".

Ngày 10/2/1878, bản hòa tấu số 4 mà Tchaikovsky sáng tác để tặng "Người bạn đời tốt nhất của tôi" đã được trình diễn ở Moskva. Cũng trong năm này, vở nhạc kịch bất hủ "Evgeny Onegin" của ông đã chính thức ra mắt làng âm nhạc thế giới.

Mặc dù lời lẽ thư qua thư lại đằm thắm thế, song trong thực tế cả hai người chưa hề lần nào gặp gỡ, nói chuyện trực tiếp với nhau. Lần duy nhất điều ấy có "khả năng" xảy ra, ấy chính là vào mùa thu năm 1878. Theo lời mời của Von Meck, Tchaikovsky đến nghỉ tại một biệt thự ở Florence. Gia đình Von Meck cũng thuê một biệt thự ở kề đó. Nhiều buổi sáng, nhìn qua cửa sổ, Tchaikovsky trông thấy Von Meck đi lướt qua ngôi nhà ông ở, đến gần cửa sổ, bà thoáng dừng lại và liếc mắt vào như để được nhìn thấy ông. Tuy nhiên, tất cả chỉ dừng lại thế thôi: Tchaikovsky thì lúng túng chẳng biết xử trí ra sao, còn Von Meck cũng không dám vượt xa hơn ranh giới đã định trước.

Để giải thích hành động "kỳ quặc" này của Von Meck, người ta cho rằng vì Von Meck khi ấy đã có tuổi, vốn dĩ nhan sắc lại không được "mặn mà" cho lắm. Có lẽ người ta căn cứ vào nội dung thư của bà: "Đã có một thời tôi khao khát được làm quen với anh. Bây giờ càng yêu quý anh, tôi lại càng sợ gặp gỡ anh. Hình như tôi chưa sẵn sàng để nói chuyện với anh… Giờ đây tôi thích nghĩ đến anh khi ở cách xa, được cảm thông với âm nhạc của anh".

Đấy là nói về Von Meck, còn Tchaikovsky, bản thân ông nghĩ sao về trường hợp trên, và ngay cả về mối quan hệ giữa ông và người đàn bà đã và vẫn còn là chỗ dựa tinh thần, là ân nhân của mình? Tình yêu của Von Meck đối với ông thật quá rõ ràng. Khi ông viết thư tâm sự với bà về những tấn bi kịch ông phải chịu đựng trong những ngày tháng đầu sống với Antonina Milykova, Von Meck đã viết: "Tôi nguyền rủa người đàn bà ấy đã không mang lại hạnh phúc cho anh, nhưng tôi còn nguyền rủa gấp trăm lần nếu anh hạnh phúc với người đàn bà ấy". Phải thật yêu, người ta mới có tâm trạng và mới dám thổ lộ như thế. Trong khi Tchaikovsky, mười mấy năm trời quan hệ thư từ với nhau, ông chưa một lần chủ động tìm gặp Von Meck. Có lẽ, trên tất cả, ông coi bà như một người bạn - người bạn cùng… giới tính.

Cách xử sự của Tchaikovsky có lẽ cũng là một nguyên nhân dẫn tới sự chia tay giữa họ vào năm 1890. Tuy nhiên, trong 13 năm liên hệ với nhau, Von Meck đã thực sự là điểm tựa cho thiên tài âm nhạc của Tchaikovsky có thêm cơ hội phát triển. Hầu hết các tuyệt tác của Tchaikovsky, những tác phẩm xuất sắc về nhạc kịch, ballet, giao hưởng và âm nhạc thính phòng như: "Evgeny Onegin", "Hồ thiên nga", "Người đẹp ngủ trong rừng", khúc dạo đầu mộng ảo "Romeo và Juliette"… đều được ra đời trong quãng thời gian từ năm 1877 đến 1890.

Tác giả: Trần Trung Nghĩa

Nguồn tin: VNCA

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây