Hai năm sau khi ông qua đời, trong "Thi nhân Việt Nam" do Nguyễn Đức Phiên xuất bản lần đầu, Hoài Thanh viết: "Nhưng tôi cũng đã nghe những người ca tụng Hàn Mặc Tử. Trong ý họ, thi ca Việt Nam chỉ có Hàn Mặc Tử. Bao nhiêu thơ Hàn Mặc Tử làm ra, họ đều chép lại và thuộc hết. Đã khúc mắc mà lại nhiều: Tất cả đến sáu, bảy tập. Họ thuộc hết và chọn những lúc đêm khuya thanh vắng, họ sẽ cao giọng, ngâm một mình. Bài thơ đã biến thành bài kinh và người thơ đã trở nên một vị giáo chủ. Chế Lan Viên nói quả quyết: Tôi xin hứa hẹn với các người rằng, mai sau, những cái tên tầm thường, mực thước kia sẽ tan đi và còn lại của cái thời kỳ này, chút gì đáng kể đó là Hàn Mặc Tử".
Không phải ngẫu nhiên, nhà thơ lớn họ Chế lại có thể đánh giá cao Hàn Mặc Tử đến như thế.
Vậy mà cách nay chừng mươi mười lăm năm, có một nhà phê bình tên là Trần Văn Lý, sau một thời gian bỏ ra rất nhiều tâm sức lẫn tiền bạc, đã cho in một cuốn sách và xếp nhà thơ Chử Văn Long đứng ngang hàng với nhà thơ Hàn Mặc Tử.
Tất nhiên, đây không phải là lỗi của nhà thơ Chử Văn Long, song đã có nhiều ý kiến không đồng tình với ý kiến của ông Lý, thậm chí, có lúc nó còn khiến nhà thơ Chử Văn Long bị "vạ lây", khiến ông cảm thấy bị tổn thương.
Riêng tôi có ý kiến thế này: Việc ông Lý yêu ông Long mà xếp ông Long vượt ngưỡng như thế là quyền của ông Lý và đấy cũng chỉ là ý kiến riêng của ông Lý mà thôi. Còn ý kiến của ông Lý là đúng hay sai, có giá trị đến đâu, chắc cũng chẳng phải chờ thời gian trả lời. Bởi Hàn Mặc Tử trước sau vẫn là Hàn Mặc Tử.
Nhân đây, tôi cũng xin nhắc một cách ứng xử rất hay của người Mỹ qua câu nói: "Tôi không đồng ý với anh, nhưng tôi vẫn nghe anh nói. Và tôi nghe anh nói không có nghĩa là tôi đồng ý với anh".
Những tưởng chỉ có hai Hàn Mặc Tử. Gần đây, trên một Web Site, ông Thái Doãn Hiểu còn đưa nhà thơ Lê Quốc Hán lên… chín tầng mây và coi Lê Quốc Hán là Hàn Mặc Tử thứ ba.
Đây là lời dạo đầu: "Rõ ràng là khoa học - cái mà Phó giáo sư - tiến sĩ Lê Quốc Hán đang hành nghề trên mục giảng đường đại học thì không tin bất cứ tôn giáo nào, nhưng thơ ca khám phá con người đưa tâm linh gặp tâm linh của anh lại đang làm cho con người say đắm" và "Thơ Lê Quốc Hán thấm mặn nước mắt trần gian trước nỗi đau nhân tình hòa tan chút yếm thế của Lão Trang, bừng phát bởi khát vọng của chúa Kitô, pha mùi giác ngộ của Phật Thích Ca. Thấm thía lẽ huyền vi của tạo hóa, dịu dàng mà dữ dằn, thâm trầm mà bạo biệt, lạ mà quen, tân kỳ mà cổ điển, thơ Lê Quốc Hán kiệm lời, dồn nén, bất ngờ, kỳ thú, có sức bật, lan tỏa, đi được đến tận cùng cái thắc mắc trước nỗi đau của con Người".
Thiết nghĩ, không còn lời nào có thể ca ngợi hơn được nữa về thơ Lê Quốc Hán.
Tôi đọc những lời này và tôi… sợ. Nhưng tôi sợ hơn khi ở cuối bài viết, ông Thái Doãn Hiểu hạ bút: "Đọc Lê Quốc Hán, tôi cứ mường tượng tới một Hàn Mặc Tử mới đang tái thế với một tầm vóc văn hóa cao hơn".
Thiết nghĩ, những người liều như ông Trần Văn Lý, Thái Doãn Hiểu… từ xưa đến nay, thật hiếm hoi lắm thay!
Tác giả: Đặng Huy Giang
Nguồn tin: CAND
Ý kiến bạn đọc