Mấy vấn đề thi pháp cốt truyện - phần 2

Thứ bảy - 05/06/2010 22:07 4.059 0

Mấy vấn đề thi pháp cốt truyện - phần 2

Vấn đề cốt truyện trong truyện kể từ lâu đã được ngành Tự sự học coi là một trong những yếu tố cơ bản để tìm ra cấu trúc đích thực của tác phẩm văn xuôi, một mắt xích quan trọng tạo nên kết cấu tác phẩm tự sự.

>> Mấy vấn đề thi pháp cốt truyện (phần 1)

2. Mô hình cốt truyện như là một hình thức tự sự trong truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp

Trong truyện Nguyễn Huy Thiệp không gian nghệ thuật trở thành một đối tượng thẩm mỹ mang tính quyết định của cấu trúc truyện ngắn. Yếu tố thời gian không quá phức tạp. Truyện thường có một tuyến thời gian của nhân vật chính. Với kiểu thời gian này người kể không xáo trộn, phân chia lại thời gian. Những sự kiện này nối tiếp các sự kiện khác theo sự vận động nhân quả. Trên trục thời gian ấy, số phận con người được tái hiện qua sự luân chuyển liên tục của các hình thức không gian.

Mô hình cốt truyện kiểu nhân vật đi tìm điều huyền thoại khá phổ biến trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp. Ở đây chúng tôi căn cứ vào hai truyện Chảy đi sông ơi Con gái thuỷ thần. Nhân vật chính trong truyện (cũng chính là người kể: nhân vật Tôi) kể về cuộc đời mình qua những hành động, những suy ngẫm và trải nghiệm. Ở một khía cạnh khác bản chất người cùng những góc khuất trong tâm hồn nhân vật lộ ra khá sắc nét khi người kể- nhân vật đối thoại với chính mình, không giấu diếm, che đậy hay nguỵ biện.

Cấu trúc ngược sáng được Nguyễn Huy Thiệp sử dụng để tái hiện đường đi của nhân vật. Mô hình cụ thể của cấu trúc này có thể hình dung như sau: nhân vật mơ ước tìm thấy điều kì diệu, lẽ sống của cuộc đời mình. Mục đích này mở ra hai khả năng, hai con đường (thực và ảo): muốn tìm và thực hiện việc đi tìm. Mâu thuẫn xuất hiện khi ý muốn (mơ ước) và con đường thực hiện ý muốn (thực tế) trái ngược nhau. Để thực hiện mơ ước nhân vật phải sống, một sự tồn tại mang bản chất sinh học, sự tồn tại của thân xác. Và để có thể tồn tại- sống- anh ta bị cuốn theo một dòng chảy khác, dòng chảy của cuộc đời với những đố kị, tranh giành, lừa lọc; trong sự ích kỷ, hoài nghi và vụ lợi đang ẩn nấp dưới trật tự của tình yêu, đạo đức, tình bạn, sự tín nghĩa, lòng trung thực, và cả tôn giáo. Ý nghĩ của nhân vật luôn hướng về khoảng sáng phía trước, là khát vọng tự do thánh thiện trong tâm hồn anh ta, nhưng bước chân của anh ta lại đang đi ngược lại với khoảng sáng ấy vì mưu sinh

Trước hết cần phải xác nhận rằng, nhân vật hành động (trong đa số trường hợp cũng là nhân vật chính) trong truyện có môtip đi tìm điều huyền thoại của Nguyễn Huy Thiệp đều thuộc kiểu người chủ động. Điều này cho thấy con người có ý thức và trách nhiệm trước hành vi của mình. Đồng thời nhấn mạnh đến khả năng nhân vật hướng tới những điều kỳ diệu trong cuộc sống hoàn toàn không đơn giản là say mê phiêu lưu và hoang tưởng. Thực ra đó là sống. Một cách sống. Chính điều huyền hoặc hư vô ấy đã nâng đỡ con người, là "chỗ dựa cuối cùng cho sự cô đơn hoang vắng ở trong lòng". Có lẽ đó chính là cái đẹp hoàn mỹ nhất trong lòng mỗi con người, hướng con người tới cái thiện.

Trên con đường đi tìm huyền thoại các nhân vật của Nguyễn Huy Thiệp bao giờ cũng có một điểm xuất phát chung: làng quê với đồng ruộng, con đò, bến nước - bởi chỉ ở đó mới còn có thể lưu giữ rất nhiều những bí ẩn, những huyền thoại mà cuộc sống văn minh đô thị không còn chấp nhận, đã lãng quên và cơ hồ biến mất. Nó cũng lý giải cho những ngộ nhận, những ảo tưởng của con người còn lưu dấu trong những số phận hoặc là cùng quẫn, hoặc nhiều khao khát nhất. Cấu trúc ngược sáng được nhà văn sử dụng triệt để khi nhân vật có sự di chuyển từ không gian nông thôn đến không gian thành thị. Huyền thoại sinh ra khi con người không thể giải thích nổi tất cả những giá trị của cuộc sống. Giờ đây chính nó quay trở lại duy trì cuộc sống. Vấn đề nảy sinh ở chỗ, làng quê lưu giữ những huyền thoại nhưng người ta lại đi tìm nó ở trong những không gian tù đọng của nhà, chợ, đường phố… Sự đối lập giữa hai kiểu không gian này (đóng và mở) và những nhận thức của con người trước mọi sự biến đổi buộc nhân vật phải vật lộn, trăn trở đánh thức lương tâm, trách nhiệm và sám hối. Và chính những suy ngẫm, đối thoại xuất hiện theo kiểu tự truyện của dòng ý thức đứt quãng, chắp nối giữa thực và mộng, kỷ niệm và thực tại hé lộ cho ta hiểu thêm những góc khuất trong số phận con người.

Trong truyện ngắn Chảy đi sông ơi cặp không gian đối lập thành thị/nông thôn chỉ rõ nét ở phần cuối thiên truyện khi ta có thể hình dung một cách khá cụ thể và tương đối chính xác thời điểm người kể kể truyện. Truyền thuyết về con trâu đen và ước mong được hưởng điều kỳ diệu đã thôi thúc nhân vật "bỏ nhà ra đi, mặc kệ sách vở và những lời khuyên của mẹ". Những biến cố mang tính quyết định đến số phận do nhân vật chủ động tạo ra không chỉ dựa trên sự phá vỡ quan hệ giữa cặp không gian nông thôn / thành thị mà trước hết được hình thành từ một tầng đối lập khác. Tuổi thơ cậu bé trải dài từ không gian trên sông sang không gian bến đò (bến Cốc). Cuộc sống sông nước và quang cảnh bình yên nơi bến đò trở thành hai thế giới đối lập đối với một đứa trẻ. Cậu bé (nhân vật kể chuyện) thuộc về thế giới ở trên bờ, mép nước chính là ranh giới mà cậu không được phép vượt qua. Vì thế khi vi phạm ngăn cấm này sẽ tạo ra các biến cố. Có ba biến cố xảy ra đánh dấu bằng việc cậu bé được những người đi đánh cá đêm cho phép xuống thuyền. Theo mức độ tăng dần, càng đi xa ranh giới cho phép, bất trắc càng lớn. Điều này đồng nghĩa với những đau đớn về cả thể xác và tâm hồn. Lần thứ nhất, chỉ là chiếc mái chèo thúc vào sườn đau điếng và những giọt nước mắt giàn giụa khi bị đuổi khỏi thuyền; lần thứ hai, trái tim non nớt của cậu bé không đủ sức kiềm chế trước những câu chuyện hãi hùng trên sông nước; và lần thứ ba, người ta rót vào tai cậu một thực tế phũ phàng: "Ở bến Cốc này thì chuyện giết người ăn cướp có thực, ngoại tình có thực, cờ bạc có thực, còn chuyện trâu đen chỉ là giả". Và cuộc giành giật trên sông khi phát hiện ra luồng cá đã hất cậu xuống nước cùng với nỗi hoảng sợ điên cuồng và những bức bối, chua xót về cuộc đời.

Không gian sông đêm đầy rẫy nguy hiểm, bất trắc và lạnh lùng của những tranh giành mưu sinh. Nguyễn Huy Thiệp đã tạo ra cả một màn đen chứa đầy bí ẩn qua những câu chuyện rùng rợn hãi hùng, những "hồi ức" đậm triết lý nhân sinh dưới cái giọng ngạo nghễ, bất cần nhưng đầy trải nghiệm của những người đánh cá đêm. Cuộc sống hiện ra ở mặt trái của nó. Đối lập với màn đêm trên sông là "ánh hào quang rực rỡ" của mặt trời buổi sáng. Ở đây xuất hiện "tín sứ", người phụ nữ hiền hậu, tốt bụng dám làm điều trái với quy ước nghiệt ngã của cuộc sống sông nước đã cứu cuộc sống thể xác và tâm hồn của cậu. Người phụ nữ ấy là hiện thân của cái thiện, gột rửa tâm hồn u ám và nuôi dưỡng lòng tin trong con người. Với Nguyễn Huy Thiệp, có một phép trùng lặp: Tín sứ - phụ nữ - nơi dung chứa những bất đồng gay gắt: ngoan cố và bao dung, dịu dàng và quyết liệt, ác quỷ và huyền thoại, thiện và ác. Từ không gian sông đêm (thế giới bóng tối) bước vào không gian sông buổi sớm (thế giới ánh sáng), số phận nhân vật thay đổi. Đó là sự ngẫu nhiên kỳ diệu như huyền thoại mà cậu bé đang đi tìm. Không gian huyền ảo này được mở ra và dường như trải dài mãi theo giọng kể thủ thỉ của người phụ nữ về sự tích các thánh nước trên thiên đàng: ngày xửa ngày xưa... khép lại một thời thơ ấu với những dư âm dịu dàng, kỳ diệu. Chảy đi sông ơi chỉ là nét vẽ đầu tiên trên bức tranh mà người nghệ sĩ muốn cái xấu lộ diện. Nỗi đau và sự thất vọng mới chỉ lướt qua tâm hồn của một đứa trẻ dễ bị tổn thương nhưng cũng dễ tha thứ.

Nhân tố thúc đẩy diễn tiến của câu chuyện được đánh dấu bằng thao tác phá vỡ các mâu thuẫn. Chính sự đối lập gay gắt giữa sáng - tối, cục súc và dịu dàng, ích kỷ và vị tha, thâm hiểm và bao dung, u ám và diệu kỳ, tàn nhẫn và yêu thương, ngu muội, tăm tối và hiểu biết... đan cài trong hành động, lời nói và trong các sự kiện đã tạo nên một bức tranh mà sự luân chuyển liên tục của các mảng màu tạo ra cái nhìn nhiều chiều trước một đối tượng thẩm mỹ làm lộ diện những góc khuất của cuộc sống.

Giao thiệp với cái xấu, cái ác; nhận diện và khảo sát những cái xấu, cái ác đang ẩn nấp như là một trách nhiệm Nguyễn Huy Thiệp không đi tìm một kết thúc có hậu (happy ending). Cách nhìn ngược buộc sự việc tự nó bộc lộ bản chất là nhân tố cơ bản trong cấu trúc cốt truyện. Điều này lộ rõ khi trong truyện xuất hiện mảng màu của không gian thành thị. Cậu bé ngày xưa (nay đã trưởng thành, sống ở thành phố, làm công chức ở sở, lấy vợ, đẻ một đàn con đông đúc, cuộc sống trưởng giả, no đủ) trở lại thăm bến đò xưa. "Bến Cốc vẫn hệt như xưa", nhưng sự thật về số phận con người lại trớ trêu và nghiệt ngã. Giọng kể chua chát được đặt vào miệng của một bà cụ sống gần hết cuộc đời kéo xuống tấm màn huyền ảo, nguỵ biện: “Khốn nạn! Nhà Thắm cứu được không biết bao nhiêu người ở khúc sông này… Thế mà cuối cùng nó lại chết đuối mà không có ai cứu". Sự vô nghĩa của cuộc sống hiện rõ trong những khắc khoải về tuổi thơ và tiếng gọi đò ráo riết bên sông, khoét sâu vào lòng người nỗi đau nhân tình thế thái.

Con gái thủy thần là truyện tiêu biểu cho cấu trúc ngược sáng của môtip nhân vật đi tìm điều kỳ diệu. Cấu trúc cốt truyện không đơn thuần được hình thành thông qua những biến cố do hành động của nhân vật tạo ra. Một mặt mô hình cốt truyện được xác định thông qua những đổi thay của số phận nhân vật trên con đường đi tìm con gái thủy thần - con đường kiếm sống của người nông dân làm thuê. Mặt khác ở cấp độ thứ hai, không hiện hữu một cách trực diện làm thay đổi số phận nhân vật, nhưng là nguyên nhân và động lực của mọi hành động, là những suy nghĩ, chiêm nghiệm, những trạng thái cảm xúc của nhân vật tạo thành dòng ý thức của một kiểu tự truyện. Mâu thuẫn lớn nhất trong truyện xuất phát từ chính mối quan hệ giữa hai cấp độ - hai con đường này. Cuộc sống của người nông dân làm thuê bấp bênh, phiêu tán, lam lũ trong không khí u uất, tù đọng ở làng quê; trong sự chi phối của đồng tiền, bạo lực và dối trá của cuộc sống đô thị. Đi tìm Mẹ Cả - con gái thủy thần, Chương (nhân vật hành động cũng là người kể ) hướng về phía mặt trời mọc, hướng ra biển mà đi mang theo khát vọng về một ngày nào đó sẽ tìm thấy tình yêu đích thực của mình, tìm thấy lẽ sống của cuộc đời. Nhưng cuộc sống - thể xác lại cuốn anh ta theo dòng người đổ về thành phố. Ở cấp độ thứ hai, cấp độ của dòng ý thức là khát vọng tìm thấy điều huyền thoại, là cảm giác tái tê, chua xót khi chứng kiến kiếp sống mòn mỏi ở làng quê, những định kiến hủ tục nặng nề, những ngộ nhận về giới tính và đạo đức..., là những dằn vặt đau đớn khi nhân vật nhận ra trong con người anh ta ẩn chứa "một con qủy" ích kỷ, cô đơn, bị làm nhục, hoài nghi đủ thứ, vụ lợi và đê hèn đang giết chết những khát vọng cao thượng tử tế trong thân xác phàm tục của chính mình.

Con gái thủy thần là một tổng thể bao gồm ba truyện kể liên tiếp được thống nhất với nhau theo một nhân vật chung (Chương). Cách kết cấu truyện như thế này được V. Shklovski gọi là thủ pháp xâu chuỗi. Mỗi đơn vị truyện kể bao gồm một hệ thống các biến cố, và biến cố lớn nhất, thời điểm đánh dấu xung đột gay gắt trong truyện làm thay đổi số phận nhân vật chính là sự kiện Chương gặp những cô gái có tên là Phượng- trùng với tên của Mẹ Cả, huyền thoại mà anh đang đi tìm.

Chương đi tìm Mẹ Cả, thế giới thuộc về anh ta là không gian bên ngoài: ngoài vườn, ngoài đồng, bên sông,... và biển (không gian huyền thoại - trong mơ ước). Vượt qua ranh giới này anh ta sẽ gặp sự cố, gặp tai biến. Ba lần gặp cô gái có tên Phượng là ba lần trong cuộc đời anh ta có những thay đổi và dịch chuyển lớn lao. Tuy nhiên nghịch lý xuất hiện khi nơi gặp gỡ vốn không thuộc về Chương. Nó khiến anh ta trở nên lạc lõng, lố bịch và đau đớn. Dù là cô Phượng gặp ở lớp kế toán hay cô Phượng con ông trùm xứ đạo- những người có tình cảm với Chương thực ra cũng chỉ là "một mảnh của nàng, con gái thủy thần". Đối với Chương họ chỉ là một "tín sứ" nuôi trong Chương khát vọng tìm kiếm. Đến cô Phượng với những câu chuyện, những triết lý sống của một bà chủ giàu có, có học thức và đầy dục vọng chỉ càng bào mòn tâm hồn anh ta; vừa nuôi dưỡng con quỷ trong con người anh ta vừa khát khao được đến với vẻ đẹp hoàn thiện của nàng, con gái thủy thần, hy vọng cuối cùng trong cuộc đời. Càng xa không gian rộng mở ở làng quê với con sông, đồng ruộng... thì nhân vật càng trở nên cằn cỗi, suy sụp và bất lực. Anh ta cô đơn và bị làm nhục. Làm điếm cho một người đàn bà anh ta trở thành con thú đáng thương của tiền bạc và tình dục. Suy sụp về cả thể xác và tâm hồn. Cuộc sống là đổ vỡ, mật đắng, nhiều xiềng xích và gông cùm.

Như thế, khi điểm giao nhau giữa hướng đi thực tế và con đường mơ ước càng lớn thì nhân vật càng rơi vào bế tắc. Không gian thành thị càng đông đúc, chật hẹp, càng nhiều sự dồn nén thì sự tù túng, bế tắc và ngột ngạt càng lớn, con người càng chìm sâu vào một thứ quyền lực vô nhân tính, bạo lực, dối trá và trơ trẽn.

Trong truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp phần lớn những biến cố trong tâm hồn là nguyên nhân thúc đẩy hành động của nhân vật. Mô hình cốt truyện kiểu này còn tạo ra sự đan cài, luân chuyển không gian rất lớn khi lời kể (từ lời thoại đến lời kể những hành động, sự kiện...) của nhân vật có sự biến hóa, tự do và linh hoạt. Do kể về bản thân mình nên việc chêm xen những suy ngẫm, bình luận, những cảm xúc mang tính cá nhân luôn được tác giả sử dụng một cách triệt để tạo nên nhịp điệu kể nhanh hơn, đường nét về nhân vật khắc rõ, tính hàm ngôn cao.

Dòng chảy của cuộc sống muôn màu muôn vẻ và bất tận. Mâu thuẫn và giải quyết mâu thuẫn luôn là một mệnh đề được đưa ra để xoa dịu những bất đồng. Văn học tái hiện nó theo cách thức của thứ chất liệu đỏng đảnh nhất. Vấn đề đối với nhà văn là lựa chọn và phối hợp trong mong muốn và khả năng có thể. Nguyễn Huy Thiệp chọn gam mầu tối, đậm và ngược. Cảm xúc chủ đạo là buồn: “chỉ có nỗi buồn là vĩnh cửu". Nhưng ở đây buồn sẽ giúp con người thức tỉnh, nuôi dưỡng khát vọng và sống theo đúng nghĩa của cuộc sống.

*

Mô hình cốt truyện nghệ thuật biểu hiện hệ tư tưởng. Nó cho thấy những quan niệm về triết học, mỹ học và đạo đức của nhà văn. Với Nguyễn Huy Thiệp cấu trúc ngược sáng của môtip nhân vật đi tìm điều kỳ diệu mang theo quan niệm của nhà văn về cái đẹp và đạo đức. Đối lập lớn nhất và cũng là mâu thuẫn nảy sinh liên tục trong trường ngữ nghĩa truyện kể của Nguyễn Huy Thiệp là sự đối lập giữa nhân tạo và tự nhiên. Mâu thuẫn này được cụ thể hóa trong kiểu không gian: thành thị - nông thôn trên cơ sở của những khái niệm đóng - mở, gần - xa, tách biệt - kết nối, đứt quãng - liên tục..., bộc lộ sự đối lập gay gắt giữa các phạm trù đạo đức và quan niệm thẩm mỹ: nhân tính và vô nhân tính, cao thượng và thấp hèn, hồn nhiên và toan tính, dối trá, bỉ ổi và lành mạnh, cái đẹp và dục vọng xấu xa... Với Nguyễn Huy Thiệp càng gần với tự nhiên, vô vi và hòa mình với tự nhiên (môi trường nông thôn, rừng, biển) con người càng gần với nhân tính, cái thiện, cái đẹp sẽ tỏa sáng. Và ngược lại càng xa cách tự nhiên (môi trường thành thị) con người càng xa rời bản chất đích thực. Tất cả những gì thuộc về nhân tạo đều dẫn con người gần với "sự bất nhân trong nhân tính". Triết lý đó của Nguyễn Huy Thiệp quy định cấu trúc không gian, con đường của nhân vật hành động, cũng tức là mô hình cốt truyện trong một loạt tác phẩm: Chảy đi sông ơi, Con gái thủy thần, Những bài học nông thôn, Muối của rừng, Những ngọn gió Hua Tát..., những tác phẩm mà giá trị đã được thừa nhận rộng rãi…

Cao Kim Lan
Nguồn: Văn học quê nhà

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây