Nhà thơ Nguyễn Mỹ: Không chỉ có "cuộc chia ly màu đỏ"

Thứ năm - 12/08/2010 11:56 4.822 0

Nhà thơ Nguyễn Mỹ.

Nhà thơ Nguyễn Mỹ.
Nhắc tới nhà thơ - liệt sĩ Nguyễn Mỹ, người đọc thường nhớ ngay tới bài thơ "Cuộc chia ly màu đỏ" trứ danh của ông. Điều này cũng dễ hiểu thôi: Trong những năm chống Mỹ, bài thơ từng được đưa vào tuyển thơ "Sức mới" 1 do đích thân nhà thơ nổi tiếng "khó tính" Chế Lan Viên tuyển chọn. Sau này, bài thơ đã được đưa vào giảng dạy trong nhà trường.
Các tuyển thơ về đề tài kháng chiến lẫn đề tài tình yêu - nếu có chọn thơ Nguyễn Mỹ thì các soạn giả gần như không quên bài thơ này. Lâu dần, như một thói quen, bạn đọc khi nghĩ đến Nguyễn Mỹ là nghĩ tới "Cuộc chia ly màu đỏ", đến độ, trong làng thơ Việt Nam, ông được xem như hiện tượng "tác giả một bài", trong khi thực tế, tập thơ riêng đầu tiên của ông (xuất bản nâm 1993, do Sở Văn hóa Thông tin Phú Yên phối hợp với Hội Văn nghệ Hà Nội ấn hành) có tới 34 bài.

Công bằng mà nói, trong sự nghiệp thi ca của Nguyễn Mỹ (vốn không lấy gì làm đầy đặn bởi ông hy sinh khi mới 35 tuổi), đến nay, "Cuộc chia ly màu đỏ" vẫn là một bài thơ có sức sống kỳ lạ. Như cây đa lực lưỡng đứng đó, vươn tỏa khí thế của cả một thời kỳ, mặc cho rễ cành đây đó còn nhiều thô tháp. Tuy nhiên, thơ hay của Nguyễn Mỹ không chỉ có thế. Bên cạnh "Cuộc chia ly màu đỏ", một số tuyển thơ cũng thường đưa thêm vào bài thơ "Con đường ấy" của ông. Nhà thơ Vũ Quần Phương, trong lời giới thiệu tập "Thơ Nguyễn Mỹ" nhắc tới ở trên đã từng nhận xét: "Ở "Cuộc chia ly màu đỏ", "Con đường ấy", Nguyễn Mỹ đã lập được đường bay của mình, riêng biệt, độc đáo, rất có ý nghĩa với sự cách tân của cả thi đàn...". Vậy, bài thơ "Con đường ấy" như thế nào mà được đương kim Chủ tịch Hội đồng Thơ - Hội Nhà văn Việt Nam đánh giá cao đến vậy?

Quả thực, với bài thơ này, ngay từ những năm sáu mươi của thế kỷ trước, Nguyễn Mỹ đã làm mới thể thơ lục bát truyền thống bằng những cải tiến khá điệu nghệ. Câu thơ 6 chữ quen thuộc được cắt thành hai dòng, và thêm chữ (câu mở đầu khổ 1 thêm 1 chữ, tới câu mở đầu khổ 2 và câu mở đầu khổ 3 thêm 2 chữ), tạo độ rung cho nhạc thơ thêm ngân vang, thánh thót:

Con đường nhỏ
Đi giữa hai hàng cây
Cái con đường ấy mình đầy bóng râm
Con hươu sao đã ruỗi nằm
Để nghe những tiếng thì thầm ở trên 

Đôi bên là nắng
Thu đã đượm vàng
Nắng bay từng giọt nắng ngân vang
Ở trong nắng có một ngàn cái chuông 

Trước đây, viết về nắng, nhà thơ Huy Cận đã có những "cảm nghe" hết sức linh diệu: "Ôi! Nắng vàng sao mà nhớ nhung/ Có ai đàn lẻ để tơ chùng/ Có ai tiễn biệt nơi xa ấy/ Xui bước chân đây cũng ngại ngùng". Chỉ từ màu nắng "nhớ nhung" ấy mà nhà thơ mường tượng ra bao cảnh biệt ly, mênh mang hoài niệm. Đến lượt Nguyễn Mỹ, giữa ánh thu vàng, ông cảm thấy như không gian đang ngân lên tiếng reo vui của nắng, thấy "Nắng bay từng giợt nắng ngân vang" và "ở trong nắng có một ngàn cái chuông". Sự liên tưởng của nhà thơ thật độc đáo, thi vị. Và phối hợp với hình ảnh đẹp là giai điệu đẹp. Chính cách cắt câu, nối chữ (trên nền thơ lục bát) đầy sáng tạo của Nguyễn Mỹ đã tạo sức bay, sức rung cho cả khổ thơ.

Không dừng ở đây, Nguyễn Mỹ còn tiếp tục cải biên cặp câu lục bát bằng cách thêm chữ (ở câu lục) và "bồi" thêm một câu lục nữa:

Họ không sưởi nắng
Họ đến ngồi đây
Họ ngồi cách một gang tay
Để nghe những tiếng lá cây thì thầm

Và đến hai khổ thơ cuối thì ông cấu tạo bằng nhiều kiểu thơ pha trộn vào nhau, tạo một cái kết văng vẳng dư âm, như tiếng đàn luyến láy mãi trong một không gian đầy luyến nhớ:

Sẽ đến mùa đông
Lá cây sẽ rụng
Xuống chỗ họ ngồi
Bên nhau đằm thắm 

Nào có hề chi
Con hươu sao ấy sẽ đi
Cũng vì tiếng họ thầm thì hát ca

Đọc thơ Nguyễn Mỹ, ta thấy nhiều bài giọng điệu khá cương rắn. Nhưng khi thuần túy viết về tình yêu, giọng thơ ông lại có phần trầm lắng, dịu dàng. Ngoài các bài "Cuộc chia ly màu đỏ", "Con đường ấy"... thì "Hoa cúc tím" cũng hay được các nhà thơ cùng thời với Nguyễn Mỹ nhắc tới. Đây là bài thơ kết hợp được cái uyển chuyển của các làn điệu dân ca: "Từ vườn xoan anh băng sang vườn khế/ Lên đồi sim rồi lại xuống ruộng cà/ Đâu cũng tím một trời thương nhớ/ Biết mấy màu tím ở trong hoa/ Sao anh gọi em là hoa cúc tím/ Mà em vẫn lặng thầm sâu kín/ Ôi nỗi ưu tư của đất lành/ Anh đã đến rồi. Em hãy trả lời anh/ Em mang chi tiếng đàn bầu trong mắt/ Cho đến nỗi đêm thu anh dìu dặt/ Em mang chi màu nắng dưới làn da/ Để tình anh như trái chín say ngà?". Tôi có thể trích đến hết bài những câu thơ cứ đồng đều thế này. Phải nói, đây là một bài thơ khá hoàn chỉnh, âm điệu, chữ nghĩa nhuần nhuyễn hơn so với "Cuộc chia ly màu đỏ" (ở "Cuộc chia ly màu đỏ", ta có thể bắt gặp những câu thật thà đến... vụng về như "Chồng của cô sắp sửa đi xa/ Cùng đi với nhiều đồng chí nữa"). 

Nhà thơ Vũ Quần Phương từng cho rằng, bài "Con đường ấy" là một "bước tiến" của thơ Nguyễn Mỹ, và ông lấy làm tiếc "Nguyễn Mỹ đã lập được đường bay của mình, riêng biệt, độc đáo, rất có ý nghĩa đối với sự cách tân của cả thi đàn, thì một viên đạn của quân xâm lược: anh sã cánh khi vừa chạm đường bay. Một hướng tìm tòi của thơ hiện đại Việt Nam dừng lại ở đó". Vâng, rất tiếc, khi mà mọi sự với Nguyễn Mỹ dường như mới chỉ là bước khởi đầu, song dẫu sao, với thi đàn Việt Nam, dù ít dù nhiều, ông cũng đã để lại được dấu ấn của mình. Và với riêng tôi,  Nguyễn Mỹ không chỉ có mỗi một "Cuộc chia ly màu đỏ"...

Tác giả: Nguyễn Trường Văn

Nguồn tin: VNCA

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc

Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây