Chế Lan Viên của lớp trẻ chúng tôi

Chủ nhật - 07/11/2010 07:04 6.341 0

Nhà thơ Chế Lan Viên

Nhà thơ Chế Lan Viên
Ngày 15-8-1969, tôi nhớ rất rõ, hôm ấy trời lại hơi se se lạnh, sáng sớm Nguyễn Thị Ngọc Hải rủ tôi ra 51 Trần Hưng Đạo gặp nhà thơ Chế Lan Viên. Đi tàu điện ra Hàng Bài, lội bộ vào 51 Trần Hưng Đạo thì trời nắng, nắng như muốn xoè hết các cánh cửa để cho người Hà Nội thưởng thức nắng thu thủ đô đẹp ra sao. Tôi và Ngọc Hải hăm hở bước vào sân trước khu 51, tiến thẳng tới căn nhà của Chế Lan Viên. Trên cửa sổ đề: không tiếp khách quá 15 phút. Bỗng chúng tôi khựng lại và quay phắt ra, đi băng qua đường Hàng Bài, ăn mỗi người một bát phở để tăng thêm dũng khí trước khi bước vào xin gặp nhà thơ. Lần đầu tiên tôi được nhìn trực diện Chế Lan Viên mà các nhà thơ vẫn gọi cái tên thân mật của ông: Hoan (Phan Ngọc Hoan), ông vui vẻ đón chúng tôi. Nụ cười thân thiện của Chế Lan Viên như đánh tan mọi sợ hãi của hai sinh viên, ông mời chúng tôi ngồi. Ngọc Hải mạnh dạn hơn:

- Thưa anh, anh tiếp chúng em 15 phút có được không?

- 15 hoặc 30 phút, có thể hơn!

Chúng tôi như được nhẹ đi mọi ức chế. Ông hỏi tôi liền:

- Em chắc rất yêu thơ!

Tôi sung sướng nói cho một mạch, nhìn qua đồng hồ đã sang phút thứ 10 tôi vội gói gọn để được nghe nhà thơ nói. Ông nói với chúng tôi về những giải thưởng thơ trên báo Văn Nghệ, những bài thơ mới của Tố Hữu, Xuân Diệu, Huy Cận rồi  Trần Đăng Khoa; tôi nghe mà như người được bước sang miền ánh sáng khác của thơ. Nói xong tôi thấy Chế Lan Viên cười, nụ cười thật đôn hậu. Rồi trả lời những điều Ngọc Hải hỏi, ông nói sang mảng văn xuôi cũng hùng hồn và cũng nhiều chi tiết đắt mà tôi có gạn lọc cả năm không bằng ông nói mười lăm phút. Bỗng  ông quay sang hỏi tôi:

- Thích thơ, yêu thơ, nhưng em có làm thơ không?

Tôi đỏ mặt, nhưng cũng trả lời rất thật:

- Em làm thơ chỉ để cho riêng mình đọc

- Từ riêng đến chung là một thử thách, gọi đó là nghệ thuật của thơ!

Để tự thưởng cho mình, chúng tôi đi mua ít bánh mì mang về khu ký túc xá. Căn phòng 6 thành viên ở trên khuôn viên giường tầng trưa hôm ấy rộn rã khi tôi và Ngọc Hải trở về với chiến thắng tuyệt đối: được nhà thơ Chế Lan Viên tiếp chuyện rất lâu

Ông là nhà thơ có trí nhớ rất tài, ngày 15-9- 1970 khi tôi nhập học khoá bốn của Hội Nhà văn, ông vẫn nhận ra tôi và nhớ cả tên lẫn họ. Sáu tháng học ở Quảng Bá, mỗi lần Chế Lan Viên, hoặc Xuân Diệu nói chuyện về thơ, lý luận thơ, về phê bình văn học, ngoài học viên khoá bốn, còn nhiều cán bộ trong Hội đạp xe lên nghe.

Nói chuyện đến cao trào, người của Chế Lan Viên như bay lên, tóc bồng, tay đưa cao, ông dốc hết cả tâm trí vào đọc thơ, giảng thơ, hình như chẳng còn học viên ngồi dưới, mà chỉ còn ông với thơ, ông nói đôi lúc quên cả thời gian.

Chế Lan Viên rất quan tâm đến lớp học khoá bốn, lớp học cho chiến trường. Nhân một ngày đi thi đấu bóng bàn dưới báo Văn Nghệ, Chế Lan Viên cũng sang dự. Sau trận bóng , chúng tôi  vào phòng họp của báo Văn nghệ nghe Chế Lan Viên nói chuyện thơ. Ông băn khoăn về sự sáo mòn cũ rỉ trong thơ. Với một lớp trẻ như chúng tôi, ngày mai vào chiến trường, ngày kia có thể khác với hôm qua: “lấy đá mới tạc lên thần tượng mới, những nụ cười không có tự ngàn xưa”. Ông hướng cho chúng tôi suy nghĩ theo hướngđó, và ông kết lại: tuổi trẻ có cái khai phá của tuổi trẻ, có cái nắm bắt của tuổi trẻ, nhưng nó là tiếng nói chung của nhân dân, cuả thời đại..

Lớp học coi Chế Lan Viên là người bạn lớn trong học thuật, nhưng ông cũng là những người bạn gần gũi với lớp trẻ chúng tôi, có giờ lên lớp ông lên Quảng Bá, không có giờ lên lớp, ông cũng lên dự và vui chơi với học viên. Nhân dịp nói chuyện về lớp học ông nói đầy thông cảm

- Lứa các em trẻ quá, là những đứa con được cha mẹ cho ăn học tử tế, Đảng đùng một cái lôi đi, cha mẹ cũng một lòng theo Đảng, các em cũng phục tùng theo Đảng. Nay mai thiếu vắng một ai, Đảng phải biết ơn họ!!!

Nói tới đó, gương mặt ông đỏ bừng  đầy xúc động, nước mắt ông đang chảy vòng quanh. Ngày chúng tôi lên đường, Nguyên Hồng khóc ầm ầm, ông cứ ôm Chế Lan Viên để khóc. Gương mặt nhà thơ cũng nhoà đầy nước mắt. Dẫu thời gian trôi đi đã bao năm, nhưng tôi luôn nhớ hình ảnh Nguyên Hồng và Chế Lan Viên ôm nhau khóc khi phải tiễn biệt những sinh viên trẻ lên đường vào chiến trường. Chúng tôi chỉ ngang tuổi con các ông ở nhà. Vừa khóc, Nguyên Hồng vừa nói

- Hoan ơi! thương chúng nó còn quá trẻ mà đã đi vào nơi hòn tên mũi đạn! ...

Chúng tôi đã lên xe mà không sao cầm được nước mắt, Tế Hanh, Xuân Diệu cũng quay mặt khóc. Xuân Quỳnh giơ tờ bìa rất to đề chữ: tạm biệt. Một góc vườn, tiếng Thu Bồn khóc ồ ồ. Cảnh chia ly này chúng tôi cảm thấy chúng tôi là người của làng Văn nghệ, và từ Văn Nghệ ra đi, nên phải sống như một nhà văn yêu nước. Tôi phải nói lại lời này bởi ở chiến trường, chúng tôi sống rất gần phía bên kia, ăn ở khổ hơn, bom đạn dội nhiều hơn, ngày nào máy bay cũng phát trên đầu kêu gọi chiêu hồi. Bên này bên ấy cài răng lược, vào đây viết văn chưa phải quan trọng, mà phải sống như một người lính thực thụ rồi mới viết văn viết báo, làm thơ. Thu được hình ảnh  các anh nhà văn đàn anh vào  tâm tưởng là một điều rất quý cho mỗi chúng tôi. Nguyên Hồng, Nguyễn Đình Thi, Kim Lân, Phan Tứ, Võ Quảng, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Tế Hanh, Thu Bồn nằm trong ba lô chúng tôi như những bức ảnh chân dung.

Ngày 19-5-1975, tôi và Hà Phương bay ra Hà Nội để về thăm nhà trên một chuyến bay chở thương binh của quân đoàn bốn. Nhiệm vụ của chúng tôi là ra Bắc xin thêm người cho báo Văn nghệ Giải phóng, lúc ấy cần: nhiếp ảnh, phê bình văn học, phê bình nghệ thuật. Sau bao năm xa nhà, Hà Phương theo một chuyến xe về thẳng thị xã Thanh Hoá, tôi trở lại 51 Trần Hưng Đạo gặp nhà thơ Bảo Định Giang đặt vấn đề về nhân sự cho báo. Bước vào giữa sân, Bảo Định Giang vội bước ra bắt tay chúc mừng tôi đã sống trở về. Chế Lan Viên, tôi chưa bao giờ thấy gương mặt ông tươi sáng và vui như vậy, ông bắt tay tôi và nói rất nhanh

- Sống đến ngày hoà bình để trở về là mừng và mừng lắm! Chiến đấu để chiến thắng đó là điều cả dân tộc này mơ ước

Ngày 19-4-1975, tôi và Hà Phương, anh Phùng Đức Thắng phóng viên của Báo Văn Nghệ Giải phóng cùng nhận nhiệm vụ xuống đường, đi về miền Tây. Ai đi miền Tây những năm đó là về miền chết trắng. Chiến trường miền Tây chỉ có sông nước, dùng sông nước để tấn công địch, địch dùng sông nước với máy bay phản lực, trực thăng  để tấn công ta. Sài Gòn đã giải phóng mà miền Tây còn chiến đấu giằng co thêm 12 giờ đồng hồ nữa, 11 giờ đêm ngày 30 tháng tư 1975, giờ phút ấy ai còn sống thì biết mình còn được sống. Còn trước đấy ít giờ , nhiều chiến sỹ hy sinh trên lộ Bốn, trên đường vào giải phóng Mỹ Tho .

Chế Lan Vien  cũng từng là chiến sỹ chống Pháp, ông hiểu cái khoảng khắc hoà bình nó có ý nghĩa to lớn thế nào với những người trong cuộc. Sau những giây phút gặp gỡ vui vẻ mà muốn trào nước mắt, Bảo Định Giang kéo chúng tôi vào phòng ông ngồi. Qua câu chuyện tôi biết tờ báo Thống Nhất  ở ngay 51 Trần Hưng Đạo, có đăng truyện Tiếng gà và cánh diều của tôi mô tả cuộc chiến tranh khốc liệt ngay trên đất Củ Chi. Bảo Đinh Giang và Chế Lan Viên rất biết các học viên khoá bốn luôn luôn  ở mũi nhọn của cuộc chiến. Tôi báo cáo qua công việc  của tờ Văn Nghệ Giải Phóng và xin các ông cho thêm người; để lại địa chỉ liên lạc nhà tôi tại Âm Thượng, Hạ Hoà, Phú Thọ để các ông tiện liên hệ khi đã tìm được người cho báo. Một lát sau  thấy có người mang vé tàu vào,   được Hội liên hiệp Văn Học Nghệ thuật cho xe đưa ra ga. Tôi  trở về  mái ấm của Hội như trở về căn nhà của mình. Về với gia đình được mươi ngày tôi nhận  thư của ông Bảo Định Giang báo  xuống Hà Nội nhận người cho báo Văn Nghệ Giải phóng. Những người được Hội liên hiệp Văn học Nghệ thuật giới thiệu  là Lê Thị By  ở báo Thống Nhất, Trang Nghị (hai người là vợ chồng) làm thơ và phê bình nghệ thuật; Bùi Thanh Hiển nhiếp ảnh; người được giới thiệu sau là nhà nghiên cứu Mai Quốc Liên. Khi đã có danh sách, Chế Lan Viên nói với tôi và Bảo Định Giang

- Vượt xứ tìm người tài, người tài thì hiếm lắm, Hà Nội tìm mãi, tìm mãi chẳng ra, từ Sài Gòn ra tìm người tài càng khó!

 Tôi đã từng qua khu tập thể các nhà văn ở Nguyễn Thái Học, Nguyễn Thượng Hiền là những căn nhà đẹp, căn phòng đẹp cho các nhà văn sinh sống. Còn ở đây, căn nhà xưa của Bảo Đại ở cả thì sang, xẻ nhỏ cho các anh vừa làm việc, vừa ở thì thật vất vả nhất là khu nhà ngang sau này ta mới  xây như nhà cấp bốn, nhà xí, nhà tắm cả khách cả khu tập thể đi chung. Nhà như ở giữa chợ. Lúc này tôi mới thông cảm cho Chế Lan Viên, ông phải treo biển tiếp khách không quá 15 phút. Ông vốn là con người đọc nhiều, từ sáng sớm khi vào giờ làm việc, ông đã vào bàn đọc, câu nào hay, ông lấy bút chì gạch đít và gập mép trang lại. Những ngày sáng tác, hay viết bài, tôi thấy ông như người ép xác. Ngoài sân sôi động đi lại, ông khép cửa một mình một chỗ ngồi như buộc chân, không  rời khỏi ghế. Chị Vũ Thị Thường sau những phút việc nhà, chị cũng  đeo mục kỉnh lên đọc. Cả nhà đọc và làm việc, hai cháu Thắm, Vàng Anh cũng đi học và đọc sách, làm thơ.  Vàng Anh nhỏ nhưng thông minh, nhanh nhẹn, thuộc nhiều thơ ca, viết thơ thiếu nhi rất tự nhiên và dễ nhớ. Đi học về cất sách, ăn cơm xong, Phan Thị Vàng Anh thường đáo qua  phòng tôi chơi rồi mới về ngủ trưa. Một ngày tôi đi cắt tóc “phi dê” về, Vàng Anh mách ngay với mẹ:

- Cô Thắng “ phi dê” mất rồi, con thích bộ tóc dài của cô cơ!

Mái tóc dài của tôi cũng là những nơi thử tay cho bé Vàng Anh bới, tết. Trẻ nhỏ nào cũng thích tết tóc, hoặc nghịch tóc. Chị Thường kể cho tôi nghe:

- Lần đầu tiên đi “phi dê” về, mình hỏi anh Hoan: “anh thấy thế nào?” – “Cũng được, nhưng nhìn đôi lúc lại ra một người khác”, mình xấu hổ quá. Rồi ít ngày anh bảo nhìn mãi cũng thấy quen quen .

Nghe chị Thường nói, tôi  thấy lo lo rồi lại buồn cười và an ủi: cái mới khó chấp nhận, nhưng chấp nhận rồi thì lại thấy hay hơn cái cũ.Gia đình Chế Lan Viên tôi thấy khắc khổ như những người tu hành . Cả nhà cùng học, đọc không biết ngơi nghỉ. Sống giữa thủ đô, sống trong thời kỳ tuổi đời và vị thế nhà văn đang ở lúc sung sức và đẹp nhất,  đó là mơ ước của bao nhà văn, nhưng ông vẫn làm việc cần mẫn như một chú ong thợ. Ông đã ba lần là đại biểu Quốc hội các khoá 4,5,6,7. Ông được huân chương độc lập hạng hai (1988), giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học- Nghệ thuật đợt I (1996), giải A giải thưởng Hội nhà Văn (1995) tập: Hoa trên đá, giải thưởng Hội nhà văn (1994); tập Di cảo I, II. Chính vì vậy nên  con người thật của Chế Lan Viên không mấy lúc nhàn nhã trong tâm. Ông đọc chữ Pháp, chữ nho, hiểu được  mười phần để viết ra năm sáu là rất cực. Với ông làm báo, viết văn, làm thơ, viết tiểu luận là nghề văn. Bao năm giữ chuyên mục “nghề văn” với bút danh Chàng Văn làm háo hức bao bạn đọc.  Ra mắt tập thơ Điêu Tàn (1937) lúc  17 tuổi, ông là một hiện tượng thơ.Rồi  hiện tượng thơ Chế Lan Viên lần thư hai: chỉ trong vòng mấy năm sống ở miềm Nam (mấy năm chống chọi với bệnh tật), ông có  hàng trăm bài thơ xếp hàng trong di cảo. Thơ ông giai đoạn này không chịu vần điệu của âm ngữ, mà  xếp theo nhịp điệu; nhịp phách ấy của riêng Chế Lan Viên; ông không học ai, mà ít ai học được ông.

Chế Lan Viên cùng một số nhà thơ đương thời sinh ra thơ Mới, nhưng trong  thời gian chống Pháp và chống Mỹ chính các ông tự cách tân thơ mình để tạo nên một nền thơ chống Pháp chống Mỹ rực rỡ. Như vậy các ông hai lần cách tân thơ ca đều  thành công rực rỡ

Các tiểu luận về thơ,  về hiện tượng văn học, hay một tác giả tác phẩm cụ thể nào của ông cũng trải rộng, đào sâu, rồi đưa ra đúng hình đúng dạng của tác giả tác phẩm. ít lâu nay chúng ta phê bình thơ, văn xuôi chỉ khen, khen có khi không đúng với tác giả và tác phẩm  cũng cứ khen. Những lời khen ấy thành vô bổ. Giọng văn phê bình của Chế Lan Viên là bám vào tác phẩm cụ thể để khen chê, ông biểt nẩy ra những ý hay, lời hay, hoặc chỗ dở, cách diễn đạt chặt chẽ mà đầy chất thơ. Hiếm có được người viết phê bình như ông, có tính khái quát cao lại  diễn đạt rành mạch.

Tôi thấy chị Vũ Thị Thường  vui mỗi khi Chế Lan Viên đang chuẩn bị  ra sách. Chị là người vợ nhẫn nại,  là chỗ tựa cho đời anh trong những năm tháng anh bị bệnh. Bốn lần anh là đại biểu Quốc hội, bao lần phát biểu hùng hồn với Đảng về vấn đề văn hoá, văn nghệ, chị là người vợ nhặt lại từng mảnh giấy rơi với mấy câu thơ tưởng chừng như bỏ dở để cho ra đời được ba tập “Di cảo thơ”. Tôi có may mắn một lần đi công tác cùng chị Vũ Thị Thường về Xóm Mũi cuối 1975, những tối cùng phòng với chị, tôi biết Chế Lan Viên qua người bạn đời của ông: bản thân ông, những người sống trong gia đình họ sống căng như một dây đàn nghệ thuật. Thời gian với ông một ngày không còn là hai bốn giờ đồng hồ, mà nó như ngắn lại, để ông và mọi người hối hả làm việc. Con cái đi học về, ngoài kiến thức học ở trường, ông còn dậy riêng cho chúng những kiến thức học thuật: Học để biết, học để không ai lòe được mình

Tháng 5-1977, gia đình tôi ra Hà Nội với một đứa con gái tròn sáu tháng tuổi, ở trong căn nhà tối tăm, hôi hám đằng sau báo Văn nghệ, Chế Lan Viên đến thăm, ông tặng chúng tôi tập thơ : “Hái theo mùa” với mấy lời đề tặng” Thân tặng đôi bạn Trang Thắng”, cái ngày 25-6-1977 năm ấy ông đến thăm để lại một mốc quan trọng cho gia đình chúng tôi:

- Hai em ở thế này cực lắm, ta xin lên Quảng Bá ở, nơi ấy là nơi xuất phát của hai em ra đi, nay ta quay về ở, ở  mát mẻ cho con trẻ mau lớn!

Tôi hơi miên man về những chi tiết cụ thể vì còn có người cho rằng Chế Lan Viên chẳng quan tâm đến ai. Nhưng ngược lại ông là người sống rất tình nghĩa với lớp đàn em , những người mà công danh sự nghiệp còn mong manh, những người mà ông giúp vô tư, giúp vì tấm lòng muốn giúp người khác.

Hai bốn năm sau, năm hai ngàn, nhà xuất bản Giáo Dục đặt chúng tôi ra quyển sách “Chế Lan Viên giữa chúng ta” do Lê Quang Trang và Mai Quốc Liên chủ biên. Cô bé ngày xưa được ông Chế quan tâm, thì lúc năm hai ngàn cháu làm sách cho ông rất cẩn thận. Chúng tôi cả nhà chung một niềm vui làm sách cho  người mà mình kính trọng và yêu mến.

Tác giả: Trần Thị Thắng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây