Trong bài viết có tên gọi “Chuyện bi tráng về nhà thơ Nguyễn Mỹ”được in trên Báo Sức khỏe & đời sống, một tác giả đã xúc động kể rằng:“hoàn toàn mù tịt với tình hình và cả cách đánh của địch, một hôm ông (tức Nguyễn Mỹ - PK) gặp một tốp biệt kích nhưng lại hóa trang mặc quân phục giải phóng. Mừng quá, ông nhào ra vẫy rối rít: “Các đồng chí ơi, tôi đây...”. Bảy ngày sau thì đồng đội mới biết ông bị bắn chết. Nhưng lúc này thì xác đã trương lên và có biểu hiện có lựu đạn ở dưới xác. Thường bọn biệt kích hay cài lựu đạn dưới xác liệt sĩ để nó sẽ phát nổ tiêu diệt tiếp khi đồng đội đi tìm. Thế là mọi người để nguyên ông nằm trên mặt đất, lấy đá xếp vòng xung quanh rồi đứng đằng xa hắt đất vào chôn. Đấy là một nỗi đau, là bi kịch cứa mãi trong lòng đồng đội của ông, nhưng bi kịch hơn là sau đấy khi quay lại quy tập hài cốt thì... toàn bộ hài cốt đã không còn. Chỉ còn lại các dụng cụ cá nhân mà khi bị bắn chết ông vẫn mang trên người như quần áo, dép, vỏ đạn, bi đông... những thứ này bây giờ đang nằm dưới ngôi mộ có tên liệt sĩ nhà thơ Nguyễn Mỹ”.
Tôi nhớ, năm 1993, trong những lần tiếp xúc với Giáo sư Nguyễn Viết Tựu (bấy giờ ông đang công tác tại phân viện Dược liệu TP Hồ Chí Minh), là người đại diện cho gia đình nhà thơ đang phối hợp với chúng tôi làm cuốn “Thơ Nguyễn Mỹ”, tôi đã tranh thủ hỏi ông về phút Nguyễn Mỹ hy sinh. Cụ thể là Nguyễn Mỹ mất trong hoàn cảnh nào và người chứng kiến giây phút cuối cùng của ông là ai? Giáo sư Nguyễn Viết Tựu cho tôi hay: “Người biết rõ sự việc ấy là anh Hoàng Trà, hiện là Tổng biên tập Báo Quảng Nam - Đà Nẵng. Theo như anh Trà kể lại, hôm ấy (ngày 16-5-1971), Ban Tuyên huấn Liên khu V phân công Nguyễn Mỹ và Hoàng Trà tham gia sản xuất tại trại ở Trà Mi. Sáng ra, nghe tiếng pháo dập và tiếng máy bay, anh em biết là địch đi càn. Chờ im tiếng súng, các anh lần ra nắm bắt tình hình. Đường hẻm núi, Nguyễn Mỹ phát hiện có một thanh niên người dân tộc từ xa đi lại. Nguyễn Mỹ đứng lại gọi, ý muốn hỏi tình hình địch đổ quân thế nào, ở đâu? Bất ngờ một loạt đạn xổ ra. Thì ra, địch cho toán biệt kích luồn rừng đánh tập hậu. Người thanh niên mà Nguyễn Mỹ gặp chính là người bị biệt kích bắt, đưa đi dẫn đường, còn chúng ẩn phía sau. Hoàng Trà đi sau nên chạy thoát, còn Nguyễn Mỹ thì vĩnh viễn nằm xuống sau loạt đạn ấy”.
Tất nhiên, Giáo sư Nguyễn Viết Tựu cũng chỉ là người nghe kể lại sự việc từ một người khác. Nhưng người kể cho ông lại là một nhân chứng trực tiếp của vụ việc, và sau này lại giữ cương vị đứng đầu một cơ quan báo chí, nên những thông tin của ông chắc chắn đủ độ tin cậy, thuyết phục được người đọc hơn. Vả chăng, cứ theo lôgic mà suy, thì việc Nguyễn Mỹ gặp địch kiểu trên nghe không được hợp lý cho lắm. Làm sao một người dày dạn chiến trường (từng tham gia đánh Pháp) như Nguyễn Mỹ, trước những người lạ ở một địa bàn chiến tranh khắc nghiệt lại hồn nhiên đến độ nhào ra vẫy rối rít: “Các đồng chí ơi, tôi đây...”.
Hơn nữa, việc tác giả bài báo nói trên cho biết “Nhà văn Cao Duy Thảo, nhà thơ Thanh Quế và nhà văn Nguyễn Bá Thâm là người sống, chiến đấu cùng Nguyễn Mỹ thời ấy, đồng cam cộng khổ và hiện nay cũng là người siêng năng đi thăm và lo lắng cho mộ Nguyễn Mỹ nhiều nhất, khi kể chuyện này đều buồn rười rượi...”, có nghĩa họ đều là những người rành về việc Nguyễn Mỹ hy sinh. Vậy khi Nguyễn Mỹ bị sát hại, họ ở đâu, có phải cùng ở bên như ông Hoàng Trà không? Không biết với các nhà văn Cao Duy Thảo, Nguyễn Bá Thâm, thực tế thế nào, chứ với nhà thơ Thanh Quế - ông đã trả lời rõ câu hỏi này qua bài “Lần cuối cùng gặp nhà thơ Nguyễn Mỹ” in trên báo Đà Nẵng cuối tuần. Theo bài báo đó, sau lần cuối cùng Thanh Quế gặp Nguyễn Mỹ thì “Mấy tháng sau, chúng tôi nghe tin anh ngã xuống ở Nước Ta, nơi anh đang sản xuất, vào ngày 16-5-1971”. Nghĩa là, nhà thơ Thanh Quế không hề chứng kiến phút hy sinh của Nguyễn Mỹ.
Thật ra, về cái chết của nhà thơ Nguyễn Mỹ, trước đây tôi cũng được nghe một giai thoại: Vốn bản tính gan dạ, lại ở một cơ quan chuyên chăm lo tăng gia sản xuất , chưa hề giáp mặt địch lần nào nên lúc nghe tin địch đi càn, Nguyễn Mỹ hiếu kỳ lần ra xem, chẳng maygặp đạn lạc. Vì thế mà việc công nhận ông là liệt sĩ suốt một thời gian dài gặp rắc rối. Tôi đã kể cho Giáo sư Nguyễn Viết Tựu nghe giai thoại này. Giáo sư Nguyễn Viết Tựu phản bác ngay: “Không, không thể như vậy. Nguyễn Mỹ mất trong khi làm nhiệm vụ, việc đó sáng rõ như ban ngày. Vả lại, Nguyễn Mỹ từng là lính bộ binh, chiến đấu đến hai chục trận trong kháng chiến chống Pháp, sao lại nói là chưa thấy địch bao giờ”. Giáo sư Tựu cũng giải thích về việc chậm trễ làm thủ tục công nhận liệt sĩ cho Nguyễn Mỹ (ông được truy tặng danh hiệu này sau khi hy sinh tới hơn hai chục năm): “Theo lệ thường, cơ quan có người hy sinh phải đứng ra lập bảng kê khai, với sự chứng nhận của hai người chứng kiến sự việc đó. Nhưng ở trường hợp Nguyễn Mỹ, không phải không có ai chứng kiến, mà thoạt đầu không ai đứng ra làm. Lâu quá, gia đình thắc mắc, anh em kiến nghị, Sở Lao động, Thương binh & Xã hội xác minh, tỉnh mới xúc tiến làm quyết định công nhận...”.
Về việc sau khi Nguyễn Mỹ bị địch sát hại, thi thể mãi mấy ngày không được chôn cất vì mọi người sợ địch ém lại hoặc cài lựu đạn bên trong, tôi cũng có nghe Giáo sư Nguyễn Viết Tựu kể. Song việc chôn cất như cách bài báo “Chuyện bi tráng về nhà thơ Nguyễn Mỹ” cho biết “mọi người để nguyên ông nằm trên mặt đất, lấy đá xếp vòng xung quanh rồi đứng xa hắt đất vào chôn”, quả là có gì đó không được thuyết phục. Nếu chôn theo kiểu ấy thì hiệu quả đến đâu, và người đứng, phải đứng xa đến đâu để nếu lựu đạn (giả dụ là địch có cài lại) nổ thì mới không bị ảnh hưởng. Chưa kể, chôn theo kiểu ấy (lựu đạn nếu có, vẫn nằm ở dưới xác) thì liệu người tham gia chôn cất có yên lòng không? Nói chung, tôi từng nghe nhiều chuyện kể về những sự thật hãi hùng của chiến tranh, nhưng có lẽ chưa thấy ở đâu cách chôn cất đồng đội như vậy.
Về việc mộ của nhà thơ liệt sĩ Nguyễn Mỹ hiện không có hài cốt, trong buổi trò chuyện với Giáo sư Nguyễn Viết Tựu, tôi cũng từng được ông cho biết: Ngay sau giải phóng, nhà báo Hoàng Trà trong lần công tác ở Trà Mi đã tranh thủ đi tìm mộ Nguyễn Mỹ, song không thấy dấu vết đâu nữa. Chị vợ ông Chủ tịch xã cho biết mộ người ta tập trung hết rồi. Mười năm sau, nhà thơ Hoài Anh một thân một mình lên bờ sông Dakta tìm mộ bạn, nhưng không tìm được, đã có mấy câu thơ sau: “Không thấy mồ mày đâu/ Chỉ có rừng và suối/ Rừng sâu gai mọc dày/ Biết có ai mà hỏi?”.
Nhân đây cũng cần phải nói thêm là, không chỉ trong bài viết “Chuyện bi tráng về nhà thơ Nguyễn Mỹ”, mà ở một đôi bài báo khác, các tác giả đã có đề cập ít nhiều về việc bà mẹ đẻ của Nguyễn Mỹ, vì có mắc mớ gì đó với du kích địa phương, bị nghi là “chỉ điểm” và bị xử lý, để rồi điều tiếng ấy khiến Nguyễn Mỹ gặp phải những hệ lụy. Tuy nhiên, xung quanh việc này, đã có những thông tin khác nhau. Như trong bài báo nhắc tới trên, tác giả cho biết: vì bị mất trộm gà, bà cụ quay ra chửi các anh du kích trẻ; còn trong bài báo của nhà thơ Thanh Quế thì bà cụ lại chửi ai đó đào khoai non của cụ, khiến địch đoán là có du kích nên rình mò tiêu diệt, vì thế bà cụ bị phía ta nghi là “chỉ điểm”. Sự việc không rõ thực hư thế nào, và trong hai bài báo nói trên, chi tiết nào đúng, chi tiết nào sai, chỉ có một điều chắc chắn là không phải vì thế mà Nguyễn Mỹ “bị cách ly, được phân ra rẫy ở một mình đuổi khỉ” như tác giả bài báo “Chuyện bi tráng về nhà thơ Nguyễn Mỹ” cho biết. Xem bài báo của Thanh Quế, chúng ta có thể thấy Nguyễn Mỹ không hề cô độc. Dù khác cơ quan, song bạn bè văn nghệ vẫn tìm đến thăm ông, trao đổi với nhau việc sáng tác rất rộn rã. Thơ Nguyễn Mỹ vẫn xuất hiện trên báo Cờ giải phóng Khu chứng tỏ ông đâu có bị nghi kị?
Dẫu sao, người viết bài này cũng thuộc thế hệ hậu sinh, chắc chắn cuộc chiến khốc liệt mà Nguyễn Mỹ và đồng đội ông tham gia sẽ có những tình huống bất ngờ mà thế hệ chúng tôi không thể hình dung nổi. Song chí ít, bằng vào những tình tiết ghi lại được từ một số nhân chứng, cũng như các nguồn tin trên sách báo, xin cứ trình bày một đôi ý kiến như vậy. Rất mong những người hiểu sâu hơn vụ việc này cho ý kiến chỉ giáo.
Tác giả: Phạm Khải
Nguồn tin: phongdiep.net
Ý kiến bạn đọc