Ý thức làm mới các giá trị truyền thống trong thơ Nguyên Sa

Thứ sáu - 22/10/2010 11:12 3.798 0

Nhà thơ Nguyên Sa

Nhà thơ Nguyên Sa
Trên hết Nguyên Sa vẫn là một nhà thơ tình đích thực. Và đương nhiên đề tài hấp dẫn nhất và xuất hiện nhiều nhất trong thơ của ông chính là đề tài tình yêu.
Nhà nghiên cứu Trần Đình Sử trong cuốn Văn học và thời gian, NXB Văn học (2001) nhận định: “Truyền thống là các giá trị quá khứ mang ý nghĩa hiện đại. Những người hiện đại không giản đơn lặp lại những giá trị cũ, mà họ chủ động phát huy tích cực, làm mới những giá trị truyền thống đó. Thế hệ đi trước tạo dựng truyền thống thông qua sáng tạo, nhưng làm mới nó lại là công việc của người đời sau cũng thông qua vai trò sáng tạo của người nghệ sĩ. Do đó, những giá trị truyền thống sẽ trở nên phong phú hơn chứ không chỉ là truyền lại nguyên dạng. Tuy thế, cũng cần lưu ý rằng, những giá trị truyền thống này chúng gắn liền với tính dân tộc trong văn học, truyền thống văn học, là động lực nuôi dưỡng những tình cảm nghệ thuật, ý thức thẩm mĩ của người nghệ sĩ. Giá trị truyền thống góp phần làm nên tài năng, nhân cách của người nghệ sĩ.

Cũng như hầu hết những thi nhân Việt Nam khác, Nguyên Sa làm thơ cũng không đi ra ngoài những đại lộ quen thuộc của thi ca truyền thống. Thơ của ông cũng vẫn viết về những đề tài quen thuộc cùng với cảm hứng và hình ảnh thơ gần gũi với cuộc sống thường nhật. Tuy thế, những đề tài, hình ảnh và cảm xúc ấy đã được khúc xạ qua tâm hồn Nguyên Sa- thi sĩ hiện đại, nên nó trở nên mới mẻ. Hay nói cách khác những giá trị truyền thống này đã được thổi vào một sinh khí mới, trước hết là ở đề tài.

Vấn đề muôn thuở mà thơ hay đề cập tới được lí giải qua các thời kì của văn học. Trong thời kì văn học trung đại, thơ ca thường chuộng cảnh thiên nhiên đẹp tức là thường viết về đề tài thiên nhiên như trong thơ nhật kí của Hồ Chí Minh:Thơ xưa yêu cảch thiên nhiên đẹp/ Mây, gió, trăng, hoa, tuyết, núi, sông. Thêm nữa, do gánh nặng của sứ mệnh làm bậc chính nhân quân tử mà thi ca thường là thi dĩ tải đạo, văn dĩ ngôn chí. Cho đến cuối thời kì văn học trung đại văn học mới chuyển dịch viết về những điều sở kiến, sở văn. Văn học hiện đại ngoài những cái đã có của văn học truyền thống nó còn viết nhiều để giải phóng cái tôi cá nhân song nhìn chung dù cho là văn học trung đại hay hiện đại thì đề tài muôn thuở của nó vẫn là quê hương đất nước, dân tộc và đề tài tình yêu. Nguyên Sa là một thi sĩ mà thơ của ông sáng tác chủ yếu trong thời gian từ 1954-1975 của văn học miền Nam Việt Nam. Thi sĩ của sự sáng tạo. Nhưng trước hết Nguyên Sa vẫn giữ lại tất cả những gì quen thuộc đã in sâu thành đề tài muôn thuở. Ai đọc thơ của ông cũng không thể không ấn tượng bởi vẻ đẹp truyền thống quê hương hiện hữu trong áo lụa Hà Đông:

Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát
Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông
Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng
Thơ của anh vẫn nguyên màu lụa trắng 

Người ta nhận ra giữa Sài Gòn nhộn nhịp với những đổi thay, nhộn nhạo mà bất chợt nhận thấy quê hương dân tộc qua sắc màu áo lụa Hà Đông khiến cho tâm hồn Anh đi rồi chợt mát. Sắc màu của áo lụa Hà Đông làm gợi nhớ liên tưởng về một áo chàm đưa buổi phân li/ cầm tay nhau biết nói gì hôm nay trong thơ của Tố Hữu. Tà áo dài truyền thống trong thơ Nguyên Sa thật bay bổng, duyên dáng:

Có phải em về trên áo bay
Hai phần gió thổi một phần mây
Hay là em gói mây trong áo
Rồi thả cho làn áo trắng bay 
                                    (Tương tư)

Và dĩ nhiên, những ai yêu nước, gắn bó với quê hương, sống trong thời chiến tranh cũng đều có những lo âu, những suy tư về quê hương đất nước, liên quan đến thân phận mình. Nguyên Sa là một trí thức làm thơ, không ít thì nhiều cũng có những trăn trở riêng mình, bật thành thơ, nói chung mang tâm trạng buồn và bế tắc, bộc lộ quan điểm chán ghét chiến tranh: “Anh không dám kể dài dòng như một người giang hồ nói với người giang hồ về những câu chuyện quê hương/ Anh chỉ dám dâng em chút đớn đau với nỗi niềm sám hối(Sám hối). Những trăn trở, day dứt về tự do là chuyện khó tránh khỏi đối với một trí thức như Nguyên Sa. Thậm chí là ẩn ức trở thành bức bối trong tâm trạng khiến cho có nhiều khi nó trở thành những bột phát theo kiểu Tôi sẽ bỏ đi rất xa cũng như những tâm trạng bi quan không thể tránh khỏi Năm ngón tay có bốn mùa trái đất/ Chúng tôi cầm rơi mất một mùa xuân/ Có tiếng cất đòi to. Tiếng đời rơi rụng/ Những âm thanh làm sẹo ở trong hồn(Bây giờ). Là một thanh niên trí thức mang trong mình nhiệt huyết tuổi trẻ, đứng trước hoàn cảnh đặc biệt của thời đại đất những cảm xúc ấy là không tránh khởi.

Hình ảnh quê hương hiện lên trong mỗi tâm hồntrước hết là thiên nhiên. Thiên nhiên trong thơ dường như là đối tượng để kí thác vui, buồn sớt chia ưu tư muộn phiền. Có thể thống kê được hầu hết các bài thơ của Nguyên Sa đều có hình ảnh thiên nhiên, thiên nhiên chiến số lượng lớn trong thơ ông. Thiên nhiên trở thành đối tượng cảm xúc trong thơ Nguyên Sa, điều này khác hẳn với thơ của Thanh Tâm Tuyền. Thơ của Thanh Tâm Tuyền rất ít nói về thiên nhiên, nếu có chỉ là sự gợi nhắc, hiện hình chốc lát trong mạch ý thức. Thiên nhiên là một mảnh cũng giống như những mảnh ý thức khác nhào lộn trong ý thức con người. Thiên nhiên trong thơ của Nguyên Sa thường xuyên là đối tượng trữ tình, không mất đi sự tinh khiết tự nhiên với mùa thu, màu xuân, với trời cao xanh biếc, với trưa nắng ngọt ngào, đêm trăng sao và đêm mưa, sương mờ... thiên nhiên trong thơ của Nguyên Sa là đối tượng để nhà thơ bộc lộ tình cảm, cảm xúc của mình khi vui cũng như khi buồn. Có thể đó là một sự lo âu trắc trở Có phải em về đêm nay/ Trên con đường chạy dài hoa cỏ/ Cho lòng anh trở lại với lòng anh/ Như lá vàng về với lá cây xanh/ Trong những chiều lá rơi về cội(Có phải em về đêm nay); có khi là lúc men say tình ái Trời hôm nay mưa nhiều hay rất nắng/ Mưa tôi trả về bong bóng vỡ đầy tay/ Trời nắng ngọt ngào tôi ở lại đây/ Như một buổi hiên nhà nàng dịu sáng(Tuổi mười ba).

Văn học nói chung là: tấm gương phản chiếu thời đại, thời kỳ của khói súng ấy đã in hình trên trang thơ không phải chỉ riêng Nguyên Sa. Cùng thời với ông, thơ của Thanh Tâm Tuyền cũng nhuộm màu ám ảnh bi tang ấy Hôm nào tôi thường lang thang dưới những/ rặng cây, không phải mùa thu hay mùa/ đông chẳng phải mùa hạ hay mùa xuân/ Thời tiết đã trốn mất chẳng còn vừng trán và/ trời, bàn tay và mây, mắt với hư vô(Hơi thở). Nhà thơ Lưu Quang Vũ cũng có chung tình cảm ấy, thơ của ông là cuộc vật lộn giằng xé kinh hoàng trong cô đơn và nỗi ám ảnh thân phận, đặc biệt là thân phận con người, thân phận dân tộc trong chiến tranh củaNhững gương mặ.

Trên hết Nguyên Sa vẫn là một nhà thơ tình đích thực. Và đương nhiên đề tài hấp dẫn nhất và xuất hiện nhiều nhất trong thơ của ông chính là đề tài tình yêu. Tình yêu vốn là một đề tài quen thuộc không chỉ trong thơ, tuy nhiên thơ là nơi mà con người có thể bộc lộ cụ thể và sâu sắc nhất trạng thái cảm xúc của mình khi yêu, chính vì thế mà thơ tình xưa nay vẫn hấp dẫn bạn đọc nhiều nhất. Cũng nằm trong mảng thi đề về tình yêu ấy, thơ tình Nguyên Sa lại mang một âm điệu mới. Đa số những người thơ khi viết về đề tài này thương là họ đang yêu say đắm, cuồng nhiệt hoặc trong trạng thái thất tình, hoặc để khẳng định tình yêu cao thượng của mình với biển nhiệt huyết dâng trào mãnh liệt. Cũng vẫn viết về tình yêu mãnh liệt ấy nhưng thơ Nguyên Sa nói bằng lời thủ thỉ tâm tình, lời của người yêu nói với người yêu pha chút buồn trách móc nhẹ nhàng, tinh tế. Nguyên Sa không nói tình yêu qua những đòi hỏi mạnh mẽ và tuyệt đối bằng thân xác theo kiểu Xuân Diệu, Bích Khê và cũng không cuồng điên như Hàn Mặc Tử. Ông nói về tình yêu bằng những trải nghiệm của chính bản thân mình. Ông nói về tình yêu với âm điệu nhẹ nhàng tinh tế đặc trưng của riêng mình. Ta có thể dễ dàng bắt gặp chàng tình nhân Nguyên Sa say đắm nhưng không buông tuồng mà ngược lại rất đỗi thầm lặng:

Áo nàng vàng tôi về yêu hoa cúc
Áo nàng xanh tôi mến lá sân trường
Sợ thơ tình chưa đủ nghĩa yêu đương
Tôi thay mực cho vừa màu áo tím 
                                    (Tuổi mười ba)

Thơ tình trong Nguyên Sa bắt nguồn từ trải nghiệm của chính bản thân ông về tình yêu:

Anh sẽ chép thơ trên thời gian
Lời thơ toàn những chuyện hờn ghen
Vì em hay một vầng trăng sáng
Đã đắm trong lòng cặp mắt em
                                    (Paris có gì lạ không em)

Nguyên Sa đi vào thi với những bước chân mang nhiều ân tình cho kẻ khác, cho người con gái, cho tình yêu. Đối với ông tình yêu như một thứ ân sủng, một nguồn thương nhớ vô hạn:

Hãy dựa tóc vào vai cho thuyền ghé bến
Hãy nhìn nhau và sưởi ấm trời mưa
Hãy gửi cho nhau từng hơi thở mùa thu
................ 

Hãy biến cuộc đời thành những tối tân hôn 
                                    (Tháng sáu trời mưa)

Người làm thơ luôn biết tự làm mới mình, Nguyên Sa bóc năm tháng của cuộc sống riêng tư để ca tụng tình yêu, để trải mình trong những nỗi niềm thương nhớ, trong từng mật ngọt yêu đương cũng như nỗi buồn mật đắng: “Như loài hoa hoang dại trong rừng sâu... Bán cho người tất cả những niềm vui(Đợi khách)

Cũng như muôn vàn những người đã từng yêu khác, cảm giác thất bại là cảm giác mà bất kì ai khi yêu cũng có. Phải vậy chăng mà trong thơ Nguyên Sa không tránh khỏi những nỗi biệt ly, những thất bại: “Người về đêm nay hay đêm mai/ Người đã đi chưa hay đã đi rồi/ Muôn vị hành tinh rung nhẹ nhẹ/ Hay ly rượu tàn run trên môi.../ Tôi muốn hỏi thầm người rất nhẹ/ Tôi đưa người hay tôi đưa tôi?... (Tiễn biệt). Người thơ hiện đại luôn sợ thời gian trôi chảy. Thơ Nguyên Sa hiện diện cả nỗi mong manh đó. Nhìn thấy sa mạc hoang vu chạy suốt linh hồn bằng tinh thần dấn thân, hành động để né cái không-thể-tránh, dùng tinh thần tích cực để đẩy lùi thất vọng, bi thương

Nỗi yêu thương và niềm hy vọng trở thành động lực để Nguyên Sa dấn bước, lấn át mọi tác động của đời sống đem lại. Luôn tự cầu khẩn trong lòng cũng như với người yêu trước nỗi đời nhiều bất trắc Và tôi vẫn xin em/ Cho tôi ghì thật chặt/ Như chiếc thắt lưng xanh/ Ghì quanh lần áo vải/Cho tôi tìm một chữ mới/ Không có trong hai mươi nhăm chữ cái/ Để bắt đầu tên em. (Tự do). Nỗi đau trong thơ Nguyên Sa được biến thành cái đẹp. Do đó, mà nhìn về chiến tranh tang tóc đổ vỡ chia lìa, với sự huỷ diệt... trong thơ của ông là một sự lướt nhanh, lu mờ trước những vị ngọt của tình yêu, tất cả đều trở nên Kỳ diệu. Thơ trong khởi thuỷ nó đã gắn liền với nhạc nên thường được gọi là thi ca. Có thể nói rằng đến Nguyên Sa, sự tự do hó đã đạt đến tầm cao mới, điều đó thể hiện ở nhạc điệu. Nhà thơ cứ thả cho tình yêu nên tiếng hát, tự thơ của Nguyên Sa đã có âm điệu nhạc buồn nhẹ nhàng, có lẽ vì thế mà thơ tìn của ông đã được nhạc sĩ Ngô Thụy Miên phổ nhạc rất thành công. Đi sâu tìm hiểu kĩ thơ của ôngta càng thưởng thức sự khác biệt của cái gọi là nhịp điệu của hình ảnh trong thơ tự do của Nguyên Sa. Ta có thể dễ dàng cảm nhận ở những bài đã được phổ nhạc:áo lụa Hà Đông, Tháng sáu trời mưa, Tuổi mười ba, Paris có gì lạ không em?

Nhìn chung thơ của Nguyên Sa dù viết về đề tài nào, quê hương dân tộc hay đề tài tình yêu cũng đều đậm đặc nhạc tính, một thứ nhạc tính riêng chỉ có trong thơ Nguyên Sa, bởi nhà thơ đã khéo léo lồng ghép chúng trong một vấn đề muôn thuở: tình yêu đôi lứa. Vậy nên đọc thơ ông cho dù trong hoàn cảnh nào ta vẫn thấy sự quen thuộc, gần gũi bởi nó vẫn chỉ là quê hương, là dân tộc, là tình yêu, là đất nước.

Đối với mỗi người quê hương luôn là điểm gắn bó trong tiềm thức, đó là nơi chôn nhau cắt rốn, nơi trưởng thành của mỗi cá nhân, nơi dậy cho con người biết yêu thương, vị tha. Cảm hứng về quê hương trong thơ của Nguyên Sa không phải là những hàng kì vĩ, lớn lao, ông cũng không khai thác khía cạnh đơn sơ, giản dị của quê hương mà quê hương khơi dậy những ám ảnh trong tiềm thức của mỗi người.

Nghĩ về việc sáng tạo xưa nay trong văn chương cũng tồn tại năm bảy cách sáng tạo. Người này làm mới theo cách hướng ngoại, tức là làm theo nước ngoài, theo phương Tây như trường hợp của Thơ Mới. Người kia lại cách tân theo cách làm lạ hoá những sáng tác của mình, làm khác hẳn với những sự quen thuộc.

Đối với Nguyên Sa, ông không vứt đi quá khứ mà trái lại quá khứ được tân trang, tô điểm với màu sắc mới. Nhà thơ đã tạo dựng cái mà chúng tôi tạm gọi là tân cổ điển, trong những hình ảnh thơ phảng phất thơ Đường: những chiếc lá thu phong, liễu trong thơ cổ, trường thi lúc thịnh Đường, những Kiều, những Thu, những Loan, những Đạm, phương Đông vào chỗ hồng trên má... tất cả những yếu tố này cùng với cảm xúc hoài cựu, hồi cố trong cảm xúc đã tạo được dấu ấn riêng trong thơ Nguyên Sa. Vẫn trên cái cái nền truyền thống ấy. Nguyên Sa đã phục chế lại những âm điệu thơ Mới, cấu trúc của thơ Mới thuở nào nhưng vẫn mang những nét đặc sắc riêng của Nguyên Sa.

Là một người đã được đào tạo theo nền giáo dục Tây học theo đúng nghĩa của từ này, có phải vậy mà cái nhìn về sự sáng tạo của Nguyên Sa cũng được toàn diện hơn. Đến với thơ của ông, chúng ta chợt nhận thấy lẽ tất nhiên rằng sự sáng tạo còn bao gồm cả việc làm mới những giá trị truyền thống ấy, những giá trị cổ điển- lưu giữ truyền thống.

Tác giả: Phan Công Đạt

Nguồn tin: Văn học quê nhà

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây