Văn Chinh, kẻ theo dõi 'Mùa màng văn chương'

Thứ sáu - 22/10/2010 06:49 3.599 0

Tác giả Văn Chinh.

Tác giả Văn Chinh.
Cuốn 'Mùa màng văn học mấy năm qua" chưa có được tầm nhìn khái quát. Văn Chinh sắc sảo nhưng chưa tinh tế, vì vậy đọc sách chưa thấy khả năng của một nhà phê bình có bản lĩnh phân định đẳng cấp văn chương.

Từ một giáo viên tiểu học ở một huyện miền núi, Văn Chinh tự rèn luyện để trở thành một nhà văn - nhà báo có tên tuổi. Đó cũng là một cuộc vượt qua chính mình đáng nể. Tranh thủ thời gian nghỉ hưu, Văn Chinh gom góp những trang viết không thuộc thể loại sáng tác, và cho xuất bản cuốn Mùa màng văn học mấy năm qua.

Sách ghi rõ đây là "tập phê bình - tiểu luận", nhưng đọc kỹ, thấy có nhiều bài báo đơn thuần hoặc bài tranh luận nhất thời. Biết làm sao được, tác giả không có nghề làm sách, lại in bằng tiền túi cá nhân, nên sự lúng túng và sự chênh chao cũng khó tránh khỏi! Vì vậy, bạn đọc dễ dàng thông cảm cách chia ba phần "Phê bình", "Phê bình chân dung và tác phẩm" và "Tranh luận học thuật" không mấy rành mạch. 

Với một tác giả được cho là phóng túng như Văn Chinh, mọi bắt bẻ mang tính nghi lễ đều không cần thiết. Cứ nhìn vào những gì Văn Chinh trải ra từng ý, từng lời mới rõ chân dung một kẻ ham đọc, ham học, ham múa bút một cách hồn nhiên. Ngay cái tựa sách như cái tựa một bài báo đã chứng tỏ sự hồn nhiên rồi. Thế nhưng, chỗ hụt hẫng nhất của Mùa màng văn học mấy năm qua không phải ở cái tựa sách mà ở cái lời tựa do Vương Trí Nhàn viết, thật vu vơ và nhợt nhạt. Những ai vẫn có thói quen cả tin vào sự giới thiệu, thì đọc xong cái lời tựa có thể vứt ngay tác phẩm nhiều nhiệt huyết của Văn Chinh vào lãng quên.

Mùa màng văn học mấy năm qua dày 350 trang nhưng có khoảng 100 trang viết có giá trị về các gương mặt như: Hoàng Hữu, Sao Mai, Nguyễn Huy Thiệp, Nhật Tuấn, Sơn Tùng, Lê Đạt, Nguyễn Xuân Khánh... Ưu điểm nổi bật của Văn Chinh nằm ở những bài đọc sách tỉ mỉ và những phác thảo chân dung cá tính. Nói cách khác, Văn Chinh có phẩm chất một nhà giám thưởng, chứ không phải một nhà phê bình. Ông chịu khó tìm tòi và suy ngẫm, giúp những đánh giá về một tác phẩm hay một nhân vật có những chấm phá thú vị. Tuy nhiên, khi ông hăng hái phản biện hay tranh luận, thì thường phơi bày nhiều khuyết điểm của một người nóng nảy và khập khiễng về phương pháp tiếp cận sự vật hoặc hiện tượng. Có thể hình dung, trong "trường văn trận bút", Văn Chinh có vóc dáng một anh tướng, dẫu có thần dũng như Quan Vân Trường hay Triệu Tử Long cũng chỉ nên giao chiến trực diện hay phá trận công thành, chứ không nên làm cái việc bàn mưu binh vận, tính kế an dân của Gia Cát Lượng hay Tư Mã Ý. 

Bìa cuốn "Mùa màng văn học mấy năm qua".

Văn Chinh có giọng điệu sôi nổi, chứng tỏ bầu máu nóng vẫn chảy rần rật từ tâm can lên trí não, rồi từ trí não xuống bản thảo. Và giữa cơn say mê, chữ thường không theo kịp nghĩa, nên có nhiều đoạn rắc rối. Nếu Văn Chinh chủ động dùng câu ngắn nhiều hơn câu dài, thì văn phong sẽ mạch lạc hơn. Thẩm mỹ của Văn Chinh khi đứng một mình thì lấp lánh, nhưng khi tương tác hay va đập với thẩm mỹ khác, thì lại bộc lộ sự khiên cưỡng. Mặt khác, khi cao hứng, Văn Chinh đưa ra những nhận định quá đà phản tác dụng đối với những dòng, những ý chăm chút của bản thân. Ví dụ, ca ngợi tiểu thuyết của Nguyễn Hiếu viết về nhiễu nhương ở cái làng Chèm bé xíu, lại ví von "kiểu như dân Trung Quốc không ghét Lỗ Tấn dù ông ta đem tính chất AQ của họ ra mà bỡn cợt" thì vừa hại bài "Dòng chảy của hiện thực xô bồ được nhìn thấy bằng tâm tưởng Nguyễn Hiếu" vừa hại cho cả Nguyễn Hiếu!

"Mùa màng văn học mấy năm qua" chưa có được tầm nhìn khái quát. Văn Chinh sắc sảo nhưng chưa tinh tế, vì vậy đọc sách chưa thấy khả năng của một nhà phê bình có bản lĩnh phân định đẳng cấp văn chương. Văn Chinh viết câu trước không "mai phục" được câu sau, đó là khuyết điểm mà cũng là ưu điểm. Bởi lẽ, độc giả có thể yêu cái chân thành của tác giả.

Tác giả: Lê Thiếu Nhơn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây