Nước mắt vùng nước đuổi

Thứ năm - 18/11/2010 03:48 5.425 0

Bìa tập "Khói trời lộng lẫy"

Bìa tập "Khói trời lộng lẫy"
Theo dõi tâm lý nhân vật, kết cấu trong văn bản truyện ngắn Nước như nước mắt (in trong tập truyện ngắn "Khói trời lộng lẫy" của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, nhà xuất bản Thời Đại và Sài Gòn Media Book ấn hành) của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, người đọc có cảm giác như đang xem một tuồng cải lương kéo màn giữa trời đất một vùng nước nổi.

Một người con gái. “Năm mười chín tuổi, nghe má ao ước “lúc chết được nằm trên đất của mình”. Sáo lấy chồng. Một ông chồng trẻ chết ngang xương vì cái tánh làm, ăn, chơi gì cũng phải đúng điệu. “Chữ đúng điệu nhiều lúc làm Sáo sợ. Nhất là khi nghe bảo “Em nằm day lại tui gãi cho đúng điệu cái coi”. Một vụ án oan khuất, chồng Sáo chết vì mấy cọng ngò gai. “Người đàn ông đó từng hiền lắm, ngập ngừng mãi mới dám nắm tay con gái, nhưng theo lời em chồng Sáo thì giờ anh ta đã đổi thay quay quắt như con cá sầu ngư”. Cá sầu ngư được chính vợ nạn nhân tả như sau: “Sầu ngư bình thường vảy màu xám bạc chỉ nhẩn nha ăn bèo rong trôi dạt, đến nước đuổi thân cá trở nên đỏ thẫm. Chúng có thể sống tỉnh queo nhờ rỉa xác súc vật trôi, trong đó có cả xác người”.

Vở diễn đạt tới khả năng sử dụng ngôn ngữ hình ảnh mà không rạp hát nào có thể chứa trọn. Vở diễn chỉ có thể kéo màn giữa trời đất nổi nước mênh mông của vùng duyên hải châu thổ, với màu nước long lanh, trong khói trời lộng lẫy. Và kẻ ác, người thiện, công lý, bất công, thù hận, tình yêu chỉ là những tình tiết siết chặt bóp nghẹt cảm xúc và lý trí người đọc để mở ra toàn cảnh số phận con người sống trong vùng nước đuổi.

“Nước đuổi” là từ thường dùng của những cư dân sông nước với phía trước là biển, phía sau chằng chịt sông rạch. Nhưng ở văn bản truyện, nước đuổi vừa là một quyền lực thiên nhiên vừa là một thứ quyền lực của ác bá. “Nước đuổi vào sâu châu thổ, đất – thứ mà vì nó mà Sáo lấy chồng – trở nên vô nghĩa, như cái tên xóm Rẫy mà còn cái rẫy nào đâu. Giờ đến cả chồng, Sáo cũng làm mất”. Nhân vật chính trong truyện rơi vào tình trạng nuôi dưỡng thù hận với kẻ giết chồng mình và trong khi chưa thể trả thù, loay hoay tìm câu trả lời để nguôi ngoai lương tánh của mình thì lại bị kẻ thủ ác trắng trợn “giết” bằng ngôn ngữ ác. “Dù Sáo chỉ muốn hỏi người đàn ông tên Giang đó có thật đã muốn chồng nó chết không. Sáo nghĩ người đó sẽ im lặng, sẽ nói không, vậy đỡ quá. Chối bỏ nghĩa là còn biết sợ hãi. Nhưng con rể của nhà giàu Đại Thanh, người quản lý bè rau mênh mông này, anh ta nói có. Anh ta nhìn thẳng vào Sáo, nói có, nó-đáng-chết”.

Cái ác sẽ có cấp số nhân nếu không biết sợ hãi, cũng như cái ác không mất đi trước hình phạt. Càng ghê gớm hơn nếu kẻ thủ ác sở hữu một thứ ngôn ngữ đặc quyền trước nạn nhân và những người sẽ là nạn nhân: “có, nó-đáng-chết”. Trước tội ác, ý thức con người biết rõ là hình phạt của công lý sẽ không đủ nếu thiếu ngôn ngữ kết án của lịch sử và văn học.

Đọc văn bản truyện, tác giả sử dụng đúng tình huống tâm lý để kẻ ác sử dụng ngôn ngữ đặc quyền của mình: đó là bằng chứng. Từ đó ngôn ngữ văn học soi sáng minh bạch nhân vật. Ngôn ngữ soi sáng cái ác không chỉ cần có ở trước toà án mà cần thiết có mặt trong mọi hình thức sử dụng văn bản, từ văn bản chữ viết đến văn bản âm thanh, hình ảnh. Đó là sự thiếu trong bối cảnh hỗn độn hôm nay. Nhưng chính đó lại là điểm sáng của tác giả, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư trong truyện ngắn này.

Truyện ngắn hoặc các tác phẩm văn học không phải làm nhiệm vụ phán quyết của quan toà. Nhà văn, bằng phương tiện ngôn ngữ dõi theo nhân vật truyện xuyên suốt bối cảnh sáng và tối. Và chỉ như vậy tác giả mới có cơ hội cùng độc giả nhìn và thấu số phận con người.

Trong văn bản truyện, những cư dân không còn đất, số phận lềnh bềnh trong vùng nước đuổi. Nước đuổi không chỉ do thực trạng địa lý hay sự biến đổi khí hậu toàn cầu mà còn có nguyên nhân từ đặc quyền của cái bè trồng rau, lớn như một thành phố của nhà Đại Thanh: “Nó cao tới mức những người lam lũ như Sáo cảm giác bị bỏ rơi, bị rời ra, thấy mình nhỏ nhoi như kiến, cỏ...” Khi cái ác có nhiều đặc quyền, thì không thể trông cậy vào bất cứ gì. Giấc mơ và niềm hy vọng về một vùng đất cao cẳng chỉ là ảo vọng trong khói nước. Trong tình cảnh khốn khó và bi kịch đó, bất ngờ, nhân vật chính chọn đi theo kẻ thù, người mà: “Sáo nghiến ngầm trong bụng, thằng gian ác, mình căm thù mình căm thù mình căm thù”. Phải chăng Sáo chọn đi với người tình cũ là thoả hiệp với kẻ ác để mưu cầu lẽ sống! Nếu không như vậy thì là gì:“Cả hai không xếp hành lý, thậm chí không lấy ghe, cứ ào xuống nước bơi về phía bờ mà ai cũng biết là đã không còn bờ từ nước đuổi”. Đi, để lôi theo nhân vật ác về chốn trời nước không bờ, thiện, ác cùng chìm vào vùng chết. Nếu coi đó là cách trả thù của người đàn bà yếu đuối, nhiều độc giả có lý trí trắng đen rạch ròi sẽ thoả mãn. Nhưng không. “Chớ Sáo biết đi đâu với người đã làm chồng nó chết, bởi một cơn nóng giận, bởi một lầm lẫn, tưởng đạp rào là sẽ được bước qua”. Một lần nữa, giá trị nhân văn lại vượt lên như ánh sáng và khói trời lộng lẫy.

Con người dẫu trước cái chết cũng không muốn cô độc, tinh thần chia sẻ là động lực mạnh hơn hết thảy. “Quanh hai con người đau đớn, cá sầu ngư nhởn nhơ họp bầy”. Con người không bao giờ cô độc.

Tác giả: Trần Dung Quang

Nguồn tin: SGTT

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây