Trục vớt một bài thơ đắm trên sông Thiệp

Thứ sáu - 05/11/2010 07:26 3.995 0
(Về bài thơ "Vào chùa" của Đồng Đức Bốn)

Chuyện kể rằng, ngày nọ, có gã ăn mày lê la xin ăn cả nửa ngày trời mà chả ai cho gã được chút gì. Đến giữa trưa nắng nôi, gã lả đi trong cơn đói.

Khi ngang qua một mái chùa, gã sực nhớ đến việc ngày xưa thày trò Đường Tăng lúc sang Tây Thiên thỉnh kinh cũng đã từng rất nhiều lần vào chùa xin cơm chay và tá túc. Nghĩ vậy, gã bước vào trong cổng chùa. Thế nên mở ra câu chuyện là câu thơ đầu:

“Đang trưa ăn mày vào chùa”

Và do đó, có thể thấy rằng không giống như một cử chỉ hướng thượng vào chốn cao minh (gặp gỡ tôn giáo) một liệu pháp tâm linh [*], gã ăn mày vào chùa chỉ để xin bát cơm chay đạm bạc cho qua cơn đói.

Nhà sư thấy gã ăn mày bước vào, liền đem ra cho gã một lá bùa, rồi lẳng lặng bỏ đi, không một lời. Thế nên câu thơ tiếp theo:

“Sư ra cho một lá bùa rồi đi”

Vì sao nhà sư lại im lặng và lạnh lùng với gã như thế? Phải chăng vì gã là tên ăn mày rẻ rúng? Hay vì vô ngôn là triết lý của nhà Phật nói riêng và tôn giáo nói chung? Vậy thì bằng cách nào để thuyết giảng, truyền giáo và phổ độ chúng sinh đây?

Giải thích cho sự im lặng đáng sợ ấy của nhà sư, hãy xét đến một luận cứ: nhà sư thấy chính mình trong bộ dạng của gã ăn mày. Phải, đúng thế! Nhà sư đã thấy thân phận của mình trong thân phận của gã ăn mày kia. Xét về khía cạnh nào đó thì người tu hành cũng chỉ là một kẻ khất thực, thở được, ăn chay niệm Phật được, phổ độ được là nhờ một phần rất lớn quà công đức của chúng sinh. Và cũng với tâm lý đó, liệu chúng ta còn có thể mở lời khuyên nhủ được ai nữa khi mà ta thấy chính mình trong họ?

Gã ăn mày hờ hững cầm lá bùa trên tay và lại chực nhớ đến Thần đèn - một vị thần đã giúp đỡ rất nhiều điều cho Aladin. Tuy nhiên, gã cũng nhanh chóng ngộ ra rằng thời đại của gã là thời bấy giờ, không phải “thời của thánh thần”, không phải thời trong câu truyện thần thoại “Ngàn lẻ một đêm” kia, thế nên gã mới thốt lên lời chê bai sự vô dụng của lá bùa:

“Lá bùa chẳng biết làm gì”

Gã ăn mày không dốt nát đến nỗi chẳng biết làm gì với lá bùa, mà chính là lá bùa kia “chẳng biết làm gì” để giúp được cho gã. Bằng chứng cho sự vô dụng, vớ vẩn của ấn chứng nhiệm màu ấy ở câu thơ cuối cùng:

“Ăn mày nhét túi lại đi ăn mày.”

Nếu ấn chứng nhiệm màu ấy linh nghiệm thì khi có được lá bùa trong túi, có lẽ gã ăn mày kia đã không “lại đi ăn mày” như đoạn kết, và có lẽ chẳng bao lâu sau, gã đã trở thành một đại gia bất động sản, hay đại gia chứng khoán rồi chăng?

Câu chuyện kết thúc như thế. Rất hiện thực. Nên cũng rất lạnh lùng. Đó là một câu chuyện ngụ ngôn mà Đồng Đức Bốn đã kể qua bài thơ “Vào chùa”. Câu chuyện thâm thúy mà cũng rất đau.

Qua bài thơ “Vào chùa”, Đồng Đức Bốn muốn chỉ ra một thực tế là chẳng có bùa ngải nào trong cuộc sống này cả, và đến ngay cả kẻ mạt hạng nhất trong xã hội như gã ăn mày kia cũng nhận thức được điều đó. Và đây nhất định không phải là một bài thơ thiền.

___________
[*] Nhân đọc "Khổ câu thơ cứ đến rồi lại đi" trong "Giăng lưới bắt chim" của Nguyễn Huy Thiệp, và tất cả chữ in nghiêng đều là chữ của Nguyễn Huy Thiệp. Sông thường chỉ chảy một chiều, phê bình thì nên đa chiều.

Tác giả: Hoa Nip

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Cùng một tác giả

Xem tiếp 


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây