Với các nhà minh triết Hy-La cổ thì phê bình (chữ Hy Lạp cổ: kritiké) là phân loại và xét đoán. Trong tác phẩm phê bình (có người lại gọi là lý luận) kinh điển Thi học (Poétique), Aristot đã phân chia toàn bộ sáng tác văn học ra thành thơ sử thi, bi kịch, hài kịch và xét đoán từng loại về "nghệ thuật mô phỏng" (mimesis). Theo cách nhìn của con người được mệnh danh là "bác học nhất trong những nhà bác học thời cổ đại" này thì nghệ thuật đó là sự mô phỏng và các môn loại nghệ thuật phân biệt nhau bởi 3 điểm: phương tiện mô phỏng, mô phỏng cái gì và mô phỏng như thế nào(1). Đó là ở phương Tây thời cổ, còn ở Trung Quốc, trong tác phẩm phê bình trứ danh Văn tâm điêu long, Lưu Hiệp (465-520) cho rằng phê bình xét về thể thì thuộc thể luận (cũng như Luận ngữ của Nho gia và Tề vật luận của Trang Chu), còn về loại thì là loại tự và dẫn. Luận, theo ông, là kết hợp các lời nói cho nhất quán, đi sâu nghiên cứu kỹ một lẽ, đánh giá cái đúng, cái sai. Còn tự là trình bày sự việc có trước có sau, dẫn là giới thiệu cho người ta biết(2). Từ cách nhìn của hai đại danh phê bình này ít nhiều ta thấy ngay từ thời cổ trung đại, phê bình phương Tây và phương Đông đã rất khác nhau: phương Tây thiên việc tìm hiểu bản chất đối tượng, phương Đông trọng về việc trình bày, tổ chức diễn ngôn.
Trong thời cận hiện đại cách hiểu về phê bình càng khác biệt nhau.
V.Bielinski gọi phê bình là "mĩ học đang vận động" tức là chú ý đến các hiện tượng văn học đang diễn ra. Hai tác giả của cuốn Lí luận văn học nổi tiếng ở phương Tây R.Wellek và A.Warren thì lại cho rằng phê bình là tiếp cận tác phẩm văn học theo lối tĩnh (statique) và đơn lập, không kể tác phẩm của ngày hôm nay hay trong truyền thống. Họ nêu lên sự khu biệt giữa lịch sử văn học, phê bình văn học và lí luận văn học như sau: lịch sử văn học là cho thấy hiện tượng A được sinh ra bởi hiện tượng B như thế nào, còn phê bình nói rõ A có giá trị hơn B ra sao. Theo họ, lí luận nghiên cứu các phạm trù, các nguyên tắc, các tiêu chí chung của sáng tác văn học, còn phê bình phân tích tác phẩm cụ thể. Chẳng hạn Aristot là nhà lí luận còn Sainte - Beuve là nhà phê bình(3). Thế nhưng ngay ở phương Tây không phải mọi nhà nghiên cứu đều đồng tình với sự phân biệt như vậy. Từ điển thuật ngữ văn học và lí thuyết văn học của J.A.Cuddon (in lần 3 năm 1992) thì gọi chung là phê bình văn học (criticism). Thi học của Aristot, Nghệ thuật thi ca của Horace, Nghệ thuật thi ca của Boileau đều được gọi là tác phẩm phê bình văn học(4). Từ điển Bách khoa văn học của Liên Xô (1987) định nghĩa phê bình văn học là một kiểu sáng tạo, giải thích, đánh giá sáng tác văn học và cả (đây là điểm khác biệt) những hiện tượng đời sống được phản ánh trong đó(5).Thế nhưng nhà phê bình Pháp nổi tiếng R.Barthes lại cho rằng phê bình chỉ là một thứ ngôn ngữ nói về một thứ ngôn ngữ khác - tức ngôn ngữ của tác phẩm văn học. Đấy là cuộc đối thoại ngôn từ với hai câu chuyện, giữa hai chủ thể: chủ thể phê bình và chủ thể tác giả. Nó là siêu ngôn ngữ.
Các định nghĩa như thế rất nhiều. Có bao nhiêu nhà phê bình sáng giá thì có bấy nhiêu đáp án cho câu hỏi: Phê bình văn học là gì? Thế nhưng đâu là điểm chung trong vô số các định nghĩa đó; cái gì khiến cho hoạt động phê bình trải qua hàng ngàn năm biến đổi với nhiều tham vọng và thất vọng, nhiều lần được cưng chiều và bị lợi dụng, với nhiều phương tiện và thể loại... để nó vẫn là nó? Nói ngắn gọn: tính chất bất biến, hạt nhân không thể đập vỡ được của nó là gì? Có thể chỉ ra cái bất biến đó như sau:
Phê bình là một dạng hoạt động sáng tạo và thông tin bằng ngôn từ hướng đến việc hiểu biết và đánh giá các sáng tác văn học. Tôi xin nhấn mạnh hai điểm:sáng tạo và thông tin. Với tư cách hoạt động sáng tạo ngôn từ, phê bình gắn liền với tư chất chủ thể, tức gu thẩm mĩ, thế giới quan, tài năng thể hiện ngôn ngữ, cá tính... của nhà phê bình. Điều này đã được nghiên cứu nhiều. Với tư cách hoạt động thông tin, phê bình liên quan đến cách thức và phương tiện trao đổi thông tin. Mà cách thức và phương tiện thông tin lại bị quy định bởi thời đại, tức trình độ phát triển xã hội, đặc biệt là trình độ khoa học công nghệ. Bài viết của tôi chủ yếu đề cập đến điểm thứ hai này.
Lịch sử phát triển của xã hội, chỉ nhìn từ khía cạnh giao tiếp, trao đổi thông tin, có thể được phân ra thành hai giai đoạn: giai đoạn của các thời đại cổ truyền (cổ, trung, cận đại) và giai đoạn bùng nổ thông tin. C.Lévi-Strauss, nhà nhân học và triết học lớn của thế kỷ XX cho rằng: toàn bộ các hoạt động xã hội của con người đều có thể quy về các hoạt động giao tiếp và trao đổi thông tin, trong đó có thông tin ngôn ngữ. Trong các xã hội cổ truyền, cách thông tin ngôn ngữ chủ yếu là mặt đối mặt, miệng người này qua miệng người khác, hoặc người ta tập hợp nhiều người lại thành nhóm rồi truyền đạt tin tức. Tiến bộ hơn nữa (thời cận đại) thì có một số nhà xuất bản, toà báo in sách và các ấn phẩm báo chí định kỳ, số lượng ít ỏi, phát hành chậm chạp qua bưu điện, độc giả thưa thớt. Thời hiện đại là sự bùng nổ thông tin với nhiều loại phương tiện truyền thông đại chúng: báo chí, truyền hình, mạng Internet... Điều đặc biệt quan trọng là giờ đây chúng bắt đầu phối hợp với nhau làm thay đổi căn bản phương thức thông tin: Giờ đây, thông tin được trao đổi theo phương thức tổng hợp.
Trong đời sống văn học của các xã hội cổ truyền, phê bình văn học là sự giảng giải, đánh giá về văn học của những bậc anh minh và khả kính: Platon, Aristot, Horace... cũng là sự bày tỏ mối đồng cảm giữa các tài tử văn chương như Chu Mạnh Trinh, Mộng Liên Đường chủ nhân đối với Nguyễn Du qua việc bình luận Truyện Kiều. Trong văn hóa phương Đông, biểu tượng Bá Nha - Tử Kì ẩn chứa một quan niệm đặc sắc và cũng thật sâu sắc về quan hệ giữa nhà sáng tác và nhà phê bình.
Tầm ảnh hưởng của phê bình phụ thuộc rất nhiều vào "kẻ môi giới thông tin" tức người truyền miệng tin tức hoặc chủ các nhà xuất bản, các toà báo ở thời cận đại. Tác phẩm không tồn tại nếu ông chủ không đồng ý cho in, vì thấy không hay, không hợp, hoặc không có lợi... Các tác phẩm phê bình luôn là lời thuyết giảng về văn học hay là thứ "quà tặng" (chữ của Phan Ngọc). Đấy là xét về diễn từ. Còn về nội dung thì luôn gồm các nguyên tắc và tiêu chuẩn thẩm mĩ xác định và bất định. Trong thời đại thông tin, phê bình văn học thay đổi mọi mặt và căn bản, cả về độc thính giả (người nhận tin), nhà phê bình (người gửi tin) và văn bản phê bình (thông điệp).
Độc, thính giả của phê bình thay đổi: Giờ đây, phê bình không chỉ được đọc trên sách báo mà còn được nghe nhìn trên truyền hình, đọc trên mạng Internet... Số lượng người đọc, người nghe tăng lên rất nhanh và đến mức khổng lồ do việc thông tin đã xuyên qua các biên giới: biên giới giữa các quốc gia, biên giới giữa gia đình và xã hội. Giờ đây có thể chỉ cần ngồi ở trong nhà mà biết được tất cả. Với sự trợ giúp của công nghệ ngày nay, mỗi con người có thể thành một “thánh nhân”; “thánh nhân” theo Khổng Tử là người chỉ ngồi ở nhà mà biết được mọi chuyện trong thiên hạ. Nên đặc biệt chú ý là độc giả trên internet hiện nay phần lớn là những người trẻ tuổi, có học và khá thạo ngoại ngữ, họ có thể đọc phê bình từ nhiều nguồn.
Chủ thể phê bình thay đổi: Với sự phát triển của thông tin trực tuyến hiện nay, nhà phê bình không chỉ là người giảng giải về văn học, anh ta còn phải là người đối thoại trực tiếp, trong nhiều trường hợp còn là người bị chất vấn (bị phê bình), là người thụ giảng văn học. Điều này là tất nhiên bởi vì trước một số lượng độc thính giả lớn và đa dạng như thế, anh ta chưa phải là người uyên bác và sâu sắc nhất, chưa nắm được mọi thông tin văn học. Điều nữa là nhà phê bình không chỉ còn gồm những bậc khả kính. Giờ đây chỉ cần có học vấn vừa phải, có tình yêu văn học và một trang Web riêng là có thể thành "nhà phê bình văn học".
Văn bản phê bình thay đổi: Cấu trúc văn bản phê bình giờ đây, có thể nói, là không cố định. Để chứng minh một luận cứ nào đó, với việc sử dụng computer, nhà phê bình có thể ngay tức khắc dẫn ra vô vàn cứ liệu; mà các dẫn chứng ấy cũng là một thành phần của văn bản phê bình. Việc giảng văn, trò chuyện về văn học trên truyền hình cũng có thể dẫn ra các thước phim, các hình ảnh làm dẫn chứng. Chẳng hạn giờ đây, khi bình tác phẩm Mảnh trăng cuối rừng của Nguyễn Minh Châu có thể sử dụng các thước phim tư liệu về Trường Sơn, thậm chí có thể sử dụng cả âm nhạc làm dẫn liệu. Công nghệ truyền hình và computer dễ dàng đáp ứng điều này. Hiệu quả của sự phối hợp đó rất lớn. Thêm nữa, các thể loại phỏng vấn, đối thoại về văn học ngày càng xuất hiện nhiều hơn trên các trang báo. Số lượng khẩu ngữ trong các văn phẩm phê bình tăng lên rất nhiều, những lời nói đậm phong cách tu từ hay trang trọng lui về các tạp chí của các Viện khoa học và các Trường đại học với một phạm vi độc giả rất hẹp. Không phải ngẫu nhiên mà mục trò chuyện văn học trên tờ cuối tháng của một báo nọ rất được công chúng văn học (có cả những người có học vấn cao) ưa chuộng. Ở đây, ngoài việc nó dám nói thẳng vào các vấn đề "tế nhị", còn ở việc sử dụng tối đa khẩu ngữ, những lối nói hàng ngày. Nói chung, phê bình có vẻ ngày càng trở nên "tạp" hơn xét cả về người viết, người đọc lẫn tác phẩm phê bình. Tuy nhiên ở một phía khác (dĩ nhiên với phạm vi rất hẹp) ở khu vực "đại học" và "viện hàn lâm" nó lại trở nên trừu tượng hơn, có nguy cơ trở thành một thứ triết học ngôn ngữ, triết học văn hoá siêu thoát khỏi thực tiễn sáng tác văn học.
Việc "đại chúng hoá" phê bình (kết quả của thời đại thông tin) mang đến sự đa dạng và dân chủ, song rõ ràng cũng đã làm cho phê bình tổn thất nặng nề. Tính chiết trung và chủ quan tăng lên, các nguyên tắc mĩ học và hệ tư tưởng làm cốt lõi cho phê bình văn học bị suy giảm mạnh. Các ấn phẩm phê bình không có điểm tựa mĩ học và triết học lan tràn. Phê bình dễ biến thành một hiện tượng ngữ văn thuần tuý. Vị thế của phê bình văn học trong đời sống xã hội do vậy mà kém đi nhiều. Trước đây, nhà văn Nga Yu.Triphonov từng nói: "Phê bình không ảnh hưởng trực tiếp đến công việc sáng tạo, song có ảnh hưởng đến trạng thái tinh thần". Giờ đây, trong tình trạng phê bình của chúng ta, đôi lúc tôi tự hỏi: thực ra thì phê bình văn học ảnh hưởng đến cái gì?
Vài nét chính của phê bình văn học trong thời đại thông tin theo tôi là như vậy. Nhiệm vụ của chúng ta, những nhà lí luận và phê bình chuyên nghiệp là nâng cao vị thế của phê bình, đồng thời làm cho công việc của mình phù hợp với đặc điểm và các yêu cầu của thời đại hiện nay.
PGS.TS Trịnh Bá Đĩnh
Nguồn: Văn học quê nhà
------------
(1) Aristot: Nghệ thuật thơ ca. Nxb Văn học, H, 1999; tr.15.
(2) Lưu Hiệp: Văn tâm điêu long. Nxb Văn học, H, 1999; tr.176.
(3) R.Wellek và A.Warren: Lí luận văn học (Bản tiếng Nga). M, 1978, các trang: 56-65.
(4) J.A.Cuddon: (mục từ criticism), các trang 207-209.
(5) Từ điển bách khoa văn học (Bản tiếng Nga). M, 1987, các trang 169, 170.
Ý kiến bạn đọc