Thân phận trong thơ Trịnh

Thứ bảy - 21/08/2010 23:02 3.262 0

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Ảnh tư liệu.

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Ảnh tư liệu.

Nhân sinh nhược đại mộng

Nhà văn Bửu Ý từng viết “từ lâu lắm Trịnh Công Sơn đã được giới ái mộ trao tặng danh hiệu là kẻ du ca về tình yêu, quê hương và thân phận”.

Có thể nói toàn bộ sáng tác của Trịnh trong khoảng hơn 500 ca khúc đều xoay quanh tình yêu, quê hương và thân phận.

Thân phận trong thơ Trịnh, thực sự không phải là một vấn đề dễ dàng và có thể làm sáng tỏ được bằng những ngôn ngữ. Đó chính là sự tự chiêm nghiệm và cảm nhận riêng trong mỗi tâm hồn con người. 

“Sống giữa đời này chỉ có thân phận và tình yêu. Thận phận thì hữu hạn. Tình yêu thì vô cùng. Chúng ta làm cách nào để nuôi dưỡng tình yêu để tình yêu có thể cứu chuộc thân phận trên cây thập giá đời”. Có thể nói rằng, trong nhạc Trịnh cũng như trong thơ Trịnh chính là tiếng lòng thổn thức của hai tiếng mang tên gọi Tình yêu và Thân phận. Thơ là cuộc đời. Đọc những lời tâm sự của Trịnh, tôi nhớ đến đỉnh Gôngôtha, nơi Chúa đã phải tự vác cây Thánh giá để chịu tội đóng đinh. Thơ Trịnh vẽ cho ta đầy đủ cái số phận của một con người phải tự vác cây Thập giá của cuộc đời mình. Người ta biết đến Trịnh với tư cách một nhạc sĩ nhiều hơn một thi sĩ. Nhưng ai đã hiểu Trịnh thì đều hiểu con người thi sĩ trong ông nhiều hơn. Hát nhạc Trịnh, người nghệ sĩ đồng thời cũng phải biết đọc thơ Trịnh. Bởi trong thơ ông hiện lên với đầy đủ con người của một con người. Cuộc hành trình bất tận của con người cũng chính là cái hành trình mà họ đi tìm bản ngã “Ta là ai” của mình. Với Trịnh Công Sơn “thân phận con người là một vấn nạn”. Có thể nói ông đã “khẳng định thân phận bằng thơ và bằng nhạc”. Nhà thơ ý thức được toàn cõi nhân sinh của một thân phận. Với ông sống trong trần gian này là “ở trọ”, là cái thân phận phù du bèo bọt. Như người lữ khách trong một cõi đi về của riêng mình, Trịnh Công Sơn dường như ở đâu đó trong sâu thẳm ông đã gặp được mình trong thơ của Basho:

Một lữ khách
Xin gọi tên tôi là thế
Cơn mưa mùa thu này

Vâng! Chỉ xin là một lữ khách của hành trình hữu hạn là Thân phận này. Người thi sĩ ý thức rõ nét về thân phận của mình trong cuộc đời và đối diện với tình yêu vô cùng kia. Đối thoại với chính mình, đối thoại với thân phận và đối thoại với thơ, Trịnh Công Sơn đã bước trong một hành trình trở về thân phận cùng thơ.

Họ Trịnh kia hẳn phải đứt ruột lắm khi rút ra những lời tâm sự: “tiếng nói thầm kín của một người nhiều khi suốt cuộc đời không thể nào bày tỏ. Có khi bày tỏ được cũng chỉ là tiếng nói dở dang” và vì vậy nhà thơ phải “có những giây phút lui về muốn thở than. Phải chăng thở than cũng là niềm bí ẩn của con người”. Lẽ nào, niềm bí ẩn kia của con người chẳng phải là sự chiêm nghiệm về hai chữ thân phận. Suốt cuộc đời, thi sĩ “nguyện làm tên tuyệt vọng”. Và trong cơn tuyệt vọng ấy, thân phận con người cuộn trong trong mỗi thi phẩm. Ai cũng từng đau đớn: 

Đừng tuyệt vọng! 
Tôi ơi! đừng tuyệt vọng!

Nhưng có hề chi? Đời vẫn nghiệt ngã gắn cho ta một định mệnh. Cái định mệnh thân phận. Với Sơn, sống cũng chính là sự trở về “rọi suốt trăm năm một cõi đi về”. Con người chẳng qua chỉ là sự hóa kiếp của “cát bụi”. Cái tôi tưởng rằng bất diệt đôi khi lại hóa cái “ta đáng ghét”. Mà sự đáng ghét ấy lại chính là thứ tạo nên nét đặc sắc cho thơ Trịnh. “Mỗi ngày sống tới, mỗi ngày tôi thấy đời nhỏ nhắn thêm. Đời sống thật sự không tiểm ẩn điều gì mới lạ. Có lẽ vì thế, sự quen mặt mỗi lúc mỗi gần gũi, thắm thiết hơn, nên tôi càng thấy yêu mến cuộc đời”. Ta khó mà có thể tìm được một định nghĩa chính xác nào về hai từ “thân phận”. Nhưng trong độ nhòe của thơ, Trịnh Công Sơn đã kịp ghim vào đó một thứ siêu định nghĩa bởi sự cảm thức về thân phận của mình. Nhà thơ trong cuộc hành trình đi tìm nơi neo đậu thân phận trong cuộc đời vô thường này đã thấy “đôi dòng kinh sấm bay rền vang” và rồi thốt lên “bỗng tôi thấy em dưới chân cội nguồn” (Đóa hoa vô thường). Thi sĩ đôi lần tìm về với nguyên thủy con người, nhưng đáp lại chỉ là cái bóng của nghi vấn mình đặt ra:

Con tinh yêu thương vô tình chợt gọi
Lại thấy trong ta hiện bóng con người
  (Một cõi đi về)

Thân phận con người lại chính là sự phản chiếu của cái bóng con người đó. Sự đa âm cũng như đa nghĩa của thơ gieo cho lòng ta đôi khi những luận giải võ đoán. Say trong cuộc đời để tỉnh trong thân phận, người nghệ sĩ “ôm đời ngủ muộn” “để sớm mai đây lại tiếc xuân thì”.

Thơ của Trịnh là thứ thơ triết lý của nhà tư tưởng Đông phương. Bởi vậy, trong thơ ông, đôi khi là sự diễn giải của một hệ thống tư duy siêu logic, khác biệt hoàn toàn với cái logic tự nhiên thông thường. Hiểu điều này, chúng ta mới thấm thía được những câu thơ đẹp đến lạ của thi sĩ:

Một hôm bước qua thành phố lạ
Thành phố đã đi ngủ trưa
Đời ta có khi tựa lá cỏ
Ngồi hát ca rất tự do

  (Đêm thấy ta là thác đổ)

Cái thân phận của kiếp người tuyệt vọng, của cõi đời đi trong nỗi cô đơn bất tận triền miên, nhà thơ đôi khi thấy “đời ta hết mang điều mới lạ / tôi đã sống rất ơ hờ” (Đêm thấy ta là thác đổ).

Khóc cho người hay chính giọt nước mắt cho thân phận. Đằng sau con đường kia, người thơ âm thầm “đường dài hun hút cho mắt thêm sâu” (Diễm xưa). Sống hết mình, sống đến tận độ, thi sĩ càng ý thức được sự hữu hạn của thân phận con người. Và trong nỗi tuyệt vọng của tình yêu sống ấy, thân phận con người luôn khao khát 

Sống trong đời sống cần có một tấm lòng

Dù rằng chỉ là:

Để gió cuốn đi
Để gió cuốn đi

Và nhà thơ với trái tim căng tràn nhựa sống ấy đã lựa chọn cho mình những điều giản dị làm nên ý nghĩa cuộc sống này:

Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui
Chọn những bông hoa và những nụ cười

Để rồi tôi:

Và như thế tôi sống vui từng ngày
Và như thế tôi đến trong cuộc đời

Thơ của Trịnh nhuộm thẫm sắc thái màu thiền. Những dòng thơ về thân phận cũng vậy. Như một bậc hành giả quay mặt vào tường để cảm nghiệm cuộc đời, chiêm nghiệm kiếp người, Trịnh Công Sơn đã thể nghiệm cái lý thuyết về thân phận trong một thứ tôn giáo riêng của người nghệ sĩ.

Ngôn ngữ thơ của Trịnh, tự bản thân nó đã mang đậm chất nhạc. Và chính điều đó làm nên sự thuần thục trong thơ ông. 

Ta nhận ra một sự kết hợp chuỗi ngôn ngữ thơ đặc biệt của Trịnh Công Sơn. Có những cụm từ, mà khi tách biệt ra khỏi trường ngôn ngữ thơ chúng ta sẽ thấy rất khó hiểu: “đi loanh quanh” , “đời mỏi mệt” , “trên hai vai đôi vầng nhật nguyệt” , “lời của cây”, “ lời cỏ lạ”, “chiều ngồi say”, “đời thật nhẹ”, “mây che trên đầu và nắng trên vai”, “ đôi chân ta đi chân còn ở lại”, “bóng con người”, "trăm năm vô biên”, “đường chạy vòng quanh một vòng tiều tụy”, “một bờ mộng mị”, “lời tà dương”, “lời mộ địa” “lời bể sông”, “tay nhân gian”, “gió hoang vu thổi suốt xuân thì”, “ôm đời ngủ muộn”… Chính những hình ảnh mang đậm màu siêu thực đó đã tạo nên ngôn ngữ thơ Trịnh một sự hòa tấu từ chính nội tại ngôn từ. Nhạc và thơ cứ tự nhòa trong nhau tạo nên một không gian thơ riêng có của Trịnh Công Sơn. Sự kết hợp từ những chữ mang những thanh vận khác nhau mà nếu tách biệt ra ta sẽ thấy chúng vô cũng khô ráp và nghèo tính nhạc, lại cũng chính là nét độc đáo thành công trong cách gieo vần thơ Trịnh.

Cảm thơ Trịnh người ta không chỉ đọc bằng mắt và nghe bằng tai mà đó là cả con đường dài của sự chiêm nghiệm. Như lời tâm sự của chính nhà thơ: “Tôi không bao giờ nhầm lẫn về sự đau khổ và hạnh phúc. Nhưng tôi thường rơi vào cơn hôn mê trước giấc ngủ. Ở biên giới đó, tôi hoảng hốt thấy mình lơ lửng giữa sự sống và cái chết. Những giây phút như thế vồ chụp lấy tôi mỗi đêm. Khi quanh tôi, mọi người đã yên ngủ. Và tôi đau đớn nhận ra rằng, có lẽ cuộc đời đã cho ta lắm ngày bất hạnh”.

Tác giả: Giang Nguyễn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây