Đặc điểm ngôn ngữ trong truyện ngắn của thế hệ (nhà văn) 198X

Chủ nhật - 10/10/2010 06:03 5.242 0

Đặc điểm ngôn ngữ trong truyện ngắn của thế hệ (nhà văn) 198X

Khảo sát ngôn ngữ trần thuật trong truyện ngắn của thế hệ nhà văn 198X (đặc biệt là những tính chất thường gặp của ngôn ngữ truyện ngắn hiện đại), tôi hy vọng sẽ góp phần vào việc nhận diện những đặc điểm cơ bản của ngôn ngữ truyện ngắn đương đại nói chung và đặc điểm truyện ngắn 198X nói riêng.

1.2. Ngôn ngữ chat, blog

Trong những năm gần đây, ngôn ngữ thời đại @ được sử dụng như những phương tiện biểu đạt mới. Những từ ngữ vốn chỉ mới xuất hiện trong đời sống nay cũng ùa vào tác phẩm: cave, ôsin, les, galang, dại gái, cua, sếp, víp, trai gọi, gái gọi. Nó đi vào truyện ngắn của 8X một cách tự nhiên nhất bởi hầu hết các nhà văn này đều khai sinh từ thế giới mạng Internet nên phát ngôn của người trần thuật tất yếu bị chi phối. Nói cách khác, đặc trưng trong ngôn ngữ của họ là sự xâm nhập của ngôn ngữ chat, blog. Thông qua ngôn ngữ này, truyện ngắn của họ đã kịp thời tái hiện sinh động bức tranh xã hội, con người Việt Nam hôm nay từ phương diện lời ăn tiếng nói. Đây chính là đặc điểm ngôn ngữ đầu tiên thể hiện trong truyện ngắn của thế hệ nhà văn 198X.

“Điều thú vị nhất của văn chương trên blog là có thể bạn sẽ phát hiện ra những khuôn mặt “mới toe” chưa từng xuất hiện nhưng những gì họ viết ra đã là những tác phẩm thực sự. Một tác phẩm tự định danh theo kiểu “cái anh có” (cảm xúc, hứng khởi trong hồn) mà chưa bao giờ đòi hỏi cách phải tiếp nhận “cần có anh” (dư luận phải dọn đường quan tâm, báo chí điểm sách, không bị áp tải trước sức ép người đọc)” [5]. Họ là những hạt mầm gieo đúng thời thời vụ của đời sống Số. Họ là những con “sâu mạng” ăn lá “web”. Họ bước vào thực tại ảo với cuộc sống tình cảm, nhận thức về thế giới đa chiều hơn, quan niệm được tỏ bày và giải phóng một cách tự thân. Đó là Keng (Đỗ Thị Thuỳ Linh) với tập truyện ngắn Dị bản. Tiếp đến, Trần Hoàng Trâm với truyện ngắn Chênh vênh Lê Nguyệt Minh với Trống trải và rộng quá chừng; Từ Nữ Triệu Vương với Ngủ đi nhé à ơi, Rỗng; Ngọc Cầm Dương với Trứng luộc và cà phê; Lynh Barcadi với Hậu sản; Trương Quế Chi với Trời lạnh; Nguyễn Quỳnh Trang với Bên kia giấc mơ màu hạt dẻ, Trần Thu Trang với Bốn mùa 1881, Nợ

Ngôn ngữ trong các truyện ngắn của 8X thể hiện một lối phô bày phóng túng của bản năng và cảm tính theo cách hằng ngày họ vẫn lên mạng, vào forum, đó là những câu chuyện hàng ngày họ vẫn trao đổi với các nickname boy, girl giấu mặt. Thu hẹp khoảng cách giữa truyện kể và những chuyện của hiện thực, ngôn ngữ trần thuật trong truyện ngắn của họ trở nên gần gũi với ngôn ngữ đời sống hơn bao giờ hết. Có thể khẳng định rằng, đây là lần đầu tiên trên văn đàn xuất hiện một thế hệ các nhà văn trẻ 198X, tuy chưa thực sự đạt được những thành tựu nổi bật nhưng họ đã làm mới lạ cho văn học đương đại bằng cách sử dụng hình thức ngôn ngữ chat, blog.

Khi nói tới sản phẩm của văn chương mạng (web hay blog) của các nhà văn trẻ, chúng ta sẽ nói nhiều tới tập truyện ngắn Dị bản của Keng. Đây là sản phẩm văn học mạng 100% gồm 13 truyện ngắn tổng hợp lại từ blog, sắp xếp theo một ý tưởng nhất quán về tính cách dị bản trong người phụ nữ. Mỗi câu chuyện là một sự trăn trở về cuộc sống, tình yêu, lối sống… của một lứa tuổi “teenage” hiện nay. Tuy lối hành văn còn đơn giản, nhưng với những câu chuyện tình lãng mạn qua blog, với chút bạo liệt khi đề cập về tình dục và suy nghĩ sâu sắc về cuộc sống, tập truyện này đủ sức hấp dẫn người đọc. Với những ai nghiện blog hoặc từng chơi blog, cuốn sách sẽ tạo cảm giác quen thuộc vì nó được trình bày tương tự giao diện của một blog. Và mỗi truyện ngắn là một “entry” đầy cảm xúc của người viết. “Dị bản được giới thiệu là truyện của Keng, một nickname của dân nghiện blog. Có lẽ do không đặt tham vọng vào hình thức văn chương, nhiều truyện trong Dị bản được viết ra bằng một giọng tâm sự, kể chuyện khá đơn giản. Tác giả tập truyện là một cô gái trẻ 8X và phần lớn truyện của cô đề cập về tình yêu, những được - mất, những phép thử (trong nhiều mối quan hệ), nhiều cuộc tìm kiếm, hoài nghi và mong chờ. Không những thế, trong Dị bản của Keng có rất nhiều đoạn đối thoại được bê nguyên từ những lần chat trên mạng, chẳng hạn như trong truyện ngắn Mong manh ảoTình ảo như cánh diều bay.

Bằng ngôn ngữ mang đậm ảnh hưởng của chat và blog, Keng đã “trình làng” trào lưu đang tồn tại của thế hệ mình. Bằng ngôn từ hiện đại nhưng không hề phô, Keng đã lột tả thẳng thắn lối sống buông thả của các nhân vật trong từng câu chuyện. Những bồng bột của tuổi trẻ có thể có những quyết định sai lầm và đã đẩy chính mình đến bờ vực thẳm không lối thoát.

Từ Nữ Triệu Vương lại dẫn ngay kiểu chat không dấu rất phổ biến của các bạn trẻ trong truyện ngắn Rỗng của mình: “Co the em nhu dang tan dan nhu tang nuoc da trong can phong 34 do, em them mot phong tam mat lanh chi co hai dua minh trong lot Adam va Eva, minh yeu nhau nhanh len, em khat them anh… Em nhan tin nham vao may anh roi, chac em gai lai say. Anh khong thay em gui gi mơi cho bao, co bai tho nao hay chua gui cho anh trai đoc nhe!”. Tiếp đến, Li Liên cũng thêm đoạn: “Anh đang rat ban va can tap trung vao cong viec. Em hay de anh im thin thit va lan mat tam mot thoi gian. Ngay nao do anh se tro ve. Em biet dieu do ma…”, (trích Đến con mèo cũng bỏ em mà đi) nó mang đến một niềm hy vọng, trông ngóng trong nhân vật. Yêu thoáng, sống thoáng và quan hệ cũng thoáng, yêu là cho, là không mất gì, không phải chịu trách nhiệm là quan niệm mà cách đây năm, mười năm mọi người nhìn nhận về nó như một lối sống trụy lạc và kém bản lĩnh nhưng hiện nay nó đang là “mốt” thời thượng của giới trẻ thế hệ 8X, 9X. Đó là điều các nhà văn của chúng ta muốn giải bày.

Chúng ta cũng dễ bắt gặp những đoạn dài dòng với những câu ngắn cụt lủn trong một số truyện ngắn của 8X. Tác giả trẻ Trương Quế Chi vận dụng kiểu hình thức này: “Trời lạnh. 3 độ C. Dương nhìn tôi không nói. Đôi mắt của Dương toả hơi lạnh. Lạnh đến buốt tim. Cơ thể của tôi. Vẫn còn run. Tôi muốn biết. Muốn tìm hiểu… Tôi nằm co người. Cuộn tròn mình. Ngang giữa tấm giường đệm màu đen. Chăn kéo xô. Cơ thể của tôi. Vẫn còn run rẩy. Hơi thở dâng như sóng. Dương ngồi. Không thể bất động nổi một dây. Tay chấm tách trà lạnh di vẽ trên bàn. Tôi muốn biết. Muốn tìm hiểu. Dương đang vẽ gì. Dương đang nghĩ gì… Dương. Với tôi. Cả mùa đông này. Giống như ánh nắng đó. Hình như. Sau mỗi lần rít thuốc. Cơ thể tôi lại thêm một vết bầm tím. Với tôi. Mọi thứ diễn ra. Đều chỉ là hiệu quả của một thứ cảm giác” (trích Trời lạnh). Khi muốn phác hoạ khuôn mặt hay hình hài một nhân vật, các nhà văn 8X cũng sử dụng lối viết này để kịp thời ghi nhanh những gì cần phản ánh. Từ Nữ Triệu Vương ưa dùng những mẫu câu ngắn khi miêu tả ngoại hình con người: “Em. Mắt to ẩm ướt. Môi gợi mở. Mũi tẹt da vàng. Yêu những cơn áp thấp nhiệt đới, những cơn bão to đổ gẫy cây đường phố, những cơn mưa kỳ lạ như mưa đá hôm nay… Khuôn mặt dập bầm nếp nghĩ sồng sộc lên vẻ phấn khích” (trích Rỗng), Ở truyện khác, cách miêu tả này có phần táo tợn, pha chút mỉa mai giễu cợt: “Chị 26 tuổi. Người quắt. khô đét hơn lạc lép rang muối. Da vàng chòe choẹ, nhiều khi nhìn nhờn nhờn như lũ dầu nhớt thời bao cấp” (trích Ngủ đi nhé à ơi).

Ở đây, chúng ta có thể thấy rõ các nhà văn 8X đã độc tôn và lạm dụng ngôn ngữ chat, blog. Đó là lối viết viết tốc ký, ghi nhanh những gì đang diễn ra. Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên cho rằng: “Họ, những cây bút trẻ này còn đẩy nhanh tốc độ vận động của truyện bằng nhịp điệu câu, bằng sự lướt qua các chi tiết, bằng chăm chú về đích” [6]. Truyện ngắn của họ thật sự đang chủ về nhịp điệu câu văn nên tốc độ nhanh, gấp, nhiều câu ngắn, nhiều điệp ngữ. Nhà phê bình Văn Giá còn cho rằng truyện ngắn của 8X “lắm khi ào ạt, xô đẩy, thậm chí giật cục, đập vỡ cấu trúc ngữ pháp thông thường. Nhưng họ lại không dụng công nhiều vào chữ. Ở cực này hoàn toàn là những từ ngữ trần sì, trắng trợn, mang tính khẩu ngữ, tính báo chí, nghĩa của chữ trắng phớ ra hết” [3]. Đúng như lời nhận xét của hai nhà phê bình trên, các nhà văn trẻ này dường như cố tình chối từ những câu văn theo trật tự cú pháp thông thường và thay vào đó là những mẫu câu ngắn vỡ vụn, chắp nối vào nhau. Một mặt, nó làm cho tính phân tích của truyện tăng lên trong khi tính kể giảm xuống, nhưng mặt khác, nó bộc lộ điểm yếu là những câu chuyện chỉ mang đơn thuần một nghĩa duy nhất. Nhưng với xu hướng mở rộng tính dân chủ trong văn học, học hỏi một số nhà văn đi trước, họ cũng đưa ngôn ngữ của đời sống vào trang viết của mình. Chính vì thế, ngôn ngữ trong truyện ngắn của họ cũng mang đậm tính khẩu ngữ. Đó là lối dùng quen thuộc của các cư dân mạng. Chúng ta có thể kể ra hàng loạt dẫn chứng như cách miêu tả lối sống, suy nghĩ của nhân vật: “Đàn bà gì ngu quá” (trích Đàn bà họ Vũ của Phan Ý Yên); “Em mà nói điêu thì người iu em chết” (trích Chênh vênh của Trần Hoàng Trâm). Hay những nhận xét của nhân vật trích trong truyện ngắn Trống trải và rộng quá chừng của Lê Nguyệt Minh: “Hoa nghĩ là mình đã bắt đầu quen được với hắn theo đúng nghĩa của từ quen. Mừng gần chết”; “Đồ thần kinh dẫm phải đinh”. Hay sự đặc tả sắc nét về các kiểu mẫu người: “Người chị Hồng gầy đét như con mực khô, tay chân lúc nào cũng khòng khèo nhìn vào ngứa mắt quá chỉ muốn nắn lại cho ngay ngắn”; “Chị Hồng đứng ở cửa từ khi nào, mong manh như chiếc lá. Hôm nay còn bày đặt mặc váy”. Ở một truyện ngắn khác của Nguyễn Quỳnh Trang: “Dẹp mẹ hết đống đàn bà con gái đi. Rách việc. Mệt người” (trích Bên kia giấc mơ màu hạt dẻ [72, tr.218])…

Bạn chưa đọc văn 8X thì hãy đọc. Đọc để biết. Để giật mình bởi những đoạn đối thoại mang đầy bụi bặm trong xã hội. Trong truyện ngắn của Keng có đoạn: “Rồi cả thằng đàn ông mà Đan đã lỡ yêu nữa. Trinh tiết? Nó đòi hỏi gì khi mà dái như dái chó bạ đâu cũng cắm vào mà cứ bắt người yêu mình phải có trinh. Mẹ kiếp. Một lũ đàn ông khốn nạn, bẩn thỉu. Nếu có quyền xử tội, tôi sẽ đem bắn hết lũ khốn đấy” (trích Dị bản). Đó là lời chửi thề, chửi tục của nhân vật “tôi” khi biết số phận của Đan đã bị chính người cha dượng và người yêu dập trụi. 8X cũng làm nóng thị trường sách bằng những trang viết trần trụi về “sex”. Ngọc Cầm Dương có lối viết khá táo bạo: “tay trống quyết định bằng một đợt phóng tinh vào một con ca sĩ trên chính chiếc giường thơm nức màu đỏ” (trích Trứng luộc và cà phê). Phạm Vũ Văn Khoa cũng có những trang tả thực đầy bất chấp: “Trong góc tối, hắn thấy vợ hắn nằm sấp hớ hênh rên lên từng cơn khi một con heo mập mạp cưỡi lên người. Âm thanh càng lớn thì cặp mông càng nâng cao khỏi mặt đất. Vợ hắn cực khoái, cực khoái…” (trích Giăng mắc)… Đây cũng là những từ ngữ “trần sì”, “trắng trợn” của lối ngôn ngữ chat, blog.

Ở cực khác, chúng ta cũng có thể nhận rõ, ngôn ngữ “sáo mòn, trơn tay, nông” [3] của các nhà văn 8X. Chẳng hạn: “Từ đâu đó, tiếng mẹ tôi rống lên bi thiết. Và tôi lơ lửng trên cao” (trích Lơ lửng trên cao của Phạm Ngọc Dương). Hay “Vẫn từng vết từng vết trên cát. Có phải trinh tiết em tự trọng em cô độc em đang ứa máu… “ (trích Bên kia giấc mơ màu hạt dẻ của Nguyễn Quỳnh Trang)…

Như vậy, đặc điểm của ngôn ngữ chat, blog trong truyện ngắn của 8X là những phiên khúc xen kẽ, đàn cài các mẫu rời rạc, là những câu văn “cố tình cắt cụt, cắt rời” (chữ dùng của Phạm Xuân Nguyên) mang nặng tính khẩu ngữ của đời sống. Đó là thứ ngôn ngữ trần sì, sống sượng nên họ không thể tránh khỏi những hạn chế khi sử dụng. Ngôn ngữ của họ chưa có độ sâu, độ lắng. Thiết nghĩ, các nhà văn trẻ của chúng ta cần phải nỗ lực trau dồi câu chữ hơn nữa mới có thể chiếm được sự mến mộ của các thế hệ trước.

1.2. Ngôn ngữ mang tính thời sự, báo chí

Khi đọc truyện ngắn của 8X, những vấn đề nổi cộm nhất trong xã hội đều được phản ánh bằng thứ ngôn ngữ sắc, lạnh. Họ phanh phui những tệ nạn xã hội ngổn ngang cave, gái điếm… thể hiện trong một số truyện ngắn Những sợi len đan rối vào nhau, Yêu cũng được, không yêu cũng chẳng sao của Keng, Thoại của Lê Nguyệt Minh, Con bé bịt mắt, Tre rừng của Lynh Barcadi, Giăng mắc của Phạm Vũ Văn Khoa … Đây là cảnh tượng những ả điếm bán trôn nuôi miệng trên cầu Thị Nghè: được phơi bày “trắng phớ” “Ả điếm trần như nhộng phô trương một cách kệch cỡm. Những ả trẻ nhảy múa dâm dật trong ánh đèn vàng. Bộ áo quần bó sát da thịt thách thức. Những ả điếm già nép mình vào bóng đổ của cột đèn đường nhìn ra thèm thuồng. Không thể hiểu cảm xúc của ả lúc này” (trích Giăng mắc của Phạm Vũ Văn Khoa). Đó là cuộc sống mưu sinh hàng ngày, hàng đêm của lớp người “dưới đáy”. Đó là nơi giảm “stress” cho các bậc khách làng chơi. Đó là hiện thực đang hiện hành trong xã hội ngày nay. Ở truyện Nghĩa trang đồng nhi của Lynh Barcadi, người đọc sẽ rùng mình hơn khi lần theo những câu chữ tái hiện một sự thật cay đắng: “Một cái bọc đen nằm đơn độc bên bờ kè. Chắc lại nó. Tôi cúi xuống. Dưới ánh đèn đường vàng nhạt, một vật thể bầy nhầy đỏ loét nằm bên trong cái bọc”.

Lynh Barcadi còn tiếp tục dùng thứ ngôn ngữ sắc lạnh, dửng dưng của một người phóng viên bình luận những cảnh quay trước mặt. Chị đề cập tới những vấn đề thời sự cấp thiết trong xã hội như sự chênh lệch giàu nghèo, cuộc sống mưu sinh nổi nênh nay đây mai đó của những trẻ lang thang cơ nhỡ, của những kiếp người từ nông thôn vật vờ với miếng cơm manh áo nơi thị thành… Độc thoại trên tháp nhà thờ của chị thể hiện một cái nhìn lạnh về cuộc sống, trong đó có một chi tiết cực đắt, trực tiếp đề cập đến vấn đề nhức nhối mà Nhà nước ta chưa có một chính sách quan tâm thoả đáng. Đó là ngổn ngang khắp phố phường những băng rôn, khẩu hiệu: “Trẻ em hôm nay thế giới ngày mai; Hãy giành cho trẻ em những gì tốt đẹp nhất”. Lynh Barcadi tái hiện sâu sắc sự thực hớ hênh với những từ ngữ đầy mai mỉa: “trên tay anh đang cầm những tờ vé số, mặc dù anh không hiểu hết ý nghĩa của chúng, nhưng anh hiểu đó phải là những từ ngữ đẹp đẽ, vì đẹp đẽ nên người ta mới đem đặt giữa thành phố, và nhất là họ nhắc đến “trẻ em”, mà “trẻ em” thì là anh đây chứ còn ai nữa”. Nếu bao trẻ lang thang biết đánh vần được những dòng chữ này thì đó quả là một bức tranh tương phản không lý giải nổi. Mọi người phải có ý thức về nơi chốn mình đang sống, phải có trách nhiệm với nó theo cách mình có thể nhất chứ không phải ngụy trang bằng những khẩu hiệu vô nghĩa là những gì mà ngòi bút Lynh Barcadi gửi gắm tới người đọc.

Họ còn chĩa ngòi bút của mình để nói đến tận cùng nền giáo dục hiện nay trong xã hội. Đó là tình trạng áp đặt, rao giảng kiến thức. Đây là cách viết hoàn toàn mới của các nhà văn 8X so với cha anh mình. Họ nói một cách thẳng thắn những gì phơi bày trước mắt: “Hằng ngày, cô mình đến trường, làm cái việc là nạp một mớ hổ lốn những kiến thức từ thời phổ thông, thêm chút gia vị để lấy một sản phẩm cao cấp hơn, là tấm bằng Đại học. Nhiều khi cô mình muốn hét vào mặt tất cả những vị Giáo sư khả kính kia rằng: Các vị đang giảng cho chúng tôi hay lấp đầy những chỗ thiếu hụt của chính các vị đây?” (Trích Cô mình của Phạm Hương Giang). Với truyện ngắn này, chị bị nhiều điều tiếng vì phô bày cách nói quá táo bạo và lộ liễu nhưng chúng ta cũng nên độ lượng với các nhà văn trẻ bởi khi chạm mặt với mặt trái của một vấn đề, những bức bội tâm lí đó tất yếu không thể tránh khỏi. Điều này, cũng trở thành nỗi ám ảnh trong giấc mơ của một đứa trẻ chưa từng được đến trường: “Anh thấy mình được đi học, được ngồi giữa những người bạn nhỏ tuổi hơn nhiều lần… Mặt họ không ngừng chuyển màu xanh nhợt nhạt, rồi vàng, rồi lại đỏ tái mỗi khi thấy cô giáo nhìn vào họ… Cô nặng nhọc đi giữa hai hàng ghế, vì trên tay cô cầm một cuốn sách dầy cộm chi chít các con chữ. Cuốn sách bám lúc nhúc những con bọ đen… anh thấy những con bọ bò lan ra tay cô, leo lên ngực, lên tai, lên mặt, và dồn lại nơi hai trũng mắt của cô. Nhưng mắt cô vẫn mở to, cô vẫn tiếp tục đọc những câu chữ dài dòng như vô tận, như thể đàn bọ đen chỉ có trong trí tưởng tượng của anh. Nhưng mọi chuyện không kết thúc ở đó, anh đã sợ hãi đến độ chỉ muốn tỉnh giấc, vì những câu chữ từ miệng cô thoát ra bỗng dưng đông cứng lại. Chúng trở thành những cây cầu ốm nhách bắc từ miệng cô qua miệng bọn anh. Rồi bọn bọ cứ nối nhau theo những cây cầu chữ đó bò dần vào những cái miệng xinh xắn. Nhìn cô lúc này chẳng khác một con rắn có hàng chục cái lưỡi đen. Những cái lưỡi căng ra toả đến đám trẻ như muốn thâu tóm, hút cạn mọi nguồn sống cho riêng nó…” (trích Độc thoại trên tháp nhà thờ của Lynh Barcadi). Từ Nữ Triệu Vương lại phanh phui tệ nạn họp hành: “A-hoàn chủ nhiệm lớp lại bắt họp đột xuất. Suốt ngày họp hành không chán sao? Cái bệnh họp là cái bệnh muôn thuở. Bệnh di truyền từ trong phôi thai. Họp gia đình. Họp lớp. Họp tổ dân phố. Họp phường. Họp cơ quan. Đừng có gắt lên vì sao lắm họp với chả hành” (trích Rỗng)…

Các nhà văn 8X còn muốn đưa tất cả những sự kiện nổi cộm trong cuộc sống lên trang nhất các mặt báo. Bằng ngôn ngữ của những nhà báo chuyên nghiệp, họ có tham vọng tái hiện những mảng tối của xã hội, lên án và tố cáo những kẻ bất lương, bạo hành gia đình. Đó là sự vô nhân tính của người cha dượng ngang nhiên hãm hiếp con mình lúc chưa đầy 14 tuổi trong truyện ngắn Dị bản của Keng. Đó là sự phẫn uất của người con gái mới lớn phải bán đời mình cho kẻ bất lương để gia đình có lấy một ngày yên ổn trong truyện Đi vào một ngày không báo trước của Nguyễn Thị Cẩm. Đó là bạo hành tình dục:“Gã to con nhất tới bên nó, từ từ cởi quần áo. Nó không hiểu, nghịch ngợm đấm, đạp, giựt. Gã nhỏ nhất túm tay nó quặt lên trên, gã trung bình kéo chân. Còn gã to con thì hùng hục làm. Nó đau, một cái gì đấy xé toạc, kéo theo cái gì đấy trỗi dậy, lập loè hút xoáy trong chuỗi tách rời của những dây thần kinh. Từng thớ thịt trên người nó run rẩy rồi oằn oại chuyển động. Nó thét dài man dại, mắt long xòng xọc, xùi bọt mép... Gã nhỏ con ấn khăn vào mồm nó cố hoàn tất công việc. Những tia hồng loang nhanh trên chiếc khăn nhét trong mồm. Gã to con vội bóp mạnh quai hàm, ngáng đũa cả vào răng, trói nghiến lại, đắp chăn, rồi ba gã từ tốn mặc quần áo, đi về”(trích Xóm bờ mương của Ngọc Cầm Dương).

Có thể nói rằng, các nhà văn trẻ của chúng ta đã sử dụng những lớp từ “nóng” mang tính thời sự, báo chí để kịp thời cập nhật những thông tin vừa nắm bắt. Nhưng nhìn chung, họ không để một độ lùi thời gian xử lý các thông tin mà hầu hết có gì viết nấy, viết bằng thứ ngôn ngữ sắc, lạnh. Một vài trường hợp 8X chỉ ghi nhanh những sự kiện mà không hề có sự dụng công cho ngôn ngữ bình luận trở nên gai góc trước những vấn đề nhức nhối đang đặt ra trong xã hội hiện thời. Họ chăm chú tìm kiếm cái lạ ở đề tài với những câu chuyện giật gân, rùng rợn, những cảnh sống điên khùng chứ chưa ráo riết mang cái khác cho nghệ thuật tự sự. Tuy cuộc sống còn nhiều thứ “tồi tệ” nhưng cái đáng sợ nhất là con người vẫn chấp nhận nó. Riêng 8X, họ còn trẻ, họ không thoả hiệp, không dung túng cho những giả dối nên họ bất bình và đòi hỏi sự rõ ràng. Chính điều này đã chi phối tới lối viết, tới lớp ngôn ngữ mà 8X sử dụng.

1.3. Ngôn ngữ pha tạp

Nhìn rộng ra một chút, chúng ta thấy văn chương của các tác giả 8X này hầu hết là các cây bút đô thị, hoặc bị đô thị hoá. Trong khi đó, “một số cây bút cuối 7X hay mới chớm sang 8X thực sự có thành tựu lại không phải là các cây bút đô thị. Họ toàn ở những vùng xa phía Bắc, Tây Nguyên, miền Trung hoặc miền Tây Nam bộ như Đỗ Bích Thu, Phạm Duy Nghĩa, Nguyễn Ngọc Tư, Niê Thanh Mai, Nguyễn Thế Hùng, Nguyễn Nguyên Phước, Đỗ Phước Tiến… Điều này đáng để cho chúng ta suy nghĩ. Ít nhất thì ở họ cũng có một điểm chung là: họ không bị vướng bận với những phong trào đám đông – mà đã gọi là phong trào thì đều là hời hợt và nông nổi. Nhờ vậy, họ có điều kiện tìm kiếm độc lập và đi đến cùng sự lựa chọn của mình hơn cánh đô thị. Đô thị bao giờ chẳng có nhiều yếu tố nhiễu!” [3]. Do chịu ảnh hưởng quá lớn của thế giới ảo từ mạng Internet nên truyện ngắn của 8X đầy rẫy ngôn ngữ chat, blog; ngôn ngữ mang tính thời sự, báo chí. Đây cũng chính là hệ quả tạo nên đặc điểm thứ ba trong ngôn ngữ của văn 8X. Đó là lớp ngôn ngữ pha tạp, nghĩa là trong các câu chuyện của họ bên cạnh ngôn ngữ chính là tiếng Việt, có sự hiện hình những từ ngữ hổ lốn của phương ngữ, của tiếng nước ngoài. Chúng là những từ được họ vay mượn tạm thời với nhiều mục đích khác nhau.

Chịu ảnh hưởng của ngôn ngữ đời sống, ngôn ngữ trần thuật trong truyện ngắn sau 1986 bộc lộ khá rõ đặc trưng văn hóa vùng miền dân tộc Việt. Qua ngôn ngữ trần thuật, phong tục tập quán từng miền cũng được thể hiện rõ nét. Truyện ngắn Cái vỏ của Yên Khanh có sử dụng từ bản địa phía Bắc như:“lăm lay, nấy…”; Tình ảo như cánh diều bay của Keng lại xuất hiện từ địa phương vùng miền Trung: “nì, thui, mà lị, tui…”. Tuy nhiên, tần số xuất hiện của ngôn ngữ vùng miền trong truyện ngắn của 8X rất ít mà chủ yếu là sự pha trộn ngôn ngữ Việt và tiếng nước ngoài.

Trong truyện ngắn của họ xuất hiện rất nhiều loại ngôn ngữ chen lấn trên từng dòng chữ. Với lối viết sử dụng rất nhiều từ nước ngoài không thèm chú thích trong các câu chuyện, 8X như trêu ngươi, kích thích sự tò mò của độc giả. Ở phương diện này, chúng ta thấy nhà văn Phạm Thị Hoài đã sử dụng khá nhiều trong Thiên sứ . Đến lượt mình, các nhà văn 8X cũng muốn chứng tỏ tài năng của sức trẻ với những thế đi trước. Khảo sát riêng tập Dị bản của Keng thì cả 13 truyện ngắn đều ít nhiều sử dụng nó. Ngay từ nhan đề câu chuyện đầu tiên Tôi là Les đã có kiểu dùng này. Tiếp đến, những câu chuyện sau cũng ngổn ngang từ nước ngoài được dùng mà không thèm chú thích. Đó là: “đôi tất kiểu Hirajuku”, “tấm đệm trải drap màu xanh” (trích Những sợi len đan rối vào nhau); “cô là fuck machine”, “chỉ có anh hỏi và cô ấy reply”, “Cô chính thức bị delete ra khỏi cuộc đời anh” (trích Yêu cũng được không yêu cũng chẳng sao); “té ra thuộc chuột made in China”, “Upa”, (Trích Gia đình – người tình và áo khoác); “Những người Libra như Tuấn, như Keng, mỗi người một cách sống”, “sorry người yêu online”, “họp brief đột xuất, “singn out”, “cuộc tranh luận về About me” (trích Tình ảo như cánh diều đang bay); “tôi try again bằng cách send cho Tuấn một tin nhắn”, “lục lọi friends lits”, “đẳng cấp nhảm Pro của một con bé tưng tửng” (trích Chấm hết)… Nếu chúng tôi liệt kê hết ra đây thì cả một danh sách dài. Sở dĩ các bạn trẻ ưa chuộng lối viết này bởi nó phù hợp với lứa tuổi của họ, phù hợp với thời đại của công nghệ thông tin. Họ tỏ ra là những người sành sỏi với ngôn ngữ tiếng Anh và sử dụng nó rất hợp thời. Cách pha trộn chúng vào các truyện ngắn cũng tạo cảm giác kéo gần lời kể về với khẩu ngữ sinh hoạt thường ngày. Cho các dòng ngôn ngữ khác nhau ấy chen lấn, xô đẩy nhau trong một mạch viết tạo cho văn 8X một cái gì rất mới và rất cuốn hút. Đôi khi nó cũng gây phản cảm với nhiều độc giả nhưng với những bạn trẻ có sự hội nhập nhất định vào văn minh phương Tây thì nó tạo cảm giác nhanh nhạy, tốc độ vì sự gia tăng hàm lượng thông tin.

Lối viết này có nguyên cớ ở quan niệm sáng tác của các 8X. Họ mong muốn vươn đến sự hội nhập ngôn ngữ với văn học thế giới. Xét cho cùng, đổi mới trong đời sống cũng như trong văn học nghệ thuật ở thời điểm hiện nay là một nhu cầu thường trực, hàng ngày. Các nhà văn trẻ tỏ ra sốt sắng, bực bội vì sự chậm trễ, vì sức ỳ và những trói buộc trong văn chương. Để chuyển động cả một nền văn học cần một sức đẩy đồng bộ, từ nhiều phía. Nhưng quan trọng hơn là việc xác định các mục tiêu và đích đến. Hội nhập quốc tế và Toàn cầu hoá là hướng đi chung cho tất cả các khu vực, các dân tộc. Đây là một định hướng của Hội nhà văn Việt Nam muốn những người cầm bút hướng tới. Đại hội lần thứ VIII của Hội Nhà văn Việt Nam vừa được tổ chức vào hai ngày 04 – 05/8/2010 đã nhấn mạnh tầm quan trọng của công cuộc này; mỗi nhà văn phải đảm đương được trách nhiệm đưa văn học nước nhà sát nhập cùng văn học thế giới. Nói như nhà văn Phạm Thị Hoài thì “niềm vui của người được viết bằng tiếng mẹ đẻ nhiều khi không át được nỗi buồn trước tính khu biệt quá cao của ngôn ngữ ấy”[4]. Cho nên việc xuất hiện nhiều từ nước ngoài trong tác phẩm văn học của những nhà văn trẻ gần đây cũng là một sự cố gắng. Họ tạo nên sự gần gũi cho việc hội nhập trên cả lĩnh vực văn học nghệ thuật.

Bùi Thị Quỳnh Biển
Cao học 16 - LLVH, Đại học Vinh
Nguồn: phongdiep.net



TÀI LIỆU THAM KHẢO


  1. Thái Phan Vàng Anh (2008), “Ngôn ngữ trần thuật trong truyện ngắn đương đại”,Tạp chí Sông Hương, (237).

  2. Thoại Hà (2008), “Dị bản lãng mạn với những chuyện tình qua blog”, http://vnexpress.net.

  3. Văn Giá (2007), “Về nghệ thuật tự sự của Vũ điệu thân gầy”, http://www.vietvan.vn/.

  4. Phạm Thị Hoài (1993), Từ Man Nương đến A.K và những tiểu luận, http://www.hopluu.net.

  5. Nguyễn Hữu Hồng Minh (2008), “Chân dung nhà văn thời kỹ thuật số”, http://www.thotre.com

  6. Phạm Xuân Nguyên (2007), “Vũ điệu văn chương trẻ” in trong Vũ điệu thân gầy, Nxb Trẻ, Hồ Chí Minh.

  7. Phạm Xuân Nguyên (2008), “Khoảng trống vắng rã rời”, in trong Truyện ngắn 198X, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây