Nỗi niềm Nguyễn Huy Tưởng

Chủ nhật - 17/10/2010 09:57 3.803 0

Nhà văn Nguyễn Đình Thi (trái) và nhà văn Nguyễn Huy Tưởng những ngày đầu sau Cách mạng ở Hà Nội. Ảnh tư liệu.

Nhà văn Nguyễn Đình Thi (trái) và nhà văn Nguyễn Huy Tưởng những ngày đầu sau Cách mạng ở Hà Nội. Ảnh tư liệu.
Tôi coi kịch 'Vũ Như Tô' là tác phẩm quan trọng nhất trong giai đoạn sáng tác đầu đời, trước 1945, của Nguyễn Huy Tưởng. Vở kịch hàm chứa mối trăn trở nghìn đời của người nghệ sĩ: khi điều kiện tồn tại của nghệ thuật không thuộc về nhân dân thì nghệ thuật đi về đâu.

Nếu đi với nhân dân, như ý định đầu tiên của nhà kiến trúc và xây dựng Vũ Như Tô, thì sẽ không có Cửu trùng đài, không có chỗ cho nghệ thuật xuất hiện. Vũ Như Tô đã theo lời khuyên của Đan Thiềm: nghệ thuật chịu lụy cường quyền một thời để được xuất hiện và tồn tại vĩnh cửu với mai sau. Đó cũng là ứng xử của những họa sĩ Italy nổi tiếng thời Phục hưng đối với những đòi hỏi hà khắc của giới tăng lữ giàu có. Nhờ vậy mà lòng yêu trần thế của Raphael (1483-1520), của Michelangelo (1475-1564) đã được các mái trần giáo đường Vatican gìn giữ và nhân loại được chiêm ngưỡng, qua hình ảnh các thần thánh, vẻ đẹp thuần khiết của tâm hồn và cơ thể con người do tài năng tuyệt diệu một đi không trở lại của Raphael, của Michelangelo. Nhưng Vũ Như Tô thì thất bại: tác phẩm Cửu trùng đài bị đốt và kiến trúc sư Vũ Như Tô bị giải đến pháp trường.

Kịch hết. Màn hạ. Nhưng nỗi lòng trăn trở của Nguyễn Huy Tưởng vẫn còn. Ông nói tràn ra ngoài vở kịch, trong đề tựa. Lời đề tựa có mười câu, thì tới hai câu, ông dành để nhắc lại một câu hỏi này: "Chẳng biết Vũ Như Tô phải hay những kẻ giết Như Tô phải?" Hai lần hỏi nhưng vẫn không lời đáp. Hình như đến nay câu hỏi vẫn còn nguyên đó. Nguyễn Huy Tưởng đã có sự chọn lựa lời đáp cho riêng mình. Ông chọn lựa vì không thể lẩn tránh. Với người nghệ sĩ, sống đồng nghĩa với việc trả lời câu hỏi này. Nhưng chọn mà không tự tin. Ông chưa dám lấy hành động Vũ Như Tô làm câu khẳng định do cái kết cục bi thảm của Vũ Như Tô. Tự hỏi là một cách mình nhủ với mình. Và rồi, như tự thú: Cầm bút chẳng qua cùng một bệnh với Đan Thiềm. Nguyễn Huy Tưởng chọn lối ứng xử của Đan Thiềm, của Raphael, Michelangelo. Ông không coi đó đã là giải pháp tối ưu, dù khung cảnh lịch sử hiện đại đã xa khác lắm với thời Lê Tương Dực. Khác xa, nhưng hiểm họa vẫn còn. Nguyễn Huy Tưởng coi chọn lựa của mình chỉ như triệu chứng bệnh lý của nghề nghiệp, nghề yêu cái đẹp. Làm nghề ấy thì phải mang bệnh ấy. Như một nỗi đau của tổ nghề truyền. Đồng dạng với bi kịch Vũ Như Tô, còn bao nhiêu thảm án Ngục văn tự của nhân loại. Nỗi đau này chẳng của riêng ai. Càng không phải của một thời. Vở kịch lịch sử viết năm Nguyễn Huy Tưởng ba mươi tuổi đã đụng đến chiều sâu bản chất của chức năng nghệ thuật và lương tâm nghệ sĩ.

Thời cuộc khi Nguyễn Huy Tưởng bước vào văn chương là một thời cuộc bão táp, thời dân chúng đứng lên đòi quyền sống, quyền tự quyết. Đòi bằng bạo lực cách mạng. Nguyễn Huy Tưởng đã sớm tự nguyện làm người lính tiên phong của lực lượng cách mạng bão táp ấy. Lập trường nhân dân, hơn thế, lập trường cách mạng vô sản ở ông chắc chắn là sâu sắc, kiên định. Không thể dung thứ một ý đồ nào mà dân chúng đã phản đối. Không thể hòa đồng với bất kỳ một mưu toan hưởng lạc nào của thống trị làm hại đến lợi ích của nhân dân. Việc rất dễ xảy ra đối với một người viết “xuôi chèo cho mát mái” trong trường hợp này, là sáng tạo một chủ đề “tài năng đứng về phía nhân dân”. Rành mạch, rõ ràng ranh giới bạn thù, có tính giáo dục phổ cập. Nguyễn Huy Tưởng đã không làm thế. Không làm thế được. Cái chất tâm hồn, cái ngưỡng trí tuệ của ông hướng ông vào chỗ cao hơn, xa hơn, giúp ông đọc ra trong cốt truyện lịch sử Vũ Như Tô, một vấn đề của nghề ông, của nghiệp ông, của thời đại ông và của trách nhiệm ông đối với tiến trình phát triển văn chương nước nhà. Nó đã đi quán xuyến cả cuộc đời ông.

Tôi không dám sa đà vào những dòng trăn trở của ông trong nhật ký và cũng không dám bàn lạm vào những dòng riêng tư ông trao đổi với bạn bè. Chỉ xin nói tới một văn bản khác, một ghi chép như một bài báo, ròng ròng chất hiện thực đời sống thanh thiên bạch nhật và những trăn trở nội tâm chân thực, đau xót và đầy cố gắng của ông, bài Một ngày chủ nhật viết tháng 5/1956.

Cái năm 1956 ấy, người dân Miền Bắc nước ta đang say mê trong niềm vui thắng Pháp ở Điện Biên Phủ và ở hội nghị Genève, đang phấn chấn và tự hào sống dưới bầu trời độc lập tự do với niềm tin mênh mông vào cuộc sống hạnh phúc do chính tay mình sẽ tạo dựng... thì ập đến cải cách ruộng đất. Rồi... ngày lại ngày, những gì tốt đẹp cứ hao hụt dần. Những hao hụt ấy, cứ từng chút, từng chút, nhỏ bé thôi, người ta có thể chậc lưỡi, cho qua. Đã chết ai đâu!

Nhưng Nguyễn Huy Tưởng thì thật sự lo âu. Cái nhỏ bé ấy không hề nhỏ bé, nó đã thành phổ biến và tần số xuất hiện ngày một mau hơn, tràn lan như vết dầu loang sang nhiều lĩnh vực đời sống. Là một cán bộ lãnh đạo văn nghệ từ chiến khu Việt Bắc trở về, Nguyễn Huy Tưởng chắc chắn có đủ niềm tin và lòng vui như mọi cán bộ lãnh đạo khác. Ông hẳn thừa biết đâu là hệ quả tất yếu của cuộc đổi thay một thành phố tạm chiếm, “ăn bám” sang cuộc sống một thành phố lao động tự nuôi mình. Nhưng trong cảm quan bản năng của người nghệ sĩ Hà Nội Nguyễn Huy Tưởng, “chín năm ròng ròng vẫn thủ đô” vẫn có một năng lực nắm bắt chân thực và rất nhạy thực tại đời sống Hà Nội. Một nhận xét nhỏ, ông thấy những người đi ngoài phố trong ngày chủ nhật ấy: Quần áo phần lớn màu tối, lạnh và khắc khổ, đồng loạt kiểu cán bộ. Hà Nội đã mất nhiều màu sắc. Biết tiếc những sắc mầu đặc trưng của Hà Nội chính là một phẩm chất văn hóa tinh tế và sâu sắc của người cán bộ này. Một tâm sự thành thật như tự thú, một đấu tranh nội tâm đầy trách nhiệm.

Tôi nói "đầy trách nhiệm" bởi những nhận xét kiểu này dễ làm người cầm quyền phật ý. Đầy trách nhiệm nên mới vượt qua lo âu cho bản thân. Vả lại Nguyễn Huy Tưởng, ở một cấp độ nào đó cũng là một thành tố cầm quyền. Ông muốn biện hộ những “xuống cấp” của cuộc sống mới, khi đứng ngắm Hồ Gươm. Nhưng ông lại muốn hơn một cái nhìn trung thực, tìm đúng bệnh của mình, để chữa: Tôi vốn yêu hồ vì cảnh đẹp, và cũng vì nó mang dấu vết của người anh hùng yêu nước mà trước đây tôi đã có ý ngợi ca. Nhưng Hồ Gươm đã mất nhiều vẻ đẹp lắm rồi. Nước hồ gợn váng, ven đầy rác rưởi. Bờ không được sạch, lủng củng những quảng cáo vụng về, bày vô tổ chức, những biển giới thiệu hình ảnh các nước bạn, hầu như không ai săn sóc, vì mặt kính không mấy khi sạch xác ruồi muỗi. Có cảm tưởng hồ bị bưng kín, và bé lại. Đường đi có nhiều chỗ lầy lội. Thùng rác như chiếc quan tài lù lù bên lối đi. Tôi khâm phục sự lo âu rất sớm của nhà văn về cái hiện tượng hầu như không có ai chăm sóc ở tất cả mọi công trình xã hội. Nhưng điều tôi còn khâm phục hơn ấy là sự thành thật của ông. Thành thật đã trở thành dũng cảm. Hơn nửa thế kỷ đã đi qua tính từ ngày hôm ấy. Trong thâm tâm mỗi chúng ta đều đã có đủ độ lùi thời gian để thấy những lo âu của Nguyễn Huy Tưởng là có lý biết bao, thiết thực biết bao. Đó là những lo âu có tính “bản lề”. Nó có sức xoay chiều đóng mở thời vận một thể chế. Những ví dụ tiêu cực, tham nhũng nhỡn tiền hôm nay, “biết rồi , khổ lắm, nói mãi”, ai cũng thấy, to lớn và tràn ngập, chính là hậu duệ trực hệ của cái nhỏ bé làm Nguyễn Huy Tưởng lo âu.

Hà Nội, 20/9/2010
Vũ Quần Phương
Nguồn: eVan 

(Bài tham luận tại Tọa đàm “Nguyễn Huy Tưởng với Hà Nội” nhân 50 năm ngày mất của ông do Hội nhà văn Việt Nam và NXB Kim Đồng tổ chức sáng 24/9 tại Hà Nội).

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây