Vào năm 1940 của thế kỷ 20, Nguyễn Huy Tưởng bắt đầu viết những truyện ngắn đầu tiên cho thiếu nhi trong loạt sách Hoa xuân. Hai mươi năm sau, vào năm 1960 khi bút lực đang dồi dào với bao dự định sáng tạo ở phía trước thì ông phải từ giã cõi đời vì bạo bệnh. Định mệnh đã không cho phép Nguyễn Huy Tưởng đi hết hành trình sáng tạo nhưng tác phẩm của ông không bị phủ bụi thời gian mà vẫn đồng hành cùng các thế hệ độc giả: Vũ Như Tô, Đêm hội Long Trì, An Tư, Sống mãi với Thủ đô, Tìm mẹ, Lá cờ thêu sáu chữ vàng… Cho đến hôm nay, trải qua nhiều thập niên song con người, cuộc đời và di sản văn chương của Nguyễn Huy Tưởng vẫn hiện diện trong đời sống văn học, luôn mời gọi người đương thời không ngừng tiếp nhận, đồng cảm, khám phá và phát hiện những giá trị nghệ thuật và nhân bản tiềm ẩn trên những trang viết đầy trí tuệ, tâm huyết và tài hoa của nhà văn - nhà văn hóa Nguyễn Huy Tưởng.
Dễ nhận thấy trong sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Huy Tưởng, đề tài lịch sử và Hà Nội chiếm một vị trí quan trọng trong cảm hứng sáng tạo của nhà văn. Với những Vũ Như Tô, Cột đồng Mã Viện, Đêm hội Long Trì, An Tư, Sống mãi với Thủ đô, An Dương Vương xây thành ốc, Lá cờ thêu sáu chữ vàng, Kể chuyện Quang Trung, Nguyễn Huy Tưởng đã được giới nghiên cứu, phê bình tôn vinh là “nhà chép sử bằng văn chương” xuất sắc trong lịch sử văn học Việt Nam hiện đại. Nhưng theo chúng tôi, không chỉ dừng lại ở đây, bên cạnh danh hiệu cao quý và đích thực đó, có thể nói, Nguyễn Huy Tưởng còn là “nhà Hà Nội học” trong văn chương. Không phải ngẫu nhiên mà nhà văn Nguyễn Tuân trong lời bạt cuốn tiểu thuyết đã cảm nhận: “Đọc lại tiểu thuyết lịch sử, kể cả Sống mãi với thủ đô, người đọc vẫn thấy gây gây mùi khói vương vấn ngàn năm Thăng Long chốn cũ”.
Ngay trong cách đặt tên tác phẩm, Nguyễn Huy Tưởng cũng không tỏ ra dễ dãi, thời thượng mà phải lựa chọn, nghiền ngẫm, bộc lộ cảm xúc thăng hoa và chín muồi của trái tim nghệ sĩ với những: Đêm hội Long Trì, An Tư, Sống mãi với Thủ đô, Lũy hoa. Nhà văn Nguyễn Minh Châu đã từng bị lôi cuốn bởi các sáng tác về Hà Nội của Nguyễn Huy Tưởng vì theo ông: “Những cái tên sách gợi lên hình ảnh một cái đài tưởng niệm bằng ngôn ngữ, một vòng nguyệt quế từ bàn tay nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đặt lên trán những trai thanh, gái lịch của Hà Nội rất giàu lòng yêu nước”. Dù viết về lịch sử hay Hà Nội thì trong cảm quan sáng tạo của nhà văn, trong thực chất và chiều sâu của vấn đề, của nghệ thuật vẫn chỉ là “hai trong một”. Kinh thành Thăng Long, Thủ đô Hà Nội xưa và nay thấm trên từng trang văn Nguyễn Huy Tưởng. Nhưng Thăng Long - Hà Nội là trái tim của Tổ quốc nên trong sáng tác của nhà văn, thánh địa Thăng Long - Hà Nội đã vượt qua biên độ của chính nó, hòa nhập vào hồn thiêng của dân tộc. Chính mạch ngầm của “những buổi ngày xưa vọng nói về” đã hun đúc nên hào khí và cốt cách người Hà Nội trong tác phẩm của Nguyễn Huy Tưởng. Khi ấp ủ dự định viết một trường thiên tiểu thuyết về Liên khu I, Nguyễn Huy Tưởng đã nghĩ đến cái tên: Thề với phố phường, rồi Sống mãi với phố phường và cuối cùng mới là Sống mãi với Thủ đô. Còn với truyện phim Lũy hoa, lấy từ cái “xương sườn” của Sống mãi với Thủ đô (theo cách nói của Nguyễn Tuân) đã bao quát toàn bộ Sống mãi với Thủ đô thể hiện trọn vẹn ý tưởng của nhà văn, với kết thúc ngày về chiến thắng của Trung đoàn Thủ đô, ban đầu có tên là Hoa trên chiến lũy. Như vậy nhan đề Sống mãi với Thủ đô và Lũy hoa được đặt bởi sự nung nấu, nghiền ngẫm trong tư duy sáng tạo của Nguyễn Huy Tưởng để cuối cùng có được cái tên vừa ý đặt cho những đứa con tinh thần của mình. Đó là những nhan đề vừa khái quát vừa gợi cảm, vừa đa nghĩa, vừa ấn tượng và đặc biệt rất Hà Nội, mang đậm dấu ấn lịch lãm, hào hoa của chủ thể sáng tạo, của một cái tôi nghệ sĩ hòa quyện với ý thức công dân và thiên chức của người trí thức - nhà văn Nguyễn Huy Tưởng thật sự ám ảnh và thuyết phục với người đọc.
Là một cây bút có kiến văn sâu rộng, am hiểu sâu sắc truyền thống lịch sử và văn hóa dân tộc, Nguyễn Huy Tưởng đã tìm thấy chất liệu thẩm mỹ cho sáng tác của chính mình. Bằng những liên tưởng, đối chiếu giữa kiến thức sách vở với những trải nghiệm trong cuộc đời, Hà Nội đã vào văn ông, làm nên “toàn bộ hồn cốt và đường nét trong văn ông”, khiến độc giả không chỉ thiện cảm với tác giả tiểu thuyết mà còn yêu quý hơn “Hà Nội - trung tâm tim óc của cả nước. Qua bao triều đại, chế độ, cái tim óc bền dẻo vĩ đại ấy đã đập đều trên chín thế kỷ rưỡi” như cảm nhận của Nguyễn Tuân và đến bây giờ, “cái tim óc bền dẻo vĩ đại ấy” đã đập đều đến nghìn năm Thăng Long, đến chẵn 10 thế kỷ.
Sống mãi với Thủ đô viết về giai đoạn lịch sử gần đây, một quá khứ gần với sự biến Hà Nội trong đêm nổ súng mở đầu cuộc kháng chiến toàn quốc vào cuối năm 1946. Nguyễn Huy Tưởng dự định dựng lại toàn bộ cuộc chiến đấu kéo dài sáu mươi ngày đêm của quân dân Hà Nội trong hai tập nhưng ông đã không kịp hoàn thành dự định của mình. Tuy Sống mãi với Thủ đô mới dừng lại ở tập một nhưng tác phẩm vẫn bộc lộ một sự hoàn chỉnh nhất định, vẫn có sức cuốn hút của một tiểu thuyết thực thụ.
Với Sống mãi với Thủ đô, Nguyễn Huy Tưởng không chỉ thành công trong phục dựng không khí bi tráng của lịch sử mà cả trong biểu đạt thế giới tâm hồn phức tạp, tinh tế của những nhân vật trong quá khứ, đưa tất cả trở thành sống động, như đang tái sinh trong đối thoại, tranh luận với người đọc ở thì hiện tại, mang ý nghĩa nhân bản, ca ngợi lòng yêu nước và sự sống con người. Với ngòi bút hào hoa, mẫn cảm, Nguyễn Huy Tưởng đã diễn tả được những nét sang trọng, lịch sự của người Hà Nội, sang trọng, lịch sự mà vẫn yêu nước, ghét chiến tranh, điều đó làm nên hương vị và màu sắc riêng, không lẫn với những bộ tiểu thuyết cùng thời.
Trong quá trình viết Sống mãi với Thủ đô, Nguyễn Huy Tưởng luôn tâm niệm: “Không vụ tài liệu mà chú trọng đến con người”, đến những khía cạnh có chiều sâu nhân bản. Đi suốt chiều dài của thiên tiểu thuyết là Trần Văn, một trí thức yêu nước, hiểu biết sâu sắc truyền thống lịch sử của dân tộc, khinh bỉ giàu sang, tự nguyện ở lại Hà Nội tham gia chiến đấu nhưng “tự đáy lòng, anh ghét chiến tranh, ghét cả cái tên của nó”. Cũng như Trần Văn, các học trò của anh trước giờ phút lâm nguy của Thủ đô đã quyết sống chết không rời Hà Nội. Nhưng trong thâm tâm Trần Văn “chợt thấy bất nhẫn không muốn để cho những người đang tuổi đi học kia phải xếp quyển vở lại để cầm một thứ vũ khí nào đó và không bao giờ trở lại dưới mái trường”. Với Trần Văn, những biến cố xảy ra trước và sau ngày toàn quốc kháng chiến như một định mệnh khiến anh luôn xuất hiện đúng lúc bên Trinh - người yêu cũ - trong những tình huống hiểm nghèo. Khi xảy ra tác chiến ở nhà máy đèn, chồng Trinh bị một tên lính Pháp bắn chết, Trần Văn đã ngẫu nhiên cứu được mẹ con Trinh ra khỏi hầm trú ẩn. Rồi sau một trận đánh, Trần Văn lại tình cờ gặp Trinh đang bế đứa con nhỏ trên tay, mệt mỏi, tuyệt vọng trong đám người hỗn độn chưa kịp tản cư. Lúc này, trước mặt anh “Trinh chỉ là một người cơ nhỡ, một nạn nhân của chiến tranh. Nhìn Trinh nhỏ bé trong bóng tối, lảo đảo vì mệt mỏi, khuỵu luôn, trật giày luôn, anh thấy ngậm ngùi thương xót. Anh nghĩ phụ nữ và trẻ con là những người phải chịu cái gánh nặng của chiến tranh nặng nề hơn cả, vì là những người yếu đuối nhất đời, mỏng manh như cái bóng nước chỉ một giọt mưa nhẹ cũng đủ làm cho tan đi như đã không có. Trong lúc này, giúp họ cũng lớn như đánh giặc”.
Sống mãi với Thủ đô bộc lộ rõ nét nhất đỉnh cao cũng như cái đích đi tới cuối cùng của Nguyễn Huy Tưởng, bởi tác phẩm đã có sự đan xen, hòa quyện giữa miêu tả sự kiện lịch sử với số phận cá nhân, vẻ đẹp lý tưởng với chiều sâu hiện thực, cảm hứng anh hùng ca, lãng mạn với cảm hứng trào lộng, bi hài. Theo quan niệm của một số nhà nghiên cứu hôm nay, có thể xếp tiểu thuyết này vào thể tài tự sự lịch sử, được hiểu như là “sự thu gọn của khái niệm tự sự về đề tài lịch sử”. Trong Sống mãi với Thủ đô lịch sử không chỉ là mục đích mà còn là chất liệu, chất liệu cho sự khái quát nghệ thuật. Từ cái nhìn này, có thể nhận ra trong Sống mãi với Thủ đô một nỗi băn khoăn của cái tôi nghệ sĩ về nhân tính, về lòng nhân ái. Từ những năm sáu mươi của thế kỷ trước với bản lĩnh của một nhà văn, trong Sống mãi với Thủ đô, Nguyễn Huy Tưởng đã cho thấy nỗ lực của người viết trong cách vượt thoát ra khỏi những “huyền thoại cộng đồng” về quá khứ, bắt đầu đề cập tới lịch sử văn hóa, lịch sử phong tục bên cạnh dòng chảy của lịch sử giữ nước, chống ngoại xâm. Và như vậy, trong di sản văn chương của Nguyễn Huy Tưởng, không thể không ghi nhận vai trò sáng tạo và trí tuệ cũng như nhân cách của một nhà văn, một nhà văn hóa.
Không phải ngẫu nhiên mà Văn Cao đã dành cho Nguyễn Huy Tưởng những câu thơ: “Cái chết của anh cái chết một nhà văn - không bao giờ là cái chết” bởi tác phẩm của ông đã lưu giữ hình bóng con người và không khí đặc biệt của một thời điểm lịch sử, sẽ còn Sống mãi với Thủ đô, với Thăng Long, Hà Nội.
Tác giả: Bích Thu
Ý kiến bạn đọc