Phê bình trẻ - “Đất quá hẻo!”

Thứ tư - 08/12/2010 09:32 5.523 0

Quầy sách lý luận rất ít sức hấp dẫn với bạn đọc.

Quầy sách lý luận rất ít sức hấp dẫn với bạn đọc.
Câu chuyện phê bình văn học trẻ tuy không phải là vấn đề mới mẻ nhưng lúc nào cũng gây nhức buốt đối với những ai quan tâm đến văn chương nước nhà hôm nay và cả tương lai, khi mà sáng tác trẻ thì ồ ạt tung ra thị trường một khối lượng khổng lồ tác phẩm đủ loại, còn phê bình trẻ cứ ngày một teo tóp mãi đi.

Thực trạng đáng buồn

Thời gian gần đây, không ít các hội nghị của hội chuyên ngành và cơ quan quản lý thường tỏ ra không mấy lạc quan về công tác phê bình từ đội ngũ đến công trình, tác phẩm, từ định hướng đến việc quan tâm đầu tư đào tạo bồi dưỡng thế hệ những người làm công tác phê bình văn học trẻ.

Có cảm giác rằng mặt trận phê bình từ trước đến giờ được sinh ra giống như sân bóng đá của một làng nào đó. Cả năm chỉ thi đấu một vài trận vào dịp lễ Tết hay hội hè, còn lại chỉ để cho trẻ nít trong làng chăn thả trâu bò hay làm gì cũng không sao, miễn là không đào đất sân bóng của làng đem về nhà mình lấp ao là được. Các nhà phê bình trẻ như những cầu thủ mới tập chơi bóng, mỗi năm chỉ có thể đá được một trận hoặc ngồi trên ghế dự bị cũng không sao, miễn là có tên trong danh sách cầu thủ. Như vậy thử hỏi có đáng buồn không?

Lý luận và Phê bình văn học là hai chuyên ngành tuy rất gần nhau nhưng không phải là một, có những điểm khác nhau, nhất là khâu "tác chiến" tại những điểm nóng của đời sống văn chương. Vì thiếu vắng phê bình hay phê bình trẻ nên việc bám sát đời sống văn chương nhiều khi phó mặc cho công chúng. Ai muốn đọc cái gì và hiểu thế nào thì mặc.

Ở ta trong vài chục năm trở lại đây có một chuyện rất khó hiểu là những cuốn sách mà cơ quan chức năng cấm không cho phát hành hoặc khuyên không bàn đến nhiều thì công chúng lại thích tìm đọc, còn các nhà phê bình cả trẻ lẫn già đều phải đứng ngoài cuộc, vì không được bàn. Nếu có viết thì cũng chẳng có báo nào in, đành chịu. Còn các nhà báo chạy sô tung hô lên đến mây xanh. Thử hỏi như vậy công chúng biết nghe và tin theo ai: cơ quan quản lý, nhà phê bình chuyên nghiệp hay các nhà báo chạy sô?

 Đến lượt mình, các nhà phê bình trẻ vừa phải bươn chải để sinh nhai, vừa viết phê bình mà vẫn bị các bậc đàn anh coi là "trẻ ranh", trứng khôn hơn vịt. Thử hỏi không có phê bình trẻ lấy đâu phê bình choai choai và phê bình già. Các bô lão phê bình thì chui vào tháp ngà làm sưu tầm, khảo cứu, biên soạn, chạy sô cho các các chương trình, dự án, đề tài, nói chuyện chuyên đề,...vừa an thân lại nhiều tiền mà không phải đối mặt với những cú va quệt ngoài ý muốn. Còn phê bình trẻ thì phải lo viết báo để kiếm sống, khi cao hứng viết được một bài phê bình thì bị chê bôi đủ điều.

Vì sao nên nỗi?

 

Không thể nói ai thích cũng có thể nhảy vào viết phê bình văn học được, đặc biệt với giới trẻ, điều này lại càng không thể. Bởi lẽ, ngoài một chút năng khiếu, lòng đam mê, phê bình văn học cần được đào tạo một cách bài bản như bất cứ một chuyên ngành nào của khoa nghiên cứu - lý luận - phê bình văn học (gọi là khoa Văn học). Thế nhưng, khoa Văn học ở tất cả các trường đại học và cao đẳng nước ta không có chuyên ngành đào tạo riêng cho những người làm phê bình văn chương đương đại, mà chỉ có bộ môn văn học hiện đại. Người ta chỉ coi văn học hiện đại là một đoạn, một mẩu của lịch sử văn học, chứ không phải của lý luận văn học, chứ chưa nói gì đến phê bình văn học. Theo đó, tiến trình văn học sử Việt Nam hiện đại được dạy trong hầu hết các trường là giai đoạn đổi mới, mốc cuối dừng lại ở 1991 - 1992 với các tiểu thuyết Bến không chồng, Mảnh đất lắm người nhiều ma, còn từ 1993 đến nay bị "đuổi" ra khỏi giai đoạn văn học hiện đại. Ai muốn biết thì tự đi tìm mà đọc, còn thầy chỉ dạy đến thế thôi. Vậy là các nhà phê bình trẻ tương lai đành "botay.com" với một lĩnh vực mà thiên địa tù mù quá mức như vậy.

Thứ nữa, đến khâu quảng bá tác phẩm phê bình trẻ: đầu ra. Cũng phải thừa nhận rằng một số báo chuyên ngành văn chương có dành một miếng đất "liền kề" nào đó cho phê bình văn học, nhưng cũng chỉ chiếm khoảng 1/8 - 1/16 hoặc 1/32, có khi là 1/50 diện tích báo, tức là không quá từ 1/3 - 1/2 trang. Ấy là chưa kể đến thù lao, nhuận bút cho một bài phê bình trẻ cả trang cũng khó mà vượt được cái ngưỡng vài trăm ngàn đồng. Phần lớn các báo hiện nay vẫn trả nhuận bút theo thứ hạng và thương hiệu tác giả, chứ ít khi theo chất lượng bài báo. Còn đối với nhà xuất bản thì phần lớn họ chỉ cấp giấy phép, còn tác giả tự in và tự lo phát hành.

Cuối cùng vẫn là tâm lý của số đông từ xưa đến giờ thích đàm tiếu, bàn góp chứ không bàn luận điều gì thật sự nghiêm túc cho ra đầu ra đũa, đi đến tận cùng để tìm căn nguyên, gốc rễ sự việc, hiện tượng. Các chuyện phiếm tếu táo,  chọc ngoáy gây sự tò mò, hiếu kỳ thì người ta thích đọc, thích nghe, còn những chuyện luận lý nghiêm túc thì khó lôi kéo sự chú ý. Điều này khiến các báo, nhà xuất bản cứ nhìn thấy bài phê bình và nhất là phê bình trẻ lại càng lắc đầu. Có không ít vị ca cẩm rằng, in phê bình nhiều chỉ tổ ế báo, sách giảm số lượng xuất bản, đói là cái chắc. Cả xã hội chỉ thích xài món văn chương "mì ăn liền" hay loại phim sitcom kiểu Thư giãn cuối tuần, nên phê bình trẻ ngày càng méo mó, teo tóp đi, cũng không lấy gì làm khó hiểu!.

Tác giả: Trà My

Nguồn tin: SKĐS

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây