Lối viết nước đôi hay ‘phép lợi thế’ trong 'Phiên bản'

Thứ tư - 22/12/2010 04:00 4.847 0

Bìa sách Phiên bản.

Bìa sách Phiên bản.
Nguyễn Đình Tú gia nhập làng văn bằng truyện ngắn nhưng trụ vững được nhờ tiểu thuyết. Với 5 tiểu thuyết đã ra mắt, anh sẽ còn gây nhiều bất ngờ cho bạn đọc và giới phê bình. Nói như thế có quá không? Tôi dám chắc là không!

Đến nay, nhà văn khoác áo lính này đã có 5 tiểu thuyết: Hồ sơ một tử tù (2002), Bên dòng Sầu Diện (2006), Nháp (2008), Phiên bản (2009) và Kín (2010).

Còn nhớ cách đây vài năm, khi mới quen biết Nguyễn Đình Tú, tôi có cảm giác đây là con người hiền lành, chân chỉ hạt bột. Đã thế lại về làm việc ở một cơ quan tuy là tạp chí văn nghệ nhưng vẫn là nơi “quân lệnh như sơn” (Tạp chí Văn nghệ Quân đội). Một nơi không quá khó khăn nếu kể về đường thăng tiến, khi người ta đến tuổi 50, trên cầu vai đã có quân hàm đại tá và biết đâu còn có chức này chức nọ. Nhưng dường như đã là nghệ sĩ nói chung và nhà văn nói riêng, tôi thấy chẳng mấy ai quá trọng công danh. Tuy nhiên đã là công chức, hơn nữa lại là sĩ quan quân đội, thì có lẽ cái ý thức tổ chức kỷ luật là rất cao. Vì thế mới thấy Nguyễn Đình Tú làm việc nghiêm cẩn. Cứ nghĩ cái tính ấy và nhất là cái môi trường làm việc ấy sẽ đào luyện cây bút này thành một người có thể lành nhưng không mạnh trong nghề văn. Ấy là nghĩ thế nhưng không phải thế!

Có thể nói Phiên bản là tác phẩm gây ấn tượng nhất trong số các tiểu thuyết của Nguyễn Đình Tú mà tôi đã đọc. Trước hết tôi tự nhận mình là người “bảo thủ”, ví như khi đọc truyện ngắn hay tiểu thuyết thì vẫn cứ thích tác phẩm phải có chuyện. Tại sao không?! Độc giả nhiều thế hệ vẫn còn say mê và nhớ như in câu chuyện tình nổi tiếng giữa nữ chiến sĩ Hồng quân xinh đẹp và dũng cảm Martyutka với viên sĩ quan Bạch vệ Otrok trong cuốn tiểu thuyết kinh điển Người thứ 41 của nhà văn Nga Boris Lavrenhjov. Hiện tại tôi đã có trong tay 4 trên 5 cuốn tiểu thuyết của Nguyễn Đình Tú và khi đọc, tôi thấy trước hết chúng hấp dẫn vì những cốt truyện khá điển hình. Xét về mặt cốt truyện, thì Hồ sơ một tử tù, Nháp, Phiên bản giống nhau ở tính chất phiêu lưu và tâm lý. Không phải không có người muốn hạ thấp ý nghĩa và giá trị của những tiểu thuyết được chế tác trên cơ sở một cốt truyện phiêu lưu - tâm lý, nên đã gán cho chúng một cái tên rất hình sự: Truyện vụ án. Chính nhà văn Nguyễn Đình Tú cũng đã hơn một lần bày tỏ quan điểm của mình về vấn đề này: “Theo tôi đề tài nào cũng đáng được các nhà văn khai phá, và khi nó được công chúng đón đọc thì có nghĩa là anh đã thành công. Dostoevsky viết Tội ác và trừng phạt, Kafka viết Vụ án, chẳng lẽ hai ông đó là nhà văn của những truyện vụ án? Ở ta có giải Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Giáo dục, Trung ương Đoàn và rất nhiều giải của các hội đoàn khác, chẳng lẽ cứ nhìn vào các đề tài đó mà xếp loại văn học sao? Cho nên hãy đánh giá tác phẩm bằng chính nội dung và nghệ thuật của nó chứ đừng căn cứ vào đề tài”. [1]

Nhưng dĩ nhiên sự hấp dẫn của một cuốn tiểu thuyết không hẳn là bởi có một cốt truyện hay, thậm chí là rất hay như Phiên bản. Điều cốt tử của tiểu thuyết, thiết nghĩ, là nhân vật và vấn đề của tác phẩm. Người đọc sẽ có nhiều liên tưởng về nhân vật Diệu (còn có hỗn danh là Hương ga) trong Phiên bản của nhà văn Nguyễn Đình Tú với Tám Bính trong Bỉ vỏ của nhà văn Nguyên Hồng. Hai nhân vật này có những nét tương đồng: ban đầu đều là những cô gái ngây thơ, trong trắng, nhiều khao khát hạnh phúc; về sau bởi nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan họ bị biến chất, tha hóa. Nhưng sự tha hóa của Tám Bính được cắt nghĩa bởi hoàn cảnh - cái hoàn cảnh mà đương thời nhà văn Vũ Trọng Phụng gọi là “một xã hội chó đểu” - còn sự tha hóa của Diệu thì được lý giải như là một định mệnh. Từ điển Tiếng Việt (Trung tâm Từ điển ngôn ngữ, Hà Nội, 1992) giải thích: “Số mệnh do một lực lượng huyền bí định sẵn, con người không cưỡng lại được, theo quan niệm duy tâm”. Nhưng sẽ thấy không duy tâm khi chúng ta thống nhất quan niệm con người ta tất thảy đều có số phận - mà số phận thì do tính cách quyết định, trong khi tính cách lại do hoàn cảnh chế định. Vậy là, nếu có cái gọi là định mệnh, thì theo tôi nhất định nó có liên quan chặt chẽ tới cái gọi là hoàn cảnh.

Nếu đọc lại tác phẩm của Nam Cao một cách kỹ lưỡng, chúng ta sẽ nhận thấy tác gia này rất quan tâm tới việc phân tích một cách nghệ thuật hoàn cảnh sống của con người để tìm ra mối dây liên hệ biện chứng giữa sự hình thành và phát triển của tính cách với hoàn cảnh (kiệt tác Chí Phèo là một ví dụ tiêu biểu). Nếu coi con người là một phiên bản của Chúa như tinh thần của Kinh Thánh thì sẽ thấy được những tiên tri trong đó là xác tín. “Hỡi các từng trời, hãy nghe; hỡi đất, hãy lắng tai; vì Đức Jehova có phán rằng: Ta đã nuôi nấng con cái, trưởng dưỡng chúng nó, song chúng nó dấy loạn nghịch cùng ta” (Kinh Thánh - Cựu ước: Các sách tiên tri). Cũng vậy trong Phiên bản có lời tiên tri của người bà nói với mẹ của Diệu: “Đất này dữ, trai hay gái đều thành nghịch tặc cả. Kiếp này coi như nó thế, có tránh cũng chả được. Thôi đừng khóc nữa, lên nhà đi ngủ đi”. Bà nói thế là vì bà đã biết nhà văn Nguyễn viết chuyện về cô Tám (ngụ ý chỉ nhà văn Nguyên Hồng và nhân vật Tám Bính trong tiểu thuyết Bỉ vỏ). Bà còn nhắc lại lời nhà văn Nguyễn: “Đất này nghịch quá, trước đây tôi tưởng tôi viết xong chuyện cô Tám là hết chuyện. Nhưng tôi nhận ra là không phải thế. Có lẽ tôi phải khảo sát lại để viết một cuốn khác về đất này. Còn nhiều cô Tám lắm!”. Dường như món nợ văn chương này của nhà văn Nguyễn đã đựợc một nhà văn thế hệ 7X người Hải Phòng trả hộ bằng một tiểu thuyết độc đáo có tên Phiên bản.

Trong Phiên bản, nhà văn Nguyễn Đình Tú cũng đã nhiều lần viện dẫn Kinh Thánh để tô đậm ý tưởng của mình khi viết (trang 135, 136, 389...). Khi xây dựng nhân vật Diệu, tôi thấy Nguyễn Đình Tú đã sử dụng phép ngẫu nhiên như là cách thức để khắc họa tính cách và số phận nhân vật này. Mở đầu cho những ngẫu nhiên trong số phận của nhân vật Diệu là việc bói hoa trúc đào trong buổi học cuối cùng trước khi quăng thân vào gió bụi cuộc đời. Bói để củng cố niềm tin là cả nhà sẽ đi thoát với giấc mơ đổi đời ở những miền đất hứa xa xôi (theo một kế hoạch vượt biên bằng đường biển). Nhưng rõ ràng là cái ngẫu nhiên này đã không đem lại may mắn cho gia đình cô. Sau cái tai họa khủng khiếp trên biển, chỉ một mình cô sống sót trở về trong đau đớn, ê chề. Và từ giờ phút đó cho đến ngày từ giã cõi đời, cái ngẫu nhiên cứ bám riết, cứ níu kéo và chi phối nghiệt ngã cuộc đời của Diệu. Nếu tin vào định mệnh thì có nghĩa là tin vào sức mạnh của cái ngẫu nhiên. Nhưng miêu tả cuộc đời và số phận một con người mà chỉ dựa hoàn toàn vào cái ngẫu nhiên thì khác nào những cầu thủ thiếu kinh nghiệm lạm dụng phép lợi thế trong bóng đá. Đó là chỗ yếu của các cầu thủ trẻ mới ra sân cỏ lần đầu. Nhưng rõ ràng nhà văn Nguyễn Đình Tú không còn là một cầu thủ trẻ mới ra sân bãi lần đầu. Vậy nguyên cớ gì mà nhà văn lại triệt để lợi dụng cái ngẫu nhiên để kể về cuộc đời và số phận của nhân vật Diệu? Tôi nghĩ đây là một lối viết nước đôi của nhà văn - tất cả đều chông chênh - như cách nhận định của nhà phê bình văn học Đoàn Ánh Dương, mà theo tôi là hết sức sắc bén: “Phiên bản không vạch ra cho người ta con đường sáng rõ để đi tới hạnh phúc (...). Phiên bản không chủ đích vào việc lột hiện con đường đến hạnh phúc, đến sự thức nhận tội lỗi và cải hối (...). Tiểu thuyết là một phản tỉnh nhận thức, bằng cách lột hiện tất cả sự phi lý và trớ trêu của cuộc đời”. Vì thế có thể nói, trong Phiên bản, Nguyễn Đình Tú đã lồng ghép cái ngẫu nhiên và cái phi lý thành như một thực thể sống và nhấn chìm nhân vật của mình vào trong đó. Vì thế nên không là vô cớ khi có người xếp tiểu thuyết Phiên bản của nhà văn Nguyễn Đình Tú vào phạm trù văn học phi lý.

Phiên bản là một tác phẩm văn chương, như tôi hiểu, được viết theo tinh thần mà văn hào Mỹ W. Faulkner (1897- 1962) đã khẳng định trong bài diễn từ của ông tại lễ nhận giải thưởng Nobel văn chương năm 1949: “Bi kịch ngày hôm nay của chúng ta là nỗi sợ hãi chung và phổ quát mà chúng ta đã chống đỡ lâu đến mức ngay cả giờ đây chúng ta vẫn có thể chịu đựng nó. Không còn những vấn đề của tinh thần nữa. Chỉ còn một câu hỏi: Bao giờ ta sẽ nổ tung đây? Vì lẽ đó, người cầm bút trẻ tuổi hôm nay đã lãng quên những vấn đề của tâm hồn con người trong cuộc xung đột với chính nó, điều duy nhất có thể tạo ra tác phẩm hay, bởi chính đấy là điều duy nhất đáng để viết, đáng để thống khổ và nhọc nhằn” [2].

Vấn đề mà nhà văn Mỹ nhấn mạnh ở đây - những vấn đề của tâm hồn con người trong cuộc xung đột với chính nó - có thể hiểu là quá trình tẩy rửa tâm hồn (hay là thanh lọc hoặc thanh tẩy tâm hồn). Rõ ràng chủ đề thanh tẩy được nhà văn Nguyễn Đình Tú triển khai quy mô và hệ thống từ Hồ sơ một tử tù, Nháp, đến Phiên bảnKín. Lẽ đương nhiên khi triển khai chủ đề này nhà văn sẽ có cơ hội tạo cho tác phẩm của mình có được cái cảm hứng văn hóa và nhân văn - cái cảm hứng có thể nói là rất quan trọng, thậm chí có thể coi là thước đo tầm vóc năng lực sáng tạo.

Một cuốn tiểu thuyết hấp dẫn còn nhờ vào nghệ thuật kể chuyện của tác giả. Nhà văn Ma Văn Kháng trong bài Phiên bản, một mệnh đề mang tính tường luận lý thú, in đầu tiểu thuyết đã nhận xét: “Cuốn sách có 31 khúc, được sử dụng với 3 ngôi kể khác nhau, giống như một bản nhạc nhiều bè, khai mở nhiều lối đi vào chiều sâu tâm lý nhân vật”. Một khi có nhiều giọng kể tức là có nhiều góc nhìn, nhiều quan điểm và vì thế cũng sẽ trở nên cởi mở trong đối thoại. Hay nói cách khác Phiên bản là tác phẩm có tính đối thoại, nó phù hợp với tinh thần đối thoại của thời đại. Tôi nghĩ đối thoại trong Phiên bản là đối thoại ở cấp độ lớn - hiểu là sự đối thoại về những vấn đề lớn của cõi người, kiếp người; về nhân tình thế thái, về ý nghĩa của sự sống và cái chết, về tội ác, về khát vọng hoàn lương của con người...

Đọc Phiên bản của nhà văn Nguyễn Đình Tú tôi chợt nhớ tới ý kiến của nhà văn Bùi Hiển (1919- 2009) trong bài tiểu luận văn học rất thú vị Cánh cửa sổ mở ra cõi mung lung: “Đúng ra có thể nói: mở vào. Vì cái chốn mung lung cần phải soi rọi vào ấy, lại chính là tâm hồn, tâm thức, tâm linh, là những điều gì diễn ra trong tầng sâu ý thức, trong bộ não, trái tim con người trước khi thể hiện ra ngoài (mà cũng có thể không thể hiện) bằng cử chỉ và hành động (...). Văn học, với chức năng của nó là khám phá bản thể con người (song song với việc khám phá ngoại giới), lẽ tự nhiên nó rất khát khao soi tìm vào những miền uẩn áo của nội tâm, vào những động cơ thầm kín đến mức tăm tối của những ứng xử ý thức: các hiện tượng mà người ta gọi siêu tâm lý” [3].

Tôi cứ nghĩ trước khi đặt bút viết Phiên bản cũng như các tiểu thuyết khác, có lẽ nhà văn Nguyễn Đình Tú cũng đã từng trăn trở với câu hỏi có tính nghề nghiệp, có tính nghệ thuật: Hướng về đâu, tiểu thuyết?

Hà Nội, Thu 2010
Bùi Việt Thắng
Nguồn: eVan

[1] Hồ sơ một tử tù - NXB Công an nhân dân, 2006. Phần Hai: Tác phẩm và dư luận, trang 305
[2] hững bậc thầy văn chương thế giới - Tư tưởng và quan niệm, NXB Văn học, 1995, tr.236
[3] Hướng về đâu, văn học ? NXB Hội Nhà văn, 1996, tr.175- 176

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây