'Thế giới xô lệch' với những khoảng cách đầy bóng tối và gió

Thứ tư - 24/02/2010 17:39 2.281 0

'Thế giới xô lệch' với những khoảng cách đầy bóng tối và gió

Từ đâu, do nguyên nhân nào, cái trần gian bình thường trong sự tiến hoá và bất trắc thường xuyên này được Bích Ngân gọi tên là “Thế giới xô lệch”? Xô lệch như một quy luật vĩnh hằng hay xô lệch chỉ thuộc về một thời đoạn với biến cố nào đó chăng?

Có lẽ đúng hơn, đó là cái thế giới trong mắt nhìn của nhân vật trung tâm trong tiểu thuyết, nhân vật kể lại chuyện quanh mình, biến cố đời mình, từ dòng đầu cho đến dòng cuối cuốn sách 309 trang. Đôi mắt nhìn của anh vẫn tinh tường, nhưng vị trí của điểm nhìn vốn có đã bị cái tàn khốc của đạn bom chiến tranh biên giới hạ thấp xuống. Quả mìn tàn ác nào đó đã phạt ngang, xé nát đôi chân của anh, chỉ chừa lại hai khúc đùi còn nối vào phần trên của thân thể may thay vẫn không thương tích. Vì vậy, ở nghĩa đen của từ ngữ, vị trí đôi mắt vốn ở tầm cao trên một mét sáu mươi, không kể chiều cao của vầng trán và đỉnh đầu, sau tiếng nổ của quả mìn ác nghiệt, sau khi được đưa về bệnh viện với hai lần phẫu thuật, chỉ còn lại ở vị trí hơn một mét. Nhưng anh thương binh trẻ tuổi ấy không còn là một đứa trẻ lên bảy, đôi mắt trong veo, với chiều cao toàn thân hơn một mét như vậy! Anh, chàng trai to cao, đã trở nên một kẻ tật nguyền, cụt cả hai chân đến tận đùi, đến mức cả cặp đùi cũng chỉ còn là hai khúc ngắn với hai mõm sẹo. Phạm vi xê dịch của anh hẹp lại, tầm nhìn cũng chỉ trong phạm vi ấy. Và phải chăng, với dụng ý nghệ thuật, trong văn cảnh nhất định, Bích Ngân đã để cho nhân vật chính của tiểu thuyết nhìn thế giới ở vị trí điểm nhìn quá thấp, và thế giới trong tầm nhìn của nhân vật cũng chỉ quanh quẩn, bó hẹp trong phạm vi những người thân, kể cả một chị dâu, một anh rể và người vợ mới cưới của chính anh, cô gái chấp nhận lấy anh khi anh đã bị thương tật...

Quả là khó khăn biết bao khi muốn làm sao cho thế giới của một con người khỏi trở nên xô lệch sau tiếng nổ của quả mìn phạt đứt, xé nát đôi chân! Đau đớn thay, một người trai trẻ với ước vọng đi khắp các đại dương và đã cầm được giấy báo đỗ vào một trường đại học hàng hải, lại rơi vào bi kịch do chiến tranh biên giới mang lại, đến mức anh phải chấp nhận số phận với hoàn cảnh sống mà ở trong điều kiện của hoàn cảnh bị bó hẹp ấy, điểm nhìn của anh chỉ ngang tầm bụng người khác, tầm nhìn anh không xa quá những người thân, đến mức anh thấy rõ như ám ảnh thường trực về những quãng cách ngập đầy bóng tối và gió, giữa những người thân yêu, cũng như trong khoảng không gian trước và sau họ! Nhưng mặt khác, khi đôi chân không còn nữa, anh bị số phận buộc phải ngước nhìn lên những gương mặt đầy thương yêu, ân cần với tư thế của cái nhìn ngưỡng vọng.

Thật ra, đó là trạng thái tâm lý tự nhiên của con người bị cụt cả hai chân. Bích Ngân chỉ làm công việc phân tích tâm lý rất thật của một thương binh trẻ trong tình trạng tật nguyền như vậy. Cô không đeo vào đôi mắt bất kỳ cặp kính màu nào khi quan sát, phân tích. Và qua đó, cô xây dựng thành một biểu tượng, xác lập một điểm nhìn nghệ thuật và một không gian nghệ thuật, nhằm cung cấp cho người đọc cái nhìn cận cảnh về một gia đình với các thành viên của nó, gồm cả bà nội nuôi cùng cháu ruột của bà, và một người lái xe thường xuyên đến nhà. Trong gia đình ấy, anh thương binh trẻ là đứa con trai út, được tất cả mọi người thân thương yêu, san sẻ, chăm sóc, kể cả việc chọn vợ cho anh, khi anh cảm thấy mình cần lấy vợ!

Có gì bất công, tàn nhẫn lắm không, khi chọn lựa một biểu tượng nghệ thuật như vậy? Theo lẽ thường của đạo lý và theo thủ pháp biểu hiện thường thấy của thơ ca bi tráng, cho dù người thương binh cụt cả hai chân, anh vẫn có tầm cao của một người lính đã hy sinh vì Tổ quốc. Tầm cao ấy cao vượt cả mọi tầm cao nhất của sự suy tôn. Nhưng Bích Ngân nhìn nhận nhân vật bằng nhãn quan hiện thực với bi kịch rất thật của nhân vật. Dẫu sao, ấn tượng từ biểu tượng ấy vẫn cứ khắc sâu vào tâm trí người đọc, thật khó phai mờ.

Không gian nghệ thuật của Thế giới xô lệch cũng không có gì lạ lẫm, khốc liệt, mặc dù đó là ngôi nhà hai tầng thuộc diện tiếp quản từ chế độ cũ với một gia đình cán bộ cấp tỉnh, có bóng tối và gió giữa những quan hệ ruột thịt, vợ chồng, ân nghĩa, trước mặt và sau lưng họ.

Người cha của gia đình đúng là một cán bộ mẫn cán, biết lo cho dân, không quên ân nghĩa với người lính đã hứng trọn quả lựu đạn cho ông thoát chết, không quên những người mẹ chiến sĩ cưu mang cán bộ thời chiến tranh. Ông cũng tìm người cha ruột đã bỏ rơi ông khi ông mới vài ba tuổi đầu, để đưa về nhà nuôi dưỡng, mặc dù cha ruột của ông là một tay sinh sống trọn đời bằng nghề đánh bạc, đã có vợ nhỏ, với hai đứa con nay đã xấp xỉ tuổi ông (một người đã vượt biên), và cha ông đến khi mất vẫn là tín đồ của Chúa. Duy có điều là bàn thờ cha, ông đặt ở vị trí quá cao, lạnh tanh hương khói, bụi bặm phủ đầy. Có lẽ ông khó xử trong vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo và quan niệm sống không tín ngưỡng, không tôn giáo. Nhưng rồi ông cũng làm lễ giỗ cha mình theo truyền thống, và đi tìm mộ mẹ ruột đã mất từ khi ông còn tấm bé, để bốc mộ, cải táng. Ông còn đúng là một cán bộ liêm khiết, cần kiệm, đến mức không dám lãng phí của công. Chiếc xe hơi được cơ quan cấp cho ông, nhiều khi ông không muốn bảo tài xế cất công nổ máy chở ông đi, nếu quãng đường không xa, ông tự thấy có thể đi bộ được. Người tài xế khá giỏi trong nghề cầm vô-lăng, biết chìu ông thứ nhạc không lời ông yêu thích, lại biết cả cách ăn cắp xăng để chạy xe thồ chở khách, nuôi vợ con, biết cách khai khống chi phí sửa chữa xe để tư túi. Nhân vật lái xe này càng làm sáng tỏ nhân cách đáng quý của người cha cậu út thương binh.

Người mẹ của gia đình có ba mặt con còn sống, hai người đã có gia thất riêng và cậu út thương binh cụt cả hai chân, bà ngày ngày chăm sóc. Đó là một người phụ nữ rất Việt Nam, hình như chưa bị lây nhiễm cách sống của phụ nữ thời nay. Bà luôn yêu kính chồng và thương đàn con đến mức quên mình. Bà xin nghỉ công tác ở cơ quan nhà nước để lo việc nội trợ, chăm sóc cậu con út thương tật, và cần cù kiếm thêm tiền thu nhập cho gia đình bằng cách ngày ngày ngồi chạy máy khâu, may gia công quần đùi cho một cơ xưởng sản xuất áo quần may sẵn.

Có điều, ba người con của họ không được như họ. Người thương binh trẻ tuổi, với trạng thái tâm lý trầm uất của mình, đã chua xót, tủi phận khi nghĩ về người mẹ cao quý nhưng không được số phận bù đắp, “người mẹ của những đứa con không còn chung sống trong một mái nhà: một đứa chết khô khi còn nằm trong bụng mẹ, một đứa con gái lầm lạc, một thằng con trai lạc lối; và một thằng con út có đôi chân đã hoá bùn” (tr. 156).

Người chị của cậu út là một người đàn bà trẻ lãng mạn, dám ngoại tình và không mặc cảm khi ly hôn, mặc dù đã có một mặt con. Đó là một cán bộ nữ của một cơ quan tuyên truyền, cổ động, thích đọc sách và triết lý vụn.

Người anh của cậu út khác với cha mình, không muốn sống thanh bạch như cha. Anh ta nhờ uy tín của cha để lên chức nắm quyền trong ngành giao thông. Anh ta tham ô, xén bớt ngân sách, kinh phí nhà nước để xây nhà, dựng cửa thật sang giàu. Hẳn không ai dám đụng đến anh ta cũng nhờ uy tín của người cha. Bích Ngân viết về nhân vật người anh này, thông qua ngôn ngữ nội tâm của cậu út thương binh: “Thằng con trai lành lặn thành đạt của ông thì lợi dụng uy tín của cha để bôi trơn cho các mối quan hệ và mau chóng có được vị thế của một ông chủ” (tr. 282); “Xe ô tô không nhiều nhưng là phương tiện không thể thiếu của quan chức đầu ngành, đầu cấp và của những kẻ mới giàu lên như anh tôi... Đôi lúc tôi không ngăn được ý nghĩ hằn học tối tăm là, chính bánh xe của những chiếc ô tô bóng loáng như chiếc xe anh tôi đang đi đã cán nát, đã lấy đi đôi chân tôi. Đôi chân tôi không chỉ bị huỷ hoại một lần” (tr. 256). Anh ta cũng tìm cách “hạ cánh” an toàn. Vẫn ngôn ngữ của cậu út, Bích Ngân viết: “Ba tôi vẫn ngồi lặng im. Anh tôi tiếp tục nói. Anh bộc bạch những điều gan ruột với cái thế chủ động của một kẻ biết rõ việc mình làm, và việc làm đó đã biến anh thành một kẻ chiếm hữu tài sản công một cách hiển nhiên, giàu lên một cách hiển nhiên và đang chuẩn bị chu tất một chuyến “hạ cánh” an toàn” (tr. 292).

Có lẽ Bích Ngân đã dành khá nhiều trang sách cho mối quan hệ giữa cậu út thương binh và cô gái chấp nhận kết hôn với anh. Đó là cô gái quê mồ côi, từng khiến cha anh cám cảnh vì cũng cùng thân phận côi cút. Cô không may mắn được ăn học như cha anh, và hiện đang là người làm công việc giao nhận hàng gia công may mặc, nối liền cơ xưởng may với bà mẹ cậu út thương binh. Cô chừng như mù chữ, không làm nổi các phép tính sơ đẳng trên bảng đen. Chính vì cám cảnh mồ côi, và theo nếp nghĩ của cán bộ, người cha cho rằng khi cô đã là con dâu, cần phải làm việc nhà nước, học bổ túc văn hoá để tiến thân, ít ra là có môi trường để rèn luyện. Không hiểu anh lái xe ít nhiều đã tác động vào vụ việc này có chút tư tình nào với cô con dâu này không. Nhưng rõ là cô không còn giữ mãi phẩm chất của cô gái quê khi đã thành nhân viên tiếp tân, bưng bê ở căng-tin cơ quan, nơi đã trở nên chỗ vừa phục vụ nội bộ vừa mở rộng kinh doanh ra ngoài. Cô học đòi trang sức, phấn son, sơn móng tay, móng chân. Cô trốn học bổ túc văn hoá để đi học khiêu vũ. Cô cần bạn nhảy trong khi chồng là người cụt hai chân, chỉ còn hai khúc đùi ngắn! Chỉ nội trong hành vi này thôi, cho dù vô ý hay cố tình, cô vợ trẻ ấy cũng đã quá độc ác!

Theo mạch ngôn ngữ nội tâm của nhân vật anh thương binh trẻ tuổi, Bích Ngân cho người đọc biết chính anh đã có ý định cưới vợ trong sự ái ngại, thương xót của cả nhà. Anh cưới vợ vì nhu cầu là cần có vợ, hiểu theo nghĩa sinh dục, hơn là nhu cầu tinh cảm, mặc dù đời sống tinh thần của anh vốn không nông cạn và kém tinh tế. Cũng như chị mình, anh vốn đọc nhiều sách, thừa hưởng chút gien năng khiếu âm nhạc từ người cha và cả ở người mẹ. Nhưng số phận đã khắc nghiệt với anh, anh đành chấp nhận như thế. Những trang viết theo ngôn ngữ nội tâm của chính nhân vật, trên nhiều trang tiểu thuyết của Bích Ngân, cho người đọc thấy quan hệ tính dục vợ chồng giữa hai người trẻ tuổi mới cưới nhau này cơ chừng lấn át quan hệ tình cảm, chăm lo, yêu thương, quan tâm lẫn nhau. Thật ra, không phải ngay từ đầu đã xuất hiện quãng cách giữa họ, không phải đột nhiên bản chất đua đòi ở cô vợ trẻ này bộc phát. Rồi kết cuộc cũng chưa có sự tan vỡ. Bi kịch là chỗ, anh thương binh trẻ tuổi nhận ra giới hạn của mình và sự sai lầm khi để cô đi làm ở căng-tin... Bi kịch hơn nữa, ấy là khi anh thương binh chấp nhận giới hạn ấy, cái giới hạn nghiệt ngã do số phận mình. Nếu triết lý “chấp nhận giới hạn” của người chị ngoại tình, ly hôn, là cam chịu “cái chết” (theo nghĩa bóng) của người tình, thì ở cậu em thương binh lại đượm nét tủi phận, đâm ra đay nghiến chính mình, khi ngày càng nhận ra cô vợ chân quê của mình đang học đòi làm thị dân, và nguy cơ nhiều hơn, đó là sự phản bội đang chờ phía trước: “Tôi cũng nhận ra được cái giới hạn mà mình không thể vượt qua, kể cả sự tham lam vô độ của kẻ tật nguyền cứ khư khư đòi sở hữu trọn vẹn vừa tâm hồn vừa thân xác của một người đàn bà sung mãn đang khát thèm một cuộc sống quá đỗi trần tục” (tr. 276). Cái giới hạn ấy, không phải do anh thương binh trẻ thiếu khả năng sinh dục, mà chính vì anh không còn nguyên vẹn đôi chân để có thể cùng vợ tiến thân trên đường quan chức như người cha của anh, hay chí ít anh cũng có thể đi đứng hoạt bát, năng động trong mọi công việc xã hội, kinh tế như những người bình thường. Và hẳn cô vợ đua đòi này không thấy hình mẫu lẽ ra cô nên yêu thích: Người chồng thương binh sẽ là chuyên viên lập trình hay người thợ xếp chữ vi tính có đủ trình độ văn hoá cần thiết, ngày ngày âm thầm lặng lẽ bên dàn máy, anh và chị người thương binh đã sắm cho anh. Điều đó khiến anh cũng bị thui chột cả chút năng lực có thể còn lại ở anh. Anh đâm ra thích chơi trò chơi điện tử hơn là gõ phím, đánh chữ các văn bản để kiếm tiền hay trau dồi kiến thức, kỹ năng vi tính. Anh tệ hơn là anh tưởng, trong tình cảnh thương tật và quan hệ vợ chồng kiểu này. Giá như anh có một người vợ trẻ không đua đòi, số phận anh đã khá hơn. Nhưng cuộc đời không cho anh chút hạnh phúc mà nhiều người trong tình cảnh như anh đã có được.

Bích Ngân đã tinh tế dẫn dắt người đọc đi qua những trang tiểu thuyết của cô, chỉ với một ngôn ngữ nội tâm của nhân vật anh thương binh trẻ. Tất cả “thế giới xô lệch” của anh là những gì chủ yếu diễn ra trong ngôi nhà hai tầng cũ kỹ cùng với dăm bảy cảnh ở nhà người anh, ở phòng riêng dành cho nhân viên, cán bộ độc thân trong cơ quan người chị, ở quán hủ tiếu gần nhà hay ở rạp hát, ở thành cầu bắc ngang sông. Đó là những nơi anh trải qua và ghi nhận được từ những chuyến đi hiếm hoi của kẻ phải được bồng bế lên xe như trẻ con hay tự đi xe lăn trong một cơn liều mạng do đau đớn trong quan hệ vợ chồng. Tất cả “thế giới xô lệch” ấy, nếu không có sự ân cần, san sẻ giữa những thành viên ruột thịt và con chó Phèn trung thành, hẳn anh thương binh trẻ không thể sống nổi. Như đã nói, câu trích đề từ chữ trắng trên nền đen ở phần gấp bìa một cuốn tiểu thuyết đã thể hiện rõ điều đó. Và đoạn trích ở bìa bốn: Trên tấm ảnh cưới, anh thương binh hình dung ra trong trí tưởng, những quãng cách giữa những người thân yêu (có cả vợ anh), những khoảng không gian trước họ, sau họ, vốn được anh cho là đầy gió, đầy bóng tối, ngỡ gợi lên trong người đọc sách về nỗi cô đơn của mỗi nhân phận và cả về dĩ vãng cũng như tiền đồ bất hạnh của họ. Thật ra, khi đọc xong tiểu thuyết Thế giới xô lệch cũng không khiến chúng ta phải rơi vào dự cảm bất an, đen tối đến mức như thế, cho dù bất an, đen tối là những dự cảm có cơ sở từ người anh, người chị, người vợ của anh thương binh trẻ. Thật ra, trong thế giới xô lệch ấy, vẫn còn hiện hữu vài con người cao quý, và tràn ngập, thấm đẫm lên tất thảy các thành viên là sự san sẻ nồng ấm, mát rượi.

Còn có một điểm khác, có lẽ Bích Ngân muốn neo lại cho người đọc tìm lời đáp, ngay ở phần đầu tiểu thuyết. Đó là sự biến mất chuỗi tràng hạt màu nâu và bức chân dung đức mẹ Maria, thường dùng để cầu kinh, vốn không rời khỏi người ông nội của anh thương binh (tr. 67). Sau khi ông qua đời, lúc tẩm liệm ông, cả nhà mới phát hiện ra điều đó. Và không một ai có thể tìm thấy. Mãi cho đến khi gần kết thúc tiểu thuyết, lúc chuẩn bị cải táng di cốt của bà nội (mẹ của thân sinh anh thương binh), sự biến mất chuỗi tràng hạt với chân dung đức mẹ Maria một lần nữa lại xuất hiện, xuất hiện như nhắc lại, và cũng không một lời giải đáp (tr. 262). Chắc hẳn lời giải chính là ngăn tủ không thể tìm ra chìa khoá (cũng mất cả chìa khoá!), phải dùng búa để mở, chỉ gồm những hình vuông được xếp bằng giấy vụn, trống rỗng, và những bao ni-lông phế thải được gom nhặt một cách vô nghĩa, của một người già buồn tẻ, dằn vặt, lấn cấn, không biết làm cách nào cho qua ngày tháng nặng nề. Phải chăng người ông nội ấy cũng thật sự không còn giữ lại gì cả, kể cả chuỗi tràng hạt với chân dung đức mẹ Maria? Hay đánh dấu hỏi sát với sự thể hơn: Ngay cả giấy vụn, bao ni-lông vụn cũng là báu vật giải trí của ông, ông còn giữ kỹ, thì chuỗi tràng hạt với chân dung Maria kia, sao ông không giữ? Phải chăng ông đã quẳng chúng cùng với chiếc chìa khoá hộc tủ đi, để nhẹ bớt sự lấn cấn, hay do ông cũng không còn tìm thấy chút an ủi thần bí nào ở đó? Hay chỉ đơn giản là ông đã đánh rơi đâu đó ở ảng nước... Nhưng như thế thì vẫn cho là có thể tạm yên lòng với lời giải đáp. Có điều, không hiểu sao giọng ông cha xứ với câu kinh trong buổi an táng ấy, “kẻ mù loà giờ mới tìm thấy ánh sáng của thiên đàng”, lại một lần nữa trở lại, thành những dòng kết thúc tiểu thuyết: “Tôi chợt nhớ cái ngày ảm đạm đưa ông tôi về với đất. Rồi tôi lại nhớ lời nói đều đều vô cảm của vị linh mục về thứ ánh sáng thiên đường. Và tôi nhận ra, thứ ánh sáng ấy, có lẽ không chỉ có ở thiên đường mà đang tràn ngập ở đây, trên mặt đất này, nơi những con người lạc mất nhau đã tìm thấy nhau” (tr. 309). Đó là lúc cả đại gia đình đang bốc mộ bà nội, theo nghi thức tinh giản của tín ngưỡng thờ cúng ông bà truyền thống, với lễ vật có ý nghĩa như giáo cụ trực quan, nhắc nhở người sống về sự chăm lo, ân cần và thiết thực: “một li nước trắng, một li gạo để cắm nhang, một [đôi] cây đèn cầy, một dĩa trái cây, một xấp [giấy] tiền, một đôi dép, một bộ áo quần, một ngôi nhà, [đều bằng giấy], và sau cùng là bức vẽ tượng trưng cho chân dung của bà tôi mà chị tôi đã vẽ theo trí tưởng tượng của mình...” (tr. 306). Phải chăng, Bích Ngân muốn gợi mở đến thứ ánh sáng tâm linh của Con Người và Mặt Đất?

Và điều cuối cùng của bài viết này lại vẫn là điều thứ nhất. Thật không yên tâm chút nào, vì có thể điểm nhìn nghệ thuật trong tiểu thuyết Thế giới xô lệch, theo chủ quan của riêng tôi, nó đã được nhà văn nữ Bích Ngân xác định ở vị trí đôi mắt của một thương binh trẻ bị quả mìn chiến tranh phạt đứt, xé nát đôi cẳng chân đến tận bắp đùi, và hai bắp đùi cũng chỉ còn hai khúc ngắn với hai mõm sẹo. Nhãn quan của nhân vật do đó bị hạ thấp, tuy sắc bén nhưng cũng hơi quá đen tối, lại hơi nặng ẩn ức tính dục, tự ti cùng tự tôn xen lẫn. Và cũng với điểm nhìn nghệ thuật ở vị trí thấp ấy, phạm vi “thế giới xô lệch” vì vậy cũng bị bó hẹp trong quan hệ gia đình, theo tâm lý tự nhiên và theo điều kiện, hoàn cảnh của một người tật nguyền. Cách viết về một nhân vật hiện thực như thế là không sai, nhưng trái với sự suy tôn, đề cao thường thấy theo đạo lý một cách rất sử thi, đối với một người đã hy sinh một phần xương thịt cho Tổ quốc. Tuy nhiên, đó vẫn là hai bình diện khác nhau! Trong văn chương, cũng vừa có khuynh hướng sử thi ca ngợi, cũng vừa có khuynh hướng hiện thực nghiêm ngặt. Dẫu sao, điều đó, đối với Bích Ngân có thể là hoàn toàn bất ngờ, như nhiều tác giả khác đã bất ngờ trước các phát hiện có tính chất đồng sáng tạo của người đọc, người phê bình. Tôi thấy cần lặp lại điều này như lãnh phần trách nhiệm về mình - người viết bài phê bình này, chứ không phải đổ lỗi cho Bích Ngân. Vả lại, câu trích đề từ của Bích Ngân đã sáng rõ thế kia: Sự san sẻ cứu giúp “thế giới xô lệch”!

Cũng cần nói thêm một chút nữa: Điểm nhìn của nhân vật không phải là điểm nhìn của tác giả. Tài năng tiểu thuyết của Bích Ngân thể hiện ở khả năng đi sâu vào các trạng thái tâm lý của nhân vật với các ngõ ngách, chiều kích của “thế giới xô lệch”. Trước hết, đó là thế giới nội tâm, tâm - sinh lý song hành, biện chứng, một cách cụ thể, sinh động. Thứ đến, đó là ngoại cảnh với những người thân, bóng dáng xã hội được phản ánh trong thế giới nội tâm ấy. Dĩ nhiên thế giới nội tâm - ngoại cảnh không thể tách bạch như thế. Khi nói đến nội tâm là mặc nhiên bao gồm cả ngoại cảnh được phản ánh, khúc xạ vào đó rồi… Và bản lĩnh của tài năng Bích Ngân là không biến nhân vật trở thành “cái loa của chính tác giả” (cụm từ thường đọc thấy trong lý luận - phê bình trước đây). Với điểm nhìn toàn tri, thấu thị của tác giả, Bích Ngân nhập thân vào nhân vật câu út thương binh, viết thay cho nhân vật ấy, và luôn ý thức rằng nhân vật là hình tượng do Bích Ngân phản ánh, sáng tạo, vừa mang tính khái quát cao, vừa được cụ thể hóa, mang bản sắc riêng như một sinh mệnh riêng, với điểm nhìn riêng, các tầm mức rất riêng của chính nhân vật cậu út thương binh ấy. Cũng theo đó, cách xây dựng một tiểu thuyết không cần đến các mâu thuẫn kịch tính (thậm chí khi mâu thuẫn ấy xuất hiện ở gần cuối sách, chưa đến cao trào, thì tiểu thuyết cũng kết thúc), cùng với lối hành văn theo ngôn ngữ nội tâm của nhân vật, khiến cho tiểu thuyết Thế giới xô lệch có chút gì gần với các ngâm khúc cổ điển, trường ca thơ. Ngôn ngữ của một người chuyên viết văn xuôi Bích Ngân ở tiểu thuyết này có nhiều trang cũng đậm đà, lóng lánh chất thơ.

Tác giả: Trần Xuân An

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây