Đôi điều suy nghĩ từ một mùa tiểu thuyết

Thứ hai - 17/08/2009 11:33 2.422 0

Đôi điều suy nghĩ từ một mùa tiểu thuyết

Dù năm qua chưa có tác phẩm thực sự nổi bật nhưng tiểu thuyết vẫn chứng tỏ vai trò “chiếc máy cái” so với các thể loại khác và luôn nhận được sự quan tâm, chú ý của cả phía nhà xuất bản lẫn người đọc.

Nếu trước đây, nhà văn viết tiểu thuyết ở độ tuổi hai mươi, ba mươi không nhiều thì vài năm trở lại đây, người ta nghĩ đến “thời của tiểu thuyết trẻ” bởi sự tiếp nối của hàng loạt cây bút thế hệ 7X, 8X. Sự phong phú đa dạng của tiểu thuyết được thể hiện trong các khuynh hướng, phong cách, lối viết cũng như thể tài. Dường như các nhà tiểu thuyết luôn ngầm lựa chọn một trong hai hướng: truyền thống hay cách tân. Bên cạnh đó, xu hướng tiểu thuyết thương mại, tiểu thuyết thông tấn cũng đang hình thành, dần chiếm lĩnh độc giả.

Các tiểu thuyết tiếp nối truyền thống ở cách viết và phương thức tiếp cận hiện thực thường đề cập đến việc nhận thức lại lịch sử một cách ráo riết với tinh thần sòng phẳng trước quá khứ. Một số cuốn dễ khiến người ta liên tưởng tới dòng văn học vết thương ở Trung Quốc, khơi lại và mổ xẻ tận cùng những vết thương lịch sử với ý thức phản tỉnh rõ rệt như ở Sóng chìm (Đình Kính), Tiếng khóc của nàng Út (Nguyễn Chí Trung), Thời của thánh thần (Hoàng Minh Tường), Cuồng phong (Nguyễn Phan Hách), Lửa đắng (Nguyễn Bắc Sơn),Sóng chìm và Tiếng khóc của nàng Út cùng có bối cảnh chiến tranh ở những vùng đất khốc liệt nhất, thời kỳ đen tối nhất nhưng hai cuốn tiểu thuyết có haiđiểm đến khác nhau: Tiếng khóc của nàng Út, với âm hưởng sử thi bi tráng đã cất lên khúc ca về nỗi đau, sự hy sinh, mất mát, những lo âu trước vận mệnh của xứ sở; Sóng chìm thiên về cảm hứng số phận đời tư, thấm thía bi kịch của con người và cả dân tộc trong chiến tranh. Thời của thánh thần và Cuồng phong tuy được viết bởi những hình thức nghệ thuật khác nhau nhưng đều đem lại cho người đọc nhận thức và xúc cảm về những thăng trầm của lịch sử, con người, dòng họ theo suốt cả một thế kỷ. Các tiểu thuyết này có tham vọng đi dọc chiều dài thời gian, khái quát những thời kỳ đã qua, theo sát từng các sự kiện, những cuộc cách mạng song hành với việc lý giải những vấn đề bức xúc của thực tại. Cốt truyện đa tuyến, nới rộng thời gian sự kiện, các tiểu thuyết ngược dòng quá khứ tìm kiếm ở chiều sâu lịch sử ánh sáng soi chiếu hiện tại. Tuy nhiên, nhiều khi do nhà văn ôm đồm, thiếu chọn lọc các tình tiết, lại sa đà vào dẫn giải làm cho tiểu thuyết nặng nề, trùng lặp. 

Khuynh hướng thứ hai khá tự do trong bút pháp nghệ thuật, với những nỗ lực cách tân khiến người ta dễ nghĩ tới những tiểu thuyết có dấu ấn của cảm quan hậu hiện đại như: Giã biệt bóng tối (Tạ Duy Anh), Vân Vy (Thuận), Xuân Từ Chiều (Y Ban), Sống khó hơn là chết (Trung Trung Đỉnh), Tiểu thuyết đàn bà (Lý Lan)… Các tác giả chú tâm tới những thể nghiệm mới, lạ hóa cách viết quen thuộc hơn là lấy cốt truyện làm trọng tâm. Vân Vy tiếp tục thể nghiệm mới trong cách viết của Thuận bằng hai tuyến truyện chính đan xen: của B - nhân vật đồng tính và bị nhiễm HIV và của Vy - Việt kiều Pháp gốc Hà Nội. Luôn có mặt những đối thoại ngầm, chất giọng giễu nhại ẩn sau phong cách trần thuật lạnh lùng. Khác với các tiểu thuyết trước đây của Thuận, Vân Vy đầy những pha tả sex, chuyện ngoại tình, đồng tính… Tuy không thực sự vượt trội nhưng trong mặt bằng chung tiểu thuyết, đây là tác phẩm khá hấp dẫn bởi nó tránh được sự đơn điệu và lặp lại. Có một xu hướng thể hiện nữ quyền trong tiểu thuyết được bộc lộ khá rõ trong Xuân Từ Chiều, cuốn tiểu thuyết không xuống dòng của Y Ban và Tiểu thuyết đàn bà, truyện về số phận những người đàn bà Việt của Lý Lan. Các tiểu thuyết này hướng tới kết cấu mở rộng không - thời gian từ số phận đến thân phận, từ cá thể đến thế hệ, với nỗ lực tạo nên dấu ấn riêng của văn xuôi phái nữ. Một số tiểu thuyết của các cây bút trẻ nhưSự trở lại của vết xước (Trần Nhã Thụy), Tiếng người (Phan Việt), Nhiều cách sống (Nguyễn Quỳnh Trang), Nháp (Nguyễn Đình Tú), Đảo cát trắng(Đặng Thiều Quang) cũng bắt đầu tạo được dấu ấn trong đời sống văn học. Sự trở lại của vết xước xuất bản năm 2007 nhưng có mặt trong vòng chung khảo giải thưởng Hội Nhà văn 2008 và được tặng thưởng của Hội Nhà văn TP HCM là những mảnh ghép của một tâm trạng hoang mang trước cuộc sống, trước cái văn minh vật chất và tốc độ đô thị hóa chóng mặt với một luận đề xuyên suốt “cơ thể chúng ta đang bị nhiễm độc từ từ”, các nhân vật không có tên, sự mất tích của người vợ mới sinh con, những vết xước trở lại đều là những ẩn dụ giàu ý nghĩa (mặc dù không ít ý kiến cho rằng ở đây thấp thoáng bóng dáng của Murakami và Thuận). Đây là cuốn tiểu thuyết đậm chất suy tưởng đánh dấu bước khởi đầu khá thành công của cây bút trẻ Trần Nhã Thụy.Nháp, Nhiều cách sống dù có lớp vỏ bề ngoài là những đề tài nóng, thời sự (chẳng hạn vụ án hình sự, vấn đề đồng tính...) nhưng với sự tìm tòi trong lối viết và những trải nghiệm cá nhân đã thể hiện khát vọng đổi mới của một thế hệ mới nhiệt tình, năng nổ. 

Vài năm gần đây trong đời sống văn học đã hình thành xu hướng thương mại với việc xuất bản các trang blog gây xôn xao cộng đồng cư dân mạng, khai thác những vụ việc giật gân, thời sự trong tác phẩm, quay về lối viết theo kiểu tiểu thuyết kiếm hiệp, trinh thám... Sự phát triển của internet, các phương tiện thông tấn, sự dọn đường của văn học dịch đã giúp người đọc chuẩn bị tâm lý đón nhận mọi biến thái của đời sống văn học. Mặc dù mang tính chất thương mại rõ rệt, hình thức nghệ thuật không phải là tiêu chí đặt ra hàng đầu nhưng cần ghi nhận sự tồn tại và xu thế phát triển của dòng tác phẩm thương mại cũng như văn học thông tấn trong đời sống văn học đương đại. Với một số lượng người đọc đông đảo, đại chúng, nhất là giới trẻ, nó đã gây một tác động đáng kể đến thị hiếu và tâm lý thưởng thức nghệ thuật.

Tiểu thuyết đương đại có ý thức đào sâu vào những vấn đề nhân bản với mong muốn kiếm tìm bản ngã đích thực của con người. Xuất hiện những nhân vật mất tích, bỏ đi một cách bí ẩn (T mất tích, Sự trở lại của vết xước, Nháp). Có thể giải thích đó là thủ pháp gợi tò mò, câu khách nhưng phải chăng cũng cần được lý giải bằng tâm thế của con người hiện đại. Khoảng trống mà người ra đi để lại, không gian mất mát, tâm trạng thiếu vắng, thời gian khắc khoải… là cái cớ để nhân vật tìm lại bản ngã, cắt nghĩa sự tồn tại của chính mình và ý nghĩa cuộc sống. Đã có ý kiến khẳng định về sự xuất hiện nhân vật kiếm tìm trong văn học đương đại như là một kiểu dạng nhân vật đang trở nên phổ biến. Nó liên quan đến việc trong tiểu thuyết hôm nay có nhiều nhân vật là văn nghệ sĩ (nhà văn, phóng viên, họa sĩ…). Đây cũng là một trong những lý do thúc đẩykhuynh hướng tự truyện phát triển, ở đó người viết tự kể về mình, suy tư về nghề, và quá trình lao động nghệ thuật, với sự quan sát cuộc sống và trải nghiệm sống của chính nhà văn. Tiểu thuyết hôm nay mạnh tay hơn, tự nhiên hơn trong những vấn đề tình dục, đồng tính, chính trị và cũng đồng cảm, chia sẻ hơn với con người bản năng, khiếm khuyết. Người đọc không còn thái độ tiếp nhận e dè, ngại ngùng và xu hướng coi đó là thứ văn chương khiêu dâm, sa đọa không còn được nhiều người hưởng ứng. Tuy nhiên sự lạm dụng quá mức những yếu tố này sẽ dễ dẫn tới bão hòa, nhàm chán. Ngôn ngữ đời sống tràn vào tác phẩm, đặc biệt là ngôn ngữ thời @ đang dần xâm nhập chi phối cả lối tư duy của người viết và người tiếp nhận. Ngôn ngữ thân thể được sử dụng như là một ưu thế của tiểu thuyết đương đại, mặc dù không phải là cái quá mới nhưng cũng tạo nên màu sắc riêng của tiểu thuyết giai đoạn này.

Năm qua giới văn học quan tâm đến những vấn đề chung của văn học đương đại như sự hiện diện của văn học mạng, tính chuyên nghiệp của nhà văn, văn học trong kinh tế thị trường và xu thế hội nhập… Trong từng thể loại cũng đặt ra các cuộc trao đổi nghiêm túc như tự truyện trong văn học Việt Nam, tính chân thật trong hồi ký, lịch sử trong tiểu thuyết v.v... Khi mà khái niệm văn học hiện thực, văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa đã trở nên mờ nhạt trong ý thức của cả người cầm bút và người đọc thì việc đặt lại vấn đề hiện thực hay hư cấu có vẻ như không còn nhiều ý nghĩa nữa. Tuy nhiên với sự giao thoa, xâm lấn giữa các thể loại, ý thức vượt thoát mạnh mẽ khỏi những đường biên hạn chế sức sáng tạo nghệ thuật của văn học đương đại, một lần nữa lại nảy sinh những câu hỏi về hiện thực, lịch sử, tính chân thực trong tác phẩm văn học. Chúng ta đều biết, mỗi thể loại có những đặc trưng riêng của nó nhưng sự tương tác, thâm nhập lẫn nhau ở các thể loại là tất yếu, nhất là trong thời đại ngày nay. 

Cuốn tiểu thuyết Sóng chìm của nhà văn Đình Kính trước khi được trao giải thưởng của Hội Nhà văn 2008 đã gây sự chú ý của giới văn nghệ bởi cuộc tranh luận giữa tác giả và một số nhà văn về vấn đề sự thật lịch sử trong tác phẩm. Nhà văn Cao Duy Thảo, một chứng nhân lịch sử đã từng “trầy vi tróc vẩy” với Mỹ ở vùng Phú Yên, Bình Định cho rằng cuốn tiểu thuyết này lấy bối cảnh câu chuyện là vùng đất Vũng Rô trong kháng chiến chống Mỹ những năm 1960-1975 vậy mà không thấy bóng dáng một tên lính Mỹ hoặc chư hầu nào như vậy là “nhắm mắt trước lịch sử”. Theo dõi cuộc tranh luận, ông Trần Vạn Giã phản ứng rằng viết gì thì viết nhưng bản chất cốt tủy của sự việc luôn phải được tôn trọng, ông dẫn chứng một số sai lệch trong Sóng chìm do nhà văn không chịu đi thực tế lâu dài như: tác giả tự mâu thuẫn khi thừa nhận thời kỳ đó Mỹ đóng vai trò cố vấn nhưng bóng dáng quân Mỹ mờ nhạt nên dẫn đến kết luận về cuộc chiến tranh Việt Nam “Mỹ quốc hay Bắc Việt đâu không hay, chỉ thấy người làng Cát bắn giết người làng Cát”; bóp méo hình ảnh bộ đội những ngày sau giải phóng: do xa vợ lâu ngày, lại bị cấm kị nên háo sắc, hung bạo mỗi lần đến với Tư Hồng; dùng một số khẩu ngữ trong cách nói của người Bắc cho người làng Cát Phú Yên,... Một số tiểu thuyết có vấn đề như Thời của thánh thần (Hoàng Minh Tường), Cầm thư quán (Hà Thủy Nguyên) đều do liên quan đến nhận thức lịch sử và việc thể hiện lịch sử trong tiểu thuyết. Như vậy, vấn đề lịch sử trong văn học lại được đặt ra, nhà văn có quyền hư cấu đối với các nhân vật lịch sử như thế nào, sử dụng tư liệu lịch sử ra sao, có áp lực của yếu tố văn hóa truyền thống đối với các phương thức xử lý lịch sử của nhà văn hay không, nhà văn có thể mượn chiếc vỏ lịch sử để thể hiện tư tưởng của mình đến đâu… Về phương diện lý luận văn học, cũng nên chú ý đến quan điểm của Caudwell, ông cho rằng không nên xem sự phản ánh hiện thực đồng nhất với việc biểu hiện một cách trùng khớp hiện thực khách quan (1). Điều này cũng gần gũi với M. Kundera với quan điểm hiện thực trong tiểu thuyết là hiện thực không đáng tin cậy khi nói rằng: lãnh địa của tiểu thuyết là lãnh địa của trò chơi và mang tính giả thuyết, sự chiêm nghiệm tiểu thuyết do vậy trong bản chất của nó mang tính nghi vấn và giả thuyết (2). Về cả hai vấn đề lịch sử trong tiểu thuyết và mối quan hệ giữa hiện thực - hư cấu, theo chúng tôi không nhất thiết hiện thực trong tác phẩm phải trung thành với hiện thực ngoài đời mà quan trọng nhất là phải thể hiện được bản chất của hiện thực ấy. Trong lý thuyết tiếp nhận hiện nay không còn độc tôn cách đọc so sánh đối chiếu tác phẩm văn học với hiện thực, bắt văn học phản ánh hiện thực một cách thô thiển, bởi vậy hướng tiếp cận con người từ bản năng của nhân vật, tiếp cận vấn đề chiến tranh từ số phận con người và thăng trầm của dân tộc ở Sóng chìm không còn xa lạ đối với văn học ở ta hiện nay, điều cần nói tới trong tiểu thuyết này là cách viết của tiểu thuyết chưa mới, chưa thực sự hấp dẫn mà thôi.

Theo kết quả cuộc thi bình chọn sách của báo Người lao động, Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ của Nguyễn Nhật Ánh là cuốn sách bán chạy nhất năm 2008. Hoàn toàn không dính dáng gì đến sex, đồng tính, bạo lực, cuốn sách là những ký ức thời thơ ấu của một cậu bé, những câu chuyện nhẹ nhàng, ngộ nghĩnh, giọng kể hài hước, dí dỏm. Cuốn sách đã chinh phục được người đọc bằng sự phân tích tâm lý sâu sắc, và có lẽ đã chạm được đến nơi sâu thẳm của mỗi người, hồi ức tuổi thơ. Tôi cũng chú ý đến tiểu thuyết Tiếng người (Phan Việt) ở những trang viết tinh tế, sâu lắng, gọi tên một cách chính xác những cảm xúc mơ hồ nơi tâm hồn, những khoảnh khắc thoáng chợt trong đời người, những trạng thái mong manh của hạnh phúc. Đọng lại là những ám ảnh về nỗi hoài nghi của con người trong hành trình kiếm tìm hạnh phúc và tìm kiếm bản thân. Đó là những cuốn sách dường như trong sáng một cách hiếm hoi. Thực tế, việc lựa chọn lối viết mang tinh thần hậu hiện đại, lựa chọn những đề tài nóng, gây sốc và mốt ngày càng trở nên phổ biến có căn nguyên từ đời sống xã hội và đời sống tinh thần. Trước hết đó là do nhu cầu tự thân của người sáng tạo nghệ thuật, sáng tạo đồng nghĩa với việc chống lại sự cũ mòn, kiếm tìm cái mới, cái chưa được cày đi xới lại. Kể từ sau khi Bóng đè xuất hiện đến nay yếu tố sex trong văn học đã không còn gây sửng sốt, thậm chí dường như tác phẩm nào cũng ít nhiều có sex. Trào lưu viết về vấn đề đồng tính cũng được nhắc đến một cách nghiêm túc, chuyện của các les, gay được nhà văn quan tâm. Việc lật giở lại những khu vực lịch sử cấm kỵ trong quá khứ hay đụng chạm đến vấn đề chính trị nhạy cảm cũng trở thành một thứ mốt thời thượng. Đối với cái gọi là văn học ám chỉ, dù nhiều người cho đó là loại văn chương “xấu tính” thì vẫn phải thừa nhận trong bản chất của văn học nghệ thuật vẫn có thuộc tính ám chỉ, tính đa nghĩa và biểu tượng. Vấn đề thị hiếu thẩm mỹ công chúng cũng liên quan đến mối quan hệ tác phẩm và người đọc trong đó thị hiếu độc giả, cơ chế thị trường là những nhân tố không dễ bỏ qua. (Tất nhiên ở đây không phải sự nuông chiều thị hiếu hời hợt, dễ dãi của độc giả). Bài học từ lịch sử văn học Việt Nam trong bước chuyển từ cuối thế thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX vẫn còn nguyên giá trị, sự thay đổi trong thị hiếu thẩm mỹ của công chúng cũng là một nhân tố ảnh hưởng, tác động ngược lại đến quá trình sáng tác của nhà văn. 

Một câu hỏi đặt ra là: Vậy phải đánh giá giá trị tác phẩm văn học đương đại như thế nào? Đối với các tác phẩm văn học quá khứ, việc đánh giá dễ dàng hơn bởi nó đã được thời gian sàng lọc, nhưng với văn học đương đại thì đó quả là việc không đơn giản. Nếu chỉ nhìn vào con số sách bán chạy, tiêu chí giải thưởng hay việc tạo được dư luận thì vẫn khó tìm được lời đáp thuyết phục. Một số cuốn sách được giải thưởng thì chỉ nhận được sự quan tâm của một bộ phận người đọc mà chủ yếu là các nhà nghiên cứu còn số đông độc giả vẫn thờ ơ, sách in ra sức mua không lớn. Với quan niệm khá rộng mở ngày nay, văn chương có thể coi là trò chơi, chức năng giải trí được nhấn mạnh thì một tác phẩm hay không chỉ ở giá trị nhân bản, tính thẩm mỹ của tác phẩm mà còn ở chính ý thức sáng tạo, tinh thần tự do đối thoại trong bản thân cái được viết và cách viết đó. 

Mặc dù đã có nhiều cố gắng để hướng tới những tác phẩm đượm tính nhân văn, tiểu thuyết năm qua vẫn chưa có tác phẩm thực sự nổi bật như mong đợi. Bên cạnh những cây bút luôn hướng tới cái mới, làm mới mình một cách quyết liệt là những cây bút chạy theo mốt, gồng mình lên hoặc dễ dãi chiều theo thị hiếu người đọc. Tuy nhiên, với những gì đã có, hy vọng tiểu thuyết Việt Nam vẫn tiếp tục trên hành trình tìm kiếm, tạo đà cho những bứt phá của thể loại trong những mùa sau.

 


[1] Dẫn theo Trương Đăng Dung - Tác phẩm văn học như là quá trình - Nxb KHXH, H, 2004.
[2] M. Kundera - Tiểu luận Nghệ thuật tiểu thuyết và Những di chúc bị phản bội (Nguyên Ngọc dịch) - Nxb Văn hoá thông tin - Trung tâm Văn hoá Ngôn ngữ Đông Tây, 2001.

Tác giả: Đỗ Hải Ninh

Nguồn tin: Tạp chí Nhà văn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây