Chủ tịch Hội Nhà văn VN Hữu Thỉnh đánh giá tác phẩm thời gian qua của các cây viết trẻ: “Nhiều tràn đầy nhưng còn ít sâu lắng; dàn đồng ca khá mạnh nhưng ít những giọng lĩnh xướng vang xa; thêu thùa cho cá nhân thì khéo, may cắt cho thiên hạ còn ít dụng công. Đó là những đặc điểm thường thấy trong giai đoạn xuất phát, giờ đây họ bước lên cuộc hành trình mới -định hình, khẳng định”.
Ông không quên nhắc người cầm bút trẻ rằng thật sai lầm khi nói đến hiện đại hóa văn học là thay đổi hình thức, nên nhớ lời giáo sư Hoàng Ngọc Hiến: “Một khi bị rỗng ruột tình nghĩa thì mọi học thuyết khoa học xã hội, nhân văn, dù hệ thống lí luận có kiên cố nguy nga đến đâu đi nữa, cũng chỉ là những cái vỏ màu mè, hão huyền, những bong bóng có thể vỡ tan bất cứ lúc nào”.
Dù chủ đề chính của ngày khai mạc là làm rõ trách nhiệm xã hội của nhà văn trẻ, nhưng chưa nhiều người trẻ đề cập trực diện. Trong Những cây bút dậy thì và trách nhiệm xã hội, nhà thơ Miên Di thẳng thắn: “Đời sống văn học trẻ đang trầm lắng, một sự im lặng đầy nghi ngại. Tuy rằng đầu sách vẫn được xuất bản ì xèo và hoành tráng, nhưng từ dạo Cánh đồng bất tận đến nay chưa thấy một vụ nổ nào xảy ra, chưa có tác phẩm nào có tiếng nói thống thiết cất lên từ đáy xã hội, nói thay cho nỗi niềm xã hội.
Trong khi những vụ văn tặc, văn sex… vẫn cứ nổ ra hà rầm… Cả xã hội đang mong mỏi văn chương tỏ bày giúp họ, kháng nghị giúp họ và sâu xa hơn là hóa giải giúp họ. Nghĩa là những ngòi bút trẻ măng như chúng ta chuẩn bị gánh trên vai trách nhiệm xã hội to lớn, không thể né tránh”.
Với trải nghiệm hai năm ở Trường Sa, Nguyễn Xuân Thủy lại nói đến trách nhiệm ở khía cạnh “Mỗi người viết trẻ hãy là một thợ lặn giỏi”. Theo anh trách nhiệm xã hội thể hiện đầu tiên và trước hết là trách nhiệm với chính tác phẩm của mình, trước khi quan tâm đến những vấn đề lớn lao như vận mệnh dân tộc, đời sống cần lao.
Trách nhiệm ấy được thể hiện ở tâm thế của nhà văn. Mỗi người có cách dấn thân khác nhau, cách thu nạp kiến thức riêng. Và, một nhà văn có tài phải biết lặn ở vùng biển tiềm năng, biết tìm kiếm những bờ vỉa cho sản vật độc đáo.
Không khí hội trường có phần trầm lắng ở buổi sáng, do đại biểu thay phiên lên đọc tham luận. Chiều đến sôi động hơn nhờ phần trao đổi giữa các thế hệ. Nếu Nguyễn Minh Cường ở khối nhà văn quân đội đòi hỏi nhà văn trẻ không thờ ơ với vấn đề chính trị, thì nhà thơ Vũ Quần Phương trong phần trao đổi lại, đưa ra lí lẽ thấu đáo, rằng chính trị cứ nói lý thuyết dễ bị người ta không ưa.
Nhắc lại sự khâm phục, thèm khát tài năng như Nguyễn Ngọc Tư, nhà thơ Vũ Quần Phương đặt câu hỏi: Tại sao dàn người viết trẻ hùng hậu thế, lại ít tài năng sáng giá như tác giả Cánh đồng bất tận?Phải trả lời cho kỳ được câu hỏi đó, phải xem bạn đọc cần gì thì mới biết đường “gãi” đúng chỗ. Và người viết trẻ nên chú trọng đến tính chuyên biệt, chuyên nghiệp hơn nữa, chứ “đừng tung tóe nhiều thứ”.
Văn trẻ ưu ái chủ đề biển, đảo Tổ quốc Chiều 9-9, BTC thay đổi không khí tham luận bằng hơn một giờ trao đổi với Thượng tá Phạm Quang Oánh, Phó trưởng phòng tuyên huấn quân chủng Hải quân về những vấn đề nóng của biển đảo thời gian qua. Buổi tối, các đại biểu giao lưu với chiến sĩ hải đảo, 150 sinh viên trường Cao đẳng Sư phạm Tuyên Quang về chủ đề Văn học với biển, đảo Tổ quốc; cùng nghe ca khúc Tổ quốc nhìn từ biển do nhạc sĩ Quỳnh Hợp phổ nhạc từ bài thơ cùng tên của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến, mới ra mắt tháng trước. Ngày 10-9, các đại biểu chia hai nhóm thảo luận theo chủ đề: Văn trẻ nhận diện và phát triển; Thơ trẻ, dòng chảy và công chúng. |
Tác giả: Toan Toan
Nguồn tin: Tiền Phong
Ý kiến bạn đọc