Chúng ta cần gì ở các nhà văn trẻ?

Thứ sáu - 02/10/2009 11:58 2.910 0
Chúng ta cần gì ở các nhà văn trẻ? Câu hỏi này, thoạt đầu tưởng chừng rất dễ trả lời, sau rốt, hóa ra lại là một nan đề. Vì, ngay lập tức ta sẽ phải đối mặt với mối lo lắng bứt rứt không yên của một bộ phận khá đông trong xã hội hiện nay: những người viết trẻ, tuổi đời chưa nhiều, vốn sống còn mỏng, sự đóng góp với văn chương chưa có gì đáng kể, liệu có xứng với cái danh xưng "nhà văn"?

Để hợp lý hơn, nên chăng gọi họ bằng các từ "tác giả", hoặc "cây bút", chua thêm tính ngữ "trẻ" vào thì càng tốt? Xin được có ý kiến ngay: tôi không thấy có sự khác biệt gì đáng kể giữa "nhà văn", "tác giả" hay "cây bút". Các từ ấy đều trỏ cùng một đối tượng, là những người (ở mức độ đậm nhạt khác nhau) lấy viết văn làm công việc hoặc niềm đam mê của mình.

Chẳng cần phải riết róng phân biệt cao thấp rằng anh này là "nhà văn", anh kia chỉ đáng là "tác giả" hoặc "cây bút" làm gì. Họ viết văn thì cứ gọi họ là nhà văn. Ăn thua ở chỗ đó là nhà văn như thế nào, nhà văn vĩ đại, nhà văn lớn, nhà văn có tài, nhà văn hạng xoàng, nhà văn hàng huyện v.v..., tất cả do tác phẩm, do bạn đọc, do thời gian quyết định, vậy thôi.

 

Dĩ nhiên đó chỉ là chuyện nhỏ. Điều tôi quan tâm hơn nằm ở chữ "trẻ". Theo dõi dư luận trong đời sống văn học thời gian gần đây - cả trên mặt báo, cả trong các câu chuyện lúc trà dư tửu hậu - thấy chữ "trẻ" mới được dùng đậm đặc làm sao: người viết trẻ, văn trẻ, thơ trẻ, thậm chí cả... phê bình trẻ (thì có người đã chẳng lên tiếng rằng cần phải có những nhà phê bình trẻ làm bạn đồng hành với người sáng tác trẻ là gì!).

 

Có cảm giác "trẻ" đang được cả văn giới chăm bẵm, và nếu có sự soi mói nào đó khiến "trẻ" phải khó chịu, ắt cũng là do chăm bẵm quá mức mà ra thôi. Đành rằng chẳng phải chờ đến bây giờ nhà văn trẻ mới được quan tâm - lớp tập huấn cho các nhà văn trẻ được mở sau ngày hòa bình lập lại ở miền Bắc không lâu, rồi Hội nghị nhà văn trẻ toàn quốc 5 năm một lần đã trở thành hoạt động thường kỳ suốt ba, bốn chục năm nay, Hội Nhà văn Việt Nam còn thành lập riêng một Ban công tác nhà văn trẻ - thế nhưng, nếu hắt ngược cái nhìn vào văn học Việt Nam trước năm 1945 ta sẽ thấy sự thể khác hẳn bây giờ.

 

Khi đó không tồn tại cụm từ "nhà văn trẻ" trong ý niệm của giới những người viết văn. Trẻ hay già đều là nhà văn, đều phải chịu trách nhiệm đến cùng đối với sản phẩm tinh thần của chính mình, trước xã hội, không vị tuổi tác. Người trẻ viết văn không có mặc cảm tự ti trước các bậc tiền bối, mà người bề bề tuổi tác, dày dặn thâm niên trong trường văn trận bút cũng không phải mang cái gánh nặng cha chú để cứ phải lo xoa đầu dạy bảo, chê trách hoặc ban khen cho "bọn nhỏ".

 

Viết văn khi đó là một nghề đúng nghĩa, để sống. Các nhà văn thuở ấy quan hệ với nhau, nếu có, theo quan hệ đồng nghiệp, sòng phẳng, họ là những "ông" và những "tôi" của nhau. Lớp người làm nghề này tiếp sức lớp người làm nghề kia, tự nhiên nhi nhiên, và đã bước chân vào nghề thì ai cũng phải chịu sự chi phối của cùng một hệ thống nguyên tắc nghề nghiệp, chẳng sá trẻ già. Chỉ sau năm 1945, trong một điều kiện xã hội đã trở nên rất khác trước, chuyện "nhà văn trẻ" mới bắt đầu được đặt ra. Vì sao thế?

 

Vì khi đó, viết văn không phải, không còn là một nghề, mà là một nhiệm vụ. Một nhiệm vụ lớn lao đòi hỏi những người viết phải được tập hợp lại trong một cơ ngũ, cùng hướng tới một mục tiêu. Một nhiệm vụ lâu dài và liên tục, đòi hỏi phải luôn chú ý tới công tác phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng những thế hệ kế cận.

 

Yêu cầu của thị trường ở đây là zero, yêu cầu phục vụ cho sự nghiệp chung của đất nước và dân tộc mới là yêu cầu mang tính quyết định. Những nhà văn có thâm niên nghề nghiệp, những nhà văn đã thành danh - những "nhà văn già", nếu có thể nói như vậy - và cả văn giới nói chung, được hoặc phải tự gánh lấy trách nhiệm với các "nhà văn trẻ", trách nhiệm của bảo mẫu, trách nhiệm của tuyển trạch viên kiêm luôn cả trách nhiệm của nghiêm phụ!

 

Lấy ví dụ từ mối quan hệ giữa cây đại thụ thi ca Xuân Diệu với thần đồng thi ca Trần Đăng Khoa: việc Xuân Diệu phát hiện và bằng uy tín của mình giúp Trần Đăng Khoa trở thành một hiện tượng của thơ Việt Nam những năm 1960-1970, ngoài con mắt lân tài vô tư, hẳn cũng có phần của ý thức gây dựng một lực lượng hậu bị cho nhiệm vụ lớn lao và lâu dài nói trên.

 

Trở về với hiện tại, điều tôi thấy hơi lạ là chúng ta đang lớn tiếng kêu gọi, hô hào về tính chuyên nghiệp của nhà văn - nghĩa là kêu gọi, hô hào các nhà văn phải ý thức được viết văn là một nghề, hẳn là vậy - thế nhưng tinh thần ứng xử của xã hội với các nhà văn trẻ lại cho thấy chẳng có gì thay đổi: viết văn vẫn là một nhiệm vụ. (Và vì thế mà tôi phải tự đặt cho mình câu hỏi: chúng ta cần gì ở các nhà văn trẻ?). Ví như gần đây trên một số diễn đàn báo chí đã thấy xuất hiện quan điểm phê phán rằng những người viết trẻ hiện nay chỉ mãi luẩn quẩn trong những câu chuyện tình yêu tay ba tay tư, những mảng đời sống hạn hẹp ở đô thị, những vấn đề cá nhân tủn mủn như miếng mụn vá trên áo quần...

 

Trong khi đó, đề tài chiến tranh, đề tài nông thôn với ngổn ngang biết bao chuyện (ở tầm vĩ mô và vi mô) cần phải được đào xới, lý giải, phản ánh, thì họ lại bỏ qua. Bỏ qua vì thiếu vốn sống, thiếu vốn hiểu biết thực tế trong những đề tài đó. Bỏ qua vì cả mặc cảm tự ti khi phải đối diện với thành tựu của những người đi trước trên những đề tài đó.

 

Quan điểm phê phán những người viết trẻ "trốn đề tài khó" đại loại là như vậy. Thoạt nghe thì thấy sự phê phán cũng có lý, nhưng ngẫm ra không ổn. Trước hết, chẳng có đề tài nào là "đề tài dễ" trong văn chương: một tác phẩm hay (ở bất cứ đề tài nào) bao giờ cũng là kết quả của một sự vật lộn quyết liệt giữa nhà văn với những hiện thực và những nguyên liệu mà anh ta có trong tay.

 

Viết về những gì mình quen thuộc - đời sống đô thị hoặc các chuyện tình tay ba tay tư, chẳng hạn - đành rằng dễ viết đối với các nhà văn trẻ, nhưng để có tác phẩm hay, để tác phẩm vượt ra khỏi chiều kích gò bó của đề tài và mang một tầm vóc lớn lao nào đó, là điều cực khó.

 

Với các đề tài được quan niệm là "đề tài khó" - chiến tranh, nông thôn - cũng vậy. Và nếu là như vậy, ta hoàn toàn có quyền tin rằng vào một ngày đẹp trời nào đó, ở khu vực "đề tài dễ" kia sẽ xuất hiện những tác phẩm khiến cho tất thảy bàn dân thiên hạ phải chú mục vào mà thưởng thức, mà trầm trồ ca ngợi (tại sao không?). Khi ấy, liệu người ta có còn trách cứ những người viết trẻ "trốn đề tài khó"?

Sau nữa, câu chuyện về "đề tài khó" và sự trốn tránh của những người viết trẻ - như người ta phê phán - đã vô tình làm phát lộ cái mà tôi muốn gọi là tinh thần ứng xử xưa cũ của xã hội đối với công việc viết văn: viết văn là một nhiệm vụ, không phải một nghề. Trong giai đoạn 1945 - 1975 (và sau nữa) nhiệm vụ của nhà văn là phải bám sát để kịp thời phản ánh, ca ngợi công cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước xã hội chủ nghĩa của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân. Công - nông - binh là mảng đề tài được ưu tiên số một. Vì thế mà hàng đợt, hàng loạt nhà văn đã đi thực tế ở các chiến trường, các nông trường, hầm mỏ, nhà máy, xí nghiệp một cách rất rầm rộ, và viết (bất kể nhà văn có thực sự tâm huyết hay không).

 

Nhiều tác phẩm hay đã ra đời từ đó. Nhưng những tác phẩm làng nhàng và chết yểu thì còn nhiều hơn thế gấp bội. Cả một giai đoạn dài của văn chương, không ít tác phẩm được trao giải, được vinh danh chỉ bởi cái "ưu điểm" là chúng viết về mảng đề tài công - nông - binh. Bởi vậy, về sau này cụm từ "nhà văn theo đề tài" được nhiều người nhắc đến với thái độ chế giễu không che giấu. Thế mà giờ đây người ta lại đang khuyến cáo những người viết trẻ quay trở lại với mảng đề tài truyền thống, như một nhiệm vụ, nghĩa là chẳng cần quan tâm tới sở thích và ý chí độc lập của người viết - mà đây chính là một trong những yếu tố để hình thành một người viết chuyên nghiệp. Biểu hiện của sự kéo dài một quán tính chăng?

 

Viết về chiến tranh và nông thôn: quá tốt, nếu những người viết trẻ tự thấy họ thực sự muốn và họ tự tin có thể làm được như vậy; quá dở, nếu những người viết trẻ phải làm điều đó vì những áp lực bên ngoài. Tóm lại, nếu quả thực là những người viết trẻ hiện nay "trốn đề tài khó", theo tôi, họ cũng chẳng có lỗi, có chăng chỉ là cái lỗi không đi theo sơ đồ quy hoạch văn chương ta muốn mà thôi!

Một chuyện khác, cho thấy nhà văn trẻ hiện đang được chăm bẵm cẩn thận như thế nào, đó là việc nhiều người quá sốt sắng lo cho sức đề kháng của họ. Người ta lo rằng những lời khen tặng hào phóng của giới phê bình và báo chí dễ tính sẽ trở thành cái áo quá khổ đối với nhà văn trẻ; tệ hơn, nó khiến nhà văn trẻ rơi vào ảo tưởng, rơi vào ngộ nhận, rồi cuối cùng rơi vào sự tàn lụi và... chết non. Có thể lắm. Nhưng nếu vậy thì đành vậy: đó là số phận của những cá thể yếu, không đủ khả năng cọ xát với môi trường, dễ bị cảm mạo hoặc tai biến trước đủ thứ gió lành gió độc. Và nói cho cùng, đó không chỉ là vấn để của riêng nhà văn trẻ. Lo lắng nhiều hơn nữa thì cũng chẳng thay đổi được gì.

 

Tôi cho rằng, với một ngàn lẻ một thứ lý do, ta không thể bắt giới phê bình và báo chí dễ tính phải xếp gọn sự khen tặng hào phóng của họ lại. Vấn đề là nhà văn - trẻ cũng vậy mà già cũng vậy - phải có sự bình tĩnh, thậm chí là sự lãnh đạm cần thiết giữa ma trận của các diễn ngôn ấy, phải có bản lĩnh coi đó như một trong những cái nhìn của kẻ khác về mình, có giá trị tham khảo nhưng không mang ý nghĩa là sự đánh giá cuối kết.

 

Trong một thế giới mà báo chí truyền thông nhúng mũi vào tất cả mọi sự như hiện nay, tôi quan niệm rằng khả năng ấy cũng sẽ là một phần tạo thành tài năng của nhà văn. Nó giúp anh ta có thể đi bền trên đường trường văn chương và thực hiện được cái điều, có lẽ là điều duy nhất mà người đọc có quyền đòi hỏi ở người sáng tạo: không phải viết về đề tài này hay đề tài kia, "đề tài dễ" hay "đề tài khó", mà là viết cho được tác phẩm hay. "Nhiệm vụ" của nhà văn, nếu có thể dùng từ "nhiệm vụ", là viết cho được tác phẩm hay. Vậy thôi!

Tác giả: Hoài Nam

Nguồn tin: CAND

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây