Tản mạn chuyện thơ và...lửa!

Thứ sáu - 18/09/2009 13:28 2.340 0

Tản mạn chuyện thơ và...lửa!

Chuyện kể rằng: Có lần, trong một hội nghị văn học, nhân nói về tác phẩm mới của mình, một nhà thơ nọ đã cao hứng tuyên bố rằng, anh ta đã đưa được rất nhiều... lửa vào trong thơ! Để phản ứng lại sự cao ngạo nói trên, một nhà thơ lão thành đã góp ý rằng: Biết đưa lửa vào trong thơ, cũng cần có tự trọng để biết đến lúc nào thì đưa thơ vào... lửa.

Lịch sử văn học từng cho thấy, có không ít những nhà văn tên tuổi lừng lẫy nhưng luôn nghiệt ngã với chính bản thân mình. Họ thực sự tỏ ra nghiêm khắc với nghề. Lấy ví dụ như trường hợp của văn hào Nga Nicôlai Gôgôn. Ở tuổi ngoài bốn mươi, sau khi viết xong tập II tác phẩm "Những linh hồn chết" (tập I đã được dịch sang tiếng Việt), vì quá "bất mãn với năng lực của mình, ông đã cho thiêu hủy toàn bộ bản thảo đã viết xong. Ít lâu sau thì ông mất.

Trường hợp người đã có tiếng tăm trên văn đàn còn thế, trường hợp người mới vào nghề như Alếchxây Tônxtôi kể tới đây, hẳn cũng là một bài học cho các bạn viết trẻ. Năm 1908, ở tuổi 25, khi mới cho xuất bản tập thơ đầu tay có tên gọi "Thơ trữ tình", chỉ trong một thời gian rất ngắn, cây bút trẻ đã nhận ra mình đi "nhầm đường". Vậy là, Alếchxây Tônxtôi đã chủ động tìm đến một số hiệu sách lớn ở Pêtécbua mua lại tất cả số sách mà các cửa hiệu đó chưa bán hết để đem về... đốt. Từ đó, A.Tônxtôi chuyển hướng sang văn xuôi và thực tế chứng minh rằng, sự lựa chọn này của ông là chính xác.

Không dưng mà hàng ngàn, hàng vạn các nhà thơ (từ cổ chí kim) trên thế giới, mỗi lần định nghĩa về thơ, đều có ý gắn nó với hình tượng ngọn lửa. Thơ như lửa, là lửa và thơ cần... có lửa. Suy cho cùng thì cũng khó tìm được sự đối sánh nào gần gũi, phù hợp bằng mối liên hệ này. Thơ như lửa, vì bản thân ngọn lửa có hai đặc điểm: phát sáng và truyền nhiệt. Với thơ (và đâu chỉ với thơ) người ta gọi đó là sự soi rọi nhận thức và chia sẻ nỗi lòng, là lý trí và tình cảm.

Trong mênh mông vũ trụ, con người luôn ý thức được sự nhỏ bé, đơn côi của mình. Họ tìm đến với thơ như từ thời xa xưa, ánh sáng và sự ấm áp của những ngọn lửa đã thu hút họ. Có lẽ, chỉ loài lang sói (theo cả nghĩa đen, nghĩa bóng) mới chạy trốn khi nhìn thấy ánh lửa.

Nhưng, như nhà thơ Tây Ban Nha Loócca từng nhận xét: "Thơ là lửa và lửa thì rất khó giải thích". Lửa có thể sinh thành từ sự cọ xát của tre nứa rơm rạ bức xúc, mà cũng có thể sinh thành từ sự va đập của những viên đá lạnh lẽo. Ấy là điều kỳ diệu tưởng chừng mâu thuẫn. "Ai từ lập địa khai thiên/ Đem thân đá lạnh bật lên lửa nồng" (thơ Trần Ninh Hồ). Nhiệt huyết trong tâm hồn các nhà thơ làm bừng lên ngọn lửa thơ ca, mà sự run rẩy của trái tim đập nhịp đớn đau cũng làm lóe lên tia lửa thi ca. Chỉ có điều lửa không bao giờ đơn phương xuất hiện, mà có sự va đập, cọ xát của các vật thể. Có sức sống của thứ văn hừng hực, cũng có sức sống của thứ văn trầm buồn.

Người ta từng nhận xét văn của Pauxtốpxki (nhà văn Nga rất quen thuộc với độc giả Việt Nam) là buồn, nhưng đó là "nỗi buồn muôn thuở của khúc dân ca Nga âm vang trong đêm đông bão tuyết, hay man mác trong cảnh chiều vàng của buổi thu sang". Nỗi buồn ấy "làm cho con người ta xích lại gần nhau". Ở đây, cái "đẹp và buồn" (pha chút se lạnh) của văn Pauxtốpxki đã làm bừng lên ngọn lửa nối những trái tim đơn lạnh với nhau.

Có một cây bút trẻ đã than phiền rằng, thơ anh bị mọi người coi là...vô cảm. Đọc mỗi dòng anh viết, bạn đọc thấy câu chữ không lấy gì là non nớt, song chẳng mấy ai thuộc, nhớ. Điều này có thể giải nghĩa bằng việc thơ anh còn thiếu "lửa". Dễ hiểu, vì cái quan niệm "thơ là độc thoại" (tất nhiên, khi anh phân thân mà độc thoại với mình thì đó cũng là đối thoại rồi) thì không có sự va đập, cọ xát, làm sao có thể phát sinh ra "lửa". Mà không có "lửa" thì làm sao thu hút được người đọc.

Ngay trong quan hệ giữa người với người, dù ai đó có đẹp đến thế nào, mà cứ lạnh lùng, vô cảm, không làm nảy sinh trong người kia ngọn lửa của sự đam mê huyền bí, thì rồi sớm muộn cũng "anh đi đường anh, tôi đường tôi", buộc phải chia tay mà thôi.

Trong khi nhiều người làm thơ theo một bản năng, hay với chức năng "ngọn lửa" thì cũng có một bộ phận xem thơ như một trò chơi "ghép chữ" thuần túy. Lịch sử đã cho thấy cơ  man nào là trò chơi qua tay con người và rồi không để lại dấu ấn gì. Nói chung, đã là trò chơi thường con người rất dễ chán. Thời gian đã cho thấy một số hiện tượng "ghép chữ" từng xảy ra trước kia đến nay hầu như không còn ai biết đến, và rồi thời gian sẽ chứng minh sự đào thải của nó đối với những trò chơi "ghép chữ" còn đang tiếp tục của ngày hôm nay.

Thơ là lửa - lửa truyền từ trái tim tác giả sang trái tim độc giả, khoảng cách ấy rất dễ làm nó tắt nếu không được sự cộng hưởng của "không khí thời đại", huống hồ ngọn lửa từ bản thân tác giả không đủ mạnh thì sự truyền cảm đến độc giả sẽ càng yếu ớt. Tuy nhiên, nói như một nhà văn nước ngoài "không ai biết lửa bắt đầu từ đâu và cũng không mấy ai biết nó kết thúc ở chỗ nào". Có những mầm lửa phải ủ trong tro trấu thời này nhưng lại làm bùng lên hàng triệu triệu ngọn đuốc ở thế kỷ sau. Duy chỉ có một điều, đó phải là lửa thật chứ không phải thứ lửa ma trơi thắp lên từ xác chết ngoài nghĩa địa.

Thơ không có "lửa", không làm nảy sinh "lửa" trong người đọc, thơ sẽ không có cơ tồn tại. Và một điều lý thú: lúc bấy giờ "ngọn lửa thời gian" sẽ lại thực hiện nhiệm vụ của mình...

Tác giả: Phạm Thành Chung

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây