Thiếu quan tâm
Để lượng hóa thực trạng đọc sách của thiếu nhi, các tác giả Nguyễn Thu Nga, Lê Minh Nguyệt (Khoa Ngữ Văn, ĐH Sư phạm Hà Nội) khảo sát ở 10 tỉnh/ thành tương đối tiêu biểu cho các vùng miền trên cả nước. Không chỉ khảo sát gần nghìn em độ tuổi 8 đến 13, các tác giả còn phát phiếu hỏi cho giáo viên và phụ huynh.
Kết quả, khoảng 80 phần trăm giáo viên không đọc sách thiếu nhi và vì thế, hầu như họ cũng không biết học sinh của mình đang đọc, quan tâm đến sách gì. Số phụ huynh không đọc một tác phẩm văn học thiếu nhi nào (kể từ khi con họ biết đọc) còn nhiều hơn: 86 phần trăm.
Nhiều phụ huynh cho biết không hề mua sách thiếu nhi cho con em với lý do, các con phải học quá nhiều nên cần được nghỉ ngơi và giải trí theo ý thích. Ngay cả những phụ huynh dành tiền mua sách cho con cũng không biết con mua sách gì, thích đọc sách gì!
Một kênh khác được cho là bắt buộc trẻ em tiếp xúc với văn học thiếu nhi là môn văn trong nhà trường có những nhận xét khá tiêu cực. Hơn nửa giáo viên có ý kiến, số tác phẩm văn học thiếu nhi giảng dạy trong trường tiểu học và THCS còn ít, chưa gây hứng thú cho học sinh.
Những thông tin trên cũng phù hợp với khảo sát về nguồn sách của học sinh: Chủ yếu các em tự mua, mượn của bạn, đọc trên mạng. Điều này lý giải nguyên nhân, trong số sách các em đọc, nhiều cuốn chưa hay, thiếu tính giáo dục.
Tuy nhiên, mấu chốt của vấn đề là ở chỗ: Chỉ 18,3 phần trăm em có sở thích đọc sách khi rỗi rãi. Thứ tự của các trò giải trí được trẻ em thích nhất là: Chơi game (32,2 phần trăm), xem TV (27,9 phần trăm), trò chơi khác (19,1 phần trăm).
Cần thay đổi
Tuy nhiên, theo các đại biểu, sự thiếu quan tâm của gia đình cũng như giáo viên đối với việc đọc sách của trẻ chỉ là một thực trạng. Nguyên nhân cơ bản khiến trẻ thờ ơ là sai lầm trong cách tiếp cận với trẻ em của dòng văn học này.
Từ tiêu đề của hội thảo, văn học thiếu nhi ảnh hưởng tới nhân cách trẻ em, GS Phong Lê cho biết cách đặt vấn đề “văn học ảnh hưởng tới nhân cách” là mới có những năm gần đây. Trước đó, thay khái niệm nhân cách, người ta nói đạo đức, lý tưởng.
GS Phong Lê trăn trở: “Suốt nửa thế kỷ, thầy trò chúng tôi thuộc nằm lòng ba chức năng của văn học: Nhận thức, giáo dục, thẩm mỹ. Khi tôi sang Đức, nghe bạn nói tới chức năng giải trí. Trong thời đại này tôi càng thấm thía, con người cần vô cùng chức năng giải trí của văn học”.
GS Phong Lê cho rằng điều mà văn học thiếu nhi cần và có thể làm được là trở thành kênh giải trí lành mạnh, có ích. “Có như vậy, văn học mới mang đến những tác dụng liên tiếp, hỗ trợ , thanh lọc tâm hồn, bồi đắp tình cảm, khuếch trương trí tưởng tượng và niềm mơ ước”.
Còn PGS TS Trần Đình Ngôn (nguyên hiệu trưởng ĐH Văn hoá) cho rằng, trong kho tàng văn học dân gian, không thiếu tác phẩm gần gũi với trẻ. Thế nhưng những nội dung này trong chương trình lại không được khai thác đúng mức. “Nên thay đổi cách nhìn với văn học dân gian khi giáo dục thiếu nhi”, PGS Ngôn đề xuất.
Tự nhận lỗi “Tôi tham gia viết sách giáo khoa môn văn, chủ biên một số cuốn ở cấp THCS. Cháu tôi nói cháu ghét cái môn của ông quá, mong nhà trường bỏ không học môn ấy nữa. Tôi cảm nhận sự bất lực của mình”. - GS Nguyễn Đình Chú (nguyên giảng viên khoa Ngữ Văn, ĐH Sư phạm Hà Nội). “Trong giáo trình văn học thiếu nhi cho khoa Tiểu học của ĐH Sư phạm Hà Nội, chúng tôi viết toàn những điều đao to búa lớn. Giờ cần viết lại, viết những cái thực dụng, gần gũi, phù hợp với thiếu nhi” -PGS TS Trần Đình Ngôn |
Tác giả: Quý Hiên
Nguồn tin: Tiền Phong
Ý kiến bạn đọc