"Mánh" trong thị trường xuất bản

Thứ sáu - 02/10/2009 11:14 2.072 0
Chỉ cần trước khi ra sách, những "nhà sưu tầm" viết đôi lời cảm ơn chung chung, thế là có thể "yên tâm" về việc chép nhặt của mình, không sợ phải chia danh, chia lợi. Còn sau đấy, phản ứng của các "tác thật" ra sao, họ không cần đếm xỉa.

1. "Câu khách" bằng mọi cách…

Hiện tại, khi mà việc phê bình, giới thiệu sách trên báo chí được xem là manh mún, mạnh ai nấy làm, thậm chí có chỗ còn mang tính "cửa quyền", thì việc các nhà làm sách và tác giả (hoặc dịch giả) tìm mọi cung cách để ấn phẩm của mình gây được sự chú ý của bạn đọc, âu cũng là lẽ thường tình. Chỉ có điều, nhiều "điểm nhấn" dị thường đã ngày một trở nên sáo mòn, và cách quảng cáo thái quá đây đó đã gây cho người đọc những phản cảm…

Ví dụ: để phục vụ việc tiếp thị, nhất là với những đầu sách dịch, các nhà làm sách và dịch giả đã cho giữ nguyên những cái tên nghe khá gây sốc mà chẳng cần kiêng cữ gì (chưa kể nó còn có thể bị đổi cho tăng phần "ấn tượng"). Và đó quả là những cái tên mà trước đây, ai nghe cũng cảm thấy gai gợn.

Ví như  "Xin lỗi, em chỉ là con đĩ" của nhà văn Trung Quốc Tào Đình (NXB Hội Nhà văn), "Hễ sướng thì hét lên" của nữ nhà văn Trung Quốc Trì Lợi (NXB Phụ nữ), "Muốn làm gì tôi thì làm" của nhà văn Anh C. Oates (NXB Hội Nhà văn)…v.v và v.v.

Không chỉ gây sửng sốt ngay từ tên sách, các nhà xuất bản cũng lạm dụng tối đa phần bìa 1, bìa 4 để giới thiệu, quảng cáo cho ấn phẩm thêm phần "khơi gợi". Phải nói, có những cách giật nội dung rất táo bạo, mà lạ thay, đa phần chỉ là để độc giả "bập" ngay vào vấn đề tình dục (chưa hẳn là chủ đề chính của cuốn sách).

Như ở cuốn "Điên cuồng như Vệ Tuệ" của nữ văn sĩ Trung Quốc Vệ Tuệ (NXB Hội Nhà văn, 2007), dòng đầu tiên đập vào mắt người đọc tại bìa 4 là "Dù có nhiều trang tả cảnh làm tình, song không thể nói những trang truyện ở đây mang tính khiêu dâm"; ở cuốn "Những người đàn bà tắm" của nữ văn sĩ Trung Quốc Thiết Ngưng (NXB Hội Nhà văn, 2006), mở đầu trích đoạn in ở bìa 4 là "Phi chỉ lên miệng mình và nói, có thể Khiêu không tin, tớ qua tay rất nhiều thằng đàn ông…"; ở bìa 4 cuốn tiểu thuyết "Tử cấm nữ" của nhà văn Trung Quốc Lư Tân Hoa (NXB Hội Nhà văn, 2005) có câu: "Tử cấm nữ là lời tự bạch những sắc thái tình cảm của một thạch nữ trong tình yêu với ba người đàn ông, cũng như quá trình "mở cửa" thân xác của cô" v.v và v.v…

Chao ôi, chẳng lẽ trong cách "câu nhử" độc giả, không còn cách nào khác ngoài việc phơi bày chuyện chăn gối thế sao. Điều đáng nói là những dòng nặng mùi nhục cảm nói trên thường đa phần rơi vào những cuốn sách có xuất xứ từ Trung Quốc.

Thật ra, những cách "tiếp thị" kiểu trên giờ cũng đã "bão hòa" nên làng xuất bản đang nảy sinh một cách thức tiếp thị mới mà theo tôi là khá nguy hại. Ấy là, thay vì "gây gổ" với người đọc, họ quay ra "gây gổ" với… một số tổ chức chính trị, kể cả với… thể chế.

Đã có một số cuốn sách khi tái bản được giới thiệu ở bìa 4 là "trước đây ít năm đã bị thu hồi", có cuốn cho in ở lời giới thiệu những dòng hỏi - đáp của một nhà báo và tác giả, trong đó nhà báo đặt câu hỏi: "Có người nói cuốn sách nói xấu chế độ, bôi bác rất nhiều cán bộ, kể cả cán bộ có chức có quyền". Dụng ý đưa đoạn hỏi - đáp này vào sách nhằm mục đích "câu khách" đã rõ.

2. Sách đẹp, lỗi nhiều

Hẳn nhiều độc giả còn nhớ: Ở vào thời bao cấp, đa phần chất lượng giấy in của chúng ta đều rất thấp. Nhiều cuốn giấy đen bẩn, một mặt bóng một mặt ráp, thậm chí nhiều trang còn găm nguyên cả… sợi nứa. Chữ in thì là chữ chì, được sắp bằng tay, lại do dùng lâu ngày đã bị vẹt mòn, khiến khi in ra, chúng không còn giữ được độ sắc nét.

Người đọc nhiều khi phải vừa đọc vừa… đoán chữ. Ấy thế nhưng, có một điểm thực sự cần phải ghi nhận: Đó là lỗi morat rất ít. Dường như tất cả các nhà xuất bản đều duy trì hệ thống đọc soát lỗi sau khi in. Cuốn sách có lỗi in sai thường được gắn kèm một bản đính chính. Và tôi để ý thấy, hiếm khi có một cuốn sách mà số điểm cần đính chính dài tới 20 cái... gạch đầu dòng.

Còn bây giờ, chất lượng in so với trước đây có thể nói là khác nhau một trời một vực. Giấy trắng, dày, mực đậm, trình bày phong phú, tranh bìa rực rỡ, hoành tráng. Thế nhưng lại có một nghịch lý dở cười dở mếu là: Lỗi morat quá nhiều! Có những bộ sách như bộ "Tuyển tập Nam Cao" từng bị một số nhà xuất bản xử lý một cách quá ư cẩu thả.

Ngoại trừ những chỗ mất đoạn người đọc không dễ đoán biết, thì nội những chỗ sai sờ sờ đập ngay vào mắt của những người bình thường cũng dễ tới 4-5 ngàn lỗi! Đọc bộ sách này, tôi cảm tưởng là nhân viên máy tính vừa ngồi gõ máy vừa tán chuyện phiếm với người xung quanh. Và khi bản thảo được đánh xong thì người này không thèm đọc soát lấy một lần mà chuyển thẳng ngay xuống… nhà in.

Một việc hiển nhiên phải làm, là đánh máy xong thì soát lại, người ta còn tặc lưỡi cho qua, đòi hỏi chi tới việc sách in ra, có người ngồi đọc để thống kê và làm bản đính chính. Thực tế, đi mua sách cả chục năm nay, hầu như tôi chưa bắt gặp cuốn nào có được bản đính chính dán kèm theo.

Và sự vô trách nhiệm chưa dừng ở đây. Có những cuốn lỗi nhiều, bị dư luận lên tiếng chỉ trích, song khi tái bản, lại vẫn "chứng nào tật nấy" (như bộ "Tuyển tập Nam Cao" kể trên). Hỏi vị lãnh đạo đơn vị xuất bản có liên quan, vị này cho biết cuốn sách được "bán cái" cho một đầu nậu.

Và nhân vật đầu nậu này, mặc dù rất biết cuốn sách in sai nhiều, nhưng vì sợ tốn thêm vài ba trăm nghìn làm lại bản can, nên cứ thế tái bản cuốn sách theo… bản cũ! Thật khó tin người ta có thể sẵn sàng chà đạp lên công luận chỉ với một cái giá rẻ mạt như thế!

3. Biên tập chiếu lệ?

Nếu như ai đó đặt câu hỏi: Biên tập viên các nhà xuất bản hiện có vai trò như thế nào đối với những cuốn sách do mình đứng tên biên tập, tôi tin là không ít người nắm rõ sự tình sẽ thẳng thắn trả lời là "hết sức nhạt mờ". Cứ nhìn vào những cuốn sách được tái bản, ta có thể thấy: Họ chỉ việc chuyển cho bộ phận sản xuất, phát hành của đơn vị, hoặc các đầu nậu… một cuốn sách đã được in ra trước đó là coi như xong việc.

Nếu như ở thời bao cấp, mỗi một tác phẩm văn học nước ngoài khi được dịch ra tiếng Việt, thường thì biên tập viên còn phải chăm lo khâu tổ chức viết "Lời giới thiệu" về thân thế, sự nghiệp của tác giả và những nét cơ bản về tác phẩm, thì hiện thời, rất hiếm có biên tập viên nào quan tâm đến vấn đề này.

Thậm chí, có người cho dùng nguyên cả "Lời giới thiệu" từ những bản in cũ (có thể được viết cách đấy mấy chục năm) và để cho có vẻ "mới", họ gạch bỏ dòng chữ ngày tháng ở cuối những bài viết đó. Không hiếm biên tập viên còn "đại lãn" đến mức, họ không một lần để mắt đọc lại những "Lời giới thiệu" này. Và thế là, những sự cố bi hài đã xảy ra, khiến độc giả đọc mà không tin vào mắt mình.

Như ở thời điểm năm 2003, đọc lời giới thiệu cuốn "Anna Karênina" của Lép Tônxtôi, ta thấy đồng bào miền Nam nước ta hiện vẫn "sống dưới chế độ thực dân kiểu mới của đế quốc Mỹ"; đọc lời giới thiệu cuốn "Túp lều bác Tôm" của Hariét Bítchơ Xtô, ta thấy ở nước Mỹ, hiện "người Mỹ da đen vẫn tiếp tục chống chính sách phân biệt chủng tộc dã man ấy".

Chỉ có thể lý giải việc để xảy sự cố này là do biên tập viên không hề đọc lại những gì mình cho tái bản. Như vậy, không rõ vai trò "biên tập" của họ đối với cuốn sách thể hiện ở đâu?     

4. Lạm phát "thư riêng"

Như một bữa tiệc ê hề cá thịt, người đầu bếp cần phải tăng cường các món rau dưa cho dễ ăn, gần đây, trong việc xuất bản các sách hồi ký, chân dung văn học (mà đa phần là của những nhà văn đã quá cố), nhiều nhà làm sách đã tranh thủ cho in thêm vào đó một số thư từ, hoặc trích đoạn nhật ký của các tác giả, thậm chí là những thư riêng của người này người khác gửi cho họ.

Việc làm này có thể giúp bạn đọc hiểu thêm phần nào cuộc sống thực cũng như những góc khuất trong tâm hồn các nhà văn, song vì có nơi, có chỗ đã quá lạm dụng cách thức trên khiến cho sách in ra không nhận được sự đồng thuận, nếu không muốn nói là còn gây sự phản cảm trong tâm lý người đọc.

Cách đây ít lâu, nhà xuất bản H. đã cho tái bản cuốn hồi ký, chân dung văn học của tác giả T. Cái mới của cuốn sách so với lần xuất bản trước là được tác giả cho bổ sung mấy bức thư, hầu hết là của bạn bè văn nghệ gửi chúc tụng ông. Tôi đặc biệt chú ý tới bức thư của biên tập viên N.

Người này sau khi thông báo với ông rằng cuốn sách của ông (bấy giờ còn ở dạng bản thảo) đã gây nên sự e ngại trong Ban Giám đốc nhà xuất bản (họ muốn tước bỏ đi một số chương đoạn "nhạy cảm") đã bày tỏ quan điểm không đồng tình của mình với cấp trên và khuyên nhà văn T nên giữ nguyên câu chữ của mình và kiên nhẫn chờ in vào "một dịp khác" hoặc… tìm một "nhà xuất bản khác".

Cũng may là hiện thời, các vị lãnh đạo xuất bản nhắc tới trên đều nghỉ hưu cả rồi, chứ không thì không biết mối quan hệ công việc giữa họ và biên tập viên N sẽ ra sao. Dẫu thế nào chăng nữa, thiết nghĩ, nhà văn T cũng không nên đưa in trong cuốn sách của mình những bức thư hoàn toàn mang tính riêng tư như thế.

5. Đạo văn bằng "bàn tay nhung"

Sở dĩ tôi gọi hiện tượng này là "đạo văn bằng bàn tay nhung" là vì cái sự "đạo" nó được dán những nhãn mác "mỹ miều", như  "sưu tầm, biên soạn" in ngoài bìa sách và những lời phi lộ khá lịch sự in ở "Lời nói đầu".

 Những "tác rởm" ấy cho ta một cảm giác việc họ bệ nguyên bài viết của người khác vào cuốn sách "sưu tầm, biên soạn" của mình là một việc làm đường đường chính chính, rằng những tác phẩm mà họ "sưu tầm, biên soạn" ấy là tài sản công cộng.

Chỉ cần trước khi ra sách, họ viết đôi lời cảm ơn chung chung, thế là có thể "yên tâm" về việc chép nhặt của mình, không sợ phải chia danh, chia lợi. Còn sau đấy, phản ứng của các "tác thật" ra sao, họ không cần đếm xỉa. Rõ ràng, nếu chúng ta không có ý kiến nghiêm khắc về hiện tượng này, hẳn sẽ tạo ra thực trạng "làm giả ăn thật" trong thị trường xuất bản.

Xin nêu một số ví dụ:

Cuốn "Giai thoại văn học" do N.H.Đ. "sưu tầm, tuyển chọn" được NXB Hà Nội ấn hành cách đây ít năm. Trong "Lời giới thiệu", người làm sách cho biết cuốn sách được ông "tập hợp một số trang tiểu sử, những giai thoại của các nhà văn, nhà thơ có tác phẩm trích giảng trong ngữ văn lớp 6, lớp 7…".

Đọc cuốn sách, ta bắt gặp các bài viết của nhiều tác giả, tuy nhiên, chỉ một số rất ít tác giả là được N.H.Đ. ghi tên ở cuối bài. Riêng trường hợp nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi thì ngoài những bài ông N.H.Đ. không cho biết là của ai, còn lại thì ngay phần mở bài, ông chêm vào một dòng "Nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi kể". Chỉ thế thôi, ông N.H.Đ. đã hóa ra người chấp bút cho nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi, trong khi thực tế, những câu chuyện này, nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi đã viết và cho in thành sách, cũng như cho công bố rộng rãi trên báo chí từ nhiều năm trước.

Cuốn "Tiếu lâm kim cổ" do H.M. sưu tầm, biên soạn, NXB Khoa học Xã hội ấn hành quý I/2005, mặc dầu chỉ dày có 160 trang thôi, song lại được tác giả cho biết: "Đây là những mẩu chuyện tiếu lâm được sưu tầm công phu từ khắp mọi miền của đất nước", và tác giả "xin chân thành cảm ơn các nhà sáng tác dân gian đã góp phần làm cho cuộc sống phong phú hơn về mặt văn học", trong khi đọc cuốn sách, ta bắt gặp nhiều truyện rõ ràng là văn viết, không phải văn kể, từng xuất hiện đây đó trên báo chí chứ không phải ẩn khuất trong dân gian. Đúng ra soạn giả nên cảm ơn các tác giả hữu danh này hơn là các nhà sáng tác…vô danh kia.

Cuốn "Truyện tiếu lâm Việt Nam" do V.N.K. sưu tầm, biên soạn, NXB Văn hóa- Thông tin ấn hành tháng 5/2006, thoạt nghe có vẻ được làm công phu, nghiêm túc khi ở đầu sách, người biên soạn cho biết: "Soạn tập sách này, chúng tôi đã gửi thư xin phép các soạn giả trước cho ghi lại đa số những mẩu đã được kể (nếu vị nào không nhận được thư thì những dòng này xin được xem là bổ khuyết)". Nói vậy song trong hơn 400 trang sách, soạn giả cũng không ghi cụ thể tên tác giả của từng phần tài liệu mà mình "xin phép" được "ghi lại".

Thế mới biết, điều đáng thông tin thì các soạn giả không cho biết, cho nên với những lời "cảm ơn suông" kia, có người cho rằng đó cũng chỉ là một cách các nhà làm sách đối phó với công luận về vấn đề bản quyền mà thôi.

Tác giả: Phạm Thành Chung

Nguồn tin: CAND

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây