Văn nghệ địa phương nhìn từ Phú Yên

Thứ sáu - 25/09/2009 22:51 2.250 0
Viết cái gì cũng “phạm húy”

Theo những gì liên tiếp diễn ra mà chúng tôi quan sát được, Phú Yên có lẽ là tỉnh có nhiều văn nghệ sĩ “phạm húy” nhiều nhất Việt Nam. Điều đó thể hiện qua góc nhìn của một số người hiện đang có chức quyền lãnh đạo văn nghệ lẫn báo chí của tỉnh này.

Cách đây khoảng 3 năm, nhà thơ cao niên Trần Huiền Ân trở thành người đầu tiên “chịu nạn búa rìu” bởi “cái tội” làm thơ mà “người khác” đọc không hiểu. Chẳng hạn như trong bài thơ Khúc hát ngày về, Trần Huiền Ân viết: “Ta trở về bên dòng suối rách/ Vóc nước lên kỳ cọ mặt mày”. Riêng hai từ “suối rách” đã được đem ra “mổ xẻ” bằng “dao phay” và miệng lưỡi đao búa với rất nhiều suy diễn sang hướng “quy chụp”. Trong khi văn cảnh để nhà thơ dùng từ “suối rách” là để diễn tả dòng suối mùa Hè khô cạn nước, chỉ còn lại những vũng nước nhỏ nằm rải rác dưới lòng suối. Với bài thơ Khúc hát ngày về, xem như thi sĩ Trần Huiền Ân “chịu nạn” lần thứ nhất.

Lần thứ hai, nhà thơ này làm bài thơ Ngọn cỏ tịch điền cũng in trên báo địa phương. Thế nhưng, một số vị “miệng có gang có thép” lại duy diễn rằng “tịch điền” có nghĩa là “đất chết” theo lối chiết tự “tịch” là “chết”, “điền” là “đất”. Trong khi, với trình độ văn hóa thường thường bậc trung, ai cũng có thể hiểu rằng “tịch điền” xuất phát từ điển tích “lễ tịch điền” vua xuống ruộng cày để chia sẻ nỗi vất vả lao động với người dân.

Như Trần Huiền Ân tự nhận ông là “công dân hạng bét” thì bị một số người có “quyền suy diễn” chụp cho “cái mũ cũ mèm” âu cũng dễ hiểu. Nhưng ngay với cả nhà thơ Thanh Quế, nguyên Chủ tịch Hội Văn nghệ Đà Nẵng cũng không thoát “lưới trời”. Thanh Quế sinh ra ở Phú Yên, cả một đời ông sống xa quê, thế nhưng khi bài thơ Ông già của ông ngỡ chút thơm thảo dành cho báo chí quê nhà, thì cũng hiểu theo một cách cực kỳ…khó hiểu!

Mới đây nhất, trên báo Phú Yên số Xuân Kỷ Sửu, nhà văn “nông dân” Ngô Phan Lưu có in tạp bút Trâu ơi ta bảo trâu này với nhiều đoạn trích các câu tục ngữ ca dao, như: Trâu bò húc nhau ruồi muỗi chết, Trâu cột ghét trâu ăn… Cả cái tạp bút này cũng bị soi rằng “có vấn đề”(?). Trời ạ, trích tục ngữ ca dao là quốc hồn quốc túy của dân tộc mà cũng “có vấn đề” nữa thì ai dám viết cái gì???

Chưa hết, ngay cả thơ đoạt giải Nhất trong một cuộc thi thơ của tỉnh này vào năm 2008 cũng bị phán xét là bài thơ “tả không trung thực”. Chuyện là bài thơ Cổng làng của cây bút trẻ Đào Tấn Trực đoạt giải Nhất cuộc thi thơ tỉnh Phú Yên 2008. Sau khi bài thơ đoạt giải Nhất do các nhà thơ ở 3 tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa chấm, thì có ý kiến cho rằng bài thơ này không xứng đáng: “Bài thơ này mà nhất thơ 2008 thì vô tình hạ thấp (chưa đến nỗi hạ nhục)… thơ đất Phú”. Ý kiến ấy của một vị quan về hưu, theo vị này ở Phú Yên làm gì có cổng làng, cổng làng chỉ có ở miền Bắc thôi, do đó tác giả “tả không thực”???

Vậy ai viết không phạm húy?

Câu hỏi đặt ra không phải là viết cái gì mà là ai viết mới không “phạm húy”? Câu hỏi này đặt ra chỉ để hỏi, vì thiết nghĩ câu trả lời đã có rồi: Quan làm văn nghệ ở địa phương viết cái gì cũng tuyệt vời! Như ở tỉnh Phú Yên thôi, một vị cán bộ năm rồi có in một cuốn sách viết về biển đảo chỉ tầm vừa đủ “sạch nước cản” nhưng trên tờ báo của tỉnh đã có đến 4 bài ca ngợi tận chín tầng mây, rằng văn “thầy mình” ngang với Nguyễn Tuân, Tô Hoài và nhiều văn nhân thiên hạ khác… khiến thiên hạ “bịt mũi” không kịp. Theo suy nghĩ đơn giản nhất, nếu không có “lệnh miệng”, thì ban biên tập của tờ báo tỉnh này có “dám” in như thế không? Và nếu, tác phẩm của ông quan nọ hay thật đúng như lời ca ngợi của “đám lâu la” của ông, thì diễm phúc thay, tỉnh nhỏ Phú Yên sắp có đại văn hào, có giải Nobel đến nơi rồi.
Để chứng minh rằng cuốn sách của mình ngang với Nguyễn Tuân,Tô Hoài…, trong cuộc bầu chọn sách hay sách đẹp do thư viện tỉnh này tổ chức, cuốn sách của ông quan nọ nghiễm nhiên đoạt giải nhất vừa hay vừa đẹp. Rồi có một số nhà thơ đang sinh hoạt ở cấp CLB thuộc “cánh hẩu” của quan ông đã thây phiên nhau “mần thơ” ca tụng cuốn sách, tạo ra một bầu không khí sinh hoạt văn nghệ không được tự nhiên.

Đến giải báo chí của tỉnh này vào ngày 21/6 vừa rồi, cũng cuốn sách này của ông được “đặt cách” qua vòng loại vào thẳng vòng chung khảo. Đến khi có hai vị, một vị là lãnh đạo Sở Thông tin truyền thông của tỉnh, một vị làm ở Đài Truyền hình Việt Nam khu vực Phú Yên dũng cảm đứng lên phản đối vì không hợp tiêu chí, điều lệ giải, thì ông quan này (cũng có chân trong hội đồng chung khảo) mới mặt đỏ tía tai “xin rút tác phẩm”. Nếu không có hai vị dũng cảm phản đối, thì kết quả chắc chắn “mỹ mãn” ngoài sức tưởng tượng!

Chuyên môn không bằng chuyên… quyền

Hơn năm nay, ở Phú Yên xẩy ra một vụ, tạm gọi là “vụ án Nếu không muốn đi hết con đường” đến giờ vẫn chưa giải quyết xong. Nhà thơ trẻ Nguyễn Phong Việt quê Phú Yên, hiện làm báo ở TP.HCM có bài thơ tình Nếu không muốn đi hết con đường được tờ báo quê nhà in. Sau khi báo phát hành vào ngày 1/3/2008, thì báo này nhận được nhiều phản hồi “chê trách” sao báo Phú Yên lại in một bài thơ có nội dung không tốt như vậy. Có ý kiến cho rằng nên trị hoặc bắt nhốt tác giả bài thơ. Sau vụ “Nếu không muốn đi hết con đường” khiến lan truyền trong giới văn nghệ một bài vè có tên Phú Yên thi nạn diễn ca.

Nội dung bài vè tổng kết lại những vụ việc mà nhà thơ và tác phẩm của mình sau khi in báo trong tỉnh bị suy diễn, quy chụp. Bài vè này đã được nhà thơ Lê Thiếu Nhơn, quê Phú Yên sưu tập đưa lên web cá nhân của mình. Sau khi web của Lê Thiếu Nhơn in bài vè, một số vị quan chức đang quyền hoặc về hưu ở Phú Yên còn đòi… bỏ tù chủ trang web khiến giới văn nghệ ở tỉnh này đều kinh sợ.

Về bài thơ Nếu không muốn đi hết con đường, báo Phú Yên đã có phản hồi bằng việc hỏi ý kiến quản lý lẫn chuyên môn của những đơn vị, cá nhân có uy tín. Xin tóm lượt:

- Vụ Báo chí - Xuất bản Ban Tuyên giáo Trung ương do Phó Vụ trưởng Vũ Đình Trường ký trả lời công văn số 382/CV-BBT Báo Phú Yên về việc đề nghị cho ý kiến về nội dung bài thơ Nếu không muốn đi hết con đường… của tác giả Nguyễn Phong Việt, đăng báo Phú Yên cuối tuần, số 526 ngày 1 tháng 3 năm 2008; sau khi trao đổi với Vụ Văn hóa - Văn nghệ Ban Tuyên giáo Trung ương, Vụ Báo chí - Xuất bản có ý kiến như sau: Mỗi độc giả có thể cảm nhận bài thơ Nếu không muốn đi hết con đường… của tác giả Nguyễn Phong Việt khác nhau, tuy nhiên không nên suy diễn, quy kết việc sáng tác và đăng bài thơ này trên báo là có động cơ và ý đồ tiêu cực về chính trị.”

- Ý kiến của tiến sĩ Lưu Văn Kiền, Phó Cục trưởng Cục báo chí - Bộ thông tin & truyền thông: Tôi không phải là nhà thơ cũng không phải là người phê bình thơ, tôi là nhà báo, nhưng sau khi đọc bài thơ trên có thể khẳng định rằng: Đây là bài thơ tình, tác giả bài thơ như là người đang có một tình yêu dang dở tự khuyên mình phải mạnh mẽ, dứt khoát, bản lĩnh để có một tình yêu đích thực, mặc dù con đường tình yêu nhiều trắc trở. Bài thơ kèm theo ảnh minh họa tăng thêm “đô” của bài thơ tình. Việc có người cho rằng bài thơ trên có nội dung kêu gọi người khác không đi theo con đường XHCN, thì đó là sự quy chụp mơ hồ, vô căn cứ. Nếu cứ quy chụp kiểu này thì có lẽ không ai dám làm thơ. 

- Ý kiến của nhà thơ Vũ Quần Phương, Chủ tịch Hội đồng thơ - Hội nhà văn VN: Bài thơ Nếu không muốn đi hết con đường… không có gì đặc sắc. Có ý, nhưng nhiều ý chưa thấu hiểu việc đời. Tôi không thấy bài thơ có gì là phản động. Tôi nghĩ, tác giả nói về quy luật chung, mà ở đây thiên về tình yêu đôi lứa. Không có yếu tố chính trị. Tôi e ai đó suy diễn. Suy diễn rồi bảo người ta là phản động, trong khi không đưa được chứng cứ, là phạm tội đấy! Trong tình hình xã hội hiện nay, nên có cái nhìn thông thoáng và bao dung. Nếu không, sẽ đổ vỡ nhiều thứ lớn hơn. Hãy để bài thơ này sống cuộc đời của nó, nếu nó còn sống được.

- Trả lời phỏng vấn báo Phú Yên của nhà thơ Nguyễn Đức Mậu, Phó chủ tịch Hội đồng thơ - Hội nhà văn VN: Bài thơ Nếu không muốn đi hết con đường… được viết phóng khoáng theo kiểu thơ tự do. Đây là bài thơ đọc được. Có những bài thơ vần điệu phóng khoáng nhưng lại không đọc được. Tuy nhiên theo tôi, câu “Làm ơn đi mà” trong bài thơ này hơi “văn xuôi”. Bài thơ này nói chung tác giả viết được. Tôi thấy bài thơ không có vấn đề gì về chính trị cả. Một bài thơ có thể hay ở sự đa nghĩa. Thế nhưng từ nghĩa này anh cứ suy diễn theo nghĩa khác để mà quy chụp cho tác giả là điều tối kỵ của người đọc thơ. Tất nhiên chuyện suy diễn, quy chụp ấy đã cũ lắm rồi.

Phải chăng, ở Phú Yên có “luật lệ riêng” để quản lý và phát triển văn học nghệ thuật? Câu hỏi ấy xin dành cho những người tự trọng và tha thiết với sự tiến bộ của nền văn hóa Việt Nam!

Tác giả: Hoàng Nhân

Nguồn tin: TTVH

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây