Văn học trẻ miền Nam: Nhiều cây, ít quả chín

Thứ sáu - 02/10/2009 12:23 2.447 0

Hội thảo Văn học trẻ TP.HCM 2007

Hội thảo Văn học trẻ TP.HCM 2007
Từ đầu năm đến nay, không khí sinh hoạt của các cây bút trẻ miền Nam khá chìm lắng. Tuy vậy, họ vẫn âm thầm sáng tác và theo đuổi những dự định văn học riêng của mình.

Điểm mặt “anh tài”

Vừa qua, trong ba tập thơ lọt vào chung khảo của Giải thưởng thơ Bách Việt 2009, có hai tập thơ của hai nhà thơ miền Nam - đó là Mùi thơm của im lặng của Đồng Chuông Tử và Những giấc mơ đa chiều của Tuệ Nguyên. Về văn xuôi, Hội đồng thẩm định Giải thưởng văn Bách Việt lần thứ nhất đã chọn Thể xác lưu lạc của Tiến Đạt. Đây là cuốn tiểu thuyết đầu tiên lọt vào vòng chung khảo và cũng là cuốn tiểu thuyết đầu tiên ra mắt trong Giải thưởng văn Bách Việt lần thứ nhất.

Song song với hai tuyển tập truyện ngắn của miền Bắc và miền Trung, những cây viết trẻ của miền Nam (17 tác giả) cũng đã góp mặt trong tập truyện Ngày bất tận và ngân dài từ đó vừa mới xuất bản. Những tác giả quen thuộc như: Nguyễn Ngọc Tư, Trần Thị Hồng Hạnh, Phan Hồn Nhiên, Nguyễn Ngọc Thuần, Nguyễn Vĩnh Nguyên… cùng với những gương mặt sáng tác còn rất trẻ như: Phương Trinh, Yến Linh… đã cùng vẽ nên một chút gì đó cho diện mạo văn học của giới trẻ miền Nam một cách hào sảng và nhân hậu.

Đặc biệt, tuyển tập Buffet truyện ngắn đồng bằng (NXB Trẻ), do nhà văn Đoàn Thạch Biền, Nguyễn Đông Thức và nhà thơ Lê Minh Quốc tuyển chọn. Tuyển tập này đã giới thiệu 20 tác phẩm tự chọn của 20 tác giả thuộc các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Trong số đó, một số cây viết trẻ miệt đồng bằng sông nước “đã thể hiện tình yêu với văn chương, bộc lộ cá tính rõ rệt trên trang viết” - nhà văn Lê Chí nhận xét.

Đại diện cho mảng văn học mạng miền Nam, tác giả Keng - Đỗ Thị Thùy Linh, tác giả của cuốn Dị bản từng gây xôn xao trên văn đàn cách đây hai năm, cũng vừa cho ra mắt hai tác phẩm mới, đó là Hồng gai và Đôi mắt không còn ướt nước. Keng vẫn viết về những cảm nghiệm của giới trẻ về tình yêu, sự trăn trở, và cả những mối quan hệ nhục cảm… Tuy nhiên, theo cô nói, có thể sau hai tác phẩm này, chủ đề sáng tác của cô sẽ chuyển sang một hướng khác.


Hoa chờ kết trái

Hiện nay, những cây bút trẻ ở miền Nam thực ra không phải là ít. Quen thuộc với văn đàn như Nguyễn Ngọc Tư, Lê Thiếu Nhơn, Nguyễn Ngọc Thuần, Nguyễn Vĩnh Nguyên, Dương Bình Nguyên, Trần Thị Hồng Hạnh, Trần Nhã Thụy, Vũ Đình Giang, Bùi Thanh Tuấn, Nguyễn Thu Phương, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Ngô Thị Hạnh… vẫn đang sống khỏe và viết khỏe. Tuy nhiên, đa số đều bận rộn với công việc viết báo hoặc viết kịch bản phim… nên không thể chuyên tâm cho việc sáng tác.

Thành quả từ công việc sáng tác của họ được tích lũy dần dần từng ngày một, giống như bông hoa đang nở trước khi kết trái, và nuôi dưỡng những quả ấy lớn dần. Có những quả đã đến lúc thu hoạch, nhưng vẫn phải đem giấu, chờ đến thời điểm thật chín muồi và thơm ngon nhất mới trình làng. Chính vì thế, thời điểm này hầu như có rất ít cây viết miền Nam cho ra sách. Một số cho rằng phải chờ tới khoảng 3 tháng cuối năm 2009 hoặc bước sang đầu năm 2010 mới là thời điểm thuận tiện để công bố sáng tác mới.

Còn những sáng tác của các gương mặt mới trong Gia đình Áo trắng, diễn đàn www.vanhoctre.com, www.thotre.com…, thì dường như mới chỉ là những thử nghiệm, mày mò, học hỏi để định hình cho phong cách cá nhân, chưa tạo ra bước đột phá nào đáng kể.


Măng non chưa lớn đã già

TP. Hồ Chí Minh là nơi quy tụ phần lớn các cây viết trẻ của miền Nam. Từ sau tháng 10/2003, đã thành thông lệ, cứ 4 năm một lần diễn ra cuộc gặp gỡ các cây viết trẻ TP.HCM do Hội Nhà văn TP chủ trì. Đây cũng được xem như dịp gặp gỡ giao lưu của các cây viết trẻ miền Nam. Cuộc sống thực tế đầy phong phú với đề tài sáng tác đa dạng là chất liệu để các cây viết trẻ thử nghiệm mình và học hỏi nhau. Vậy mà với nhịp sống cứ trôi nhanh cuồn cuộn ấy, những người viết trẻ sau 4 năm mới có một lần gặp gỡ, giao lưu; sau 4 năm, có những người đã thành “măng già”! Nhiều cây viết trẻ đã trưởng thành qua bao trải nghiệm, tự mày mò, học hỏi và dấn bước trên con đường văn chương, thấu hiểu những khó khăn, thách đố của người mới làm quen với nghiệp viết, không có cơ hội để chia sẻ và hỗ trợ những ai đang chập chững vào nghề.

Nhu cầu giao lưu do vậy đã thành tự phát, riêng rẽ như thể “thích ai thì chơi với người ấy”. Cứ thế, các cây viết trẻ cứ tự mình “ra đi” tìm con đường riêng và khó có được cảm giác sống trong một gia đình sáng tác, một mái nhà văn đúng nghĩa để có thể chia sẻ, trao đổi nghề nghiệp… Ai có khả năng viết, cứ viết, đăng được ở đâu thì đăng, bán được cho nhà xuất bản nào thì bán. Từ đó, khó có thể tạo nên một trào lưu thực sự để ghi dấu ấn vào dòng lịch sử văn học Việt Nam.

Trong thời gian sắp tới, hy vọng “quả” của cây sẽ ngày càng chín nhiều. Tháng 10, nhà văn Trần Thị Hồng Hạnh, sau chuyến du học ở Mỹ về, sẽ ra mắt tiểu thuyết Tổ ấm của những người lạ. Còn Vũ Đình Giang, Nguyễn Vĩnh Nguyên, Nguyễn Ngọc Thuần, Nguyễn Ngọc Tư… liệu có gì mới không? Chúng ta hãy chờ xem!

Tác giả: Sỹ Hoàng

Nguồn tin: Văn học quê nhà

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây