Xóm trọ

Thứ ba - 06/07/2010 12:14 3.052 0

Minh họa: Hồng Thiện Cường

Minh họa: Hồng Thiện Cường
1. Xóm trọ có sáu phòng. Gồm hai khu. Mà chẳng thể gọi là khu. Cũng chẳng thể gọi là dãy. Tạm gọi thành hai nơi. Đó là căn nhà cũ, vuông vức, rộng rãi, được ngăn làm bốn. Ba phòng ở và một phòng làm buồng tắm, nhà vệ sinh chung cho cả xóm.

Đối diện căn nhà là ba phòng mới xây. Xây kiểu chắp vá. Gạch vụn và tôn đầu thừa đuôi thẹo nhặt về từ đâu đó. Tôi ở một trong ba phòng mới xây.

Kể ra giữa thành phố ồn ào này mà còn sót lại cái xóm trọ như vậy cũng hiếm. Yên tĩnh. Khu vườn rộng, rất nhiều cây vú sữa. Lá vú sữa trùm kín nóc nhà. Ra sau nữa là vườn. Vườn cỏ hoang. Toàn cây hoa cứt lợn, hoa lòi tói, mà nhiều người lãng mạn vẫn gọi là hoa đồng nội. Phía trước cách đường gần hai trăm mét. Đêm vào là tối om, như vào nhà ma. Đứa bạn thân có lần đến nói thế.

Chủ nhà là một bà già gần tám mươi và một lão ông con khoảng năm lăm, ở trong ngôi nhà cổ kiến trúc từ thời Nguyễn, rất lớn, thuộc diện bảo tồn của Unessco. Ngôi nhà cổ che kín xóm trọ phía sau, vì vậy ít ai nghĩ nhà này có phòng trọ cho thuê. Bà già thu tiền trọ hằng tháng. Còn tiền điện nước lại trả cho lão con. Bà già nhưng vẫn khỏe. Trông bà đi, đằng sau cứ ngỡ gái vào độ hồi xuân. Sáng sáng lão con chở bà đi chợ, về bà trả tiền con như trả tiền xe ôm.

2. Xóm sáu phòng thì có mười người, cả già cả trẻ, cả lưng lửng. Căn nhà cũ, phòng đầu tiên mẹ con chị làm nghề cắt tóc ở. Quê mãi ngoài Trung. Đi tối ngày. Thi thoảng lại ra quê một lần. Anh chồng lái xe đường dài. Mỗi tháng ghé về dăm ba hôm. Trông mặt mũi bụi bặm. Lần nào về cũng một điệp khúc. Mấy ngày đầu ra khỏi cửa vợ chồng con cái dắt tay nhau, hớn hở. Gần ngày đi là chửi nhau, mánh khóe, đụng độ, thậm chí bụp chát, rồi đi. Tháng sau về lại âu yếm, lại bụp chát, và đi.

Phòng kế bên của một gia đình của anh thợ điện và chị bán xôi. Đứa con trai học lớp một, bằng tuổi con gái chị làm tóc. Chị bán xôi thường dậy sớm. từ ba rưỡi sáng đã bắc nồi hong xôi, kịp bán sáng. Sau đó, chị bán tới trưa. Anh chồng đi tối mịt mới về. Thằng cu con đến trường cùng con gái chị uốn tóc. Trường tiểu học cách xóm trọ khoảng hai trăm mét.

Phòng còn lại ở ngôi nhà cũ là một cô gái. Tuổi tôi phải gọi bằng chị. Chị tên Lan. Chị Lan thường ở nhà cả chiều. Đi ra đi vào. Hết sơn móng tay lại nhổ lông mày, cắt móng chân, chán thì bói bài tú lơ khơ. Nhưng chập tối cửa luôn khóa. Đến khi chị bán xôi chuẩn bị dọn đồ ra mới thấy chị về. Lúc ấy chị bắt đầu ngủ bù.

Như vậy nhà cũ có sáu người. Còn lại ở ba phòng cóc ghẻ mới xây. Phòng tôi hai. Tôi và thằng bạn, học với nhau từ phổ thông, giờ cùng trường đại học nhưng khác khoa, hiểu nhau đến từng chân tơ kẽ tóc. Có thể nói là đi guốc vào bụng nhau được. Phòng bên là em gái học năm hai. Kém chúng tôi hai khóa. Em học nghệ thuật, khoa điêu khắc, tạo hình. Phòng bên nữa là dì Hợi. Một người đàn bà cỡ sáu mươi. Mặt gãy. Gầy. Tóc xoăn đuôi. Mắt trắng, sâu hóm. Dì ít nói, đi rất nhẹ, như mèo. Nghe lão chủ nhà nói dì có nhiều con cháu, khá giàu. Không hiểu sao cuối đời lại đi thuê phòng trọ ở. Dì sống chủ yếu nhờ buôn rau đầu chợ cuối chợ trên chiếc xe đạp như lôi ra từ viện bảo tàng. Trông cám cảnh. Nhưng tôi ít dám tiếp xúc. Trong mắt tôi, dì cứ lầm lụi như ma xó. Sờ sợ. Tôi không cắt nghĩa được nỗi sợ của mình.

3. Sáng đầu tiên ở xóm tôi thức dậy bởi những tiếng ồn kiểu chợ búa. Dọn phòng cả ngày, mệt đứ đừ, đặt mình xuống là ngủ. Chẳng biết trời trăng mây gió gì. Thường tôi vẫn hay lạ phòng, thế mà lần này ngủ hết “ga”. Bà chủ nhà và lão con “đối thoại ngày mới” ồn ào về tiền nong đi chợ hôm trước. Chẳng biết tính toán thế nào mà bà nói một đàng, lão con cãi một nẻo. Con chó xích bên hông nhà cũng góp vui, sủa ăng ẳng. Chị bán xôi bảo, ngày nào cũng vậy, lần đầu hơi chối tai nhưng mãi thành quen. Lâu lâu không có lại thấy nhàn nhạt, thiêu thiếu. Ngày không bình thường. Chênh vênh.

Nghe bà già chủ nhà kể lão con trước giải phóng từng là giáo viên dạy Pháp văn. Chả thế mà có lần một người Tây ba lô thấy ngôi nhà cổ, tò mò vào xem, lão tuôn một tràng tiếng tây. Nhưng chẳng ai hiểu ai. Ngơ ngác. Thì ra tên tây nói tiếng Anh còn lão nói tiếng Pháp. Thời điểm sau giải phóng, vợ lão được bảo lãnh sang bên kia Thái Bình Dương. Từ đấy lão ở nhà, tháng tháng nhận tiền vợ gửi về, và mang cho tình nhân. Hồi vợ về tính bảo lãnh cho lão qua. Lão đòi dắt theo cả cô gái đó. Bà vợ điên tiết xé visa và qua một mình. Nhưng vợ lão vẫn phải gửi tiền về. Vì đóng tiền nuôi con. Lão không cho dắt con gái đi. Mà nhắc tới đứa con gái mới nhớ. Hình như nó phải mang trên mình một cái gông nặng trình trịch là những tiếng cãi vã của bà và bố. Có ngày nó chẳng nói câu nào. Ngoài lúc ra khỏi nhà và về nhà là chào và thưa. Nó sống với cái bóng. Lầm lũi. Mặt cúi xuống. Con bé mới học lớp 12 nhưng tôi tưởng tượng nó già hơn cả bà già và lão. Một cô gái cổ, trong ngôi nhà cổ.

4.Cả xóm chẳng ai ưa lão con. Chị cắt tóc bảo trên mặt đất này chỉ có lão là một. Biết mỗi việc đi xe máy, dắt chó, chơi gái và khoe tiền. Mở miệng là khoe đô la. Nhưng thu tiền điện nước đừng hòng thiếu hay khất nợ lão một xu. Lão chỉ chờ người ta đưa thừa một, hai ngàn, thậm chí năm trăm đồng để nói khéo, không có tiền lẻ, xin luôn hoặc bảo hôm sau trả, rồi quên.

Lão họ Đào, tên Kiểu Ân. Đào Kiều Ân. Tên khá Tàu. Nhưng lão thích nói lái là Đào cần yêu. Còn chị bán xôi và chị cắt tóc, sau lưng, lại kêu lão là Đào Mã Ân. Lão biết. Căm lắm. Muốn đuổi mà không được. Bà mẹ không đồng ý. Bà biết xóm này chẳng ma nào vào thuê mà ở cả gia đình như hai chị. Hai chị đi là mất ăn.

Theo lời em gái học điêu khắc phòng bên, ở xóm từ trước, thì lão Ân tức bắt đầu sau vụ lão ghẹo hai chị. Bị chị bán xôi cho tắm nguyên cả nồi nước hong xôi trên bếp. Lão thuộc dạng to mồm nhưng gan thỏ đế. Từ đấy lão sinh ghét. Có lần chị bán xôi dậy sớm chuẩn bị hàng, bắt được lão đang hí hú với gái giữa bụi chuối ngoài vườn sau. Vờ như không biết, chị cho một xô nước gạo. Lão ức muốn ói máu mà không dám la. Từ đấy lão vừa sợ, vừa căm. Căm mà chẳng làm được gì. Thi thoảng lại dắt chó dọa hai đứa trẻ nít. Hai đứa trẻ chạy thiếu vỡ mật xanh mật vàng. Con chó từ đấy cũng sinh hư. Thấy người lạ là lao ra tợp. Vì cái tính ấy mà mấy lần nó ăn đòn của tôi và thằng bạn. Lão chửi ầm. Tôi cười, bảo, tự vệ.

5. Hôm tôi đi học về thì chứng kiến một trận cầu nảy lửa. Chung quy do lão Ân châm ngòi. Lão tức không làm được gì chị bán xôi và chị hớt tóc nên quay ra kích hai người đụng độ. Lão thu tiền nước. Xúi chị cắt tóc bắt chị bán xôi phải trả tiền nước gấp đôi, vì làm đồ hàng tốn nước hơn. Đúng là khi cuộc sống còn phải lo, phải nghĩ về cái dạ dày thì cái gì dính tới đồng tiền thật chẳng dễ dàng chút nào. Cả hai lao vào nhau. Chị Lan lẳng lặng đi vào nhà. Khép cửa. Tôi và thằng bạn, thêm cả bà già chủ nhà kéo mãi mới dứt ra được. Kết quả. Không tổn hại về người. Không tổn hại vật chất. Nhưng tinh thần thì tổn thương ghê gớm. Nhất định thế. Ít nhất là với hai đứa trẻ. Hai bà mẹ cấm tiệt hai đứa con chơi với nhau. Thường mỗi lần em gái điêu khắc tập đắp tượng thì hai đứa quây quần xin được chị nặn cho con gì đó để chơi. Giờ có thằng cu nhà chị bán xôi thì không có con bé nhà chị cắt tóc, và ngược lại. Đứa phụ em gái điêu khắc, đứa trong phòng nhìn ra hau háu. Được lát lại thay ca. Tôi vừa buồn cười, vừa thấy tồi tội. Chúng nó liệu đã hiểu gì. Ai lại vấy mực lên những cái đầu và tuổi thơ còn quá trong trắng thế kia?

6. Bấy giờ trời bắt đầu vào đông. Nắng thì teo nhà tóp cửa. Lạnh thì buốt óc buốt tim. Mấy tối nay thằng bạn toàn ngủ bên phòng con em nghệ thuật. Nó kêu. Phòng có mỗi cái chăn, hai thằng đắp, kéo đầu thì hở chân, thằng trở mình thì thằng kia lạnh. Nó đi để tôi dễ ngủ hơn. Đấy là kết quả của gần hai tháng mỗi tối trước khi ngủ nó đạp đạp, đấm đấm vào tường. Con em nghệ thuật đập đập, đấm đấm đáp trả. Rồi ca nhạc đêm khuya theo yêu cầu. Rồi nhắn tin chít chát. Nó nói thẳng với tôi. Con em học nghệ thuật nên nghĩ cũng thoáng. Gặp vịt thì lùa gặp chùa thì tu. Mà chẳng có gì quá đáng cả. Một hình thức cộng sinh. Miễn làm sao đừng để lại hậu quả là được. Tao chỉ mới đi sơ sơ vòng ngoài. Thú vị ra phết. Tôi lè lưỡi. Nó bảo, mày lạc hậu bỏ mẹ.

Sự lạc hậu của tôi lại bị thằng bạn khẳng định lại lần nữa sau đêm ấy. Nói đêm chứ thực ra mới đầu buổi tối. Khoảng tám giờ gì đó. Trời mưa to, kèm theo gió. Bỗng dưng mất điện. Gọi là phố, nhưng xóm trọ giáp ngoại ô, cây cối khá rậm rạp. Điện vẫn bị cắt khi mưa to gió lớn. Người ta sợ chập đường dây. Điện cắt được lúc, thằng bạn nhảy sang phòng con em nghệ thuật. Tôi ngồi thắp nến đọc sách thì chị Lan gõ cửa hỏi xin nến. Nước mưa phả vào hiên cứ ràn rạt như trống trận. Tôi mở cửa. Chẳng biết do chị ướt mưa và nền phòng mưa phả trơn mà chị trượt. Tôi luống cuống đỡ.

Người chị đè lên người tôi. Mặt chạm mặt. Ngực chạm ngực. Lần đầu tiên tôi gần mùi da thịt con gái tới vậy. Cánh cửa bị mưa và gió đóng xập lại. Trong phòng còn duy nhất ánh nến hồng cháy lấp lóa. Chới với vì những luồng gió rít qua cửa sổ phả vào yếu ớt. Cái gì như là bản năng. Tôi ôm ghì lấy chị. Chị đáp trả tôi bằng những nụ hôn tới tấp, muốn ngạt thở. “Chị, em xin lỗi”. “Em sao thế? Lần đầu hả?”.  “Không. Chị xin lỗi. Chỉ là chị, chị… quý em”. “Không, chẳng ai có lỗi cả. Trời mưa”. Tôi nói, và cười. Nụ cười méo xệch. Chắc chắn thế. Trong ánh nến chắc chị không thấy. “Hôm nay chị không đi làm à?”. Tôi đã lấy lại được bình tĩnh. “Ừ, trời mưa nên chị nghỉ”.

Từ đấy tôi thức. Lần đầu tiên trong đời tôi thức trắng đêm. Ngồi nói chuyện với chị. Đúng hơn là nghe chị nói. Chị kể bà dì tàn ác như thế nào mà chị phải bỏ nhà từ năm 15 tuổi đi tìm mẹ. Tìm mẹ với mỗi tờ địa chỉ duy nhất mẹ ghi và vo lại, nhét vào hốc khóa của cái vòng đeo cổ từ hồi bố mẹ ly dị, chị mới lên 10. Nhưng theo địa chỉ ấy, chị không thấy mẹ, thay vào đó là một gã râu xanh. Chị kể vì sao chị ngã vào cái nghề “làm đêm ngủ ngày”. Chị kể dự định cuối năm sẽ dứt hẳn. Sẽ tới một thành phố hay một miền đất nào đó. Chẳng ai biết đến quá khứ chị. Và sống lại từ đầu.

Hôm sau tôi kể lại thằng bạn nghe. Nó phán một câu xanh rờn. “Mày khờ bỏ xừ. Sao không thử một lần cho biết?”. “Lúc ấy tao chợt thấy lạnh người. Và đẩy chị ấy ra”. “Sợ bệnh hả? Bà ấy đẹp thế”. “Không phải sợ. Nhưng có cái gì đó khiến tao không tới được”.

7. Cuối đông thành phố gặp bão. Cứ tưởng cơn bão gầy cuối cùng của năm tạt qua chơi, nhẹ nhàng rồi đi. Ảnh hưởng tí chút. Ai dè nó làm lớn. Như muốn tổng kết cuối năm. Xóm lại ngay gần sông. Nước trên ập xuống. Nước dưới sông dâng lên. Nhanh như chớp. Sáng, chiều mà nước đã vào tới phòng. Trời ngớt mưa mà nước vẫn dâng. Thủy triều đẩy nước ngược. Bước ra khỏi phòng, xuống sân là nước ngang bụng. Tôi và thằng bạn phạt ngang mấy cây chuối đóng bè lao ra đường. Đường thành sông từ hồi nào. Chúng tôi tới kê đồ đạc giường tủ cho hội con gái trong lớp.

Về tới nhà, nước còn dâng. Nhìn sang, thấy dì Hợi vẫn thu lu trên giường. Nước sắp ngập. Tôi và thằng bạn nghi ngại. Chúng tôi ở đây đã lâu nhưng chưa bao giờ bước vào phòng dì. Rồi không ai bảo ai. Chúng tôi bước vào. “Sao dì không kêu ai kê đồ lên giúp? Ở thế này đêm nguy hiểm lắm!”. “Hai cháu đi từ lúc nước còn thấp. Khi lên cao thì mấy phòng bên nhà cũ đã kê và đóng cửa hết. Dì chẳng muốn gọi”. “Thôi, để chúng cháu kê lên cho chắc chắn”. “Ừ, thế giúp dì. Ở có xóm như thế này cũng đỡ lo”. Dì nói làm tôi có gì đó áy náy, về cách nghĩ của mình bấy lâu về dì.

Loáng cái chúng tôi đã kê đồ đạc lên an toàn. Dì cảm ơn rối rít. Dì dúi vào tay tôi chục trứng, bảo cầm về ăn với mì tôm, lũ này chợ không có. Chúng tôi từ chối. Về phòng mà vẫn thấy rờn rợn. Không lý giải được. Dù rất muốn nghĩ theo chiều hướng tích cực.

8. Lũ rút được một ngày thì thấy có người con tới thăm dì Hợi. Dì mừng lắm. Đi chợ linh đình. Hôm sau dì trả phòng, chào cả xóm. Người con đưa xe tới đón dì đi.

Thêm vài ngày nữa, trời nắng lên, chúng tôi cũng trả phòng, đi thực tập. Thực tập xong là tốt nghiệp. Xem như hết đời sinh viên. Mỗi thằng quăng mình vào một góc cuộc sống. Chắc giờ chị Lan đã ổn định ở một miền đất hứa nào đó, như chị tính. Tôi cầu mong vậy.

Hai đứa con nhà chị bán xôi và chị cắt tóc sẽ chơi lại với nhau bình thường sau mỗi lần mẹ chúng tranh cãi.

Và cái phòng chúng tôi từng ở không biết ai đang ở? Anh chàng hay cô nàng nào đó liệu có thích ứng được với điệp khúc chào buổi sáng của mẹ con bà chủ già và lão Kiều Ân không? Có hay đập tường trước khi ngủ với cô em học nghệ thuật điêu khắc không?

Xa rồi. Mà lâu lâu tôi vẫn thường lan man về cái xóm trọ một thời ấy. Những con người. Giờ này họ ra sao? 

Tác giả: Văn Thành Lê

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Cùng một tác giả

Xem tiếp 


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây