Chỉ là mơ thôi

Thứ sáu - 04/06/2010 12:32 3.025 0
1. Lão ngồi. Cái áo được cởi ra, ném sang bên từ hồi nào. Trần trụi và lừng lững. Lão ngồi mà như không ngồi. Chẳng phải lão đang luyện công hay nhập thiền gì. Lão vót nan rổ. Ánh trăng vàng vọt chiếu chênh chếch vào. Ánh điện bằng cái bóng tròn 25W ở trong nhà vàng vọt không kém phả ra. Người lão không nhúc nhích, tay dao tay nan đều đều giữa hai luồng ánh sáng. Cứ thế. Lão nhòe dần, mờ dần, vàng vàng như thứ ánh sáng èo uột đang bao trùm lão.

Chẳng hôm nào khác hôm nào. Có chăng nếu đêm không trăng, lão có thêm cái đèn dầu. Hình như lão chẳng đoái hoài tới điện. Đèn dầu cũng phả ra thứ ánh sáng vàng vàng nhấp nhô bằng hạt đỗ. Vì vậy, nếu nhìn từ sau lưng không biết hôm nào có trăng hay không trăng. Lão ngồi đúng giờ cứ như quỳnh tới khắc ấy mới bung hoa; thủy triều đến giờ nước mới dâng; như chớm xuân cây mới nảy lộc; tiếng chim cuốc kêu là chớm hạ; vào thu cây mới thay lá; sang đông bàng mới trần trụi giữa trời. Lão ngồi. Mặc tất cả chuyển động của thế giới vạn vật xung quanh. Như bỏ ngoài mọi tạp niệm. Như đã ngộ. Đã đắc đạo. Nhưng xem ra lão chẳng giống một vị thiền sư hay một người đang tập tểnh tu luyện. Trông bóng lão trượt dài lên bậc tam cấp, phả vào góc tường nhà kìa. Lớn vậy mà cứ rúm ró kiểu gì. Giống bức tranh được vẽ bởi một tay họa sĩ nhiều tâm trạng. Những nét gãy, giật liên hồi. Quá nhiều giằng xé và vật vã trong ý tưởng trùm lên nhau. Nét sau đè lên nét trước. Nhưng cái tài chưa tới độ nên không thoát ra được. Cứ thế. Lão ngồi. Đêm này qua đêm khác. Đơn điệu và buồn tẻ. Ngồi như không biết sợ sự lặp lại. Không biết sợ thời gian.

Phải, thời gian, chao ôi thời gian. Thời gian là cái thứ gì mà có thể khiến vạn vật đổi thay, chuyển mình giữa vật vã đớn đau hay hân hoan hạnh phúc. Một con nghé có thể thành con trâu. Một cây rêu có thể thành cả cánh đồng rêu. Một con virus mắt thường nào có nhìn thấy có thể giết cả cộng đồng, sau một trận dịch. Một đứa trẻ mới biết đái dầm, chưa sạch mùi sữa đã thành ông già bà lão. Thời gian là cái thứ gì mà lũ trẻ cứ mong trôi thật nhanh để được làm người lớn, được tự do, được bay nhảy; người già lại mong trôi chậm để được kéo dài sự dẻo dai, sự sống còn. Đấy là thời gian. Vô hình mà đáng ngưỡng mộ hay đáng sợ, khiến loài người, kẻ thì chạy trốn kẻ thì vồ vập, từ cái thời cụ tổ biết đi bằng hai chân, biết săn bắn hái lượm, biết che đậy những nơi dùng để duy trì nòi giống. Không biết lão có bao giờ nghĩ về thời gian. Thời gian đã biến lão từ một người giang sơn một cõi thành một kẻ rúm ró thế kia.

*

*         *

2. Chắc tới đây bạn đọc đang tò mò muốn biết lão là ai. Vâng, lão tên Hạng, một chân bị teo, đi cà thọt cà nhắc nên vẫn gọi là Hạng cà thọt, gọn hơn là Hạng thọt. Nhưng lão Hạng là con ai, quê ở đâu, tại sao lại tới cái làng này thì chỉ lão biết. Mà chưa hẳn lão Hạng biết. Bởi chưa thấy khi nào lão Hạng nói nửa lời về gốc gác của lão. Lão Hạng như khúc thân sắn, ngọn mía cắm xuống đất làng rồi tự mọc rể mà sống, mà lớn lên, chứ chẳng phải từ cái hạt mọc có gốc rễ từ trước mới lên. Người ta chỉ biết lão tới làng cùng bao gia đình trong đoàn xe chở dân đi kinh tế mới từ miền biển lên, hồi sau cải cách không lâu.

Nơi lão Hạng đến, tức vùng đất kinh tế mới, là làng bây giờ, hồi ấy bốn bề đồi và núi. Ngẩng mặt lên gặp cây, cúi mặt xuống thấy cỏ. Lác đác vài chục nóc nhà người Thượng. Có dân kinh tế mới lên, người Thượng co cụm về một góc, nhường lại rừng rậm phía trên. Mỗi nhà được chia đất hay tự nhận đất khai hoang, bắt đầu cuộc sống mới. Ban đầu lão Hạng cũng được dựng cho một cái chòi, chia đất phát rẫy làm ăn. Nhưng chui vào chui ra được vài ngày. Rẫy chưa kịp phát lấy một sợi cỏ. Ít gạo và muối được phân phát ban đầu chưa ăn hết, lão Hạng đã làm chấn động cả làng. Nhất là với người Thượng.

Cái buổi chiều nhá nhem định mệnh ấy, lão Hạng tính ra suối kiếm mấy con bống về kho đỡ nhạt miệng. Ngồi câu mà cứ nghe nước động, chẳng thấy tăm hơi bóng cá nào. Lão bực, ngó ngược ngó xuôi, thấy phía bụi cây rung rung. Bỏ cần, lão xăng xăng tới tính quát thì… đứng tim. Một sơn nữ đang tắm. Bầu ngực trắng nõn cứ nhấp nhô lên xuống. Sơn nữ hết lặn lại nhún nhảy rắc nước ra khỏi tai. Chao ôi trắng. Người miền biển có ai được làn da trắng vậy đâu. Trông cứ như ngó cần hay bẹ chuối hột mới bóc. Lão Hạng đứng trân trân. Chết giấc. Tiếng con hoẵng lạc mẹ tác lên, lão giật mình co chân, ngã nhào. Thì ra lão giẫm phải váy áo sơn nữ bỏ lại trong gùi, bên tảng đá. Lão ngồi thụp xuống. Hết nhìn người con gái tắm lại rúc mũi vào mớ áo váy hít lấy hít để. 16 tuổi. Lúc ấy, lão Hạng là một gã trai lún phún vài cọng ria mép và còn lông măng trên mặt, người chỉ có bộ khung, kiểu thiếu ăn, chưa bao giờ được tận mắt thấy cả một tòa thiên nhiên thế này chứ nói gì tới mùi vị con gái. Trong mắt lão mới thấy chó nối đuôi, trâu bò cưỡi nhau hay gà trống đạp gà mái. Mà sao cái thứ ấy nó hút người ghê gớm. Một thằng người, nói như làng là không hoàn hảo, như lão mà không thể cưỡng nổi. Nấp sau tảng đá mà bụng dưới cứ tưng tức, miệng nuốt khan liên tục, liên tục. Cho đến khi sơn nữ lên thì… vở chuyện. Việc vỡ ra, lão Hạng bị xạc một trận nên thân và tống đi chăn bò cho hợp tác xã trong núi.

*

*         *

3. Trông bò. Lão Hạng chẳng lấy gì làm phân vân lắm. Tuy lúc đầu nghĩ hơi rùng mình khi phải một mình nơi rừng rú, thâm sơn cùng cốc. Nhưng nghĩ lại, người ta không đóng bè cho trôi suối là may. Cái tục người Thượng trên này vậy, trai gái sàm sở, chẳng cần biết tự nguyện hay cưỡng ép, cạo trọc đầu, đóng bè làm ma sống, cho trôi cả hai. May thay người kinh lên, có hợp tác xã, có chính quyền, có chủ trương nên lão Hạng thoát chết. Thoát chết nhưng bị ném vào chỗ mới khác gì chỗ chết. Nhưng lão tặc lưỡi, có là gì, sống ngày nào hay ngày ấy, dù sao cũng đã biết mùi đời. Lão Hạng quảy gạo, muối và cá khô theo đàn bò hợp tác xã, vào núi.

Đàn bò hợp tác xã cả trăm con, được đánh số thứ tự trên mông. Nhiệm vụ của lão Hạng là nhìn… mông bò. Bao giờ thấy đủ từ 1 tới 100 là ổn. Núi cách làng vài cây số. Trong núi cỏ nhiều, thả bò trong ấy bò ăn cả đêm, ăn cỏ sương nên béo tốt. Chỉ tội buồn. Nhưng chẳng sao. Lão Hạng cũng béo tốt lên vì ăn toàn thứ, nói như bây giờ là đặc sản rừng. Hết rùa đá đến gà rừng, chuột nứa, chim chóc, cầy hương. Bẫy là gặp. Tháng tháng lão Hạng dẫn cả đàn bò về cho người ta kiểm tra, lấy thêm gạo muối rồi lại vào núi.

*

*         *

4. Theo mông bò được ba năm thì Mỹ leo thang ra Bắc. Làng vẫn bình yên, tuy máy bay có chao qua chao lại nhưng không bao giờ là mục tiêu bắn phá, thi thoảng mới có vài quả bom sót chúng thả bừa cho hết để về. Lão Hạng ở trong rừng, cũng nghe ầm ầm ù ù nhưng rừng giăng bốn phía trên đầu nên nào có biết cái máy bay. Ấy vậy mà chính lão, lần nữa làm chấn động cả làng. Lần này chấn động ghê gớm hơn. Một chiếc máy bay sau khi trút hết bom, đang bay về thì dính đạn của dân quân dưới xuôi, bay chao đảo ngang núi rồi bốc cháy, phi công bung dù. Ở dưới thông báo lên, dứt khoát máy bay rơi phía rừng của làng, giao nhiệm vụ cho huyện phải bắt bằng được kẻo nó gọi liên lạc tới cứu. Huyện đội lùng sục cả đêm, nhận diện được xác máy bay mà không thấy tên phi công đâu. Rừng núi âm u, bao la với bập bùng là đuốc mà đến dấu giày thằng giặc lái cũng bặt tăm hơi. Cứ như người Mỹ biết tàng hình. Mấy bố huyện đội lo cấp trên sạc thì bỏ bà. Thế mà rạng sáng lão Hạng dẫn một thằng mũi lõ, cao lêu nghêu đến gần hai mét về làng. Chiếc dù tên phi công mắc ngay trên cái cây làm chòi ngủ đêm của lão. Phải vất vả lắm lão Hạng mới trói ngang người, chặt phăng cả dù dong thằng tây gần tạ rưỡi xuống. Vừa xuống tới đất, thằng Tây dù bị trói ngang người vẫn vái lão như vái ông bà ông vải, vừa lạy vừa nói ồm oàm một thứ tiếng gì đó như gió lùa vào rừng mùa khô mà từ ngày cha sinh mẹ đẻ lão chưa từng nghe. Lão dong ngay tên phi công về làng. Đi được nửa đường thì lão thở ra khói, vì tên phi công đi nhanh như chạy. Chả là chân nó dài cỡ tới nách lão. Lão Hạng bực quá tháo luôn đôi dày của nó. Thế là nó vừa đi vừa mếu. Lão Hạng ung dung đi mà nó bước cứ dặt dẹo. Có muốn trốn cũng không chạy được. Bọn Mỹ sướng quen, có lẽ không đi chân đất được, vứt chúng ra đất ruộng đang mùa cày ải có mà khóc tiếng mán, thế thì đánh đấm nỗi gì. Lão Hạng có vẻ thích thú về sự phát hiện của mình. Lão hồ hởi kể lại cho những cái đầu tò mò, há hốc miệng nghe.

Là người đầu tiên trong tỉnh bắt được phi công, lão Hạng được đi báo cáo, nói chuyện bắt phi công ở các cuộc họp hay tổng kết, lấy kinh nghiệm cho cả tỉnh. Nói như bây giờ là lão Hạng hồi ấy đắt “sô” hơn ối ca sĩ ngày nay. Chuyện Gagarin bên Liên Xô bay ra ngoài vũ trụ khiến làng xôn xao thế nào thì chuyện lão Hạng bắt phi công cũng máu lửa chẳng kém cạnh gì. Lão Hạng thành anh hùng. Từ một tên nhìn… mông bò, người ta tính đưa lão về làm chủ nhiệm hợp tác xã. Phải tội văn hóa lão yếu quá. Một lớp cấp tốc xóa mù được đặt cách cho riêng lão. Nhưng lão đánh vật vả hết mồ hồi mẹ mồ hôi con mà không xong “Chơi cái này khó quá, ông đếch cần vẫn bắt được Mỹ”. Không thành, họ đưa lão Hạng sang làm thủ kho hợp tác xã, khi vừa biết cộng trừ làng nhàng. Nếu để ông đi trông bò nữa thì mất mặt quá. Ai lại để anh hùng đi giữ bò. Có đi báo cáo, bảo giới thiệu làm gì thì làng và hợp tác xã ê mặt à, thế ra cái làng này không biết sử dụng người tài. He He. Từ đây lão được thể lên mặt. Nói cứ gọi là khạc ra lửa. Đời lão Hạng như sang trang.

*

*         *

5. Lên thủ kho, lão Hạng trông càng phổng phao ra. Thời giữ bò tiếng là miếng thịt không thiếu nhưng gạo thì chẳng được mấy. Giờ lão trông cả cái kho lương thực của hợp tác xã, coi như no lưng ấm cật. Gì chứ ních căng bụng là đời chẳng gì bằng. Lão ngày béo tốt. Mỗi cái chân lặc vẫn vậy, không lớn được. Lão Hạng vẫn phải lẹt quẹt lẹt quẹt như thế. Nhưng đã khác xưa. Xưa chân lão Hạng lẹt quẹt, miệng lão cũng lẹt quẹt. Giờ chân lẹt quẹt nhưng miệng hét ra lửa. Nhất thủ trưởng nhì thủ kho. Mà lẹt quẹt cũng có cái hay. Tới lúc ấy lão Hạng mới thấy phát cắn của con chó dại hồi bé quả rất hữu ích. Nó tợp một phát, sốt cả tuần lễ. Không một cắc đi viện, nghe thiên hạ mách nước cứ đắp hết lá này tới lá kia. Rồi teo. Cứ tưởng đời teo theo cái chân. Ai dè lại hay.

Sau mấy lần tổng động viên, làng có vẻ xơ xác, hanh hao như gái tới ngày kiêng cử. Rặt những người già, đàn bà và trẻ nhỏ. Quay trước quay sau còn mỗi lão Hạng là đàn ông đang tuổi lao động. Làng thiếu hẳn sinh khí. Chưa sớm đã ra đồng. Tối mịt mới về. Cứ cắm đầu xuống đất. Cắm vào với việc. Chẳng buồn về nhà. Tất bật và lếch thếch. Tất bật vì sợ nhàn rỗi mà nhớ giường, nhớ chồng. Lếch thếch vì có gọn, có đẹp cũng để làm gì, khéo đẹp ra nhìn lại thấy tủi. Mà như vậy thì còn gì là cái giống người. Cái chuyện nam nữ, đực cái, nói ra người ta vả vào miệng bảo tục tĩu, vớ vẩn, nhưng đố ai không chạm tới đấy, có mà chết héo, nhất là đám nào chạm vào rồi, chả không mong mòn mong mỏi thì chớ làm người. Thế nó mới sinh ra cái chuyện tỉ lệ cân bằng sinh học. Lão Hạng chữ nghĩa ậm ờ thật nhưng cái giống ấy lão hiểu. Trông bò ba năm lão biết tỏng. Cứ mỗi lần hùng hục húc vào xong, nhìn con bò đực bò cái mặt phởn lên là lão hiểu. Đến kỳ động dục con cái không có tí hơi đực có mà chạy lồng lộn.

Kể từ ngày kiêm chức tuyên truyền phát thanh viên của làng, lão Hạng sáng sáng chiều chiều cắp chiếc đài bán dẫn lẹt quẹt từ đầu làng tới cuối làng vừa đi vừa thông báo tình hình chính sự trong nước và quốc tế. Từ một tên chẳng biết mô tê gì, lão Hạng thành bộ não của làng. Mở miệng là chủ trương này, đường lối nọ, quan điểm ra sao, tư tưởng thế nào. Người làng, ai gặp lão cũng “Chú Hạng, thế giới hôm nay sao rồi?”. “Anh Hạng, hôm nay ta thắng ở đâu, lớn không?”. Lão Hạng phát lại như cái đài, kinh nghiệm mấy lần báo cáo bắt phi công hồi nào như đắc dụng, nhiều đoạn lão cũng lên giọng xuống giọng như ai, phải cái giọng lão có cố chỉnh kiểu gì vẫn vậy, ồm ồm như ngỗng vào mùa đạp mái. Mặt lão lúc ấy như ở giữa chín tầng trời. Như kiểu lão đang ôm cả thế giới trong tay mình. Xong rồi, nếu là mấy mụ “vườn không nhà trông” kiểu gì lão Hạng cũng bả cái đét vào mông, xoa xoa khen miếng vải quần xa-tanh hay vải gụ. Ai mà chửi, lão cứ hồn nhiên cười hềnh hệch, lẹt quẹt bước đi. Ai chửi khéo, đại loại như “Phải gió cái nhà ông này” rồi nguýt dài cái, thì tối ấy xem như lão Hạng biết mình phải ở đâu.

Chao ôi cái sự đời, rõ thật sướng khổ nó không chỉ chọn người mà còn chọn thời. Nó mò tới lúc nào có hay. Ngày xưa lão Hạng mới đụng vào tí mà cả làng cả tổng hắt hủi muốn thừa sống thiếu chết. Giờ thì lão Hạng như ông hoàng. Dẫu cà thọt vẫn là vàng. Vàng mười. Không rõ ràng, ra mặt, nhưng mấy ai không rải thảm đón lão, cung phụng lão. Có đêm lão Hạng làm tới vài cua. Mệt bã. Nhưng sướng. Lão hả hê như người đi ban ơn. Mấy người già thấy nghịch mắt lắm, báo cáo lên ban chủ nhiệm hợp tác xã. Rồi đưa ra hội nghị, kiểm điểm. Chủ nhiệm hợp tác xã nói, thế này không được, đồng chí Hạng thực hiện sai chủ trương đường lối hậu phương. Lão Hạng mặt cũng vờ nghệt ra, tôi biết, tôi hiểu, cương quyết nhận khuyết điểm, trừ vào điểm công, sẽ sửa sẽ sửa. Họp buổi chiều. Buổi tối lão Hạng đi vào nhà chủ nhiệm hợp tác xã, thổi đèn cái phù. Chồng chị chủ nhiệm đi chỉ huy ngoài chiến trường. Nhưng chỉ huy lính thôi. Chỉ huy chủ nhiệm lúc này có mỗi lão Hạng. Một thời gian nữa lại kiểm điểm, chủ nhiệm hợp tác xã lại nói, thế này là không được, đồng chí Hạng thực hiện sai chủ trương đường lối hậu phương. Lão Hạng mặt lại vờ nghệt ra, lại tôi biết, tôi hiểu, cương quyết nhận khuyết điểm, trừ điểm công, sẽ sửa sẽ sửa. Họp buổi chiều. Buổi tối lão Hạng lại đi vào nhà chủ nhiệm hợp tác xã, lại thổi đèn cái phù. Hôm nào kiểm điểm lão Hạng ưu tiên tới nhà chủ nhiệm hợp tác xã trước.

*

*         *

6. Sau mấy lần kiểm điểm đâu vẫn vào đấy, mấy bà già rủa, cứ mong trời đánh cho chết rấp. Tưởng nói cho sướng miệng. Thế mà trời nghe thấu. Cơn dông đầu hạ buổi ấy ập xuống đúng lúc lão Hạng đang chén bữa trưa. Lão nhậm nhi cút rượu với mấy đoạn lòng bò mới được chia phần. Mà nói tới bộ lòng bò phải kể thêm cái việc lão Hạng được “biên chế” kiêm nhiệm. Lão Hạng còn là tay dao tay thớt của làng. Mỗi lần mổ bò, mổ trâu hay ngã lợn, lão cầm dao là phần nào ra phần ấy. Đều từ cái mõm tới khâu đuôi, nhà nào cũng đủ, chẳng ai phân trần. Nhưng khi xả thịt ra kiểu gì lão cũng nhanh tay xắt được cái của quý của giống ấy giắt cạp quần hay quăng ra bụi nào gần đấy. Chẳng biết sao, với lão Hạng ngon nhất là cái miếng ấy. Có lần đại hội xã viên. Mình lão Hạng xả cả mấy chú cẩu. Làm đâu vào đấy. Mấy bà đầu bếp biết tính lão, kiếm ớt chỉ thiên nhét vào chính giữa miếng có cái ấy của giống cái. Khi bưng lên. Xếp ngay tô có miếng đặc biệt vào mâm lão. Lão Hạng tớp ngay miếng khai đũa. Ho sặc sụa vì một mồm ớt. Cả làng được trận cười. Cười thiếu văng răng khỏi miệng. Lão căm lắm. Căm vì bị chơi xỏ thì ít mà vì mất bữa ăn ngon thì nhiều.

Quay lại cái đận lão Hạng chơi ú tim với ông trời. Đang khề khà khề khà. Dù mưa phả vào cửa tơi tả nhưng lão vẫn ngồi rung đùi gắp và nhắm. Bỗng thiên lôi hạ búa cái rầm. Mâm cơm xạm đen, bay vào góc. Bát đĩa, chén chai mỗi thứ bay mỗi nơi. Lão Hạng bị nhấc lên, ném cái bịch, cách chỗ ngồi hai mét. Mặt mày xây xẩm. Chết giấc. Tỉnh lại, sờ lên thấy máu tai, kiểu này khéo chết bỏ mẹ. Lão nghĩ thế. Hóa ra miếng bát vỡ xẹt qua tai thôi. Hút chết. Hôm ấy cà làng đinh ninh lão Hạng ngỏm củ tỏi rồi. Ông thiên lôi choảng đúng nhà kho thế kia, có mà lão cháy thành than. Rày thì hết tác oai tác quái. Nhưng không. Lão vẫn sống nhăn răng. Sống khỏe là khác. Từ đấy, lão Hạng càng không sợ gì. Trời đánh lão không chết thì còn biết sợ gì!

*

*         *

7. Ngoài ba mươi tuổi, lão Hạng cũng chịu lấy vợ. Sau khi, nói như mấy ả không ưa là, đem chim đi… đánh xứ người chán, lão dắt phắt một người về ở chung, không cưới xin gì sất, có cái giấy đăng ký cho phải phép là xong. Mấy bà nạ dòng nhìn vợ lão ghen tị lắm. Ba năm lão cũng có hai đứa, rồi tịt. Hai đứa con đẹp như tranh. Nhưng ông trời ác. Cái thằng sau càng lớn càng chẳng biết gì. Nói xổ toẹt ra là nó ngơ. Lớn tồng ngồng vẫn ú ớ ngu ngơ. Cho gì cũng ăn. Bảo gì cũng làm. Làng được phen “đàm phán bàn tròn”. “Mang cho thiên hạ chán đi giờ còn cặn bã đưa về cho vợ gì mà con chẳng thế”. Kẻ khoa học hơn thì nói dứt khoát như đinh đóng cột “Con chó dại cắn lão Hạng giờ mới lây tới con”. Hay “Cái vụ trời đánh làm biến tính của quý của lão nên con mới ra thế”. Riêng lão Hạng thì điên lắm, nhưng chẳng bảo con được gì. Nói trước quên sau thì dạy sao. Lớn tồng ngồng thằng con lão Hạng vẫn chỉ huy đám trẻ nít, hay là trẻ nít bu lấy nó như một thứ trò chơi.

Hôm thằng con lão thấy hai con chó nối đuôi nhau sát bờ rào, mặt nó nhìn nghệt ra, thộn không chịu được. Được lúc nó hô mấy đứa nhỏ lùa đôi chó xem thế nào. Hai con chó sợ quá, chạy. Chạy mà vẫn nối đuôi nhau. Nhùng nhằng ủng ẳng. Mỗi con chạy một hướng không tài nào đi nổi, sau dạt về một bên, lao vào bụi. Không may cho chúng, chạy sát nhau nhưng chúng vẫn bị một cái cọc rào chặn lại. Hai con chó không thể dứt ra, mắc cái cọc rào chính giữa, kêu rền trời. Thằng con lão Hạng lao vào nắn nắn bóp bóp đoạn mắc giữa hai con chó. Nó còn kêu mấy đứa trẻ lấy lách nứa để cắt, xem thế nào. Vừa lúc ấy thì có người lớn qua. Quát, “Ai dạy chơi cái trò mất dạy. Thất đức!”. Tụi trẻ chạy tán loạn. Nó ngẩng mặt cười hềnh hệch nói, hay, hay…

*

*         *

8. Lão Hạng leo lên tới chức trưởng công an xã thì rụng. Rụng cái bịch. Rụng sau ngày thống nhất đất nước. Bộ đội về làng nhiều. Phải cải tổ. Chấn hưng. Nhân dịp con gái lão đang yên đang lành ểnh cái bụng lên. Thế là lão bị hạ bệ luôn. Lão tra hỏi của thằng nào để gả cho sạch mắt, xem cứu vản được gì không thì đứa con gái đáp trống không “Nhiều quá không biết của ai”. Lão Hạng tái mặt “Đồ khốn nạn, mày hại đời tao”. “Thế ngày trước bố không hại bao nhiêu đời người đàn bà chắc”. Đứa con chẳng phải tay vừa. “Mất dạy. Cút”. Mặt lão không phải tái nữa mà là tím bầm.

Về vườn rồi mà nhiều người căm lão Hạng. Bình thường lão mặc, nhưng có tí rượu vào lại lẹt quẹt rêu rao “Tức ông cái cái cục cứt không thối. Không có ông thì cái làng này héo lâu rồi, héo rũ rượi. Chúng mày phải cảm ơn ông mới đúng, nhá. Không có ông, nhá. Cả lũ vợ chúng mày có phừng phừng, phơn phởn, tươi rói đến lúc này mà đón chúng mày về không, nhá. Hay chỉ như dải khoai lang héo, nhá”. Cứ thế lão Hạng ca bài ca hy vọng hết tuần, rồi lão vào rẫy ở hẳn. Chưa sáng đã đi. Tối mịt mới về. Không đoàn thể xã viên gì nữa. Lão Hạng quây rẩy trồng lúa, hoa màu. Tối tối lão chặt tre ngồi vót nan rổ nan đó. Từ dạo lão Hạng vào rẫy trâu làng bỗng nhiên ngoan lạ. Xung quanh rẫy lão Hạng cắm chông tre chi chít. Xen kẻ cả hố chông chùm. Đứa nào để trâu lớ ngớ lọt vào coi như toi. Có con lẻn được vào vườn lão Hạng cho cả con dao làm kỷ niệm, nhát đứt gân gót chân, nhát xả mông. Lũ trẻ chăn trâu sợ xanh mắt. Thành ra lão không khiến nhưng lũ trẻ vẫn tự động rào vườn cho lão. Không phải sợ lão mà sợ trâu vào vườn lão.

*

*         *

9. Từ ngày lão Hạng vào rẫy, vợ lão thành điên điên tỉnh tỉnh. Suốt ngày mụ hát ấm ớ, dẫn thằng con đi nhặt nhạnh loanh quanh trong làng. Lão Hạng điên tiết về đóng cửa buồng nhốt lại. Nhưng không được. Hình như vợ lão bị nhốt cả đời rồi, chưa bao giờ được nói một câu cho tròn trịa gãy góc nên giờ tới lúc hóa. Thi thoảng khi lão về nhà, vợ lão lại dựng đứng lên, tru tréo, mắt trắng dã, hết xưng cụ tổ đằng nhà lão tới bố mẹ lão. Mỗi lần xưng là một giọng, nói như ra lệnh. Nói rồi vợ lão hát. Ban đầu lão hơi giật mình, sợ. Mà khổ thân, lão có nhớ bố mẹ lão là ai đâu, huống hồ là cụ tổ. Lão lại trấn an. Trời đánh không chết huống hồ đàn bà. Nhiều lần lão nhét khăn vào miệng vợ để tắt cái kênh phát từ phía âm của bà.

Nhảy múa và phán chán. Vào một đêm cận tiết chạp, vợ lão trốn khỏi nhà, ra mở cổng, giắt con trâu đực đi quanh làng ba vòng rồi thả trâu vào núi. Một mình quay lại nhà. Bà ngồi ngay gốc si làng, trước nhà. Sáng ra, người đi chợ đầu tiên giật mình khi thấy bà treo lủng lẵng giữa cành si chỉa ra đường.

Vợ mất được ít hôm lão Hạng tính bán cây si. Cây si tiếng là của làng nhưng thuộc phần đất nhà lão. Nó có từ hồi nảo hồi nào. Thuở đi kinh tế mới lên khai hoang cây si đã có ở đó. Lão Hạng phát hết cây làm vườn, để lại cây si ở góc. Mãi rồi người ta mở đường qua nhà, cây si thành ra đứng ngay rìa đường, đầu làng. Trãi qua phải gần thế kỷ, nó vẫn trùm kín cả đoạn đầu làng. Xanh um. Mát cả bốn mùa. Lão Hạng tính bán, thuê người đào quanh gốc. Đào tới ngày thứ hai, mới đánh được một nửa thì thằng con lão lăn đùng ra ốm. Nằm mê mệt. Lão đưa con chạy hết bệnh viện huyện tới bệnh viện tỉnh, soi trong ra ngoài, bắt mạch trước mạch sau, Tây y Đông y, thuốc Nam thuốc Bắc vẫn không ra bệnh gì. Nằm vật giữa nhà. Chán! Lão bỏ gốc si đó thì thằng con tự nhiên khỏi. Chẳng biết sao mà lần.

Chuyện nguôi ngoai, vừa lấp đất lại, gốc si chưa kịp bén rễ mới thì người dưới phố đánh xe lên hỏi mua đưa về trồng trong nhà hàng lớn gì đó. Lão Hạng sợ, không bán. Nhưng hỏi xã thì xã quyết bán. Lão cãi. Mấy ông văn hóa xã vả lại, đây là cây si làng, của chung, xã có quyền bán, bán lấy tiền xây nhà văn hóa xã, dùng chung, cả xã được hưởng chứ để cây si làm gì. Lão Hạng vẫn cải. Xã cưỡng chế. Gốc cây được bật lên, lão Hạng được cho vài triệu gọi là cây nhà. Xong. Được ba hôm thì thằng con trai lão trưa nắng chạy đi đâu về, tự nhiên lao đầu xuống giếng chết mà chẳng rõ tại sao. Giếng nước ở gần gốc si cũ. Lão Hạng chết lặng. Mấy triệu nhận lót tay vừa đủ lo đám tang con. Lão câm từ đấy.

*

*         *

10. Giờ thì lão Hạng ngồi đấy. Tay dao tay nan. Đều đều. Vô định. Những cái nan đều chằn chặn, vót căng bụng, ném sang bên, vàng ươm hay trắng bạch phía trên, giữa hai luồng ánh sáng vàng vọt từ trăng và bóng điện. Không biết có khi nào lão Hạng nghĩ về những ngày đã qua, những tháng ngày lão xem trời bằng vung. Hay với lão đó chỉ là một giấc mơ thôi. Người ta nói, ai mà trời đánh không chết thì sống dai phải biết. Không biết bao giờ lão Hạng mới đi hết được giấc mơ?!

Tác giả: Văn Thành Lê

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Cùng một tác giả

Xem tiếp 


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây