- Lâu lắm không gặp em.
- Dạ. Thầy...
Thầy ngửng lên sửng sốt nhìn trò, ngơ ngác và xa cách.
- Thầy hả?
- Dạ...
- Ừ...
Trò lỉnh xuống cuối hội trường, len lén nghe thầy phát biểu nhận lớp mới. Hai năm? Ba? Hay lâu hơn nữa mới có thể quên được những điều người ta từng dựng lên như trò chơi xây lâu đài cát?
Trò đứng nghiêm trang trước thầy, giữa đống bàn ghế và dây nhợ nhằng nhịt.
- Muốn gặp em một chút...
- Có gì không thầy?
- Không. Nhưng...
- Để hôm khác thầy hen. Em phải dọn hội trường trả cho lớp học chính trị buổi chiều.
- Ừ. Hôm khác vậy.
Thầy dấn bước bắt kịp các giảng viên khác. Trò nuốt ực một khối không khí khô khan qua thanh quản. Thấy khó khăn, và mệt nhọc như vừa phải bước qua một điều tiếc nuối khủng khiếp lắm.
oOo
Thầy trợ giảng ở lớp trò buổi đầu. Trò còn đang ở Phan Thiết chưa về. Buổi thứ hai, trò cắm đầu vào cái máy cuối lớp viết bài về biển. Thầy đứng trước mặt, đằng hắng khẽ khàng.
- Thế giới bên ngoài nhiều hấp lực ghê, em nhỉ?
Trò nháy đại vào một cửa sổ web bên dưới, che trang word đã viết gần xong.
- Không nhiều lắm đâu thầy. Nhưng nếu chịu khó tìm thì cũng không ít.
Ánh mắt thầy đứng sững trên sống mũi hênh hếch của trò. Có khi người ta không ngờ được rằng, có những thứ lâu như vậy mà vẫn không thay đổi được. Cũng có những hình ảnh giấu kỹ, lật qua lật lại sau vô vàn những lần dọn dẹp mà vẫn không phai mờ được, cho dù bụi phủ nhiều, và ở những chỗ bị nằm yên đôi khi khiến lòng người thấy trống trải.
Trò ngồi đợi thầy đóng cửa văn phòng dưới Văn khoa. Quán cũ. Những người qua lại nhiều khi cũng cũ kỹ, nhưng có lẽ lâu không gặp khiến trò có cảm giác có cái gì đó sáng láng hơn. Trò duỗi những ngón tay dài, gõ nhịp nôn nóng trên mặt bàn. Vẫn không khí thâm thấp, mờ tối và đầy nhạc. Nhưng hình như những người bồi bàn đã mang những khuôn mặt nạ mới, chủ quán đứng sau quầy thu tiền và điều chỉnh nhạc cũng có những đường nét khang khác. Thầy vẫn chưa xuống. Trò bối rối hơn, khi những người đi lại lạ lẫm lượn lờ quanh mình. Cảm giác... Chỉ là cảm giác thôi mà!
Thầy kéo ghế rột roạt trước mặt làm trò giật mình.
- Đợi anh lâu không?
- Dạ, không lâu lắm thầy...
- Ở đây không cần gọi thầy đâu.
- Dạ.
- Em vẫn uống như cũ?
- Dạ. Không. Cho em trà nóng. Em bị đau họng.
- À... Một trà. Một đen đá.
Trò khúc khắc ho, cho lý do viêm họng có vẻ thật.
- Thầy khỏe không?
- Khỏe. Như em vẫn thấy. Và cũng đừng gọi thầy nữa. Nghe già quá! - Giọng thầy trách móc.
- Em xin lỗi...
- Xa lạ. Và hơi cằn cỗi.
- Em không có ý đó đâu thầy.
- Không có ý đó. Nhưng có lẽ sự thật là như vậy đó. Anh... Thầy không bao giờ xanh trẻ kịp với em nữa.
- Thầy à...
Cà phê tới. Những ngụm trà vàng lợt tắc nghẹn trong cuống họng. Có lẽ cơn đau họng bịa đặt làm trò đau. Đau ở đâu đó trong vòm họng, trong thanh quản. Dốc ngược ly trà, nỗi đau vốc thẳng từ đáy ly, chạy vụt vào tim. Im lặng, thênh thang giữa tiếng guitar lưng tưng nhảy từng nốt nhạc điệp khúc. Thầy nhìn xoay một bên vai của trò, đăm đắm về một góc xa mờ vô vọng.
- Muốn gặp lại em một lần, thử lại cảm giác của lòng mình. Lúc tưởng tượng về em trong cuộc gặp gỡ, thầy bật ra được nhiều thứ cảm xúc lạ lùng và mãnh liệt. Nhưng ngồi bên cạnh em, thầy không biết nói gì nữa...
Trò xoay đáy ly, thảng thốt cười. Những tiếng thầy khó nhọc và khô khan còn treo lơ lửng trong không khí.
- Vậy không gặp nhau có tốt hơn không thầy?
- Có thể sẽ tốt hơn. Nhưng sẽ buồn hơn.
Nhạc tắt lịm trên ánh nắng chiều nhợt nhạt buông thả. Thỉnh thoảng trong một không gian ít người và hiu hắt thế này, trò lại sợ. Sợ cảm giác mê mải của buổi chiều thầy hôn trò qua mặt bàn, qua những lớp không khí đặc mùi quán xá níu chặt tay chân trò. Khi đó thầy còn là anh sinh viên năm cuối, mơ ra trường sẽ làm phóng viên ở một tờ báo lớn.
Trò mới vô trường những tháng ngày đầu tiên, ước ao rằng được học giỏi như thầy, được nhiều người ngưỡng mộ và xuýt xoa như thầy. Ngày đó trò thường háo hức lẽo đẽo theo thầy cặm cụi ở mấy giá sách ngang dọc mang máng mùi giấy mốc cũ trong phòng tư liệu. Thầy chúi mũi vào những trang giấy ngả màu chi chít chữ. Trò ôm sách thở dài, ngao ngán nhìn ngước lên những lối đi hẹp dài giữa hai giá sách.
- Anh ơi, em khó thở.
- Hả?
Thầy ngửng lên, cuống quýt lướt qua đồng hồ và những dòng chưa đọc. Nhìn lên đôi mắt lờ đờ mệt mỏi của trò, thầy hấp tấp đặt vào một miếng đề can hình chữ nhật, trả lại cuốn sách lên lỗ hổng. Ánh mắt thầy bối rối dịu dàng sau cặp kính cận loang loáng ánh sáng nhập nhoạng buổi chiều.
- Để mai anh quay lại đọc tiếp.
- Dạ.
Trò hăm hở gật đầu, lôi thầy đi phăng phăng qua những khoảng không hẹp và dài chỉ vừa chỗ cho một người rưỡi. Trò bước chân ra hành lang trước, hít hà những hơi dài khoan khoái.
- Chiều mai không học, em sẽ lên đọc tiếp với anh.
Thầy cười, ngoái nhìn những khung cửa đổ đầy sinh viên tan học. Trò hí hửng giữa ánh sáng không khí, không ngừng líu lo về những kế hoạch ngày mai. Thầy kéo trò vào quán.
- Chờ thưa người chút em. Giờ mà chen nhau thì mệt chết.
Trò thả cặp xuống chiếc ghế trống, nhìn những dòng người chen nhau ở những bãi gửi xe, rồi lần lượt đổ đầy ra hai cổng trường chật hẹp. Thầy gọi cà phê, một cho thầy, một cho trò, cần mẫn cắm cúi pha. Những tiếng đá chạm ly thìa lanh canh lọt thỏm trong không khí hỗn loạn phía bên kia hàng rào như tiếng kim khí thoát ra giữa một cuộc sụp đổ lớn, lạc lõng lạnh lòng. Bất giác trò thở ra, nhìn vào đôi kính cận của thầy.
- Ngày nào cũng ngồi rịt trong phòng đọc, anh không mệt à?
- Thỉnh thoảng. Nhưng nhẹ nhàng hơn không khí hỗn tạp bên ngoài này nhiều. Em thấy chán hả?
- Một chút thôi. Em thích chạy nhảy một chút...
- Vậy sao còn cố bám trụ với anh?
- Em không biết. Có lẽ ở đó cũng bình yên hơn bên ngoài...
Trò cúi mặt, mân mê hình ông già tuyết trên móc khóa. Bỗng dưng có cảm giác không khí quanh mình đông đặc hết lại. Những âm thanh hỗn loạn bên ngoài rì rầm, rì rầm nhỏ dần rồi lịm hẳn. Thầy cúi hôn trò bên hai ly cà phê chưa kịp chạm môi.
Trò học ở Thủ Đức, những ngày không có lớp lếch thếch vác cặp lên quận 1 loanh quanh với thầy trong thư viện. Càng về cuối năm, thầy càng bận bịu trong kho sách dày sụ và bám mùi khó chịu đó. Trò giận.
- Anh chẳng có gì gọi là dành cho em hết.
Thầy ôm sách, ngửng lên, gương mặt chìm trong khoảng trống tranh sáng tranh tối.
- Anh bận một thời gian thôi. Một thời gian nữa rồi những chuyện này cũng sẽ kết thúc.
Thầy bẹo má trò, nhăn nhó khổ sở. Trò nũng nịu xốc lại balô.
- Em biết rồi. Anh đọc tiếp đi. Em về.
Trò rồ ga khi xe chạy tới ngoại thành. Đôi khi bất giác ngoái nhìn lại, ngỡ rằng gương mặt của thầy cũng đang ở ngay phía sau lưng. Trò buồn, nhưng vẫn ngưỡng mộ và kỳ vọng thầy như một thần tượng. Người khác yêu cần trực giác, cảm tính, và những mối liên hệ, tin nhắn, gặp gỡ lằng nhằng. Trò chỉ đơn giản bằng lòng với những điều trò tin và nghĩ về thầy. Chỉ có vậy thôi.
Khi đứng tán dóc với trò trong ngày trò nhập học, thầy nói rằng trò có quá nhiều bướng bỉnh để có thể làm một nghề trầm lặng. Thầy báo trước, mai mốt báo chí sẽ khổ sở với một phóng viên như trò. Khi ấy trò chỉ cười trừ. Sau này trò cũng chỉ biết cười trừ. Nhưng hình như nỗi quan ngại của thầy nhiều hơn sau mỗi lần dẫn trò đi viết bài. Một lần, trong chuyến tàu nửa đêm về từ Nha Trang, thầy đã đứng tần ngần bên cửa lên xuống, một tay gạt gió bên tai trò, nói nghèn nghẹt trong những luồng gió ngược.
- Nghề nào cũng cần sự cố gắng có giới hạn em ạ. Đôi khi anh sợ sự ngang tàng lạnh lùng của em...
Tàu đi qua khúc quanh, nghiến vào đường ray sàn sạt. Những chuỗi âm thanh cuối cùng trong câu nói của thầy rơi hẫng trong tiếng gió ào ào, nghiến vụn dưới thân tàu 14 toa.
Những chuyến đi của trò dày lên, nỗi buồn cũng dài thêm khi khoảng trống giữa thầy và trò càng ngày càng không lấp đi được. Nó không đơn giản chỉ là một vết nứt sơ sài có thể gắn lại bằng keo dán.
Thầy ra trường, đi làm hơn nửa năm rồi quay lại khoa. Ngày gặp gỡ đột ngột trong khuôn viên trường làm trò sửng sốt đến độ muốn chạy trốn.
- Anh làm gì ở đây?
- Anh xuống gặp các thầy cô trong khoa. Có lẽ... anh sẽ về dạy tại trường.
- Vậy hả?
- Ừ.
- Mai mốt gặp anh là phải gọi bằng thầy rồi.
Thầy trò cười xòa, rủ nhau đi uống cà phê. Quán vẫn cũ, nhưng những ngày cũ đã không còn. Trò nhìn vào những đồ đạc sơ sài bày biện trên bàn và quanh bốn bức vách. Mắt thầy vẫn sáng và đầy đặn thương yêu sau lần kính cận. Nhưng có lẽ ký ức về những nụ hôn và những lần hẹn hò cũ cũng đã mờ mịt như bị phủ một lớp sương. Một lớp sương không dày nhưng bao phủ được hết thảy.
Có lẽ, tại con người ta lớn lên, những khúc xạ hình ảnh qua đôi mắt và tâm hồn của họ cũng thay hình đổi dạng. Trò không thể đứng yên với hình ảnh thầy ngày qua ngày cần mẫn trong thư viện, rồi đều đặn lên lớp kêu học trò của mình phải đi và viết thật nhiều. Trò cười khảy, mỗi khi nghĩ đến đó, rồi tự thấy chua chát khi những gì thầy để lại trong trò còn quá đầy và quá dày. Những ngày đi xa, ngắm nhìn thế giới và viết lách, trò cứ tưởng như có bàn tay oan nghiệt nào cắt xén, dứt từng mảng lớn những hình ảnh về thầy trong lòng trò ra.
Thỉnh thoảng cảm giác đó khiến trò ngộp thở, như bị một cơn đau tim. Những cơn đau triền miên như một người bị bệnh kinh niên. Nó còn nghiền nát, còn vụn vỡ khi nào trò còn thở, tim trò còn phập phồng thở những nhịp tha thiết níu lấy cuộc sống bên ngoài...
oOo
Ngày xưa, thầy dắt trò đi những bước đầu tiên nhìn ra thế giới, để chỉ ra rằng những thứ thuộc về thế giới ấy không phải là hoàn hảo, và cũng không chỉ là phù du. Thầy mở cho trò một cánh cửa khép hờ, nhưng không bao giờ thầy còn đủ sức để đóng cánh cửa ấy lại được nữa. Đôi khi cũng giống như yêu một người, đã đi qua họ rồi, nhưng để quên đi vĩnh viễn thì lại không bao giờ có thể. Thầy nói rằng, rất có thể trò đã sai lầm khi đặt niềm tin và tình yêu đầu tiên vào một người như thầy. Trò lặng lẽ khóc. Không có tình yêu nào là sai lầm đâu thầy ạ. Có chăng chỉ là cách chúng ta bám víu để phủ nhận chúng đi thôi.
Đôi khi cần tự đặt cho mình những giả thuyết và viễn cảnh, như cách chúng ta yêu một người và tưởng tượng ra những điều sẽ nói khi không còn yêu người ta nữa. Đôi khi dạy nhau yêu thương được, nhưng mỗi người phải tự học cách từ bỏ, sao cho không làm đau mình và tổn thương những người đã từng được yêu thương.
Thầy đã từng dạy trò cầm bút, dạy cách yêu một người, dạy cả cách hôn để người ta không quên mình được. Nhưng thầy không dạy trò cách thức để quên đi một người mà không phải đớn đau.
Để mai trên sân trường cất câu chào: "Thầy ơi!" bỗng thấy lòng quặn thắt.
Tác giả: Tiêu Sa
Nguồn tin: Áo Trắng
Ý kiến bạn đọc