Đào nhì

Chủ nhật - 25/03/2012 22:29 3.825 0

Ảnh: Internet

Ảnh: Internet
Mấy bữa nay ông Tùng ho sù sụ. Bà chị Hai khuyên ông ra trạm xá khám bệnh. Ông lắc đầu: “Em có bệnh hoạn gì mà khám. Tại trời trở gió nên ho vậy thôi. Vài ngày thì hết chứ có gì mà lo!”. Nói là nói vậy chứ ông thừa hiểu bệnh tình của mình. Cứ mỗi độ gió chướng tràn về, ban đầu hiu hiu trên ngọn dừa nước, sau đó bàng bạc trên mặt sông, rồi len vào nhà mơn man da thịt, trong ông lại khắc khoải niềm thương nhớ.
Niềm thương nhớ đã theo ông suốt mấy chục năm dài, những tưởng sẽ nguôi ngoai, nào ngờ càng đong đầy thêm qua ngày tháng. Nhiều đêm, tiếng ho của ông lạc lõng giữa thinh không nghe buồn thúi ruột. Lúc đó, ông khát khao sự chăm sóc chu đáo, sự vỗ về ân cần của một người vợ; chính xác hơn là thèm cái nhìn lo lắng từ ánh mắt thẫm sâu của Hiếu, thèm da diết nghe Hiếu ca một câu trong điệu khúc Phụng hoàng: “Ngã ba sông chia ba dòng nước. Bông lục bình bỡ ngỡ chọn dòng… trôi… Hành trang mang theo là màu hoa tím. Lục bình cũng muốn chọn cho mình một bến, nhưng lại ngại dòng trong đục rủi may…”. Ông tự trách mình, phải chi ngày đó ông vững dạ hơn, nếu như ông quyết tâm hơn, giá mà ông đủ bản lĩnh… thì ngót ba mươi năm qua đến tận bây giờ tim ông không đau, lòng ông không tan nát. Ông cũng có một gia đình, có một đứa con trai, nhưng ông không cảm thấy điều đó là hạnh phúc, mặc dù Quyên luôn giữ trọn phận dâu và đạo vợ, con ông lại rất ngoan. Trong thâm tâm, lúc nào cũng nghĩ, ông lấy vợ không phải cho mình mà theo ý tía má. Ông và Quyên không hề quen biết, đùng một cái tía má ông mang trầu cau theo bà mai tới gia đình Quyên xin cưới. Ông lặng lẽ đi theo, miễn cưỡng đón nhận.

Lần đầu tiên Tùng trình bày chuyện lấy vợ, tía đang ngồi uống nước trà trên bộ vạc, hất hàm hỏi: “Con nhỏ đó ở đâu? Con nhà ai? Có nghề ngỗng gì không?”. Cách nói của tía chẳng phải hững hờ chuyện con mình lấy vợ, nhưng hình như ông mệt mỏi lắm vì sau năm lần bảy lượt thúc hối, Tùng vẫn cứ ỡm ờ cho qua chuyện: “Gấp gì hả tía. Đợi hai ba năm nữa lấy vợ cũng đâu có muộn!”. “Không muộn à? Chừng nào tao với má mày chết mới chịu lấy vợ hả? Lúc đó mày sống cảnh “cha già con mọn”, khổ thân kêu ai chứ?”. Tía đùng đùng nổi giận, Tùng lặng lẽ lẻn ra sau hè và câu chuyện cũng kết thúc ở đấy. Bây giờ tự dưng Tùng đòi cưới vợ, anh biết trong lòng tía rất vui nhưng không biểu hiện, có lẽ ông sợ “niềm vui ngắn chẳng tày gang” nên hỏi cho có lệ, vậy thôi. Anh khép nép xích lại gần tía: “Dạ, cô này quê ở Cà Mau. Cô đang đi hát cho Đoàn Cải lương Hoa Mua. Đào nhì đó tía…”. Tía trợn mắt: “Cái gì? Đào hát à? Cái thứ “xướng ca vô loài” ấy mà đòi làm dâu nhà này hả? Quên chuyện đó đi con!”. “Cô ấy đẹp lắm, lại dễ thương, ca rất hay. Mấy lần đoàn của cô về xã hát con nói chuyện với cổ…”. Tía cắt ngang: “Cổ bằng lòng chứ gì? Con trai ơi, khờ quá! Bọn đào hát đầu đường xó chợ, chắc gì còn…”. “Nhưng đào hát cũng tùy hạng người chứ tía!”. “Vậy chớ rày đây mai đó, đụng đâu bạ đấy là hạng người nào? Hứ, bao nhiêu chỗ ngon lành tía má lựa sẵn con không chọn lại chọn đào hát. Con muốn làm tía tức chết hả Tùng?”. Anh cụt hứng, ngó xuống bếp thấy má ngoắc lia lịa. Anh bước đến bên má, bà thì thào: “Tía con đang giận, để từ từ má khuyên ổng cho”. Anh hớn hở: “Má không phản đối hả, má?”. “Con thương đâu má cưới đó. Nè, bữa nào đưa con nhỏ về cho má coi mặt mũi nó nghen! Thôi, con ra kêu chị Hai vô ăn cơm”. Anh “Dạ” lớn rồi chạy tung tăng ra vườn như trẻ con vừa được quà.

Một hôm, tía kêu anh hỏi: “Nghe nói có đoàn hát về xã diễn tuồng, có cái cô gì đó về không, Tùng?”. Anh như mở cờ trong bụng: “Dạ có. Cô đó tên Hiếu. Tối nay diễn tuồng “Như loài hoa ấy”, con mua vé đưa tía với má đi coi hén?!”. Tía cười cười: “Tao già rồi còn coi hát xướng gì nữa. À, sáng nay tía đi thăm lúa coi bộ thiếu nước dữ lắm, chiều con ăn cơm sớm chở máy ra đặt sẵn, đợi con nước rong bơm đầy ruộng nghen”. “Mai bơm được không tía? Tối nay cho con đi coi hát”. Tía gằn từng tiếng một: “Coi hát có no bụng không con? Nếu no thì con cứ đi, để tao với má mày đi bơm cũng được!”. Anh biết, tía nói lẫy thế là giận lắm nhưng ông cố kìm nén lại, bằng không thì “bốp” lên bàn rồi. Là con trai út trong gia đình có hai chị em, từ nhỏ đến giờ Tùng chưa lần nào làm cả nhà phật ý hay buồn lòng, trừ chuyện anh cưới vợ. Hàng ngày, Tùng phụ tía chăm sóc ba mươi công ruộng và năm trăm gốc quýt. Tối tối, thỉnh thoảng anh qua nhà cậu Tư tổ chức nhậu lai rai bàn chuyện phân bón, sâu bọ, lúa thóc, anh không thích đám thanh niên cùng xóm hay la cà quán xá chọc ghẹo phụ nữ. Chẳng biết có phải vì ít tiếp xúc mà bạn bè cỡ tuổi anh đã yên bề gia thất, vợ con đàng hoàng, riêng anh vẫn vậy!

Chiều hôm đó Tùng ăn cơm sớm, khiêng máy xuống xuồng chở lên ruộng bơm nước. Đóng trụ, lắp ống, đặt máy xong thì trời nhá nhem tối, nhưng nước mới đứng lớn. Một mình giữa đồng ruộng bao la, chốc chốc con bìm bịp đâu đó cất tiếng kêu, tiếng trống nhạc xập xình ngoài xã vọng vào náo nhiệt làm anh sốt ruột. Nước chỉ mới xâm xấp, độ khoảng chín mười giờ mới có thể đủ nước bơm. Anh đốt cây đèn bão, vặn nhỏ để trên mũi xuồng, thay quần áo rồi bước vội về hướng có ánh đèn điện hất lên trời cao sáng choang.

“Hiếu!... Hiếu!...”. Anh khẽ khàng gọi khi thấy Hiếu ngồi dưới sàn sân khấu đang gắn lông mi giả. Hiếu giật mình: “Sao anh tới trễ vậy? Sắp tới lớp diễn của em rồi. Vô đây”. Hiếu nắm tay kéo anh vào. Anh chưa kịp ngồi xuống thì Bầu Thinh xuất hiện: “Chú Tùng mới tới hả? Cô Hiếu ơi, thay đồ rồi lên vái bàn thờ Tổ. Tới lớp của cô rồi đó!”. Hiếu chạy đi, quên mất sự có mặt của anh. Bầu Thinh không lạ gì anh, lại rất cảm kích anh. Lần trước đoàn về xã diễn ngay tại sân bóng này, ba ngày liên tiếp xui xẻo mưa dầm dề, không diễn được nhưng không thể nhịn đói, nghe Hiếu kể anh em trong đoàn ăn cháo thay cơm anh đã xin má chở hai bao gạo cho đoàn. Bầu Thinh biết chuyện giữa anh và Hiếu cũng tỏ vẻ tán thành, vun xới tình cảm cho hai người. Có lần Bầu Thinh nói với anh: “Cha mẹ con Hiếu bị địch giết hồi chiến tranh, nó mới mười tuổi đầu bơ vơ, côi cút. Thấy nó tội nghiệp mang nó theo đoàn làm mấy chuyện lặt vặt, tối tối cho nó kéo màn. Vậy mà con nhỏ học lóm đào diễn rất nhanh, lại sáng dạ và có năng khiếu. Mười sáu tuổi tôi đã cho nó lên đào nhì. Nhiều vai diễn của nó trong các tuồng: “Áo vải cờ đào”, “Ngai vàng và nữ tướng”, “Quân vương và tội ác”… bà con mình mê lắm, vỗ tay rần rần... Nè, chú em đã có tình ý với nó thì phải thiệt tình, còn nếu như ông bướm lả lơi là tôi không tha cho chú đâu!”. Bầu Thinh ấn anh ngồi xuống ghế trong cánh gà sân khấu, nói: “Chú em ngồi đây coi con Hiếu diễn đi. Tôi rất ưng ý vai này của nó đó!”. Bầu Thinh chạy tới chạy lui như con thoi hối thúc từng diễn viên chuẩn bị tới lượt mình diễn. Anh ngước lên sân khấu: Hiếu mặc chiếc áo bà ba màu tím, tóc thả dài chấm lưng, gương mặt cô trắng ngời rạng rỡ. Đẹp quá! Anh thốt lên. Hiếu đang diễn đến đoạn một cô đào hát được người yêu dẫn về ra mắt gia đình chàng nhưng nàng cứ phân vân: Liệu gia đình chàng có chấp nhận không? Bỗng đèn sân khấu vụt tắt, chỉ để lại hai bóng đèn màu xanh trên sàn và màu tím trên đầu phủ xuống. Người Hiếu biến thành hai gam màu khác nhau, xanh thắm và tím rịm, tựa như đóa hoa lục bình đang trôi ngập ngừng trên sông. Cùng lúc ấy, tiếng rao đờn cũng dứt, Hiếu vào ngay vọng cổ: “Về thăm quê anh bên dòng sông Cái Lớn, nhìn lục bình trôi giữa ba ngã sông… chiều. Đa cảm làm chi tâm sự Thúy Kiều. Nhìn lục bình trôi chợt thấy lòng se lại, nghĩ phận mình cũng rày đó mai đây. Sân khấu đèn màu khóc mướn thương vay thầm ước ao một bến đời trọn vẹn. Đến quê anh rồi nửa sợ nửa lo, biết mẹ cha anh có thương dâu đào hát…ơ…”. Anh giật mình. Dòng Cái Lớn đây, quê hương của anh đây. Có phải cô đang hỏi anh không? Nhưng sao hỏi chi nghe buồn dữ vậy Hiếu? Từng câu, từng chữ ngọt ngào da diết cứ cứa vào lòng anh đau xót. Trời đã xui khiến để gặp nhau, duyên thì bén còn nợ có tròn không? Anh nhớ lần đầu gặp Hiếu, anh cũng ra đây xem đoàn hát. Hôm đó, đoàn diễn tuồng “Tìm lại cuộc đời”, Hiếu đóng vai Lan. Sau khi màn nhung khép lại, khán giả ra về, duy chỉ mình anh đứng lại để xem tận mắt “cô Lan” ngoài đời. Và anh đã gặp Hiếu. Và anh đã ươm mầm một tình yêu tha thiết! Mỗi lần Đoàn Cải lương Hoa Mua về xã hoặc xã bên biểu diễn, anh đều tới xem không thiếu đêm nào cả. Chạng vạng anh đi đến khuya lơ khuya lắc, có khi gà gáy sáng anh mới về nhà.

Sáng hôm sau, vừa về đến nhà anh chạy nhanh ra xã. Mấy người ngoài chợ bảo đoàn hát đã dọn sang xã Vĩnh Tuy rồi. Anh buồn bã, thất thiểu trở về nhà. Tía đang nằm trên võng, thấy anh đi vào liền hỏi: “Hồi tối con có đi coi hát không?”. Anh chột dạ, lắp bắp: “Dạ… dạ không!”. Lần đầu tiên anh nói dối với tía. Giọng tía bình thản, chậm rãi: “Sao tía ra ruộng mà không thấy con?”. “Dạ, con qua chòi anh Kiên chơi”. Tía bật ngồi dậy, quát: “Láo xược! Ai dạy mày vậy hả? Tao ngồi cả tiếng đồng hồ với thằng Kiên có thấy mày đâu?!”. Anh không trả lời tía, bước vội xuống nhà sau gặp má. Má trách: “Sao con nói gạt ổng mần chi. Ổng sợ con thức khuya đói bụng nên kêu má nấu cơm đem cho con. Ai dè không gặp con ổng giận quá trời! Nè, con đi coi hát phải không? Gặp con nhỏ đó hả? Con có rủ nó về nhà mình chơi không, tiện thể má coi mắt luôn!... Ủa, cái cà-men đựng cơm hồi tối con để đâu rồi?”. “Con có thấy đâu?”. “Ổng nhét dưới sạp xuồng. Con không ăn à?”. Vậy là đúng rồi, tía biết anh nói dóc láo nên mới giận dữ như thế. Tiếng tía rít qua kẽ răng: “Từ nay, tao cấm mày giao du với con đào hát đó, nghe chưa!”.

*

Tùng đợi Hiếu lau hết phấn son trên mặt rồi hai người dắt tay nhau đi xuống bến sông. Chợ xã Vĩnh Tuy vắng khách, chỉ còn mấy quán cà-phê đang dọn bàn ghế vào nhà. Một vài chiếc ghe xuồng của bà con đi coi hát rời bến khua chèo khuấy nước trên sông. Bây giờ là tháng hai ta, tiết trời đêm se se lạnh, gió liu riu thổi. “Sao tối qua anh về sớm vậy? Tía không cho đi coi em hát hả?”. “Đâu có. Anh về sớm… bơm nước ruộng. Tưởng đoàn về diễn lâu như mấy lần trước, ai ngờ sáng chạy ra xã thì em đi rồi”. Tùng choàng tay qua vai Hiếu, siết chặt như sợ chị biến mất. “Anh có nói với tía chuyện mình chưa?”. Hơi thở của Hiếu phả vào mặt anh nóng hổi. “Rồi!”. “Ý tía tính sao?”. Tùng thở dài: “Má ủng hộ. Tía thì… Nhưng em yên tâm, từ từ anh sẽ thuyết phục được tía thôi. Tía thương anh lắm!... Nè, nếu lấy anh em sẽ không theo đoàn hát nữa chứ?”. Hiếu nhìn anh trân trân, giọng chùn xuống xa xăm: “Hình như anh hỏi em câu này hơn chục lần thì phải, chứng tỏ anh chưa thật sự tin em! - Hiếu thở dài - Đời nghệ sĩ như bông lục bình vừa nở vừa trôi, lặng lẽ mang hương sắc, trang điểm cho đời. Nhưng mấy ai hiểu và thông cảm cho nỗi lòng của họ. Ngay như tía anh cũng có một thời theo đoàn hát mà ông còn nghi kỵ, huống chi là người ngoài”. “Em trách tía à?”. “Em không dám!”. Tùng im lặng. Anh ngắm những giề lục bình trôi nổi, ngả nghiêng trên mặt sông bàng bạc dưới ánh trăng cuối tháng. Từng chùm bông lục bình tim tím vươn lên cứ lắc lay trong gió nhẹ. Anh chợt giật mình: “Em có thấy lục bình đang trôi ngược nước không?”. Chị cười tinh nghịch: “Ơ hay, anh mới biết hả? Lục bình cũng mang kiếp người đấy!”. “Sao lại…?”. “Anh hãy tưởng tượng đi, mỗi bụi lục bình là một gia đình, mỗi bông lục bình là một thành viên. Những bông lục bình không chấp nhận số phận cố vươn lên nhờ gió tiếp thêm sức mạnh để trôi ngược nước”. Anh gật gật đầu: “Ừ hén. Em có chịu làm bông lục bình như vậy không?”. “Nhưng phải có gió chứ?”. “Thì anh là gió nè!”. Anh ôm chị vào lòng, hôn lên đôi má còn thơm mùi son phấn.

Tùng là gió? Nhưng liệu cơn gió ấy có thổi được chăng?

Tùng về đến nhà đã gần hai giờ sáng. Tía thức dậy mở của cho anh. “Con lại đi coi hát hả? Ngồi đây, tía có chuyện muốn nói với con”. Tía ngồi ở cái bàn đặt giữa nhà, vẻ trịnh trọng làm anh hồi hộp. Tía uống ngụm trà, vấn điếu thuốc rê kéo một hơi dài. Thời gian đi ngập ngừng… Hồi lâu tía cất giọng, chậm rãi, đều đều như chuyện chả có gì quan trọng: “Tùng à, năm nay con đã gần ba chục tuổi, tía má thì già rồi, sống nay chết mai. Chị Hai con thì đã lấy chồng, con chưa yên bề gia thất, lỡ tía có theo ông theo bà làm sao yên tâm được. Vì vậy, tía đã nhờ người mai mối hỏi cưới con Quyên ngoài Vàm Xáng cho con. Ý con thấy sao?”. “Tía! Con với cô đó đâu có quen biết…”. “Thì từ từ quen, từ từ biết”. “Nhưng con đã thương…”. “Thương con đào hát chứ gì? - Tía sẵn giọng - Tao cấm! Tao đã nói không được là không được. Mày mà cãi tao thì xách đồ đạc đi theo nó”. “Tía! Trước đây tía cũng…”. Tía gằn từng tiếng một: “Theo đoàn hát phải không? Chính vì theo đoàn hát mà tao không muốn mày lấy nó làm vợ”. “Nhưng con thấy…”. Tía đập bàn cái “bốp” làm đổ cả ly trà: “Mày thấy bằng thằng tía mày hả? Hứ, tao đã hứa với người ta rồi, mày mà cãi tao đập đầu chết!”. Tía đùng đùng bỏ ra sân. Má vén mùng chui ra khoác tay: “Con vô ngủ đi, để má nói với ổng cho”. Anh lên giường nằm nhưng không thể nào chợp mắt được. Bao nhiêu ước mơ, dự tính về một tương lai tươi đẹp, hạnh phúc đang bị héo mòn dần. Anh thấy mình trơ trọi giữa ngã ba đường, chơi vơi giữa ngã ba sông. Đi hướng nào đây, bên tình bên hiếu?

“Ông sao nóng nảy quá, để từ từ giảng giải cho con nó hiểu. Ông làm quá lỡ nó quẩn trí làm bậy thì tính sao. Thôi thì con nó thương đâu mình cưới đó, sau này hạnh phúc hay không tự nó gánh chịu. Mình ép quá biết đâu chuyện hôn nhân nó không thành sẽ trách mình…”. Lời má mềm mỏng xoa dịu trái tim anh đang rỉ máu. Giọng tía có vẻ vẫn còn giận: “Ý bà để con nó đặt đâu thì mình ngồi đó chứ gì! Nè, bà đừng có bày đặt bắc thang cho nó leo nữa. Tôi đã hứa với người ta rồi, đừng để tôi mất mặt đó nghen… Bà ngủ đi, sáng sớm mai còn qua bển nữa”. “Ông nói bên nào?”. “Thì nhà con Quyên chớ đâu nữa. Bộ bà tưởng tôi nói giỡn hả?”. Tùng biết, cho dù má thương anh đến đâu cũng không thể thay đổi được ý của tía, từ xưa đến giờ vẫn vậy.

*

Ông Tùng cầm cây gậy lần mò ra bến sông. Đã thành thói quen, hễ nắng chiều còn vương chút ít trên ngọn dừa nước trước cửa thì ông lại ra đây ngồi. Vẫn cái dáng ngồi thiểu não, đơn độc ấy không hề thay đổi. Ông ngồi nhìn trời mây, nhìn nắng gió, nhìn sông nước mênh mông mà chưa bao giờ cảm nhận được những gì đã và đang xảy ra. Không ít lần chị Hai kêu lên ăn cơm, ông cứ ngồi bất động như xác vô hồn, đến khi chị vỗ bôm bốp lên vai anh mới tỉnh. Từ ngày giao tiệm tạp hóa trên chợ huyện cho vợ con buôn bán, ông về đây coi sóc vườn ruộng, hương khói tía má. Đó chỉ là cái cớ vì đã có anh chị Hai và các cháu lo hết rồi. Cứ nghĩ, bao nhiêu kỷ niệm của ông và Hiếu rồi cũng sẽ dần tan đi, nào ngờ nó không hề buông tha mà bám riết ông. Từ lần gặp đầu tiên chỉ vài câu hỏi vu vơ không đầu không cuối, từ cái nắm tay ngượng ngùng run run, từ cái nhìn ấm áp ngập tràn yêu thương, từ vòng tay nóng hổi siết chặt. Rồi những đêm vãn tuồng trời đất đã ngủ yên, chỉ còn lại hai người chuyện trò bên sông vắng. Những buổi chiều lất phất mưa, Hiếu hát: “Lục bình ngoài sông ngập ngừng tìm lối rẽ, em đến quê anh nghe trong dạ lo nhiều. Đẹp lắm anh ơi những tình cảm ban đầu. Nhưng tình đẹp khác chi loài hoa mỏng, hoa sớm tàn ai giữ được mà mong”. Giọng hát ngọt ngào tựa rót mật nhưng mang âm hưởng về một thân phận cầm ca buồn thương da diết, thẳm sâu. Ngay như bốn nhịp cuối trong điệu lý con sáo Hiếu cũng làm người nghe xót lòng: “Nước dâng đầy lòng đau rẽ đôi. Thương thân hoa vừa nở vừa trôi. Đò cặp bờ em không dám sang. Tím màu hoa hay tím trong lòng em?”. Mỗi lời ca của Hiếu là một câu hỏi, có điều quá mong manh nên Tùng không thể trả lời, anh miễn cưỡng lấy vợ như số phận đã định sẵn, đã an bày.

Hôm đám cưới Tùng uống rượu say mèm, chẳng còn biết trời trăng gì nữa. Tía khuyên anh thôi uống, anh lè nhè nói như khóc: “Sao lại nghỉ hả tía. Bữa nay vui quá con phải uống chứ - Rồi anh lè nhè hát -  Uống để tiễn đưa mối tình vừa lịm chết, như mây chiều bơ vơ hiu hắt, đọng giữa khung trời rồi cũng u buồn theo gió bay đi…”. Tía khuyên anh không được đành bỏ vô giường nằm, vắt tay lên trán ngẫm nghĩ. Má nhìn anh rồi lắc đầu, quay đi lau nước mắt. Anh nhậu với đám thanh niên trong xóm đến khuya, khi mọi người ra về hết anh mới lạng chạng về phòng. Đêm đó, anh ụa ói đến sáng làm cả nhà hầu như không ngủ. Quyên cứ đi ra đi vào lấy nước nóng lau cho anh. Lúc anh tỉnh dậy cảm thấy đầu óc choáng váng, mụ mị, mê mẩn. Và trong lúc tâm trí đi hoang không chủ động được, bản tính ham muốn trỗi dậy, anh đã trở thành… đàn ông!

Tùng vẫn ngồi yên lặng bên bến sông, thỉnh thoảng ông đưa tay lên ngực đè nén cơn ho khan. Nắng chiều rơi rớt vài chùm cuối ngày lên mặt nước bàng bạc, mênh mang, đây đó một vài giề lục bình hờ hững trôi xuôi. Trên cao, từng đàn chim chao liệng bay vội về tổ ấm. Bỗng dưng ông cất tiếng hát. Giọng khàn đục đứt quãng rớt xuống mặt sông làm xót xa cả trời chiều, nắng cũng rưng rưng lịm tắt: “Em biết rồi đây anh sẽ ôm nỗi đau mong đợi. Nghe gió lùa mai hiên mà ngỡ bóng em… về…”.

*

Lại một buổi chiều như bao chiều khác, ông Tùng lại lần ra bến sông với kỷ niệm, với hồi ức của gần một đời người đã đi qua. Giờ này trông ông yếu đi nhiều, những ưu tư, phiền muộn, đau khổ chồng chất lên nếp nhăn hằn sâu nơi gương mặt ông, làm nó tàn úa như chẳng còn chút gì sức sống. Bộ pi-gia-ma cũ kỹ trông ông héo hắt như tàu chuối khô. Có tiếng bước chân phía sau, ông cũng chẳng thèm quay lại. Có lẽ, ông đã đoán được đó là ai nên hỏi: “Má thằng Tâm về đó hả?”. Quyên không trả lời. Bà do dự giây lát rồi ngồi xuống cạnh ông. Bà nhìn ông đầy thương cảm, thở dài: “Hiếu… chết rồi!”. Ông ngó bà trân trân, giọng rung rung: “Sao… bà biết?”. “Tôi nghe bà con ngoài thị trấn nói. Tin đó có đăng báo nữa. Nè, ông coi có phải không?”. Ông rung rẩy cầm tờ báo, mắt chăm chú nhìn bức ảnh bán thân dưới dòng “Tin buồn”. Một cơn gió vụt qua, buốt lạnh đến tận tim ông. Tấm hình này có lẽ mới chộp gần đây, ông đoán vậy. Một người đàn bà có mái tóc trắng lưa thưa, làn da trắng ngần nổi bật trên màu tím của chiếc áo bà ba. Đôi mắt thẳm sâu nhưng hình như mang nỗi u hoài, mang máng màu xám chì nặng trĩu đã một thời cuốn hút tâm hồn trai trẻ của ông. Ông gật đầu nhè nhẹ, chừng như xác định người trong hình là Hiếu nhưng không tin điều bà nói là thật. Bởi hai ngày trước, ông nằm mơ và gặp Hiếu…

Lúc đó, hai người ngồi trên sàn nước, tựa ngày xưa sau những đêm vãn tuồng hát. Cũng một buổi chiều bàng bạc nắng, gió lao xao tên tán lá dừa nước. Và dòng sông lững lờ trôi. Và lục bình nở tím ngọt ngào. Họ im lặng rất lâu, hình như cố để tâm hồn mình trôi ngược thì phải! “Từ ấy tới giờ… Hiếu đi đâu? Sống ra sao?”. Ông gợi chuyện. “Em vẫn theo đoàn hát. Như lục bình trôi hết nơi này đến nơi khác, nhưng…”. “Chưa một lần quay lại đây?”. Hiếu gật đầu: “Phải. Mà cũng không. Có lần em về đến chợ, định sang đây nhưng nghe người ta nói anh đã lấy vợ, em lại thôi. Chợt nhớ câu hát: “Đò tách bến một mình em đứng lại. Biết anh buồn sẽ hỏi tại vì đâu. Bến sông xưa còn đợi bắc nhịp cầu. Nhưng tình đẹp trớ trêu là khoảng cách…”. Không hiểu sao nó lại vận vào em như vậy!”. Đã gần sáu mươi tuổi rồi mà giọng ca của Hiếu vẫn ngọt ngào, da diết kỳ lạ. Phải chăng khi đã thấu hiểu thân phận nổi trôi của nhân vật mà Hiếu đưa hồn mình vào từng câu, từng nhịp của bài hát?

“Giờ, Hiếu được mấy cháu rồi? Vẫn hạnh phúc chứ?”. Ông thấy trong mắt bà đầy ắp những hờn những giận. Giọng bà ráo hoảnh: “Hạnh phúc? Em đã có chồng đâu mà con với cái!”. “Sao? Hiếu…”. Hiếu thở dài. Tiếng thở mang mác buồn lan sang cả ông. “Phận em rày đây mai đó đem lời ca tiếng hát phục vụ cho đời, muốn tìm kiếm một bến đậu yên bình nhưng có nơi nào chịu để mình dừng chân. Sau những khóc cười trên sân khấu là những đêm dài thăm thẳm, ngút ngàn. Em đã cố dằn lòng để hóa thân vào từng vai diễn, để được thương được ghét, được vui buồn, được đau khổ, hạnh phúc. Có điều, đời em chỉ là một vở tuồng… không có đoạn kết, anh Tùng ơi!”. Hiếu gục đầu lên vai ông, khóc nức nở. Ông vuốt vuốt mái tóc hoa râm của Hiếu, đưa mắt nhìn qua bên kia sông Cái Lớn, chỉ vời vợi một vệt đen thẫm dọc dài, không thể xác định chính xác đâu là bến đò - nơi Hiếu dừng lại nhưng đã không sang. Nếu ngày đó, Hiếu sang thì sao? Ông lắc đầu xua đuổi ý nghĩ chợt đến. “Kể từ khi tía má anh qua đời, không ít lần vợ anh khuyên nên đi tìm Hiếu. Anh muốn lắm nhưng không thể vì anh mắc lỗi với cô ấy quá nhiều. Anh sống với cô ấy mà lúc nào cũng nghĩ về em. Chỉ vì định kiến khắc khe mà không ai dám vượt qua, để cuối cùng cả ba đều đau khổ, đều không có niềm hạnh phúc trọn vẹn… Thôi thì, mọi chuyện đã qua, những ngày cuối đời ta nên chăm sóc cho nhau…”. Hiếu cướp lời ông: “Nhưng, chị thì sao?”. Ông khẳng định: “Cô ấy rất tốt, thấu hiểu chuyện của mình và sẵn sàng thông cảm”. Hiếu ngã đầu vào vai ông như tìm sự chở che, bảo bọc sao những năm tháng mang nỗi đau xuôi ngược sông ngòi và tâm hồn lúc nào cũng chao đảo, không yên bình…

Giấc mơ chỉ thoáng chốc vậy mà ông cảm thấy mình hạnh phúc vô cùng. Vì vậy, ông ra bến sông sớm hơn mọi khi, cốt là để đợi Hiếu. Đợi một con đò nào đó sang đây mang theo Hiếu. Nhưng lúc con đò cuối cùng trong ngày không cặp bến ông lại mang nỗi thất vọng lọ mọ lên nhà. “Nếu đã không còn gì để đợi thì ông về thị trấn với mẹ con tôi đi. Như vậy, tôi có điều kiện lo cho ông, chứ ở một mình vầy, lỡ…”. Bà nhìn ông, nói như cầu xin. Ông cầm tay bà, vuốt ve: “Mấy chục năm chăm sóc cho tôi, bà không cảm thấy mệt mỏi sao?”. “Không. Phận làm vợ phải vậy mà. Sắp tới thằng Tâm cưới vợ, rồi sanh con. Mình sống vui vầy với con cháu, ông hả?”. “Tôi đã đem cho bà rất nhiều buồn phiền, gánh nặng. Bà không trách sao?”. Bà cười: “Sao  lại không. Giận nhiều là đằng khác. Ông thử nghĩ coi, có người vợ nào sống bên chồng mà chồng thì cứ thương nhớ người yêu cũ? Nhưng tôi rất ngưỡng mộ ông, ngưỡng mộ tình yêu chung thủy của ông suốt mấy chục năm dài… Nếu ông không về với tôi là tôi giận ông hoài hoài cho tới chết!”. Ông thở hắt, nhìn mơ màng về phía bên kia sông, nói bâng quơ: “Biết làm sao được, hả bà. Trời bắt mình chịu vậy mà! Đó, bà có nghe không, Hiếu đang hát đó: “Nhớ đến em anh hãy ngắm dòng sông - nơi có lục bình trôi vô định. Anh ơi em đã đi rồi, như loài hoa ấy vừa trôi vừa buồn”.

Ông Tùng bỗng thấy mình nhẹ tênh, bay là đà theo gió trên mặt sông trong chiều nhạt nắng. Dưới chân ông là những đám lục bình đang rưng rức nở, những nhánh bông tím rịm trong sắc hoàng hôn ngã về phía trước trôi ngược dòng nước. Ông bay đi, bay mãi, bay theo lời ca của Hiếu. Phía sau, giọng bà gọi ông thảng thốt văng vẳng, văng vẳng trôi theo…

-------------------------------------
*Những chữ in nghiêng trích trong bài vọng cổ “Như loài hoa ấy” của soạn giả Hà Nam Quang

Tác giả: Hồ Kiên Giang

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Cùng một tác giả

Xem tiếp 


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây