Lính mới

Chủ nhật - 03/03/2013 10:05 5.667 0
Dì Tư loay hoay một hồi cũng tìm được chỗ ngồi trên chiếc xe đò liên tỉnh.Lần đầu tiên trong đời, dì đi một mình ra khỏi thị trấn. Hơn bốn mươi năm đầu tắt mặt tối, lẩn quẩn trong ấp Long Nia, xa lắm thì tới chợ xã Vàm Xáng, giờ ngồi xe đi cả trăm cây số, dì thật sự bỡ ngỡ, thấy cái gì cũng lạ. Nhưng có phải dì muốn đi đâu, cũng tại thằng Kha thôi. Sắp đến tết rồi, bao nhiêu việc đồng áng, nhà cửa chưa chuẩn bị gì ráo, vậy mà nó không để dì yên. Đúng là con cái làm khổ cha mẹ!
Tranh Đông Hồ
Tranh Đông Hồ
Chuyện bắt đầu tuần trước, lúc con Yến ở trên ngọn kênh, làm ở bưu điện xã nhắn dì ra nhận tiền. Dì cười ngất: "Bây có lộn không vậy? Coi chừng Tư nào đó nhen. Hồi nào tới giờ tao có quen biết ai đâu mà gởi tiền gởi bạc chớ!". Cũng phải. Dì sống ở đây mấy chục năm, họ hàng mấy đời đều ở đây, nếu xa lắm thì chèo ghe cỡ nửa tiếng là tới, lấy đâu ra người nào quen thân xa xôi dữ vậy!

Yến nhắn lần thứ hai, thứ ba, dì thấy lạ. Tối, dì quơ nắm lá dừa đốt đuốc lội qua nhà con Yến để hỏi cho ra lẽ. Yến đang nằm tòn ten trên võng ngoài hàng ba dỗ con bật ngồi dậy: "Con nói thiệt mà. Thằng Kha gởi cho dì năm trăm. Mai dì cầm giấy chứng minh ra con nhận tiền nhe!". Dì tất tả quay về. Lần này bước nhanh hơn, chẳng phải vì sợ bó đuốc sắp tàn sẽ không thấy đường mà vì muốn báo cho dượng Tư biết. Tới nhà dì mới sực nhớ, dượng đi đám cưới bên nhà cậu Ba, đưa dâu xuống tuốt miệt dưới mai mới về.

Sáng hôm sau dì chèo ghe xuống xã nhận tiền. Đúng như lời con Yến nói. Có cả thư của thằng Kha, dì nhờ con Yến đọc cho dì nghe. Những lời của Kha làm dì xúc động, rươm rướm nước mắt. Dì tính sau vụ lúa đông xuân, quỡn việc sẽ lên thăm nó. Dì ôm niềm vui qua chợ mua cái giò heo để hầm măng, bồi bổ cho con Khá chuẩn bị thi tốt nghiệp cấp ba. Cô Tám bán thịt cười tươi rói: "Bữa nay ăn sang vậy chị Tư?". "À, thằng Kha mới gởi tiền về...". Cô Tám cắt ngang: "Nó đi mần trên thành phố hả?". "Đâu có, nó đi bộ đội". Đôi môi dày, bóng lưỡng như mỡ heo của cô Tám méo xẹo, nhưng giọng thì oang oang: "Chị giỡn hoài. Đi bộ đội làm gì ra tiền mà gởi. Thằng con tui cũng đi bộ đội, mỗi tháng "tiếp tế" cả triệu bạc có đủ xài đâu! Nè, giấu tui phải hôn? Mới trúng số hả?". Dì Tư cười giả lả lắc đầu, xách giò heo quay đi. Mọi người trong khu chợ chồm hỗm nhìn dì bằng đôi mắt hình dấu hỏi làm chân dì quíu lại. "Có khi nào thằng Kha làm bậy bạ không?", câu hỏi vô tình của mọi người làm đầu dì ong ong. Chẳng hiểu sao dì quên mất chuyện Kha lấy tiền đâu gởi cho dì!

Dượng Tư ngồi trên bộ ván hút thuốc rê, thấy dì Tư hấp tấp lao vô nhà, mặt mày biến sắc, dượng phì cười: "Ủa, bộ bà bị ma rượt hả?". Dì sà xuống cạnh chồng, hổn hển: "Ban ngày ban mặt ma cỏ gì. Nè, thằng Kha... nó... nó gởi tiền về!". Dượng đưa tay rờ trán dì: "Bà đâu có nóng?". Dì gạt phắt: "Thiệt đó! Nó gởi về năm trăm. Tui mới ra bưu điện xã lấy! Nhưng...". Dượng dụi tàn thuốc, nhíu mày: "Nhưng sao?". Dì ngập ngừng: "Nhưng... tiền đâu nó gởi!?". Im lặng hồi lâu, dì thủ thỉ: "Nó lấy đâu ra tiền mà gởi hả ông? Tui nghe cô Tám nói con cổ cũng đi bộ đội, mỗi tháng phải gởi cho nó cả triệu lận. Hay là... có khi nào... túng quá nó làm liều không?". Dượng giật thót mình: "Bà nói vậy là sao? Ý bà nói... nó ăn cắp hả? Không có đâu. Bà sanh nó mà không hiểu tánh nó!". Hai tiếng "ăn cắp" như mũi dao sắc lẹm đâm vô tim dì. Dì ngả người, chới với. Không lẽ...

Hồi dì lấy dượng, cha mẹ chồng cho được ba công ruộng để gây dựng. Má dì cũng cắt chia nửa công đất bưng biền trồng dừa nước "làm của hồi môn". Tuy không nhiều nhặn gì nhưng nhờ chí thú làm ăn nên chưa đến nỗi đói rách. Ngoài việc ruộng đồng, dì còn đốn lá chằm bán cho người ta lợp nhà, kiếm thêm cá mắm rau cải hàng ngày. Thằng Kha chào đời rồi đến con Khá, vợ chồng dì càng cố gắng để con khỏi thua sút bạn bè, dù vất vả đến mấy cũng quyết lo cho con cái ăn học đàng hoàng, mong sau này đỡ cực tấm thân. Năm trước có đợt tuyển quân, Kha tình nguyện nhập ngũ. Nó nói: "Vô đó quân đội lo hết, cha mẹ khỏi lo. Với lại, khi con thi đại học sẽ được cộng điểm ưu tiên. Biết đâu, sức khỏe con tốt, sau này con được làm quan!". Dì cười: "Sợ con làm... quan đàng thôi!". Dượng Tư gằn giọng: "Bà nói kỳ chưa, nó nghĩ vậy cũng được. Nó muốn gì thì để nó theo, cản nó sau này thất bại nó đổ tại bà nghen!".

Vậy là Kha nhập ngũ. Bữa sáng đưa nó ra xã, dì Tư nhét vô túi nó triệu đồng, dặn cầm theo cần gì thì mua, nếu thiếu thì biên thư về cho dì hay. (Dì quên béng là mình không biết chữ). Nó cười: "Con có tiền rồi". "Ở đâu mà có?". "Cha cho hồi tối". "Ổng làm gì có tiền?". "Con không biết. Thôi con lấy thêm hai trăm, mẹ yên tâm hén!". Tưởng thiệt, trên đường về dì cầm số tiền còn lại trả cho chủ mua lúa non. Nhưng hóa ra thằng Kha nói dóc. Nhắc lại chuyện đó dì ân hận hoài. Không biết lúc thiếu thốn, bệnh hoạn nó lấy đâu ra tiền xoay xở!

"Ăn cắp!". Tiếng của dượng Tư trở về làm tim dì đau nhói. Đây là điều cấm kỵ mà dì thường răn dạy các con, dù có đói khổ tới đâu cũng không được làm vậy. "Nghèo cho sạch, rách cho thơm". Nhiều đêm liền dì không ngủ, bởi tiếng ong tiếng ve của hàng xóm. Người ta nói, mới vô bộ đội đứa nào cũng rủng rỉnh tiền, nhất là mấy đứa gia đình khá giả, giàu có. Nhưng tụi nó không coi trọng đồng tiền, tánh tình lại hời hợt, cẩu thả, biết đâu thằng Kha thừa cơ hội đó làm bậy? Tánh dượng Tư chậm rãi, cứ nói thủng thẳng: "Tui tin con nó không làm vậy đâu. Trong thư chẳng phải nó nói mọi chuyện đều tốt hết đó sao! Thôi, để mần xong vụ lúa này tui với bà lên thăm nó". Dì ậm ừ cho qua chuyện nhưng trong lòng cứ phấp phỏng, không yên tâm, muốn gặp nó hỏi cho rõ ngọn nguồn. Mặc dù không biết đường biết xá, nhưng dì nhất quyết phải đi!

Dì cầm theo cái thư của Kha có ghi địa chỉ để hỏi thăm đường đi nước bước như thế nào. Qua một lần đò dọc, hai chuyến xe dì mới tới đơn vị của Kha giữa đồi núi trập trùng lúc bốn giờ kém. Thấy chợ cặp lộ nhóm họp, mấy quán đốt lửa bập bùng nấu nướng chuẩn bị bán điểm tâm sáng, dì bước vào quán gọi tô mì. Suốt đêm ngủ gà ngủ gật trên xe dì cảm thấy đói, nhìn tô mì bốc khói đã muốn ăn nhưng khi nhớ chuyện thằng Kha dì nuốt không trôi. Dì không biết lúc gặp nó sẽ nói gì, sẽ làm sao trước anh em đồng đội của nó. Dì sợ nó xấu hổ rồi nghĩ quẩn, có khi lại đào ngũ cũng không chừng, lúc đó còn mặt mũi nào nhìn bà con hàng xóm. Dì chợt giận mình sao thiếu bình tĩnh, giờ lên đây cũng không thể quay về được!

Tờ mờ sáng, dì tới cổng. đưa địa chỉ trong thư cho chiến sĩ chốt gác xem: "Tui lên thăm thằng Kha, mới nhập ngũ hơn hai tháng trước. Nhưng chú cho tui xin gặp chỉ huy nó, tui có chuyện muốn nói". Chiến sĩ gác cổng đưa dì vào nhà khách ngồi chờ, dặn chút nữa sẽ có người ra đón. Dì đứng ngay cửa nhìn quang cảnh thoáng đãng, những dãy nhà vàng óng dưới nắng sớm. Hàng cây thẳng tăm tắp, xanh mướt. Các bồn hoa ven đường khoe sắc, rung rinh trong gió xuân. Thỉnh thoảng, dì lại giật mình vì tiếng còi, tiếng kẻng đâu đó đột ngột vang lên.

Lát sau, có đồng chí mặc quân phục sĩ quan, tay đeo băng đỏ ra đưa dì vào ban chỉ huy đại đội. Chân dì bước mà lòng thì bồn chồn, thấp thỏm. Một cán bộ đón dì ngay cửa phòng, vui vẻ: "Dì đi đường xa chắc mệt lắm, vô ngồi uống nước đi". Dì Tư do dự ngồi xuống ghế salon gỗ, giọng ngập ngừng: "Dạ, tui là mẹ thằng Kha, nó mới đi bộ đội được vài tháng...". Anh cán bộ cười: "Dạ, con có nghe trực ban báo rồi. Dì cứ uống nước đi. Hôm nay chủ nhật, bộ đội được nghỉ. À, con tên Hải, chính trị viên đại đội. Có chuyện gì dì cứ từ từ nói, nếu giúp được con sẽ làm". Tay dì run run cầm ly trà hóp ngụm nhỏ. Tuy không quen nhưng nước trà ấm nóng làm dì tỉnh táo hơn. Dì kể cho Hải nghe về hoàn cảnh khó khăn của gia đình, về tính nết và ước mơ của Kha, cả chuyện cho tiền nhưng thằng Kha không lấy...

Dì Tư móc túi lấy ra xấp tiền để lên bàn, ngập ngừng: "Chú Hải nè, tuần trước, nó gởi về cho tui năm trăm ngàn. Tui không biết nó lấy tiền đâu ra, chắc là... Từ nhỏ tới lớn nó chưa bao giờ làm như vậy. Nhưng mà "con dại cái mang", vợ chồng tui đã bàn với nhau lên đây gởi chú. Chú coi ai mất thì trả lại dùm - Giọng dì run run - Chú cũng như anh nó. Chú thương em nó lỡ dại mà...". Dì nhìn Hải, sẵn sàng hứng chịu những lời lẽ trách móc nặng nề nhất, khinh miệt nhất vì không biết dạy con, để nó gây ra điều tác tệ này. Nhìn gương mặt đăm chiêu của Hải, nỗi âu lo trong dì càng lớn. Sự im lặng bao trùm nặng nề. Hồi lâu, Hải nói chậm rãi: "Dì à, trong đơn vị con nếu để xảy ra hiện tượng mất cắp là điều không nên. Cho đến thời điểm này chưa có vụ việc nào cả. Trong chuyện của em Kha chắc có gì gút mắc, để con kêu Kha lên dì hỏi cho rõ". Quay ra ngoài, Hải bảo một chiến sĩ xuống nói trung đội trưởng Cường và Kha lên gặp anh.

Chừng năm phút sau, dì Tư nghe tiếng chân thình thịch bên ngoài. Rồi Kha lao vào phòng, đứng sững sỡ nhìn dì. Kha gọn gàng trong bộ quân phục, cầu vai quân hàm đỏ chói. Nó đây, đứa con mà dì vất vả nuôi nấng, dạy dỗ, chỉ mới rời gia đình chưa bao lâu đã mang tai tiếng. Dì cảm thấy máu nóng trong người đang dồn lên bừng bừng. "Mẹ! Mẹ lên đây hồi...". Không nghe Kha nói hết câu, dì buông người xuống ghế như đuối sức, nghe nỗi đau trở mình cựa quậy. Những giọt nước mắt cay đắng trào ra. Kha ngồi xuống cạnh dì, giọng nghèn nghẹn: "Mẹ! Sao mẹ khóc? Nhà mình có chuyện gì hả mẹ?". Dì nhìn Kha chằm chằm: "Không phải nhà mình có chuyện, mà là chuyện của con. Tại sao? Tại sao con ăn cắp tiền của người ta?". Kha ngỡ ngàng: "Ăn cắp?". Dì cầm xấp tiền ấn vào tay Kha: "Vậy tiền đâu con có? Hả?". Kha chưa kịp nói gì thì trung đội trưởng Cường bước vào ngồi cạnh Hải. Sau khi nghe Hải nói sơ qua vụ việc, Cường với lấy xấp tiền trên tay Kha đặt vào tay dì Tư: "Dì à, dì đã nghi oan em Kha rồi. Kha không có lấy cắp tiền của ai hết. Kha là đứa con có hiếu. Hiểu hoàn cảnh gia đình khó khăn, Kha đã dành tiền phụ cấp hai tháng của mình, và nhờ con ra bưu điện gởi về cho dì...".

Cường còn nói nữa nhưng dì không chú ý. Nước mắt đang chảy ra từ mắt Kha. Dì đưa tay lên má lau nước mắt cho con. Rồi không dằn lòng được, dì ôm chầm lấy Kha.

Nước mắt hai mẹ con trộn lẫn vào nhau!

Tác giả: Hồ Kiên Giang

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Cùng một tác giả

Xem tiếp 


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây