Rau dại

Thứ hai - 23/04/2012 04:39 3.386 0

Minh họa: Lê Hồng Thái

Minh họa: Lê Hồng Thái
*  Đói ăn rau - Đau uống thuốc

Chạng vạng. Nghe điện thoại reo, dì Hai lập tức nhìn đồng hồ. Chưa tới giờ các con gọi về. Dì không phấn khởi lắm, nhấc điện thoại a lô. Đầu dây kia vọng lại giọng nói vừa ồ ề vừa nhão nhoẹt.

- Mẹ…

Thì ra con gọi về. Biết ngay thằng này là thằng nào mặc dù ba đứa con trai có giọng nói giống nhau. Anh và em của thằng này luôn nói câu đầu tiên là “Con nè mẹ”. Riêng thằng này nhề nhệ nhõng nhẽo gọi mẹ trước rồi nói gì nói sau.

- Kêu về sớm vậy? May mà mẹ mới ra khỏi toa-lét. Bằng không ở trỏng nhấp nhổm khổ sở.

Con cười hí hí:

- Ai biểu mẹ không xài di
động chi.

- Thôi thôi. Chú Năm Vũ của con làm nghề sửa điện thoại di động nói phần nhiều di động hư vì bị lọt vô bồn cầu, con quên hả? Ngày qua bình yên. Mẹ khỏe. Con ăn cơm chưa?

- Đang ăn. Con đang ăn ở
P-H đây.

Dì Hai kêu lên:

- Ủa, mắc mớ gì con ăn ở đó nữa? Mẹ đã nói rồi, con làm nghề tự do, đồng lặn đồng mọc, bữa đực bữa cái. Ăn xài lớn hối không kịp.

 - Mẹ, hôm nay xong công trình, chủ nhà đãi khách mời con luôn. Con bận nhiều việc mà từ chối không được.

- Ứ hự. Nghe nói kinh tế khó khăn mà thiên hạ cứ ăn
xài lớn.

- Mẹ đừng lo. Người ta giàu có vô thiên lủng. Nhà xây to như đền đài, tiền trang trí nội thất lại hơn hẳn tiền xây cất. Một bữa tiệc này chẳng nghĩa lý gì đâu.

Dì Hai nhớ ngay cái ngày cách đây hơn hai mươi năm, dắt con lên Sài Gòn cho nó thi vô Đại học Mỹ thuật trong khi bạn bè nó ùn ùn kéo theo ngành kinh tế như cá tép theo đăng vô nò. Thằng nhỏ từ ba bốn tuổi đã đụng đâu vẽ đó, vẽ đủ thứ, vẽ gì giống nấy, làm sao cản không cho nó đi học vẽ? Thời may, thầy cô trường vẽ đều là nghệ sĩ, yêu thương học trò bất kể… lý lịch, dìu dắt học trò qua thời kỳ khó khăn cùng tột bằng bản chất nghệ sĩ cao cả. Thằng con giúp đỡ gia đình tận vùng kinh tế mới ngay khi còn ngồi ghế nhà trường.

- Mẹ ơi, cô dắt tụi con đi làm.

- Mẹ ơi, thầy kiếm việc cho tụi con làm.

Mùa thực tập bạn bè trường vẽ rủ nhau về nhà ta để vẽ quê hương đổi mới. Đêm ngủ chen chúc trên gác xép, sáng dậy một đứa xướng lên: “Bây chừ mình đi đến một nơi đầy thơ mộng đây!” Cả bọn nhao nhao: “Cho theo với, cho theo với!”. Con dặn: “Ra xưởng của ba tao lấy mỗi đứa một cái xẻng.”

 Từ khi ra trường đến nay, vốn siêng năng, không bao giờ con thất nghiệp. Người giàu luôn cần con đem đến cho họ cái đẹp. Nghề nghiệp của con giúp con gần gũi người giàu. Dì Hai luôn lo con mình học đòi hoang phí. Cái hay cái tốt khó bắt chước, thói hư tật xấu tiêm nhiễm lúc nào không hay.

- Mẹ ơi mẹ, rau choại mọc đầy trước nhà mình đã vô nhà hàng năm sao rồi. Tên của nó trên mơ-nu là “rau cọng dài”. Con đang ăn món “rau cọng dài xào bơ tỏi”.

Dì Hai trở về hiện thực.

- Ờ ờ… Họ đặt tên như thế chắc để người ngoại quốc dễ hiểu.

- Mẹ ơi, nhưng mà rau cọng dài xào bơ tỏi không ngon bằng rau choại luộc chần của mẹ. Mẹ nhớ hái, luộc chần bỏ bịch ni-lông để tủ lạnh, tụi nó về thì gởi cho con. Tháng này con ăn chay cầu nguyện cho vong hồn bà ngoại.

- Ờ ờ…

 Dì Hai ậm ừ, buồn rũ.

*

Từ khi có lũ, vùng Đồng Tháp Mười đẹp hơn với những con đê uốn lượn bên những bờ kênh. Kênh đào tất nhiên thẳng tắp, mà đê thì uốn lượn bởi chỗ cao chỗ thấp. Rặng tràm bông vàng ven đê cũng nhấp nhô theo như cây rừng trên cao nguyên. Đôi lúc đi qua một khúc quanh dày đặc tràm bông vàng, không khí chợt mát lạnh không khác Đà Lạt. Rau choại cũng mọc theo triền đê, ngút ngàn, vô số kể. Thời xưa nhà tre vách lá, ông bà mình còn rút dây choại phơi ngâm để chằng, để cột. Bây giờ nhà tôn cột bê-tông, không ai cần loại dây siêu bền này nữa. Chột choại lủi nhanh như rắn, tới đâu, làm choại phát triển tới đó. Lá xanh mơn mởn, đọt mập ú mỗi ngày mỗi trồi lên, thành món rau ngon cho người thôn quê thời buổi bắt cá bằng “xiệt điện”, bẫy chim bằng cát-sét khiến chim trời cá nước bặt tăm. Mua gói mì giá rẻ mỏng tang, chế nước sôi vào phải độn nắm rau mới tạm no lòng. Người ta đã thử dùng đủ loại rau vườn, rau dại: rau lang, rau muống, rau má, rau đắng, rau ngót, càng cua… đến rau choại thì A! đây rồi! Mì gói trụn rau choại ngon nhất, cọng rau giòn rụm, ngọt vị cá thịt. Từ đó mỗi khi đi làm về, ai cũng tranh thủ càn vào bờ choại, ngắt một nắm. Người nào phát hiện chột choại lủi dưới đất thì la lớn vui mừng “Chột choại thì chấm nắm nêm…” (ca dao).

Cho đến một hôm kia…

Trong xóm có người ra nghề hái đọt choại bán. Ai cũng ngỡ ngàng khi vắng mặt người đó trong mấy tốp công làm cỏ khóm, còn bờ choại thì liên tiếp mấy ngày trụi lủi không còn cái đọt nào. Thông tin nhanh chóng cho biết, chị Bảy Quýt hái một ngày mười ký đọt choại, cân tại chỗ cho lái bảy ngàn một ký, còn nếu chịu khó chở ra chợ Bưng thì cân được mười ngàn một ký, đếm tiền cả trăm ngàn. Tiền công làm cỏ khóm một ngày ít hơn số tiền đó.

Lập tức chị Bảy Quýt được tập thể làm việc ngay trên hiện trường. Tốp làm cỏ khóm về sớm, bắt gặp con người nhạy bén với kinh tế thị trường đang thoăn thoắt hái rau choại
trên đê.

- Ê bà Bảy, bà làm coi hổng được nghen. Bà mua đứt khúc đê này hồi nào vậy? Rau mọc ở đây để mỗi người hái một nắm về ăn, tự nhiên bà hái bán! Bà chơi cha người ta hả?

Chị Bảy Quýt cúi xụ mặt. Hôm sau đạp xe đạp đi hái chỗ khác xa hơn, chừa khúc đê gần xóm cho tập thể bà con.

Dì Hai lâu lâu cũng ra bờ đê hái một nắm vừa đủ ăn. Sở dĩ có rau chần dành gởi cho con là nhờ, một đôi khi, trời tối mịt rồi mà dì để ý thấy đọt rau hãy còn nhiều. Khi ấy, lập tức dì Hai thi triển khinh công, sử dụng liên tiếp nào lăng ba vi bộ, nào thần hành bách biến, thân pháp vô cùng ảo diệu, tay xách bịch ni-lông, tay kia dùng sở học của tổ sư phái Kiếm tông Phong Thanh Dương, vừa ngắt ngọn rau vừa đập muỗi, nhanh như điểm kiếm, chỉ mấy khắc sau đã được một bao đầy. Coi như tập thể dục sai giờ, cộng với niềm hưng phấn, vui vì món “đặc sản” làm quà cho con, có khi đêm đó dì Hai thức trắng.

*

Rồi lại đến một hôm…

Lúc đó độ bảy giờ sáng. Công lao động ngoài bờ đi làm từ sáu giờ, còn với người già loay hoay trong nhà làm việc vặt thì bảy giờ thấy gì xong. Đang lu bu với đủ việc không tên thì dì Hai bỗng nghe tiếng trẻ con bập bẹ, ư e hát trước đê. Dì chạy ra xem thì thấy một đứa bé mới biết đi, bận bộ đồ thun quá khổ, ý chừng bận khín, không rõ trai hay gái, đang chạy lững chững trên đê, vừa chạy vừa hát bằng những âm thanh ngọng nghịu.

- Ủa, con ai đây?

Vừa lúc dì thấy đàng xa, một chiếc xe đạp cùi không chống nằm mẹp bên lùm choại, còn lùm choại nhúc nhích, rột rẹt khác thường. Một người đàn bà bụng bầu sắp đến ngày sanh, đội cái nón vải cũ, áo quần lam lũ đang lầm lũi hái đọt choại bỏ vô giỏ đệm.

- Cháu ơi, cháu phải coi chừng con. Đường này có xe máy chạy ẩu lắm đó.

Người hái rau nghe nói thế, hấp tấp chạy lên để ẵm con vào lòng.

- Con ơi là con, má đã dặn ngồi kế bên cái xe đạp mà.

Dì Hai giật mình vì “bà bầu” quá trẻ. Xem chừng nhỏ tuổi hơn đứa con út của dì.

Đứa bé măng vú mẹ đòi bú.

- Í ẹ, xấu quá. Đã nói vú của em bé. Mắc cỡ lêu lêu…

Đứa bé không sờ vú nữa, sờ xuống bụng mẹ:

- Em… em…

“Đứa thôi nôi, đứa đầy tháng”. Dì Hai nghĩ.

- Cháu uống nước không? Vô nhà uống nước, nghỉ một chút.

- Dạ cháu có đem theo nước uống.

- Cháu ở đâu lại đây hái rau vậy?

- Dạ ở ngoài chợ.

- Sao biết trong này có rau mà
vô hái?

- Dạ thấy người trong này đem ra chợ bán.

Dì Hai hạ giọng:

- Chừng nào sanh?

- Dạ chắc hơn tháng nữa.

Dì Hai nhắc lại:

- Phải coi chừng con. Đường quê người ta tưởng vắng nên phóng xe ẩu lắm. Sao không để nó ở nhà.

Bà bầu trẻ cụp mắt:

- Ở nhà ai coi? Ảnh làm phụ hồ, ba tháng trước té thang, bây giờ nằm một chỗ.

Gương mặt non choẹt đầy vẻ cam chịu.

*

Không ai dám nói với bà bầu trẻ chở con theo hái rau choại những lời đã nói với chị Bảy Quýt. Ai nấy giả đò không biết có người mua đứt khúc đê rau của họ. Họ thỏa hiệp:

- Thây kệ, thấy thì hái ăn. Ai hái hết thì thôi.

Tính vậy dễ rồi. Đâu ai biết có trường hợp khó xử như vầy: Người trong xóm vừa hái rau xong thì cái xe đạp cọc cạch vô tới. Bà bầu trẻ ẵm con đứng nhìn bờ choại trụi lủi, buồn hiu.

Dì Hai lại gặp cảnh tệ hơn. Dì đang hái nắm rau thì mẹ con con nhỏ xuất hiện. Tự nhiên dì chết trân, ngượng nghịu lúng túng như mình vừa làm việc quấy. Dì ấp úng:

- Thấy cháu không vô nên dì mới hái nắm rau.

- Sáng nay ảnh bệnh, cháu phải nấu cháo, rước thầy chích thuốc cho ảnh rồi mới đi.

 Dì Hai không dám tự ý hái rau ăn như trước nữa. Chờ cho con nhỏ bụng bầu hái xong, dì mua lại.

- Cháu để cho dì nửa ký. Cứ lấy bằng giá như cháu bán cho người ta.

Con nhỏ vừa cân vừa nói:

- Dì, cháu mới chia lại. Chứ cân cho lái phải đủ số mỗi ngày. Không đủ rau là không đủ sở hụi của người ta, khó lòng lắm. Bà bầu trẻ cắt nghĩa thêm:

- Nè, cháu hái xong đem ra chợ cân cho lái, lái gửi xe giao cho mối Sài Gòn, lái Sài Gòn mới phân phối cho nhà hàng, quán sạp. Nay mai cháu sẽ dắt em chồng cháu theo để khi cháu sanh thì nó đi hái để giữ mối lái cho cháu. Bây giờ thì nó còn phụ bán quán cơm cho người ta.

Rồi nó dặn dì Hai:

- Hễ thấy ai lạ tới hái rau thì dì nói bờ choại này có người hái rồi
nghen dì.

Tác giả: Trạc Tuyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Cùng một tác giả

Xem tiếp 


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây