Cười từ nước mắt của cây

Thứ năm - 22/03/2012 04:59 5.051 0

Ảnh: T.M.H.

Ảnh: T.M.H.
1. Nông trường chiều nào cũng hiu hắt buồn. Chị bếp lom khom ngoài lu nước vo gạo cho buổi cơm tối, đống bát đựng mủ đang lên rêu vì những cơn mưa núi dai dẳng.

Khu tập thể nông trường im lìm với những cánh cửa gỗ phết sơn xanh và những bức tường vôi cũ, những nét phác họa mẫu mực của mấy thập niên trước. Ráng chiều xiên qua những vòm lá cao su mọc thưa thớt làm không khí nông trường càng hiu quạnh.

Nông trường chỉ ồn ã những lúc công nhân còn mặc bộ đồng phục xanh bết đầy mủ trắng đến làm việc với cán bộ nông trường: lấy đồ ăn sáng, nhận phân bón, ngày chia nước mắm, bột ngọt, lấy thuốc nhức đầu, cảm mạo ở phòng y tế và nhất là những ngày lãnh lương.

Nông trường chiều cuối tháng lúc nào cũng ăm ắp người, xe, xếp dày từ cửa căn phòng thủ quỹ ra gần mép lề đường mười bốn. Không gian buồn mặc định của nông trường bị nuốt chửng bởi những tiếng râm ran chờ đợi và tiếng va nhau sột xoẹt của những tờ tiền polymer trên bàn thủ quỹ.

Mỗi công nhân chọn cho mình một góc sân, lấy điện thoại ra tính thử rồi dùng một đoạn cây khô viết lên đất những con số theo công thức phức tạp: (số ký mủ tinh nhân độ mủ nhân giá mủ) cộng (số lít mủ tạp nhân giá mủ) cộng (số lít mủ dôi nhân giá mủ) trừ cho (số lít mủ bị đổ, bị hụt nhân giá mủ) cộng tiền độc hại...

Mùi so đo bắt đầu rải rác dù tiền lương vẫn chưa nằm gọn trong đôi tay chai sần mùi cao su. Mùi so đo càng đậm đặc khi thủ quỹ tuyên bố: “Hoa khôi nông trường” - danh hiệu thủ quỹ hay gọi công nhân có lương cao nhất - tháng này tổng lương là mười bốn triệu sáu trăm hai mươi bảy ngàn đồng. Một vài công nhân thở dài mà giọng hài hước: “Cạo kiểu gì ra gần một ngàn đô Obama dữ vậy, chắc vắt kiệt cái cây cao su quá...”.

2. Chuyện những công nhân có lương trên chục triệu, chuyện những ngôi làng của người Xê Đăng bỗng dưng dư gạo, chuyện đôi vợ chồng trẻ bỏ duyên hải lên nông trường mang theo cả món nợ chưa trả dưới nhà giờ đã cất một ngôi nhà khang trang mà nằm mơ mới thấy được, chuyện thưởng tết của một người làm việc trong khu vực nhà nước lên tới tám con số... Là những câu chuyện mẫu mực về những cuộc đời cạo mủ cao su, đời cúi lưng dưới những gốc cây nhiệt đới.

Câu nói đau đáu ngày xưa giờ được đổi thành: “Cao su đi khó, khó... chịu về”, cũng hay, cuộc đời đã thay đổi một cách ngược chiều lịch sử. Nông trường cao su bạt ngàn là thế, lô nào lô nấy xanh tươi nhưng không còn chỗ nào thiếu công nhân. Một công nhân mất việc hay từ bỏ cuộc đời cạo mủ là có cả chục người bắt đầu dòm ngó.

Để có một suất cạo mủ trong nông trường như là đã chạm khẽ được thành công cuộc đời, là thấy cơm gạo trước mắt. Công nhân phải được chọn từ những người ưu tú trong lớp đào tạo của nông trường, trải qua một kỳ thi cạo mủ gắt gao. Người có đôi tay tài hoa, rạch đúng mạch cây và tuôn nhiều mủ trắng mới có cơ may được mặc chiếc áo màu xanh công nhân nông trường, được mua dao rạch mủ, cấp chén hứng mủ, mua xô nhôm chứa mủ và giao cho “địa bàn” cây săn sóc...

Chuyện một người dám bỏ ra hai mươi triệu đồng để mua một suất công nhân cạo mủ trở thành dẫn chứng cho nỗi khao khát nghề nghiệp của những người sống quanh mùi lá cao su...

3. Dẫu những ngày đông núi rét mướt, những người công nhân cao su vẫn phải thức lúc đầu khuya, lúc dòng mủ trong vỏ cây đang ào ạt nhất, đầu đội đèn, chân mang ủng, tay cầm dao cứa vào những thân cây. Lặn lội trong khuya theo những đường cây đến khi mờ sáng, chợp một giấc nhỏ, khi trời có chút nắng lại đi trút mủ, cân giao lại cho nông trường. Thỉnh thoảng, xe nông trường chưa kịp chở mủ lên nhà máy, mủ ngâm lại một ngày đã oai lên thứ mùi hôi ngấy.

Thương công nhân cao su những tháng cuối đông, khi những cây cao su bắt đầu rụng lá vàng ngập nông trường và cây im lìm dưỡng mủ. Chỉ một vết cứa lúc này cũng đủ làm cây cao su chết úa đi. Những người công nhân phải làm những việc không được nhận tiền như bón phân, cào lá, phòng cháy. Cuối năm gió nhiều, lá khô, chỉ cần một chút lửa nhen lên là cháy cả một lô cao su bạc tỉ. Thành thử, lương công nhân cao su cao cũng đáng thôi.

Ngồi trong nông trường, chợt mơ màng nghĩ: ước gì nước mình mọc đầy cây cao su, để ai cũng thấy cây khóc, để ai cũng cười từ nước mắt của cây (*)...

Trần Minh Hợp

__________
(*) Trong thổ ngữ Mainas (vùng Amazon - nơi mọc cây cao su đầu tiên) gọi mủ cao su là caochouk, tức là nước mắt của cây.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Cùng một tác giả

Xem tiếp 


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây