Ca sĩ kẹo kéo

Thứ tư - 13/07/2011 22:45 5.440 0

Minh họa: Duy Hải

Minh họa: Duy Hải
… Em ở phố thị quen rồi xe cộ đón đưa. Em đã quên rồi quê mình có cây cầu dừa. Cầu dừa anh chạy trước em sau. Em cùng anh quấn quýt bên nhau. Cây me trước nhà cây khế sau ngõ trèo leo cùng cười…

Một tay chàng cầm mic say sưa hát, dăm thanh kẹo trắng tinh chìa ra trên tay còn lại, bước đến từng bàn mời khách.

Tám giờ tối. Quán nhậu “bờ kè” xô bồ, chen chúc đủ mọi dạng người. Hầu hết “khán giả” đã sương sương, vẫn cứ nâng ly “dzô” tới tấp. Nghe chàng ca Cây cầu dừa quá “ngọt”, một ông trung niên mặt đỏ như gấc đột nhiên đứng phắt dậy, giựt luôn mi-cờ-rô, nói oang oang:

“Hát hay! Thưởng liền! Trăm phần trăm nghen!”

Chàng đành ngưng hát, nhận cốc bia từ vị khán giả cuồng nhiệt. Nốc cạn một hơi.

Phát kẹo, nhận tiền, vẫn cầm mic hát.

… Thuở thiếu thời vui lắm ai ơi, em đâu rồi đã bỏ cuộc chơi. Bỏ anh bơ vơ bên cây cầu dừa. Câu cầu dừa sớm nắng 
chiều mưa…

“Nhiêu?”

Đang hát, chàng giơ lên hai ngón tay, ý bảo “hai nghìn đồng”. Vậy mà xem chừng cậu thanh niên không hiểu, hỏi lại:

“Hai chục hả? Mắc dợ cha!”

Tới đoạn nhạc dạo, chàng mới bỏ mic nói được:

“Hai nghìn à. Mua ủng hộ em, anh trai.”

Bài hát kết thúc, chàng và Luân nhảy tót lên xe, tiếp tục “chạy xô” phóng qua quán khác. Tiếng nhạc từ dàn âm thanh to đùng đặt phía sau đuôi xe nhỏ dần nhỏ dần, rồi nhanh chóng trôi theo bóng dáng hai chàng “ca sĩ” mất hút vào đêm.

Chạy xe ngang tụ điểm ca nhạc Trống Đồng, ngó những băng-rôn, pa-nô quảng cáo to đùng in đầy hình ca sĩ nhóm nhạc sặc sỡ đủ màu sắc, Luân quay sang bảo:

“Mai mốt nổi tiếng, anh em mình cũng in hình hoành tráng vậy, anh ha!”

Giọng chàng sang sảng át tiếng xe cộ ồn ào:

“Chớ sao nữa chú! Mai mốt anh em mình còn ra mắt thêm cái an-bum sin-gồ nữa cho bà con lác mắt chơi.”

Nói xong cả hai cùng cười sằng sặc.

Quán nhậu tiếp theo - nằm trong con hẻm hai bên hàng quán mọc đầy - cũng tấp nập chẳng kém. Lần này đến lượt chàng phát kẹo, Luân cầm mic. Hai anh em vẫn thay phiên “đổi ca” cho nhau như thế. Luân nhanh nhẹn bật đầu đĩa lên, bấm bài, rồi đằng hắng cất giọng:

… Anh nói sẽ đưa em đi suốt cuộc đời. Mà sao không đưa được đoạn đường em đi? Anh nói sẽ ôm em khi gió đông về. Mà giờ đây một mình em đứng trong mưa…

Đi từng bàn phát kẹo, dẫu chỉ toàn nhận được những cái xua tay lắc đầu, chàng vẫn không chùn bước.

“Làm nghề này phải “chai mặt”, không thì chẳng “kiếm” nổi đâu!”

Câu nói gần như là “tâm niệm” văng vẳng trong đầu chàng.

“Đi chỗ khác! Bọn mày ồn ào quá!”

Một “đệ tử lưu linh” đang cầm ly bỗng dưng hét vào mặt chàng. Giật mình, chàng định “báo động” cho Luân. Nó còn bận nghêu ngao bên mấy bàn đằng kia, chưa hay biết gì.

… Tình yêu hỡi ngàn lần xin tha thứ! Xin lỗi em! Ngàn lời xin lỗi em! Xin em quên đi những lời yêu. Anh đã trao cho em trong tận đáy lòng…

“Tao bực rồi nha! Cút không?”

Chàng nhận ra mình bị túm lấy cổ áo giật mạnh, dúi thêm một phát ngã sõng soài dưới nền đường.

Luân quay lại, biết có vấn đề, bỏ mic chạy đến đỡ chàng rồi phốc lên xe vọt lẹ.

Xe bon bon trên đường được một lúc, Luân mới quay lại hỏi:

“Có sao không anh?”

Toàn thân chàng ê ẩm. Thường thôi, mấy chuyện này gặp hoài, hề gì.

“Ừ, tại bất ngờ quá nên anh không kịp “phòng thủ”…”

Cầm mấy thanh kẹo trên tay chưa “xử lý” được, chàng ngậm ngùi. Luân trấn an:

“Yên tâm anh, sẽ bán hết thôi mà!”

Một đêm “chạy xô” như vậy, nếu bán hết sạch, hai anh em sẽ lời được 80 nghìn đồng. Nhưng chỉ khi nào bán hết sạch thôi.

Mấy chốc đã tới địa điểm tiếp theo.

“Chết rồi…”

“Gì vậy Luân?”

Không đợi Luân trả lời, chàng hiểu ngay vấn đề. Từ xa đã nghe vọng lại giai điệu quen thuộc:

… Lời ru buồn nghe mênh mang mênh mang. Sau lũy tre làng, khiến lòng tôi xôn xao. Ngày lấy chồng, em đi qua con đê. Con đê mọc lối cỏ về. Có chú bướm vàng bay theo em…

“Tụi thằng Hải…”

“Vọt, nó mà thấy là hết yên ổn làm ăn”.

Luân đánh xe vòng lại. Dàn âm thanh phía sau nặng nhọc, oằn hai bánh xe nghiêng ngả, lảo đảo. Mém té! Không nhờ chàng chống chân kịp chắc hai thằng đã lộn cù nèo.

Làm nghề nào cũng có “luật” của nghề đó. Luật này bất thành văn: cấm đụng hàng! Nghĩa là mỗi “sân khấu” chỉ có một “ca sĩ” biểu diễn, hát hết “xô”, “ca sĩ” khác mới được quyền có mặt.

“Mình không tuân thủ, lại bị đập như chơi, tránh là hơn!”

Chàng đã từng tận mắt chứng kiến cảnh hai “ca sĩ” choảng nhau ngay tại quán. Nào phải ai xa lạ, chính là Luân và Hải. Sau lần bị thằng Hải “móm” chơi nguyên cái mic vào đầu, Luân chẳng bao giờ dám phạm “luật” nữa.

“Tiền bán đã chẳng được nhiêu. Khi không chú lại đánh lộn cho tốn thêm mớ thuốc men…”

Ngày đầu vào nghề đứa nào cũng bốc đồng thế. Chàng nhớ cảnh dìu Luân về phòng trọ ngồi bôi thuốc, nó cứ rên rỉ mãi:

“Thằng khốn. Đánh đâu không đánh, đánh vô đầu…”

“Thôi đi chú. Nó cũng như mình, vì miếng cơm manh áo cả…”

“Dạ…”

Thấm thoát vậy mà cũng đã hơn một năm chàng rong ruổi với xe kẹo kéo. Thời gian…. Nhanh thật. Ngày chân ướt chân ráo lên thành phố theo nghề, trong chàng là rừng rực giấc mơ: ca sĩ nổi tiếng. Cho đến giờ ước mơ ấy vẫn không hề thay đổi.

Ráng đi bán kẹo, tích cóp tiền thu một cái an-bum. Làm ca sĩ thì phải ra an-bum chứ, vậy mới là ca sĩ thứ thiệt.

Hai anh em luôn bảo nhau dành dụm. Chờ một ngày đổi đời không xa.

Nghĩ lại, chuyện gì cũng đều do cái duyên cái số cả. Nơi đất khách quê người lạ lẫm, ông trời run rủi sao mà cho hai anh em gặp được nhau.

“Hồi đó em mà không đi nhậu với bọn thợ cùng chỗ, rồi làm quen anh, chắc giờ vẫn còn đang ở công trường nào…”

Làm thợ hồ cực lắm, Luân kể, lương còn bèo nhèo hơn hát hò nhiều.

Dàn âm thanh và cái xe cà tàng hai đứa chạy vốn là của ông chủ lò kẹo trang bị cho chàng. Mỗi đêm bán được bao nhiêu cây về ăn chia với ổng. Còn lại mình bỏ túi.

Lúc nghe Luân lân la ngỏ ý muốn theo xe kẹo kéo, chàng cười:

“Chú chỉ cần hát hay, hát khỏe, và “chai mặt” nữa, là đủ!”

Luân hát khá tốt, ngay lần đầu “thử giọng”.

“Ừ, công nhận. Chú mà đi làm thợ hồ thì phí quá!”

Cả hai thành lập “ban nhạc” từ ấy.

Mười một giờ khuya, cơn mưa rào bất chợt phủ lên dàn âm thanh phía sau. Hai “ca sĩ” chới với, hốt hoảng.

“Tấp lại, tấp lại chú. Hư hết bây giờ!”

Luân đánh xe trú dưới tán cây xòe rộng ven đường. Nước vẫn không thôi rỉ vào.

Chàng nhảy xuống, với lấy cái áo mưa ni-lông bọc kín lại.

“Kẹo ướt hết luôn rồi anh…”

Luân chìa ra mấy cây kẹo mềm oặt đã bị nước thấm qua lớp bao kiếng bên ngoài.

Vậy là hết bán.

Hai thằng từ đầu đến chân ướt như chuột lột, run lẩy bẩy vuốt mặt cho mưa khỏi vào mắt.

“Hắt xì!”

“Bữa nay ngày gì xui ghê!”

“Xui thiệt. Lâu lâu cũng có một ngày…”

Chàng ngồi xổm xuống gốc cây, tiu nghỉu.

Luân lấy trong túi điếu thuốc, định châm lửa hai anh em hút cho đỡ lạnh. Vừa sờ vào mới nhận ra nó cũng đã ướt nhẹp.

“Ôi! Chán quá!”

“Xịch vô đây chú, cảm lạnh là mai chết đói.”

Trầm ngâm nhìn mưa rơi nặng hạt không ngớt, Luân thở dài:

“Nhớ nhà quá anh ơi…”

Nó làm như chỉ mình nó nhớ vậy.

Chàng xoa hai tay vào nhau, ngẩng đầu lên nhìn đám lá cây trên đầu. Nước đọng trên cành nhểu xuống chỗ hai thằng ngồi, chẳng biết tránh vào đâu. Tự nhiên nghe Luân ca:

… Đêm đêm ngửi mùi hương, mùi hoa sứ nhà nàng. Hương nồng hoa tình ái đậm đà ngày đó gọi tên. Nhà nàng cách gần bên, giàn hoa xứ ranh vườn. Nhìn sang trộm nhớ thương thầm mơ ngày mai lứa đôi…

Chàng theo phản xạ “ca sĩ”, tiếp giọng liền:

… Hôm qua mẹ bảo tôi nhờ hoa sứ nhà nàng ướp trà thơm đãi khách. Họ hàng cô bác đều khen. Nhờ nàng hái giùm tôi màu hoa thắm chưa tàn, nụ hoa còn giữ nhụy vàng, chắc nàng hiểu tình tôi…

Có mấy bài “tủ”, ngày nào hai anh em cũng tranh thủ lôi ra “luyện giọng”, trước lúc “chạy xô” ban tối. Hồi đầu Luân hát còn “cứng” lắm, chưa ra được cái tình của lời ca. Nhưng càng ngày giọng nó càng “thấm”, chàng nghe mà cứ tủi tủi, mủi lòng buồn da diết.

“Chú tiến bộ nhanh ghê. Thành tài rồi đó. Hát để tâm vô bài vậy khách mới thích!”

“Tại em buồn thiệt mà anh…”

Bộ chỉ mình nó biết buồn sao?

Tạnh mưa. Hai anh em lại leo lên xe. Chết men! Cái xe cà tàng đạp mãi không chịu nổ. Luân hì hục một hồi, mồ hôi nhễ nhại:

“Chắc vô nước rồi… Xui!”

 Thôi đành dắt xe cuốc bộ. Biết đâu tìm được chỗ sửa còn làm giờ này, nhờ người ta chùi bu-gi cho…

*

Một giờ hơn mới về tới phòng, hai thằng lăn ra nền nhà, mệt muốn xỉu.

“Chưa ngủ vội chú, ăn hết kẹo đi nè!”

“Ăn gì nổi trời…” - Luân le lưỡi.

Xé bao, chàng cho thanh kẹo vào miệng nhai. Dai nhách.

Đúng là dai như kẹo kéo.

Cả hai móc túi lấy số tiền kiếm được hôm nay gom xuống đất. Toàn tờ một nghìn, hai nghìn nhàu nhĩ, lâu lại lẫn mấy đồng năm trăm.

“Được nhiêu anh?”

Chàng cặm cụi đếm từng tờ. Năm, mười,… mười lăm…

“Ba chục nghìn…”

“Đếm kỹ chưa? Có sót tờ nào không?”

Lục qua tìm lại dưới nền nhà một lúc, chàng lắc đầu:

“Hết!”

Luân thừ người. Mùa mưa đến rồi. Cứ đà này…

“Thôi ăn kẹo đi. Còn quá trời luôn!”

Chìa đống kẹo thừa không ăn chỉ còn biết vứt đi cho Luân, chàng nằm vật xuống đất, mắt đăm đăm lên cái đèn nê-ông tờ mờ của phòng trọ.

“Luân…”

“Sao anh?”

“Sau này anh em ta nổi tiếng, bà con mua an-bum tụi mình anh sẽ khuyến mãi tặng một…”

“Em biết rồi, cái này hả?”

Luân lột bao ni-lông bọc thanh kẹo trắng dài ra, vẫy vẫy. Xong cho vào miệng cắn ngon lành.

Chàng cười:

“Ừ, đúng…”

“Vậy mới là “hàng độc”, anh ha!”

Mắt chàng tối dần.

Ngủ đi, mệt lắm rồi. Ngày mai sẽ thôi mịt mù mưa gió như đêm nay.

Tác giả: Lưu Quang Minh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Cùng một tác giả

Xem tiếp 


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây