Khúc dạ cổ

Thứ ba - 26/06/2012 03:09 4.088 0
"Từ là từ phu tướng /  Báo kiếm sắc phong lên đàng / Vào ra luống trông tin nhạn/ Năm canh mơ màng / Trông luống trông tin chàng/ Ôi gan vàng quặn đau ứ ư...".

Khi chiếc phà rồ máy đạp nước ùng ục rời bến Bình Minh qua bến Cần Thơ thì hai người hát rong bán vé số lại bắt đầu công việc. Ông lão mù già xọm đen đúa, tóc bạc loe hoe ôm cây đờn ghi-ta phím lõm trầy trụa được quàng qua vai bằng cọng dây dù nhỏ xíu xám xịt, bước chậm chạp theo đứa con gái chừng mười ba tuổi, đeo lủng lẳng cái giỏ đệm dựng "dàn" dụng cụ hành nghề, vừa ca vừa mời khách mua vé số. Cả hai người ốm nhách, xanh xao, yếu ớt như không thể chở nổi bộ quần áo duy nhất cũ xì, đắp vá chằng chịt những miếng vải đủ mầu, đủ cỡ.

Từ lúc bước lên phà anh đã chú ý đến họ. Không phải họ nghèo khổ hoặc dị hợm khác người. Không phải con bé ca hay, ông lão đờn giỏi. Cũng không phải sự hòa quyện một cách tài tình, không lạc điệu đó đã nhận chìm cái ồn ào, náo nhiệt giữa tiếng máy, tiếng xe, tiếng rao hàng của người bán rong và cả tiếng sóng ì oạp đập vô thân phà... Mà anh ngạc nhiên bởi lời dạ cổ được cất lên bằng giọng non nớt, nức nở của con bé có đôi mắt buồn thăm thẳm kia đã cùng tiếng đờn réo rắt rất quen làm kỷ niệm đau đáu, quắt quay hơn mười lăm năm chưa ngủ trong anh sống dậy hừng hực. Chuyện xưa bỗng quay về hiện hữu trước mặt...

*

Vinh tỉnh dậy thì trời tối như mực. Nằm im lặng anh cố moi óc hình dung lại cuộc chạm trán với bọn biệt kích ngụy quyền Sài Gòn cắm ở "vùng trắng". Đang lúc làm nhiệm vụ yểm trợ cho đồng đội rút lui, thì một viên đạn xuyên vào đùi, Vinh ngã quỵ. Thằng Hưng quay lại đòi cõng nhưng Vinh không chịu, đẩy nó về phía sau: "Hãy tổ chức cho anh em rút lui an toàn". Hưng lao đi, Vinh chạy tạt qua ruộng cỏ lác. Một viên đạn xé gió o o găm vô vai phải, Vinh nảy lên rồi gục xuống... Bây giờ thì khát nước chưa từng thấy, cổ họng rát nạt, nóng hổi như bị chà xuống cát dưới nắng trưa nóng bức. Hai con mắt đờ đẫn cố mở bự hết cỡ như muốn lộn ngược, như muốn đứng tròng cũng không xuyên thủng đêm đen đặc sệt để định hướng rằng đang ở đâu trên bãi cỏ lác nhàu nát ẩm ướt này. Trên trời là khoảng mù mù u u không có một ngôi sao, cũng có thể tại trời cao quá nên Vinh không thấy! Xung quanh vô vàn tiếng của bao nhiêu loại côn trùng hùa nhau tấu lên khúc trường ca trong đêm vắng. Lúc thì ồn ào dữ dội như xé mây, nổ đất. Lúc râm ran tỉ tê như đưa hồn người về cõi tiên; Bất chợt Vinh giật mình, dỏng tai tập trung nghe ngóng. Trong đêm hè khuya lắc, giọng ca hòa theo tiếng đờn của ai đó vọng tới. Vinh nghiêng người định ngồi dậy, cảm thấy mình mẩy rã rời, ê ẩm. Vết thương bị động đau điếng, khủng khiếp. Cái nhức buốt chạy khắp cơ thể như xé Vinh ra thành trăm miếng. Vinh nằm xuống, rờ nhẹ lên đùi. Một lỗ tầy huầy lồ lộ ra khỏi lỗ quần rách dính chặt vô da. Thớ thịt bự bằng ngón giò cái sắp rớt xuống. Vinh nhét vô, nó lại lòi ra, nhúc nhích. Trời ơi! Con đỉa!

Lâu lắm Vinh mới ngóc đầu lên khỏi đám lác trước mặt. Đằng kia, vài giọt sáng chơi vơi, đỏ lòm, nhỏ xíu như con đom đóm đứng yên. Một cơn gió ùa qua giúp Vinh xác định rõ hơn giọng ca nữ qua bài dạ cổ. Vinh đoán, có lẽ đó là xóm nhà dân. Lòng mừng thầm, cố dồn hết sức lực cạn kiệt còn lại lết thiệt nhanh mà sao chậm như rùa về phía ấy, xa hay gần Vinh cũng không thể đoán được khoảng cách là bao nhiêu. Máu bắt đầu chảy ra trên vùng thịt bị thương bầy nhầy, hôi hám. Cái đói bắt đầu cào ruột. Cái khát đang kéo giãn cổ họng tưởng như nó sắp bự bằng cái ống bọng. Mồ hôi tuôn ra như tắm. Trời vẫn tối. Muỗi mòng vẫn bám theo châm chích. Tiếng côn trùng như cười cợt, chọc ghẹo khi thấy Vinh dừng lại thở dốc rồi tiếp tục kéo tấm thân gần như bất toại đi để thỏa mãn sự điều khiển của chút hy vọng mong manh, biết có gặp may hay vô tìm nộp mạng cho giặc? Dẫu vậy, Vinh vẫn tin rằng tiếng đờn ai oán và giọng ca thánh thót kia không phải của kẻ cầm dao cầm súng. Vinh như bị giọng ca thôi miên, tiếng đờn dẫn bước, quên đói khát, mệt mỏi, đau đớn, bò lạch phạch xích lại gần nó.

"Từ là từ phu tướng

Báo kiếm sắc phong lên đàng

Vào ra luống trông tin nhạn, năm canh mơ màng

Trông luống trông tin chàng, ôi gan vàng quặn đau ứ ư...".

Vinh đã nghe bài dạ cổ rõ hơn, phân biệt được tiếng đờn và nhịp gõ song lang. Vinh đã dòm thấy ánh sáng nghiêng ngửa từ cây đèn mù u leo lét cháy trong ngôi nhà lá lụp sụp. Vinh đếm được ba người đang ngồi trên bộ ngựa thấp xiệp để giữa nhà. Và, tay Vinh đụng vô ngách cửa sau. Rồi, Vinh không còn nghe giọng ca nữa, chỉ loáng thoáng tiếng đờn đệm lời kê hoảng hốt: "Má ơi!" Tất cả bỗng chìm dần, mất tăm...

*


- Anh bộ đội ơi, tới bờ rồi.

Anh giật mình dụi dụi mắt, dáo dác dòm quanh. Phà vắng hoe, không còn một người khách nào ngoài anh. Trên cầu phà, luồng xe nối đuôi nhau chạy xuống.

- Anh Hoàng nè! (Anh thấy tên anh bảo vệ trật tự trên phù hiệu đeo trước ngực). Anh có biết hai người hát rong, bán vé số lúc nãy ở đâu không?

- Ông Tư Cò hả? Về rồi. Nghe nói ổng ở đâu dưới bến Ninh Kiều ớ.

Tư Cò? Trời ơi! Anh choáng váng, xây xẩm mặt mày, cố trấn tĩnh vịn lan can phà, run run hỏi:

- Anh biết quê ổng hông?

- Hình như... là xóm Bưng. Anh quen ổng hả? Ngày nào hai ông cháu cũng ra đây bám theo phà, hay mai anh lại hỏi ổng thử coi.

Đúng rồi. Tư Cò. Cháu. Tiếng đờn và bài dạ cổ. Ôi! Cám ơn! Cám ơn chuyến công tác. Cám ơn chiếc phà. Cám ơn anh Hoàng. Cám ơn...

*

Suốt nửa tháng trời Vinh nằm dưới hầm cạnh cây trâm bầu già khoảng cách nhà bác Tư Cò không đầy mười thước. Đây là cái hầm bác đào riêng cho Vinh vừa trị vết thương, vừa tránh tai mắt bọn thám báo. Hầm rộng, có thể nằm được. Ban ngày Vinh chui xuống hầm, tới giờ cơm thì Én lén lút bưng ra cho Vinh cũng có khi bác gái. Ban đêm thì đợi khi tiếng đờn bác Tư gảy lên là báo hiệu an toàn. Vinh mới được ra khỏi hầm, thoát khỏi cái ngột ngạt, hít lấy khí trời ngọt ngào thoang thoảng đồng quê.

Vinh chưa gặp được bác trai lần nào cả, hình như bác không cho Vinh gặp thì phải. Những gì Vinh biết đều qua Én kể. Cả nhà bác sinh ra và lớn lên tại đây, là một gia đình "ở giữa" trong "vùng trắng" này. Hai bác chỉ có Én là con độc nhất. Cô gái tuổi mười tám mang nét đẹp miệt vườn: tóc dài, da bánh mật, dáng vóc cân đối, mạnh mẽ, đặc biệt là ca rất hay. Vì vậy mà xã trưởng Nghị lé mắt viện cớ qua học đờn, vì bác Tư đờn rất hay, nổi tiếng trong vùng. Có lần hắn bẹo má Én bị bác Tư cho một bạt tai nổ lửa. "Đồ chó chết! Mày mà đụng tới con gái tao là tao báo Việt cộng làm thịt mày". Hắn tiu ngỉu, lỉnh lỉnh như heo ăn gà, nhưng lòng hắn ấm ức lắm.

Nhà Én nghèo, được vài công ruộng nên làm không đủ ăn. Đã vậy, khi thì vừa xả giống xong bị pháo bắn, hất tung lên, lúc lúa mới trỗ đòng bị máy bay bỏ bom xăng cháy trụi. Nước mắt người nông dân trào ra trộn lẫn vị phù sa của đất.

Vinh nhớ lần tỉnh lại thấy mình nằm cạnh Én trong căn hầm nhỏ, tối thui. Vinh giật nảy lên khi lần đầu tiên trong đời thằng con trai hai mươi tuổi chạm phải thịt da nóng hổi của con gái. Dòm lại bộ bà ba đen luộm thuộm thay bộ quân phục, Vinh mắc cỡ cứng người. "Ba mẹ ơi! Vậy là... tiêu rồi". Đến lúc Én thay băng, rửa cồn vết thương cho Vinh, Vinh không dám cụ cựa cũng không dám nhìn thẳng Én, sợ vành môi đỏ thắm kia hé nụ cười đầy ngụ ý thì chắc Vinh chết mất! Rồi cũng quen dần. Rồi mến Én hồi nào không biết. Vinh thương đôi mắt buồn thăm thẳm của Én. Vinh yêu giọng ca của Én qua bài dạ cổ. Và Vinh tạc dạ ghi lòng sự chăm sóc, cứu chữa của Én, của gia đình. Mặc dù, vết thương chỉ ở phần mềm nhưng Vinh coi như gia đình Én đã sinh Vinh ra một lần nữa. Vinh biết Én cũng có tình, có ý với mình, tuy Én không nói nhưng cử chỉ, hành động và cái nhìn kia đã minh chứng. Một lần Vinh giả bộ hỏi: "Én ra đây buổi tối không sợ bác rầy sao?". "Ba kêu em đi mà. Ba sợ anh Vinh buồn". "Nếu bác không kêu thì Én đâu có đi hả?". "Vô duyên! Vậy em về ca cải lương cho lão Nghị nghe hen?". "Không! Anh xin lỗi. Anh chỉ giỡn thôi mà!".

Hôm kia, Én ngập ngừng hỏi Vinh: "Quê anh Vinh ở đâu vậy!". "Chợ Gạo". "Ở đó chắc hổng sợ đói hả?". Vinh chạnh lòng nghĩ đến gia cảnh của Én: Vậy mà phần cơm của Vinh ngày nào cũng đầy thịt cá. "Sao anh Vinh không trả lời?". "Ờ... ờ... Chợ Gạo là tên huyện của tỉnh Định Tường". "Xa dữ! Mà... hồi... trước khi đi bộ đội anh Vinh... có người yêu chưa?". "Chưa. Nhưng vô bộ đội mới có". Dưới ánh trăng đầu tháng, Én cụp mi xuống, tay mân mê vạt áo. "Chắc... chị ấy đẹp lắm hả?". "Ừa, đẹp lắm! Lại ca cải lương rất hay, nhất là bài dạ cổ: “Từ là từ phu tướng, báo kiếm sắc phong lên đàng...". Mắt Én long lanh: "Xạo!".

Đêm nay chia tay gia đình Én. Trăng mười bốn lên tới ngọn trâm bầu mà Én vẫn ngồi bên Vinh cúi mặt im lặng, để tiếng côn trùng hòa tấu bài đưa tiễn nghe buồn da diết. Vinh lặng chìm trong hương đất phất lên đậu trên mùi sả từ mái tóc của Én.

- Sao Én không nói gì hết trơn vậy?

Én ngước lên, hai dòng nước mắt lăn trên má.

- Anh Vinh bắt được liên lạc với đơn vị có gần đây hông?

- Xa lắm. Mà, sao Én khóc?

- Em sợ dọc đường vết thương anh Vinh lại đau.

Tay Én run run trong tay Vinh. Bờ vai Én giật từng cơn theo tiếng nấc.

- Hết chiến tranh, anh Vinh có vô đây hông?

- Có chớ. Anh sẽ dẫn Én về Chợ Gạo. Ở đó không sợ đói!

Én ngã vô lòng Vinh. Không gian bỗng dưng thu hẹp lại cho đôi môi mấp máy tìm nhau. Vầng trăng tròn vành vạnh thẹn thùng giấu mặt vô đám mây để hai trái tim cùng nhịp đập...

*

Mặt trời khuất sau tòa nhà cao tầng của thành phố, nhanh nhẩu chạy trốn mảnh trăng đầu tháng đang nhô dần lên khỏi đọt cây phía bên kia cù lao. Ánh sáng huyền ảo phủ xuống những đề lục bình tím rịm bông hờ hững trôi theo dòng nước êm. Lâu lâu, sông lại gợn lên từng đợt sóng bởi những mái chèo về muộn, vội vã. Hàng loạt ghe buôn bự nhỏ, đò dọc đò ngang đủ kiểu đậu san sát cặp mé sông. Vừa dòm xuống từng chiếc ghe, chiếc xuồng kiếm người lạ mà quen, xa xôi mà ruột thịt, bên tai Vinh dội về tiếng của bà con "vùng trắng", những thông tin khác nhau về gia đình én thì biết đâu là giả là thiệt.

Đi mỏi. Ngồi xuống. Lại đứng dậy đi tiếp, bao nhiêu lần anh cũng không nhớ. Miệng cứ lầm rầm: "Bác Tư ơi! Én ơi. Mười lăm năm thằng Vinh rong ruổi đi tìm khắp hang cùng ngõ hẻm để rồi thất vọng gặm nhấm nỗi chờ mong khắc khoải nhưng không thể ngủ yên qua một đêm ngắn ngủi để đợi tới sáng mai. Nó vẫn trân trọng tấm lòng cao cả của bác, vẫn chung thủy với lời hẹn cùng Én và trách nhiệm với những gì nó làm. Một chút hy vọng nhỏ nhoi cũng hóa tường thành để nó tựa lưng...".

Từ giữa sông, một chiếc xuồng tam bản bơi nhè nhẹ vô bờ. Dưới tấm rèm đóng bằng lá dừa dựng hai bên be, cái đèn bão yếu ớt không soi rõ mặt người. Xuồng dừng lại cột dây vô chiếc đò. Và một lời ca quen thuộc cất lên day dứt:

“Từ là từ phu tướng

Báo kiếm sác phong lên đàng...”

Vinh thảng thốt, quýnh quáng phóng lên mui đò, chạy nhanh lại phía chiếc xuồng như sợ nó biến mất.

- Bác Tư!

- Ai vậy? - Một giọng nói lạnh lùng.

Anh ngồi sững trước mũi xuồng đang lắc lư, khẳm mẹt, nắm chặt tay bác Tư:

- Bác Tư, con là thằng Vinh bị thương hồi mùa hè năm 1972 được bác cứu sống đây.

Bác Tư quơ quơ tay trong khoảng không rồi bác để lên vai anh. Từng ngón tay xương xẩu lần mò cặp quân hàm, miệng lẩm bẩm:

- Bị thương? Một. Hai. Ba. Bốn. Đại úy!

Bỗng bác Tư sợ hãi lùi vô khoang xuồng chắp tay hì hục lạy:

- Bộ đội ơi! Đừng bắt tội tui, đừng bắt tội thằng Nghị khốn khổ này.

- Hả? Ông là xã... xã trưởng Nghị?

*

- Đối với những cô gái khác thì một khi tui muốn là tui chiếm đoạt được liền, nhưng với Én thì tui không thể làm như vậy. Tui yêu Én. Tui chỉ muốn cưới Én. Mặc dù ông bà Tư không chấp nhận tui với lý do là Én đã có chồng! Tui không tin nên vẫn nuôi hy vọng là ông sẽ thay đổi. Lúc đó, bụng Én ngày càng bự lên. Tui điên tiết. Mẹ kiếp! Con gái trong vùng quản lý của tui lại có bầu với thằng khác. Tui chờ khi Én đẻ xong, giao con cho ông bà Tư, tui bắt Én về làm vợ. Nhưng Én chưa kịp sinh thì trong một lần tui dẫn lính quận đi càn, Việt Cộng bắn tui bị thương nên phải về nằm nhà. Tôi buồn thúi ruột hết biết. Ông Tư thì vui vẻ. Thời gian này tui thuộc thêm nhiều ngón đờn của ông.

- ...

- Sinh con được đâu mười ngày thì bà Tư cùng Én bơi xuồng ra chợ huyện. Khi qua trạm ngã ba ông Sông Hữu, bọn lính kêu ghé xuồng lại cho xét, hai người không chịu lại bơi đi nhanh hơn. Bọn lính nghĩ chắc hai người tiếp tế cho Việt cộng nên giơ súng bắn. Bà Tư với Én chết ngay trên xuồng.

- …

- Bọn lính kéo xuồng vô bờ. Thì ra trong mớ tã lót của con, Én giấu một xấp giấy tờ dày cộm của Việt Cộng. Trước giải phóng một tuần, ông Tư bị bệnh rồi chết. Nghe lời ông Tư, sau khi lành vết thương, tui không làm xã trưởng nữa mà chỉ học ca, học đờn.

- …

- Trước khi nhắm mắt, ông nói với tui: "Có rất nhiều người đờn hay, nhưng ngón đờn của bác không giống họ. Bác đã dạy cho mày - Chỉ một mình mày thôi - Nghĩa là bác đã nhận mày làm đệ tử. Nghe tiếng đờn, bác biết mày không phải là đứa thiệt xấu. Mày hãy cố gắng nuôi con Lượm dùm bác. Sau này kiếm bộ đội Vinh trả nó về với ba nó". Và, tui đã hứa. Sau giải phóng tui sợ người ta bắt đi cải tạo, nên bỏ xóm trốn lên đây. Lúc nào tui cũng ám ảnh sợ họ kiếm tui, họ giết tui để trả thù, vì vậy nên tui đã dại dột tự hủy mắt để mọi người không nhìn ra xã trưởng Nghị. Từ đó, tui lang thang đi ăn xin bằng tên và tiếng đờn của ông Tư. Khi con Lượm được năm tuổi tui dạy nó ca bài dạ cổ. Hàng ngày, nó dẫn tui xuống phà hát rong bán vé số. Ban đêm nó đi bán một mình. Nó không biết tui là ai. Tui sống với hy vọng rằng sẽ có một ngày cậu và Lượm gặp nhau để tui hoàn thành lời hứa với thầy Tư Cò. Ai ngờ hôm nay nhờ có bài dạ cổ mà cha con cậu gặp được nhau thiệt! Ôi, thầy Tư Cò quả thiệt là linh...

Không biết anh đã khóc từ bao giờ! Mười lăm năm qua đi. Mười lăm năm chiến đấu, cầm súng giữ nước mình rồi nước bạn, anh chưa một lần gục ngã cũng chưa thấy mình hoàn toàn suy sụp như lúc này.

Gió từ cù lao thổi qua mang theo một điều rất lạ, mơ hồ mà như thiệt: Có phải gia đình bác Tư đã xui khiến cho anh gặp Lượm không?

- Ông Nghị nè! Tui khuyên ông nên về xóm Bưng một lần để tạ tội những việc ông làm trước đây. Tui tin là bà con sẽ tha thứ cho ông.

- Cậu không giỡn với tui chứ?

Từ trong hai hố mắt sâu hoắm của lão Nghị, nước ứa ra, đọng thành giọt chảy dài xuống đôi gò má nhăn nheo đang cố nhô cao lên như để chứa đựng tất cả sự sung sướng, niềm hạnh phúc to lớn tột cùng. Giọng lão run run:

- Cám ơn... cậu Vinh! Cám ơn...! Nhưng tui xin cậu cho tui một ân huệ nhỏ.

- Ông cứ nói thử coi.

- Rằng... cậu đừng nói cho con Lượm biết tui là ai. Nếu có thể thì chỉ là một đệ tử của ông Tư Cò. Người đã bất đắc dĩ truyền lại cho tui ngón đờn độc huyền và bài dạ cổ. Thỉnh thoảng, cậu cho tôi tới thăm con Lượm...

*

Phà Cần Thơ vẫn ngày đêm lặng lẽ đưa khách qua đôi bờ sông Hậu.

Trên một chiếc phà có ông già mù ngồi nép mình vô thành phà như muốn giấu đi thân hình ốm tong teo sau cái thau nhỏ xíu, móp méo đựng mấy tờ bạc lẻ. Ông gảy lên tiếng đờn réo rắt đệm giọng ca khàn khàn, ồ ồ, đứt quãng.

"Từ là từ... phu tướng
Báo kiếm sắc... phong lên đàng
Vào ra luống… trông tin nhạn!"...

Tác giả: Hồ Kiên Giang

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Cùng một tác giả

Xem tiếp 


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây